TS: Bao năm đã trôi qua như một thoáng mây bay, với tuổi đời chồng chất và mái tóc đã ngã mầu sương khói . Ký ức của một thời chinh chiến giờ đây lập loè như những ánh mắt hoả châu . Mơ ước thật nhiều tưởng chừng như vô hạn nhưng cuối đời ngậm ngùi tìm lại chẳng có là bao . Đây là một câu chuyện có thật nhưng chẳng may ngày tháng, danh xưng, địa danh và tên người cũng phai mờ theo năm tháng . Nếu có điều chi sơ sót, kính mong quý độc giả niệm tình tha thứ cho.
Thành thật cám ơn NT Lê Văn Sùng và Phi Vân 5, Nguyễn Văn Bé đã cho biết thêm chi tiết về ngày tháng cũng như tên của Phi Hành Đoàn đã vị quốc vong thân tại phía Nam Sầm Giang. Hoa Tiêu là Th/U Liêu Văn Điều, Quan Sát Viên là Đ/U Nguyễn Ngọc Đạm, thuộc PĐ 116. Cả hai đang làm việc với Sư Đoàn 7 Bộ Binh, trong lúc xuống thấp để quan sát công sự và hầm hố của địch đã bị trúng đạn đại liên, phi cơ rớt liền tại chỗ.
Phi đoàn tôi có bốn phi đội nhưng lúc nào cũng có một phi đội được đi phép nên chỉ có ba phi đội túc trực để tham dự những cuộc hành quân ở vùng IV chiến thuật mà thôi . Mỗi phi đội sau khi về phép, ngày đầu tiên đi bay lại sẽ đảm nhiệm những phi vụ có ưu tiên 1, ngày hôm sau sẽ là 2, và rồi là 3, 4 và 5 . Có nghĩa là đi bay 5 ngày, gồm cả trực bay đêm sẽ đuợc nghỉ 2 ngày . Nếu chọn nghỉ ở Saigon, sẽ có trực thăng đưa đón, những phi hành đoàn mà quê quán ở vùng IV thì phải tự túc hoặc xin đi quá giang những phi cơ trực thăng khác có phi vụ bay ngang quê nhà mình . Nếu quê nhà ở vùng ngoài thì nghỉ ngơi tại chỗ.
Hình như đây là sự sắp xếp có từ thời cố Chuẩn Tướng Ánh để các phi hành đoàn Trực Thăng có đủ thời gian nghỉ dưỡng sức sau những ngày bay hành quân dài đăng đẳng . Bay trực thăng thời chinh chiến là phải làm cho hết việc chứ không có giờ giấc ấn định gì cả . Thường thì những đơn vị Bộ Binh xử dụng trực thăng ít khi nào cho về sớm . Sáu giờ sáng, Sĩ Quan Trực đánh thức dậy đi bay, chiều về đến phi trường lúc 7, 8 giờ tối là chuyện bình thường .Ưu tiên từ 1 tới 4 là bay hành quân với hợp đoàn, mỗi hợp đoàn thường có ít nhất 1 trực thăng C&C (Control and Command), 3 trực thăng võ trang và 6 trực thăng để chở quân, tiếp tế v.v…
Ưu tiên 5 thường là những phi vụ bay một mình, có thể là bay biệt phái cho tiểu khu, chi khu, trực bay Rescue v.v… ngày hôm sau xuống ca sẽ được nghỉ 2 ngày.
Hôm ấy là ngày 26 tháng 1 năm 1973, hôm sau là ngày ký Hiệp Định Paris. Tôi được cắt bay làm hoa tiêu phụ cùng trực phi vụ Rescue với Tr/U Các từ 6 giờ sáng đến 6 giờ chiều . Phi vụ Rescue tương đối nhàn hạ vì chỉ khi nào có phi cơ bị rớt ở vùng IV thì Phi Hành Đoàn (PHĐ) Rescue mới phải cất cánh lên vùng và bằng bất cứ giá nào cũng phải bốc PHĐ lâm nạn (còn sống hay đã tử trận) về căn cứ theo truyền thống “KQ không bỏ anh em, không bỏ bạn bè . Có một vài trường hợp đã xảy ra khi chiếc Rescue vào vùng cũng bị bắn rớt luôn …Bộ Binh Hoa Kỳ vừa chuyển giao cho căn cứ tôi một chiếc Rescue sơn mầu trắng tinh, trang bị đầy đủ dụng cụ cho những phi vụ rescue, nhất là hai dấu Hồng Thập Tự thật lớn mầu đỏ tươi sơn hai bên cửa.
Lúc đầu, những phi công mới về nước được vài tháng đến khoảng 1 năm như tôi đều dành nhau đi bay để lấy giờ và học hỏi kinh nghiệm chiến trường của những phi công đàn anh trong phi đoàn . Chúng tôi là thành phần “điếc không sợ súng” vì khi hợp đoàn vào bãi đáp để đổ quân bị bắn tả tơi, chúng tôi có nghe gì đâu vẻ mặt vẫn bình thản, đôi khi lại nở một nụ cười ngớ ngẩn trong lúc mặt của trưởng phi cơ thì tái mét.
Có độ vài trăm giờ bay, “điếc bắt đầu nghe được tiếng súng”, nhất là khi đạn trúng vào thân tầu nghe “lụp bụp” . Thời điểm đó SA7 (hoả tiễn tầm nhiệt) được biết đến nhiều hơn trên khắp các chiến trường ở miền Nam Việt Nam, tất cả trực thăng của Bộ Binh Hoa Kỳ đều được gắn thêm “ống vố” (loa che hoặc giảm nhiệt) vào ống thoát nhiệt .
Đi bay hành quân chung với những phi đoàn của Bộ Binh Hoa Kỳ, chúng tôi nhìn những chiếc trực thăng có “ống vố” của họ một cách ganh tỵ nhưng cũng mong là “ống vố” sẽ sớm được trang bị cho tất cả những phi đoàn trực thăng của KQVNCH.
Dù biết “Nhân sinh từ cổ thuỳ vô tử” nhưng phàm là con người ai cũng sợ chết . Bản thân tôi, hai cảm nghĩ “sợ” và “không sợ” đối đầu nhau từng ngày, từng giờ . “Sợ” thì làm được gì, mỗi sáng cũng vẫn phải thức dậy sớm đi bay, làm sao mình có thể né tránh được “hòn tên mũi đạn”, mà lỡ có trúng đạn chưa chắc đã bị thương, mà bị thương chưa chắc đã chết …thôi thì phó mặc cho Trời, từ nay “không sợ” nữa …
Cả ngày PHD trực Rescue cứ “ngồi chơi xơi nước”, hết ra lại vào, đọc sách, đánh cờ v.v…chỉ mong cho xuống ca là về tắm rửa, ra phố du dương …
Khoảng 4:30 chiều, chuông điện thoại reng dồn dập, PHĐ Rescue sợ xanh mặt (lại “sợ” nữa) . Hành Quân Chiến Cuộc báo:
“Có một chiếc L-19 vừa bị bắn rớt ở Sầm Giang, PHĐ cất cánh lên vùng gấp, liên lạc Paddy (danh hiệu của đài Kiểm Báo Không Lưu vùng IV Chiến Thuật) để lấy thêm chi tiết và toạ độ”.
Năm phút sau, chúng tôi đã cất cánh và bay thẳng về hướng Chi Khu Sầm Giang (Ba Dừa). Những địa danh nổi tiếng nguy hiểm như Sầm Giang, Kinh Bà Bèo, Mỹ phước Tây, Cai Lậy, Cái Bè, Ấp Bắc v.v… chúng tôi đều biết nên phải rất cẩn thận
. Tôi đổi sang tần số Paddy :
– “Paddy, đây Mekong, cất cánh 5 phút đi Sầm Giang, xin bạn cho biết chi tiết và toạ độ”
– “Mekong, đây Paddy, Bộ Binh báo L-19 down phía Nam Sầm Giang, không có toạ độ chính xác – sẽ báo khi có thêm chi tiết”
– “Paddy, đây Mekong, khi đến sẽ làm holding về hướng Nam của Sầm Giang trên sông Tiền Giang, sẽ liên lạc với bạn sau”
Trời đã về chiều, những tia nắng le lói còn lại trong ngày như đang giãy chết trên những mảnh ruộng xanh mướt đến tận chân trời, khói lam chiều bốc lên từ những mái tranh xa tít tạo thành một bức hoạ đồng quê tuyệt đẹp làm thổn thức lòng kẻ thi nhân . Con sông Tiền vẫn ngàn đời lặng lẽ trôi ra biển, con trâu già vẫn cặm cụi bên bờ ruộng, không một lời than oán .Chẳng ai biết hoặc để ý gì đến tính mạng của PHĐ lâm nạn ngoại trừ những người đồng đội giờ đang cố gắng tìm kiếm họ .
– “Paddy, đây Mekong, holding phía Nam Sam Giang chờ lệnh . Không có dấu vết gì của PHĐ lâm nạn” . Tr/u Các báo cáo với Paddy .
– “Mekong, đây Paddy, cố gắng quan sát đi bạn – lệnh của Chuẩn Tướng Tần là bằng mọi giá phải cứu PHĐ lâm nạn về – sống hay chết – over” .
– “Paddy, đây Mekong, 5/5 – sẽ liên lạc sau” .
Mười phút sau, vòng holding của chiếc Rescue lớn dần vào sâu trong bờ Nam của Sầm Giang . Bốn cặp mắt của chúng tôi như muốn xuyên thủng cảnh vật chung quanh một địa điểm tưởng tượng nào đó về phía Nam của Chi Khu Sầm Giang . Mặt Trời xuống thấp dần …thấp dần, làm sao chúng tôi có thể xuống cứu PHĐ lâm nạn trong đêm tối ?
– “Ồ !ồ! Hình như có ánh sáng từ dưới chiếu lên hướng 4 giờ” . Tiếng người Cơ Phi mừng rỡ vang lên trong intercome .
Làm thêm một vòng nữa sâu hơn vào bờ Nam với cao độ khoảng 1500 bộ . Và lần này quả thực chúng tôi đều thấy có ánh sáng ở dưới chiếu lên .
Tr/u Các mừng rỡ gọi Paddy :
– “Paddy, đây Mekong, chúng tôi thấy có ánh sáng ở dưới chiếu lên – có lẽ là kiếng trong Survival Kit của PHĐ còn sống sót ở dưới đất – báo cáo chờ lệnh – over”
Độ khoảng 5 phút sau …Paddy gọi lại:
– “Mekong, đây Paddy …Trời gần tối rồi bạn có cần Gunship không? Lệnh Chuẩn Tướng Tần là bằng mọi giá phải cứu PHĐ lâm nạn, trưởng phi cơ quyết định – over”
Tr/U Các đăm chiêu hỏi tôi:
– “Ông nghĩ sao? Trời tối rồi, chờ Gunship lên sợ không kịp, thôi chắc mình xuống đại cho rồi”
– “Tôi cũng nghĩ như anh, chắc không sao đâu”. Tôi trả lời thật nhanh vì nóng lòng muốn cứu những người bạn đồng đội .
– “Paddy, đây Mekong, tôi sẽ xuống thử xem sao, bạn request gunship chuẩn bị sẵn sàng khi cần”. Tr/u Các dặn dò Paddy .
– “Ông cầm hờ cần lái với tôi, lỡ có chuyện gì ông còn đỡ kịp . Tôi sẽ xuống low-level từ Đông Nam lên Tây Bắc . Lúc ra 180 độ, low-level cho tới gần bờ sông sẽ múc lên hết cỡ “. Tr/U Các cho tôi biết chi tiết về đường vào và ra.
Từ trên cao nhìn xuống, từ Nam lên Bắc, địa hình này giống như một chữ “U” ngược mà chỗ chúng tôi thấy ánh sáng của kiếng chiếu là gần đáy chữ “U”. Ba mặt của chữ “U” ngược là ba hàng cây tuy không cao lắm nhưng có vẻ rậm rạp, đáy của chữ “U” ngược này độ khoảng ba trăm thước bề ngang và hai cạnh kia khá dài khoảng ba cây số . Hướng trống trải duy nhất là trục Nam/Bắc từ bờ sông Tiền Giang .
– “Paddy, đây Mekong, bây giờ tôi bắt đầu xuống …”. Tr/U Các thông báo với Paddy lần cuối …
Từ 1500 bộ , chiếc trực thăng sơn mầu tang trắng nhào xuống như một con ó đang chuẩn bị vồ mồi, chỉ trong tíc tắc tôi đã thấy những mảng cỏ xanh mướt vùn vụt biến mất sát dưới chân mình . Tr/U Các cố gắng bay giống hình chữ “chi” để tránh đạn nhưng vẫn dán mắt về hướng có ánh sáng của kiếng chiếu lúc nãy .
Bất chợt trước mắt chúng tôi cách khoảng 300 thước, phần đuôi của chiếc L-19 nhô lên rõ ràng giữa ruộng . Vừa mừng, vừa lo nhưng tại sao không thấy PHĐ đâu cả ? Vậy thì ai chiếu kiếng ? Có lẽ chúng tôi đã bị địch lừa? Chỉ trong tíc tắc với bao nhiêu câu hỏi xoay vòng mà không có câu trả lời…
Không ai bảo ai nhưng nhìn đầu chiếc phi cơ cắm sâu xuống ruộng như vậy, PHĐ có lẽ khó mà sống sót.
Còn khoảng 200 … rồi 100 thước… khoảng cách vừa đủ để chúng tôi có thể nhìn thấy một người mặc đồ bay mầu xám nằm úp mặt xuống ruộng…dường như bất động…có lẽ đã chết…
Và đúng giây phút đó… đạn AK nổ vang rền như pháo Tết từ ba mặt của chữ “U” ngược định mệnh này .
Tôi nghe những tiếng lụp bụp khô khan, chắc chắn là tầu đã bị trúng đạn nhưng không biết chắc ở đâu thôi, có lẽ ở đằng sau đuôi.
– “Chết mẹ”. Tiếng Tr/U Các hét trong intercom .
Tôi tưởng Tr/U Các bị trúng đạn nên ghì cần lái chặt hơn nhưng anh đã nhanh nhẹn quẹo gắt 180 độ để bay ra hướng bờ sông . Chiếc tầu vẫn lướt nhanh sát đất, tất cả đồng hồ phi cụ ở phần xanh an toàn, không nghe tiếng báo động trong helmet .
Khi lấy đủ cao độ an toàn khoảng 1500 bộ trên bờ sông Tiền Giang, chúng tôi kiểm soát lại tất cả các phi kế, may mắn thay chúng vẫn ở mức an toàn.
– “Mọi người an toàn hết? Có ai bị gì không?” Tr/U Các lo lắng hỏi.
Sau khi biết tình trạng của PHĐ và phi cơ, Tr/U Các liên lạc Paddy:
– “Paddy đây Mekong, chúng tôi bị heavy ground fire từ ba phía khi cách địa điểm phi cơ lâm nạn khoảng 100 thước – over”
– “Mekong đây Paddy, PHĐ của Mekong ra sao? Tình trạng phi cơ vẫn còn bay được? – over” Paddy hỏi.
– “Paddy đây Mekong, có lẽ trúng vài viên ở sau đuôi, PHĐ OK, mọi phi kế vẫn ở mức an toàn – over”. Tr/u Các trả lời.
– “Mekong đây Paddy, tình trạng của PHĐ lâm nạn ra sao ?- over” Paddy hỏi.
– “Paddy đây Mekong, theo như chúng tôi nhìn thấy PHĐ lâm nạn chắc không còn ai sống sót. Thấy một người mặc đồ bay xám nằm úp mặt bất động cách chỗ chiếc L-19 cắm sâu xuống ruộng khoảng 20 thước. Chúng muốn lừa để bắn rớt chiếc Rescue – over”. Tr/U Các thận trọng trả lời.
– “Mekong đây Paddy, bạn giữ tầng số, sẽ liên lạc Hành Quân Chiến Cuộc(HQCC) và gọi lại cho bạn ngay – over” . Paddy dặn dò.
Buổi chiều xuống thấp hơn, chúng tôi kiên nhẫn làm vòng holding phía bờ Nam của Sầm Giang chờ lệnh .
Khoảng 5 phút sau…
– “Mekong đây Paddy, HQCC gởi 2 chiếc Gunship của PD217 lên cover bạn vào pick up xác của PHĐ tử nạn về bằng mọi giá. Đây là lệnh của Ch/T Tần. Hai chiếc Gunship đã cất cánh được 5 phút rồi, bạn liên lạc qua tầng số nhà – over”. Paddy trả lời ngắn và gọn.
– “Paddy đây Mekong, 5/5 liên lạc với Hỏa Điểu qua tầng số nhà – over”.
Vừa đổi sang tầng số VHF nhà, tôi đã nghe tiếng Tr/U Huy(lead gunship) trên tầng số.
– “Mekong đây 31, ETA(estimated time of arrival) 10 phút, bạn cho biết chi tiết về target, địch và bạn ra sao để gunship có thể escort bạn ra vào một cách an toàn, Trời đã tối rồi – over”. Giọng Tr/u Huy đầy vẻ lo lắng.
Sau khi Tr/U Các báo cáo cặn kẽ mọi chi tiết về địa hình, vị trí của địch và vị trí xác của PHĐ tử nạn. Chúng tôi quyết định là hai chiếc gunship sẽ xuống trước giữ khoảng 500 bộ, giữ vòng tròn nhỏ để bảo vệ cho nhau, dùng minigun bắn vào những rặng cây bao quanh chỗ phi cơ lâm nạn.
Trong lúc đó chiếc Rescue sẽ bay sát mặt ruộng từ Đông Nam lên Tây Bắc, đáp càng gần vị trí PHĐ tử nạn càng tốt, quay ngang hoặc quay 180 độ để khi lấy được xác sẽ chúi đầu lấy vận tốc tối đa (speed-over-attitude) rồi múc ngược bay ra phía bờ sông Tiền Giang.
Hai chiếc gunship sẽ bay theo chiếc Rescue và tiếp tục bắn vào những hàng cây rậm rạp ở hai bên.
Hai người Cơ Phi và Y Tá Phi Hành sẽ phải nhẩy xuống ruộng và kéo xác PHĐ tử nạn lên phi cơ.
Mặc dầu chúng tôi đã bàn tính kỹ lưỡng không thiếu một chi tiết nào nhưng “mưu sự tại nhân” mà “thành sự tại Thiên”. Không ai nói với ai một lời nào nhưng chắc chắn nỗi lo âu đều giống nhau.
Từ nãy đến giờ, bọn địch đã có đủ thời giờ chuẩn bị cho round 2 vì bọn chúng có thể nhìn thấy chúng tôi vẫn bay vòng vòng ở trên Trời.
Chúng tôi nghe Tr/U Huy liên lạc và báo cáo với Paddy về chi tiết yểm trợ cũng như lấy xác của PHĐ tử nạn ra”. Vài phút sau HQCC cho chúng tôi green light và chúc chúng tôi may mắn.
“Mọi người có câu hỏi gì không? Khi Gunship xuống, khoảng 30 giây sau là mình sẽ xuống theo”. Tiếng Tr/u Các trong intercom.
– “32, Mekong đây 31, mọi người sẵn sàng? 32 theo 31 xuống bây giờ, Mekong chờ 20 giây- over”. Tiếng Tr/u Huy dặn dò lần chót.
Hai chiếc gunship chúi xuống như hai con Ó bắt mồi, chỉ trong một thoáng đã xuống bờ sông bắt đầu của chữ U ngược . Tôi cầm hờ cần lái với Tr/U Các…và chiếc Rescue chúi xuống như một mũi tên bay sát mặt ruộng, chỉ trong một tíc tắc thật mơ hồ, chiếc Rescue đã gần như ở dưới bụng hai chiếc gunship.
Độ chừng 500 thước đến chỗ chiếc L-19 rớt, tôi bắt đầu nghe thấy tiếng Minigun hú lên từng hồi thăm chừng vào hai hàng cây ở bên hông chúng tôi.
Càng đến gần, tiếng Minigun càng trở nên hung bạo hơn…sẵng sàng chơi xả láng với đich quân.
Rồi 300, 200…rồi 100 thước rồi…Tiếng Minigun trở thành điên cuồng bất tận…Hai chiếc Gunship gào thét trên đầu chúng tôi, thật là khó mà có thể phân biệt được tiếng súng nổ của Gunship và của địch trong một khung cảnh hỗn loạn như bây giờ.
Thỉnh thoảng tôi thấy những vệt đạn bắn quá hay hết tầm tạo thành những bọt nước văng lên khỏi mặt ruộng trước mũi hoặc bên hông phi cơ trên đường vào. Chắc chắn là đạn địch vì Gunship chỉ bắn vào những hàng cây 3 mặt của chữ “U” ngược như đã đồng ý từ trước.
Đúng là một phi công đầy kinh nghiệm chiến trường trong những lần đổ quân với hợp đoàn. Từ 120 knots sát mặt đất, Tr/u Các giựt ngược cần lái, “bơm” collective pitch và đạp hai pedals một cách thiện nghệ…con ngựa bất kham phải thần phục người chủ và ngừng hẳn , đầu quay ngang gần 180 độ như đã dự tính …
Nhanh như cắt, người Cơ phi và Y Tá Phi Hành đã nhẩy ra khỏi phi cơ và lội bì bõm về chỗ người mặc đồ bay xám nằm úp mặt xuống ruộng. Nhờ có hai chiếc Gunship quần thảo trên đầu mà lòng chúng tôi ấm hơn vì chúng tôi “không bỏ anh em, không bỏ bạn bè” .
Chiếc Rescue to lớn, cồng kềnh với hai phi công ngồi bên trong và đang nằm bất động, trống trải giữa ruộng, hai PHĐ đang ì ạch lội dưới ruộng là một mục tiêu quá dễ dàng cho những địch quân đang núp trong những bụi cây rậm rạp. Chúng tôi sợ nhất là B-40 vì vị trí phi cơ quá gần với những hàng cây chung quanh.
Mặc dù hai chiếc Gunship đang cố gắng hết sức để bảo vệ chúng tôi nhưng những vệt đạn quá hay hết tầm vẫn tạo nên những cột nước văng tung tóe chung quanh chiếc Rescue. Chúng tôi gồng mình ngồi yên đó để chờ…và để chờ…thôi thì cầu Trời cho đạn tránh mình…
Tất cả chỉ diễn ra trong vòng vài phút mà chúng tôi có cảm tưởng như là lâu lắm …
Nhờ Ơn Trên, cuối cùng xác của PHĐ tử nạn cũng được kéo lên đặt giữa lòng tầu. Tr/u Các kéo hết Collective Pitch, chúi đầu bay sát mặt ruộng, lấy vận tốc tôi đa rồi múc ngược lên cao bỏ lại sau lưng hai chiếc Gunship và những tiếng đạn thưa dần theo sau…
Chỉ độ một phút sau, hai chiếc Gunship cũng an toàn rời vùng theo chiếc Rescue.
– “Paddy đây Mekong”
– “Mekong đây Paddy, nghe bạn 5/5- over “
– “Paddy đây Mekong, phi vụ hoàn tất, đã lấy được xác, rời vùng với hai Gunship, nhờ check với HQCC để đáp ở đâu – over”. Tr/u Các báo cáo với Paddy.
Khoảng 2 phút sau, Paddy gọi lại.
– “Mekong đây Paddy, HQCC muốn bạn đáp ở dưới chân Bình Thủy Tower, sẽ có xe Cứu Thương chờ sẵn – over “
Trời đã về chiều, một đêm thật buồn không trăng sao, rải rác đâu đây lấp lánh ánh đèn tỉnh nhỏ như những con đom đóm đang bay lơ lửng trong đêm. Tr/U Các đã quá mệt mỏi nên giao cần lái cho tôi bay về Cần Thơ. Hít một hơi dài, điếu thuốc Capstan như đốt phỏng môi tôi, chất nhựa của thuốc cho tôi một cảm giác dễ chịu nhưng cũng mang máng một chút gì cay đắng…
Cuộc đời của một người lính trong thời chinh chiến quả thật rất ngắn ngủi. Đã hơn một năm đi bay hành quân, hầu như ngày nào tôi cũng thấy xác của những ngưòi lính chiến đền nợ nước. “Chết là hết”, đơn sơ, giản dị với câu nói đó nhưng thật sự niềm thương tiếc của những người ở lại sẽ không bao giờ hết, không bao giờ nguôi ngoai.
Tôi quay lại nhìn xác của người “đàn anh” (Đại Úy Đạm), chung mầu cờ sắc áo với tôi, anh nằm đó với giấc mơ dài. Trong những giây phút kinh hoàng cuối cùng trước khi phi cơ đâm xuống đất, anh đã nghĩ gì? Anh có đủ thời giờ để sợ nữa không ? Anh có biết là anh sẽ chết không ?
Anh nằm nghiêng úp mặt xuống sàn tàu, mặt anh dính bê bết bùn, giầy vớ, súng đạn cá nhân, tiền bạc, đồng hồ (vệt da trắng trên cổ tay so với mầu da xạm năng của cánh tay) cho biết là bọn du kích đã lột anh sạch sẽ, chỉ còn chiếc áo lưới rỗng tuếch mặc trên người. Bọn chúng đã tìm ra chỗ chiếc L-19 rớt trước chúng tôi, kéo xác anh ra nằm giữa ruộng và chờ để bắn rớt chiếc Rescue.
Đang taxi về phía chân Tower Bình Thủy, tôi đã thấy một xe Cứu Thương, một xe Cứu Hỏa và một số khoảng chín, mười người mặc quân phục, lẫn lộn với một hai người đàn bà trong đó. Vừa đặt tàu xuống, một người thiếu phụ độ khoảng 30 tuổi trở lại, tóc bay tơi tả dưới sức mạnh của cánh quạt trực thăng, hất hải, vẻ mặt trông rất thiểu não chạy như bay đến ôm xác của người Sĩ Quan đang nằm trong lòng tàu…
Tiếng khóc, tiếng gào thét vật vã của người thiếu phụ mà giờ đây đã trở thành góa phụ làm tôi ứa lệ…bao năm đã trôi qua, dĩ vãng giờ chỉ là một chuỗi phôi pha, mờ ảo nhưng tôi vẫn nhớ mãi phi vụ này và…mắt tôi vẫn cay cay…
Vì xác của Th/U Điều còn kẹt trong phi cơ và phần đầu máy bị chôn sâu dưới đất nên chúng tôi không thể đem xác của anh về. Theo như lời kể lại, gia đình anh là một gia đình có tiếng tăm ở Mỹ Tho nên bọn du kích muốn đòi tiền chuộc. Chúng đào xác của anh lên, chặt đầu thi thể và cắm trên một cọc tre, bên dưới chúng có treo một tờ giấy như sau:
“Trực Thăng, Khu Trục thì tha
Bà Già Quan Sát lột da chặt đầu”
Phần thi thể còn lại, bọn chúng thả dưới sông nhưng canh gác thật kỹ không cho người nhà của Th/U Điều lại lấy xác. Vài ngày sau khi đã nhận tiền chuộc, người nhà của Th/U Điều lại lấy xác đem về chôn cất nhưng phần đầu của thi thể bọn chúng vẫn giữ lại để đòi thêm tiền chuộc. Cuối cùng thi thể của Th/U Điều đã được cải táng sau khi gia đình của anh chuộc được phần thi thể còn lại của Th/U Điều.
Mẹ đón con về cuối đường bay
Mờ trong sương khói dáng con gầy
Nợ nước tình nhà con đền đáp
Nghìn thu yên giấc hãy ngủ say…
Tiễn nhau ngàn dặm cũng chia phôi
Vĩnh biệt một câu ngỡ đủ rồi
Vạn lời chưa nói sao còn thiếu
Nhắn gió về anh cõi xa xôi…
Firebird24
Leave a Reply