- Tác giả,Hannah Ritchie
- ,BBC News, Sydney
Thủ tướng Úc Anthony Albanese và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ thảo luận tại Bắc Kinh nhằm giảm bớt căng thẳng đã kéo dài nhiều năm qua.
Đến Thượng Hải vào hôm thứ Bảy, ông Albanese là nhà lãnh đạo Australia đầu tiên đến thăm Trung Quốc kể từ năm 2016.
Chuyến thăm được coi là thời điểm then chốt làm tan băng mối quan hệ sau một loạt tranh chấp thương mại và an ninh giữa hai quốc gia.
Thương mại sẽ đứng đầu chương trình nghị sự – ông Albanese đang kêu gọi dỡ bỏ thuế quan của Trung Quốc đối với hàng hóa Úc.
Ông Tập được trông đợi là sẽ yêu cầu quyền tiếp cận nhiều hơn vào các lĩnh vực quan trọng của Australia.
“Điều tôi đã nói, đó là chúng tôi cần hợp tác với Trung Quốc ở những nơi chúng tôi có thể, không đồng ý ở những nơi chúng tôi không thể đồng ý, và giao kết (engage) vì lợi ích quốc gia của chúng tôi”, ông Albanese nói với các phóng viên ở Bắc Kinh hôm thứ Hai, trước khi gặp ông Tập.
Chuyến đi của ông diễn ra sau khi quan hệ ngoại giao của hai nước đóng băng trầm trọng vì nhiều lý do, trong đó có việc Úc kêu gọi điều tra nguồn gốc Covid-19 và việc Bắc Kinh áp lệnh trừng phạt kinh tế đối với các mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Úc như thịt bò, rượu vang và lúa mạch.
Chuyến công du cũng trùng với dịp kỷ niệm 50 năm chuyến thăm mang tính biểu tượng của Gough Whitlam tới Trung Quốc gặp Mao Trạch Đông năm 1973, đánh dấu chuyến đi đầu tiên của một thủ tướng Australia sau khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao.
Khi được các phóng viên hỏi liệu Úc có thể “tin tưởng” Trung Quốc hay không, ông Albanese cho biết những cam kết trước đây của ông với ông Tập là “tích cực” và “mang tính xây dựng”.
“Nhưng chúng tôi cũng nhận ra rằng chúng tôi có những hệ thống chính trị khác nhau, những giá trị rất khác nhau phát sinh từ những hệ thống đó, và lịch sử khác nhau. Nhưng chúng tôi đối xử với nhau dựa trên giá trị bề mặt của những thứ đó.”
Tuy nhiên, một danh sách các điểm vướng mắc và những quan ngại an ninh sẽ giữ trọng tâm trong các cuộc thảo luận hôm thứ Hai.
Cây viết người Úc Yang Hengjun – người được cho là sức khỏe đang sa sút nhanh chóng – đã bị giam ở Trung Quốc với tội danh gián điệp kể từ năm 2019, và ông Albanese đang phải đối mặt với áp lực tại quê nhà trong việc làm sao để ông Hengjun được trả tự do.
Mối quan hệ quân sự ngày càng tăng của Canberra với Washington và việc cải tổ gần đây trong hướng phòng thủ của nước này – được nhiều người coi là nhằm đối phó Trung Quốc – có thể khiến hai bên khó tìm được điểm chung bên ngoài các lợi ích kinh tế, các phân tích gia đánh giá.
Một số chuyên gia dự đoán Bắc Kinh có thể thúc đẩy khả năng tiếp cận nhiều hơn với các nguồn tài nguyên và lĩnh vực năng lượng tái tạo của Australia, nhưng trong những năm gần đây, chính phủ Úc đã thực hiện các biện pháp nhằm ngăn cản quyền sở hữu của Trung Quốc đối với các dự án khai thác và khoáng sản quan trọng.
Leave a Reply