Nhiều báo số ra hôm nay, 29/12/2023, quan tâm đến cuộc bầu cử tổng thống Nga, dự trù diễn ra vào tháng Ba năm sau. Mặc dù phải đối mặt với ít nhất 16 ứng viên khác, nhưng kết quả dường như đã được báo trước : Người thắng cử không ai khác ngoài Vladimir Putin.
Đăng ngày:
Le Figaro điểm lại những gì mà tổng thống Nga Vladimir Putin đã làm được trong năm nay, từ kinh tế, ngoại giao đến tình hình chiến sự. Dù đối mặt với các lệnh trừng phạt quốc tế liên tiếp, kinh tế Nga vẫn trụ vững và thậm chí còn đạt được những kết quả tích cực, ngoài dự đoán. Trên phương diện ngoại giao, Putin cũng hài lòng khi chứng kiến sự chia rẽ giữa các nước Liên Hiệp Châu Âu trong việc xem xét đơn xin gia nhập của Kiev hay các viện trợ nhỏ giọt của phương Tây dành cho Ukraina. Chiến tranh Gaza nổ ra hồi tháng 10 cũng làm lu mờ đi cuộc chiến tại Ukraina và làm suy yếu khả năng viện trợ của Hoa Kỳ. Cuộc chiến mà điện Kremlin gọi là “chiến dịch quân sự đặc biệt” cũng đạt được nhiều kết quả khi Matxcơva “gặm nhấm” được lãnh thổ của Ukraina còn các cuộc phản công của đối thủ thì gặp thất bại.
Cận kề những ngày cuối năm, báo chí Pháp đã đưa ra nhiều nhận định cho cuộc bầu cử tổng thống Nga diễn ra vào năm tới. Phần xã luận của báo thiên hữu Le Figaro trích lời Putin, nêu lý do ông ra ứng cử cho nhiệm kỳ tổng thống thứ năm vì “không còn lựa chọn khả dĩ nào khác”. Theo tờ báo này, kể từ khi cải cách Hiến Pháp vào năm 2020, Putin có thể tại vị từ giờ cho đến năm 2036, tức là khi ông 84 tuổi. Người đứng đầu điện Kremlin vì vậy đã đặt ra mục tiêu dài hạn nhằm xây dựng một nước Nga “tự chủ”, “tự cung tự cấp” để chống lại một thế giới “thù địch” bên ngoài.
Nhưng ông Putin cũng sẽ phải đối mặt với một vài ứng cử viên khác. Theo Le Figaro, tính đến tối qua đã có 16 người nộp đơn ứng cử với những hồ sơ lý lịch “đáng ngạc nhiên”. Đơn cử như trường hợp của ông Leonid Sloutski, ứng cử viên của đảng Dân chủ Tự do Nga. Ông Sloutski cũng nhiều lần từng bị cáo buộc vì tội tham nhũng hay tấn công tình dục, và chính bản thân ông cũng không mong muốn đánh bại Putin.
Cũng liên quan đến cuộc chạy đua vào điện Kremlin, xã luận của nhật báo Công giáo La Croix lại khai thác một vấn đề khác. Dưới hàng tựa : “Vào tù hay bị trục xuất”, tờ báo này giải thích lý do vì sao các cuộc đàn áp ngày càng gia tăng ngay trước thềm cuộc bầu cử tổng thống. Với những hành vi như “đọc thơ chống lại cuộc xung đột tại Ukraina”, “thay thế bảng giá trong siêu thị bằng những thông điệp phản đối cuộc chiến tại Ukraina” nhiều người đã phải đối mặt với án tù từ 5-7 năm. Tờ báo nhận định lý do của các cuộc đàn áp này là để bảo đảm “không có bất kỳ tiếng nói (đối lập) nào xuất hiện trước cuộc bầu cử vào tháng Ba tới”.
Le Figaro cho rằng “cuộc bầu cử với kết quả đã được định sẵn”. Hơn nữa, giả thuyết về việc cựu tổng thống Donald Trump trở lại chính trường sẽ là “một món quà tuyệt vời” dành cho Nga khi mà “Hoa Kỳ giờ sẽ chỉ tập trung vào những vấn đề nội bộ và cuộc đối đầu với Trung Quốc”, tờ báo dẫn lời nhà nghiên cứu chính trị Alexei Naoumov. Ông cũng giải thích thêm : “Mong muốn ngăn cản Nga xích lại gần với Trung Quốc sẽ khiến Washington không có những động thái quá khiêu khích Nga.”
Giấc mơ trở lại Gaza của những người định cư Do Thái
Về thời sự Trung Đông, cuộc chiến giữa Israel và Hamas vẫn là chủ đề khiến các báo tốn nhiều giấy mực. Trong một bài với tựa đề “Giấc mơ trở lại Gaza của những người định cư Do Thái”, Le Monde cho biết nhiều người Israel đã buộc phải sơ tán khỏi Gaza từ năm 2005 đang mong muốn quay trở lại dải đất này. Với một số người, Gaza được so sánh như đảo Hawaii của Hoa Kỳ với các bãi biển dài và những địa điểm mua sắm. Một số khác thì lưu luyến với những gì họ đã xây dựng ở đó từ những năm 1980, trường học, thư viện, bệnh xá… Phóng sự của Le Monde chỉ ra rằng nhiều người trong số hơn 500 gia đình đã phải di tản khỏi Gaza sau cuộc xung đột 2005, đã đăng ký tình nguyện quay trở lại đó “ngay khi có thể”. Họ tổ chức các cuộc họp, thảo luận về kế hoạch tái định cư.
Hãng bất động sản Israel Harey Zahav rao bán dự án nhà ở tại Gaza
Le Monde cũng nhắc lại bài đăng của hãng bất động sản Israel Harey Zahav, rao bán các dự án nhà ở Gaza, được xây dựng ngay trên các khu chung cư bị bom đạn phá hủy, gây tranh cãi trên mạng xã hội. Tại Israel, tổ chức Nachala, chuyên thiết lập các khu định cư Do Thái, dự trù tổ chức một cuộc biểu tình vào cuối tháng Giêng để kêu gọi tái thiết các khu định cư ở Gaza. Mặc dù thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu khẳng định rằng việc đưa người Israel đến định cư ở Gaza là điều “không tưởng” sau chiến tranh, nhưng thăm dò chỉ ra rằng 44 % người dân Israel ủng hộ ý tưởng này.
Trong một bài đăng khác, Le Monde đưa độc giả vào trong hệ thống đường hầm chằng chịt được xây dựng ở Gaza. Theo nhật báo Pháp, Hamas từ lâu đã chuẩn bị cho cuộc chiến dưới lòng đất. Lối vào của đường hầm chỉ cách bức tường thành bảo vệ của Israel, 400 mét, vốn được cho là kiên cố, nghiêm ngặt nhất thế giới. Cũng chính tại nơi đây, những chiến binh Hamas đã vượt tường, xâm nhập vào lãnh thổ Israel, tấn công binh lính và thường dân, khiến hơn 1000 người thiệt mạng, và bắt giữ nhiều con tin. Quân đội Israel cho biết người anh của lãnh đạo nhóm Hồi giáo Hamas, Mohamed, là người cho xây dựng hệ thống đường hầm này dài hàng trăm km, có nơi sâu đến 60 mét, nhiều khu vực được lắp đặt cửa kiên cố, có nơi ô tô có thể chạy qua cùng với nhiều gian hầm chứa đạn dược vũ khí…
Nhật báo cũng khẳng định không một quốc gia nào trên thế giới có công nghệ tiên tiến để có thể phát hiện hệ thống đường hầm này từ xa và quân đội Israel cũng chỉ mới khám phá ra cách nay vài tuần khi thực hiện chiến dịch trên bộ vào vùng Gaza. Le Monde trích dẫn một báo cáo của quân đội Hoa Kỳ, nhận định rằng quân đội Israel trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”. Nếu không phá hủy được hệ thống đường hầm này thì Israel sẽ vẫn có nguy cơ bị xâm nhập một lần nữa. Thế nhưng để truy dấu vết phá hủy cái bẫy dưới lòng đất mà Hamas dành 20 năm để xây dựng thì Israel sẽ phải kéo dài cuộc xung đột.
Nếu như Les Echos đề cập đến tình hình tại biên giới giữa Israel và Liban, mô tả cuộc xung đột leo thang giữa quân đội Israel và nhóm Hồi giáo do Iran hậu thuẫn, ủng hộ Hamas thì báo Libération quan tâm đến cuộc biểu tình của gần 50 người trẻ Israel trước căn cứ quân sự Tel HaShomer, gần Tel-Aviv. Họ ủng hộ hòa bình, phản đối chiến tranh và chiến dịch quân sự của Israel tại Gaza. Một số người đã từ chối tòng quân hoặc các chương trình học quân sự, dù có bị ảnh hưởng đến lựa chọn nghề nghiệp tương lai hay phải lãnh án tù. Nhật báo cánh tả cho rằng dù chỉ chiếm số ít nhưng hành động của những người trẻ này cho thấy sự thay đổi trong tư tưởng của thế hệ trẻ Israel về cuộc xung đột hiện nay.
Cải cách tại Achentina
Nhìn sang châu Mỹ, nhiều báo quan tâm đến vị tân tổng thống của Achentina, Javier Milei, mới nhậm chức cách nay vài tuần. Cả Libération, Les Echos và Le Monde đều nêu ra các biện pháp cực đoan mà ông Milei đã đưa ra trong chương trình tranh cử, cải cách kinh tế, hệ thống giáo dục, cũng như quy cách bầu cử. Một trong những biện pháp gây sốc mà Javier Milei đưa ra là phá giá đồng peso hơn 50 %, để khiến nền kinh tế năng động hơn, giảm chi tiêu công, nhất là các hỗ trợ trong lĩnh vực giao thông cũng như năng lượng. Theo Les Echos, điều này khiến giá cả tiếp tục tăng chóng mặt, nhưng Milei bảo đảm rằng 6 tháng đầu nhiệm kỳ của ông sẽ khiến mọi người khó khăn, nhưng sẽ thu được thành quả sau đó.
Theo Libération, các biện pháp được xem như “một cuộc cách mạng bảo thủ và độc tài”, khi muốn tư nhân hóa nhiều doanh nghiệp Nhà nước, tăng thời gian thử việc, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi muốn sa thải nhân viên, nới lỏng quy định về giá thuê nhà. Chính phủ của Milei cũng đề xuất hạn chế các quyền tổ chức biểu tình, thậm chí bỏ tù những nhà hoạt động xã hội nếu họ dựng rào chặn đường trong các cuộc biểu tình.
Tuy nhiên để thông qua các cải cách này, Javier Milei cần phải được Quốc Hội phê duyệt, nhất là khi vị tân tổng thống không nắm đa số. Tân lãnh đạo Achentina cũng đã thông báo nếu các cải cách của ông bị Quốc Hội bác bỏ, thì sẽ tổ chức trưng cầu dân ý để thông qua. Libération kết luận rằng tại một đất nước mà tỷ lệ lạm phát lên đến hơn 160 % trong vòng một năm, tỷ lệ đói nghèo trên 40 %, “cú sốc tự do” từ các chính sách của tân tổng thống có thể gây ra một thảm họa xã hội.
Các cải cách gồm hơn 600 điều luật dài 183 trang đã được gửi đến Quốc Hội Achentina hôm thứ Tư vừa qua, vào lúc mà những người biểu tình phản đối chính phủ dần rời khỏi thủ đô nước này. Các tổ chức công đoàn tiếp tục kêu gọi tổ chức một cuộc đại biểu tình tại Buenos Aires để bày tỏ phản đối vào ngày 21/01/2024.
Pháp : Làm sao cân bằng giữa vấn đề nhập cư và tinh thần nhân đạo
Về thời sự nước Pháp, trở lại với luật nhập cư, dù đã được thông qua từ vài tuần trước, nhưng đây hiện vẫn là một chủ đề được nhiều báo Pháp chú ý. Nhật báo cánh tả Libération đã đưa ra quan điểm về những thiếu sót của bộ luật này. Tờ báo nhận định nước Pháp sợ người nhập cư nhưng đồng thời nước Pháp cũng cần họ, đặc biệt là những người lao động nước ngoài, những người sẵn sàng làm các công việc “nặng nhọc nhất mà rất ít người bản xứ muốn làm”.
Vậy tại sao vấn đề nhập cư lại gây nhiều lo ngại như vậy ? Libération đặt câu hỏi. Vì chính phủ Pháp thiếu những quy định hiệu quả : thiếu đầu tư xây dựng nhà ở cho người lao động, thiếu thể chế giúp người nhập cư hoà nhập xã hội, thiếu các trung tâm tạm giữ hành chính, v.v. Và tất cả những thiếu sót này đều dẫn tới một hệ quả : biến nhập cư hợp pháp thành nhập cư bất hợp pháp. Tờ báo này cũng nhấn mạnh, chính điều đó lại càng gây thêm nhiều lo ngại và rồi khiến chính phủ đưa ra các điều luật ngày càng “cứng rắn hơn mà lại thiếu thực tiễn hơn”.
Vấn đề nhập cư cần được đặt song song với một vấn đề khác : vấn đề nhân đạo. Những người lao động nước ngoài, vốn đã phải sống trong điều kiện bấp bênh, nếu giờ lại bị tước đi những khoản trợ cấp cũng như cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc cơ bản, như luật mới đã đưa ra, thì liệu tình hình có khả quan hơn không? Theo tờ báo, để giải quyết được những vấn đề còn tồn đọng, chính phủ cần phải dung hoà được tình trạng nhập cư với tinh thần nhân đạo, thay vì chỉ tính toán về tài chính. Cụ thể, Libération đưa ra một vài việc cần làm như : tạo điều kiện đón tiếp người nước ngoài tốt hơn, thay đổi cái nhìn tiêu cực của người dân trong nước về những người nước ngoài, giúp họ được đoàn tụ gia đình, vv…
2023, bước ngoặt lịch sử trong quan hệ Nhật – Hàn
Nhìn sang châu Á, La Croix điểm lại sự kiện đáng chú ý trong năm 2023 trong quan hệ Nhật Hàn khi hai nước quyết định giảng hòa vào tháng Năm vừa qua, giải quyết những bất đồng trong quá khứ chiến tranh. Cụ thể, quan hệ giữa hai nước không mấy tốt đẹp, nhất là trong giai đoạn Hàn Quốc bị Nhật Bản chiếm đóng. Nhiều vụ việc khiến nhiều người dân Hàn Quốc bị ám ảnh trong chiến tranh, nhất là vụ hơn 200 000 phụ nữ, chủ yếu là người Hàn, bị quân đội Nhật bắt giữ, hãm hiếp, trở thành nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật. Về chủ đề này, hai bên đã tìm được giải pháp vào năm 2015 thông qua hình thức bồi thường tài chính. Trong bối cảnh địa chính trị, hai nước từng là “kẻ thù không đội trời chung” đã thực hiện cuộc giảng hòa mang tính lịch sử, để cùng nhau xây dựng một mặt trận đoàn kết, dưới sự thúc đẩy của Hoa Kỳ, nhằm chống lại mối đe dọa hạt nhân từ Bắc Triều Tiên và những tham vọng quân sự của Trung Quốc trong khu vực.
Vẫn về thời sự châu Á, nếu như Le Monde nói đến bẫy nợ mà Trung Quốc giăng ra trong dự án “Con đường tơ lụa” nhưng các con nợ – chủ yếu các nước đang phát triển, thu nhập thấp, khó có khả năng hoàn trả, khiến Trung Quốc có nguy cơ “gậy ông đập lưng ông”, thì Les Echos đề cập đến chiến thắng của Bắc Kinh tại Hồng Kông.
Les Echos coi 2023 là năm đánh dấu sự suy tàn của nền dân chủ tại đặc khu hành chính. Trong bối cảnh phiên tòa xét xử nhà sáng lập Apple Daily, Lê Trí Anh (Jimmy Lai) mở ra cách nay hai tuần, một trong những đảng đối lập tại Hồng Kông, đảng Dân sự, còn được gọi là đảng của các vị luật sư vì nhiều người làm trong lĩnh vực tư pháp đã tuyên bố giải tán. Từ khi Bắc Kinh áp đặt Luật an ninh vào năm 2020, nhiều thành viên trong đảng đã bị truy tố hoặc bỏ tù. Trả lời hãng tin AFP, lãnh đạo của đảng, Alain Leong cho biết thời thế đã thay đổi và hiện thực chính trị đã dẫn đến quyết định này. (RFI)
Leave a Reply