Sự kiện ông Tập Cận Bình, tổng bí thư kiêm chủ tịch nước Trung Quốc, đến Hà Nội hai ngày 12 và 13 Tháng Mười Hai đang được giới quan sát chính trị bàn luận sôi nổi. Trên các mạng truyền thông toàn cầu, nhiều chuyên gia trong và ngoài Việt Nam đưa ra nhiều ý kiến đa dạng đáng chú ý.
Đây là chuyến thăm Việt Nam thứ ba của ông Tập trong vai trò người đứng đầu đảng và nhà nước, và trong chuyến thăm đầu tiên năm 2015, ông được Hà Nội đón tiếp trọng thị ở mức cao nhất, được chào mừng bằng 21 phát đại bác, được mời đọc diễn văn trước Quốc Hội và hội đàm với tất cả các chức sắc cao cấp nhất của đảng và chính phủ Việt Nam. Lần này, ông cũng sẽ được đón tiếp long trọng không kém trong bối cảnh cả Trung Quốc và Việt Nam đều cần phải siết chặt thêm nữa mối quan hệ để vượt qua nhiều khó khăn cả về đối nội và đối ngoại của cả hai nước. Đầu tháng này, ông Vương Nghị, chủ nhiệm Văn Phòng Đối Ngoại Trung Ương kiêm ngoại trưởng Trung Quốc, đến Hà Nội đồng chủ trì hội nghị Ủy Ban Chỉ Đạo Hợp Tác Song Phương Việt Nam-Trung Quốc và chuẩn bị cho chuyến đi của ông Tập, duyệt thông cáo chung mà lãnh đạo của hai đảng Cộng Sản, hai nước sẽ công bố vào cuối chuyến đi của ông Tập.
Có người cho rằng, chuyến đi Hà Nội của họ Tập chỉ là một nghi thức ngoại giao nhằm đáp lễ chuyến thăm Bắc Kinh của ông Nguyễn Phú Trọng, tổng bí thư đảng CSVN, cuối Tháng Mười năm ngoái.
Sự việc không đơn giản như vậy.
Từ khi ông Trọng đi Bắc Kinh về, trong một năm qua, chính sách ngoại giao của Việt Nam đã có những thay đổi quan trọng. Đó là nâng cấp quan hệ với Mỹ lên mức “đối tác chiến lược toàn diện” hồi Tháng Chín, và với Nhật hồi Tháng Mười Một. Nên để ý Mỹ và Nhật là hai thành viên chủ chốt của Bộ Tứ (QUAD). Trong Bộ Tứ đó thì Ấn Độ đã là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam từ lâu, nghĩa là ba trong bốn thành viên của QUAD đã là đối tác chiến lược toàn diện (bao gồm cả hợp tác về an ninh) của Việt Nam. Còn quan hệ Việt-Úc cũng sắp được nâng cấp như vậy. QUAD là một diễn đàn an ninh quan trọng của khu vực, tuy các nhà lãnh đạo QUAD nói họ không chống một quốc gia nào, nhưng ai cũng biết lý do ra đời và tồn tại của QUAD là nhằm kiềm chế Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Sự kiện Việt Nam nâng cấp quan hệ với QUAD tất nhiên làm cho Bắc Kinh hết sức khó chịu, nhất là khi các quan chức cao cấp của Mỹ cứ nói toạc móng heo là nâng cấp quan hệ với Việt Nam nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Trung Quốc và ổn định mạng lưới cung cấp.
Trong bối cảnh tranh giành địa chính trị căng thẳng như vậy, sự hiện diện của ông Tập tại Hà Nội có thể gửi đi nhiều thông điệp không chỉ cho nước chủ nhà mà cho cả các đối tác khác. Trong chuyến đi dọn đường hồi đầu tháng, ông Vương Nghị nói “Việt Nam cần hợp tác với Trung Quốc để xây dựng ‘cộng đồng chung vận mệnh.’” Căn cứ vào phát ngôn của ông Vương, các nhà phân tích nhận định, ông Tập đến Hà Nội với mục đích chính là buộc giới lãnh đạo Hà Nội phải tuyên bố công khai sự tham gia của Việt Nam vào sáng kiến “cộng đồng chung vận mệnh” – một chiến lược của đảng CSTQ nhằm ràng buộc các nước láng giềng vào con đường phát triển của Trung Quốc, thành một cộng đồng, chống lại ảnh hưởng của các thế lực bên ngoài. Hầu hết các nhà nghiên cứu đều cho rằng, Trung Quốc đưa ra “cộng đồng chung vận mệnh” đã lâu rồi, và đã có một số nước tham gia như Lào, Cambodia, Thái Lan, Miến Điện nhưng cho đến nay, Việt Nam vẫn tỏ ra thận trọng trước lời mời chào của Bắc Kinh.
Chưa ai biết “cộng đồng chung vận mệnh” có nghĩa là gì, có những nội dung cụ thể gì. Trên trang BBC tiếng Việt, học giả Alexander Vuving của Trung Tâm Đông Tây tại Hawaii ví nó như một cái bình không có rượu, quảng cáo rất hay rất đẹp nhưng không biết nó sẽ chứa rượu gì. Nhà nghiên cứu Nadege Rolland đã “giải mã” khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” của Bắc Kinh, vốn có từ thời ông Hồ Cẩm Đào, tiền nhiệm của ông Tập. Theo đó thứ nhất, các nước có thể hợp tác với nhau bất chấp những sự khác biệt lớn về chính trị, xã hội hay văn hóa. Thứ hai, nó áp dụng hầu hết cho Châu Á và các nước láng giềng của Trung Quốc. Và thứ ba, khái niệm này có cả thành phần kinh tế lẫn an ninh. Như vậy, có thể coi “cộng đồng chung vận mệnh” là một kiểu quan hệ ngoại giao như “đối tác chiến lược toàn diện” nhưng cao hơn, rộng hơn, “đi theo xu hướng thời đại, giữ định hướng đúng đắn, đoàn kết cùng nhau trong những lúc khó khăn,” tác giả Rolland viết trên The Asan Forum, được VOA Tiếng Việt dẫn lại.
Nhưng “cộng đồng chung vận mệnh” sẽ không khó hiểu nếu xem xét trong lịch sử và văn hóa chính trị Trung Quốc. Vua chúa Trung Hoa từ xưa đã coi mình là “thiên tử” có sứ mệnh cai quản “thiên hạ,” quốc hiệu của họ thể hiện quan niệm Trung Hoa là trung tâm văn minh, chung quanh chỉ là các xứ man di mọi rợ. Việt Nam bị gọi xách mé là “Nam man” mà Bắc triều phải khai hóa để “An Nam.” Cho đến khi bị văn minh phương Tây đánh cho lên bờ xuống ruộng vào đầu thế kỷ 19, các triều đại phong kiến Trung Hoa vẫn ngự trị một thế giới mà Trung Quốc là trung tâm, các nước chung quanh là chư hầu, định kỳ hằng năm, ba năm phải triều cống phẩm vật, vương tước phải “xin” hoàng đế Trung Hoa phong cho. Cái bệnh vĩ cuồng tự coi mình là trung tâm thế giới đã thấm trong xương cốt các nhà lãnh đạo Trung Quốc đời này sang đời khác. Khi ông Tập Cận Bình đưa ra “Trung Hoa Mộng” – xây dựng Trung Quốc thành cường quốc hàng đầu thế giới, và khi Trung Quốc phát triển thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới – thì cái tư tưởng bá quyền đó sống lại và khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” có thể không khác nhiều so với cái hệ thống “mẫu quốc – chư hầu” trong lịch sử Trung Hoa.
Cuộc cạnh tranh hiện thời giữa Mỹ và Trung Quốc càng thôi thúc Bắc Kinh biến khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh” thành hiện thực, làm đối trọng với chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Tự Do và Mở (FOIP) của Washington. Giống như Trương Nghi và Tô Tần ngày xưa dùng sách lược “hợp tung, liên hoành” để chống nhau, ngày nay khi Washington tích cực mở rộng mạng lưới đồng minh cùng chí hướng (like-minded) ở Châu Á thì Trung Quốc cần phải quy tụ vào một “cộng đồng” các đồng minh láng giềng để chống lại. Nhìn ở góc độ như vậy, có thể thấy ông Tập như một thuyết khách thời Chiến Quốc, uốn ba tấc lưỡi để chào mời một mặt trận chống Mỹ và chống cái trật tự thế giới do Mỹ dẫn dắt, núp dưới cái tên gọi mỹ miều “cộng đồng chung vận mệnh” dù trong bản chất, Trung Quốc sẽ không bao giờ đối xử bình đẳng hoặc tôn trọng vận mệnh của các đồng minh nhỏ hơn trong cái cộng đồng đẹp đẽ ấy.
Người Mỹ đã khá lạc quan sau khi hồi sinh được QUAD từ đống tro tàn, lập liên minh AUKUS bao gồm Mỹ, Anh và Úc, và có phần tự mãn khi thuyết phục được Việt Nam – một cựu thù – nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện “ngang hàng với Nga và Trung Quốc!” Nếu sắp tới giới lãnh đạo Cộng Sản Việt Nam tuyên bố gia nhập cái “cộng đồng chung vận mệnh” “Made in China” thì ông Tập sẽ có vị thế để chứng tỏ với Mỹ và phương Tây rằng, cuối cùng thì ở xứ Việt Nam, Bắc Kinh vẫn ngồi chiếu trên mà Mỹ, Nhật, và Ấn Độ không thể sánh ngang được, dù tất cả đều là “đối tác chiến lược toàn diện.” Điều đó cũng hàm ý rằng, hy vọng của Mỹ lôi kéo Việt Nam thành một đồng minh, một đối tác cùng ngăn chặn Trung Quốc chỉ là một ảo tưởng.
Có lẽ giới lãnh đạo đảng CSVN khó mà khước từ yêu sách “cộng đồng chung vận mệnh” của ông Tập. Theo thiển ý của chúng tôi, Việt Nam đã “chung vận mệnh” với Trung Quốc từ rất lâu rồi, xa là từ những năm 1949-1950 khi Chủ Tịch Mao Trạch Đông phái các cố vấn sang Việt Bắc chỉ đạo cuộc chiến tranh chống Pháp và cải cách ruộng đất của đảng CSVN, gần là từ khi Tổng Bí Thư Lê Khả Phiêu (Việt Nam) và Tổng Bí Thư Giang Trạch Dân (Trung Quốc) ký với nhau 16 chữ vàng “Sơn thủy tương liên, Lý tưởng tương thông, Văn hoá tương đồng, Vận mệnh tương quan.” Có điều đảng CSVN chưa dám tuyên bố chính thức và công khai “chung vận mệnh” với Trung Quốc do lo ngại phản ứng của người dân trong nước phản đối một cuộc Bắc Thuộc mới. Xét cho cùng, chỉ có đảng CSVN và chế độ “chung vận mệnh” với Trung Quốc còn nhân dân Việt Nam thì không bao giờ.
Dường như cuộc cạnh tranh căng thẳng với Mỹ khiến Trung Quốc không còn hài lòng với việc che giấu mối quan hệ anh em với Việt Nam mà cần phải công khai cho thế giới biết, từ đó ngăn ngừa những mưu toan lôi kéo Việt Nam vào những liên minh chống Bắc Kinh. Nếu ông Tập buộc giới lãnh đạo đảng CSVN công khai tuyên bố tham gia vào “cộng đồng chung vận mệnh” thì điều đó cũng không thay đổi đáng kể nội dung hợp tác giữa hai nước mà chỉ để trình ra một “cái bình” chứa thứ “rượu” mà hai bên đã đối ẩm xưa nay. Ông Tập cần một cái bình như thế để đưa thông điệp tới Mỹ và các đối tác của Việt Nam ở Phương Tây: “Đừng tưởng bở!”
Có điều, giới lãnh đạo CSVN rất điêu luyện trong nghề đu dây, nâng đến mức “ngoại giao cây tre” gió chiều nào ngả theo chiều ấy, nên Hà Nội sẽ có cách nói vừa không làm phật ý các anh lớn của đảng đàn anh vừa không quá trâng tráo để làm người dân Việt Nam phẫn nộ. Những ngôn từ bóng bẩy mà các nhà lãnh đạo hai nước nói ra trong chuyến thăm của ông Tập suy cho cùng cũng không đáng quan tâm bằng những thực tế diễn ra hàng ngày, theo đó đảng CSVN vẫn cúc cung thực hiện mọi yêu sách của Trung Quốc dù đôi khi phải đi ngược với lợi ích của đất nước, của dân tộc. [đ.d.]
Leave a Reply