Thursday, December 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Bùi Thị Minh Hằng (phải), 47 tuổi, hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 24/07/2011

NGUỒN HÌNH ẢNH,AFP/GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Bà Bùi Thị Minh Hằng (phải) hô khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình chống Trung Quốc ở trung tâm thành phố Hà Nội vào ngày 24/07/2011

  • Tác giả,Khanh Nguyễn (thực hiện)
  • Vai trò,BBC News Tiếng Việt

“Tôi chỉ tiếc là nếu lúc đó, Việt Nam Cộng Hòa có chút hòa bình thật, Biển Đông hôm nay đã có nhiều điều thú vị hơn,” luật sư Lưu Quang Tường chia sẻ nhân dịp 50 năm Hải chiến Hoàng Sa.

Ông Lưu Tường Quang là luật sư, nhà báo, nhiều năm cố vấn trong hệ thống dịch vụ công cho chính phủ Úc và nguyên trưởng nhiệm SBS Radio, cơ quan phát thanh văn hóa đa nguyên của Úc trong 17 năm.

Trước năm 1975, chức vụ cuối cùng của ông là quyền Tổng thư ký Bộ Ngoại giao cho đến khi vượt biển ra đi.

Kỷ niệm 50 năm Hải chiến Hoàng Sa, BBC News Tiếng Việt có cuộc phỏng vấn với ông về quá khứ lẫn tương lai của biến cố này.

BBC: Đã 50 năm trôi qua kể từ Hải chiến Hoàng Sa, với kết cục là Trung Quốc chiếm toàn bộ quần đảo. Từng là một công dân Việt Nam Cộng Hòa, ký ức của ông về sự kiện này là gì?

Lúc bấy giờ tôi đang phục vụ tại Đại sứ quán Việt Nam Cộng Hòa ở Canberra, Úc. Chúng tôi nhận được tin này rất sớm qua cổng điện tử trung ương Bộ Ngoại giao tại Sài Gòn cũng như nguồn tin từ các hãng thông tấn quốc tế.

Trong vòng 24 tiếng đồng hồ, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã mở một cuộc họp báo để mạnh mẽ tố cáo cuộc xâm lăng của Bắc Kinh, đồng thời luật sư Vương Văn Bắc, Tổng trưởng Ngoại giao, đã chính thức chuyển công hàm với đầy đủ bằng chứng lịch sử đến Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, mà Việt Nam Cộng Hòa có tư cách là quan sát viên, để phản đối và lên án Bắc Kinh đã vi phạm luật quốc tế, khi mở cuộc xâm lăng quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

 

Chụp lại video,50 năm Hải chiến Hoàng Sa: Một lịch sử đầy xung đột

Tất nhiên tất cả các nhiệm sở ngoại giao của Việt Nam Cộng Hòa đều nhận được chỉ thị vận động các quốc gia thân hữu, kể cả Úc.

Tại Canberra, công việc của chúng tôi không dễ dàng vì Thủ tướng Úc lúc ấy là một chính trị gia thiên tả, ông Gough Whitlam. Tháng 12 năm 1972, sau khi thắng cử, ông Whitlam đã đảo ngược chính sách của Úc, chấm dứt công nhận pháp lý (de jure recognition) Trung Hoa Dân Quốc và chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Bắc Kinh.

Ngoại trưởng Úc lúc bây giờ là Don Willesee không thiên tả nhưng không thể nào làm trái đường lối của thủ tướng Whitlam.

Còn một lý do khác nữa mà Canberra không chỉ trích Bắc Kinh, đó là đi theo lập trường và phản ứng của Mỹ trong vấn đề này. Mặc dù có lời yêu cầu của Việt Nam Cộng Hòa nhưng chính phủ Hoa Kỳ đã từ chối yểm trợ hải quân Việt Nam Cộng Hòa trong một phiên họp của Hội đồng An ninh Quốc gia.

Một tướng lĩnh Mỹ đã nói nước Mỹ coi các thực thể tại Hoàng Sa như là những mỏm đá không có tầm chiến lược quan trọng. Tiến sĩ Henry Kissinger, Cố vấn An ninh Quốc gia kiêm Ngoại trưởng, sau này đã bào chữa với lập luận là lúc bấy giờ Washington đã phải đối phó với các diễn tiến khác quan trọng hơn, chẳng hạn tình hình căng thẳng tại Trung Đông.

Rõ ràng là chính phủ Mỹ đã đánh giá sai lầm về tầm quan trọng ở Biển Đông lúc bấy giờ.

BBC: Truyền thông không chính thức trong nước ngày hôm nay nhưng vẫn có ý nói rằng Hải chiến Hoàng Sa 1974 là vô ích, và sự hi sinh là không cần thiết, vì rõ là VNCH yếu thế hơn Trung Quốc. Ông nghĩ sao về những nhận định này?

Theo ý tôi đây là nhận xét nông cạn vô ý thức của những lực lượng dư luận viên do nhà nước kiểm soát. Nếu lập luận này phản ánh nhận định chính của giới lãnh đạo Bộ chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam thì chính họ phải hổ thẹn khi đại tướng Lê Đức Anh, Bộ trưởng Quốc phòng, đã ra lệnh cho bộ đội đồn trú ở Gạc Ma, không được nổ súng vào năm 1988 (?).

Sau này Hà Nội đã tìm cách sửa chữa lịch sử khi ghi nhận là đại tướng Lê Đức Anh chỉ ra lệnh “không được nổ súng trước”. Tất nhiên là 64 bộ đội tại Gạc Ma đã không còn cơ hội nào nổ súng sau đó. Các quân nhân bị thảm sát tại Trường Sa được nhà nước gọi là “liệt sĩ”.

Hình ảnh 64 chiến sỹ hy sinh vào năm 1988 tại Gạc Ma

NGUỒN HÌNH ẢNH,NGUYỄN VĂN THỐNG

Chụp lại hình ảnh,Hình ảnh 64 chiến sỹ hy sinh vào năm 1988 tại Gạc Ma

Hoàn toàn khác với trận hải chiến Trường Sa, 74 chiến sĩ hải quân của Việt Nam Cộng Hòa đã chiến đấu dũng mãnh và chấp nhận hy sinh vì Tổ quốc, kể cả Hạm trưởng chiến hạm HQ-10, cố trung tá Ngụy Văn Thà… Chi tiết về trận hải chiến này đã được phổ biến rộng rãi, có lẽ cũng không cần phải nhắc lại thêm.

BCC: Cũng có ý kiến tại Việt Nam hôm nay, nói việc mất đảo Hoàng Sa là lỗi yếu kém của nhà nước Việt Nam Cộng Hòa nên lúc này không thể giải quyết tranh chấp được, ông nghĩ sao?

Trong bối cảnh sau Hiệp định Paris 1973, Việt Nam Cộng Hòa đã phải đối phó với tình trạng vô cùng nguy kịch thù trong giặc ngoài, tức là các binh đoàn của Bắc Việt đang tiến vào lãnh thổ của miền Nam, mà quân lực Việt Nam Cộng Hòa vẫn phải đứng lên để bảo vệ sự vẹn toàn của Tổ quốc, chống lại Cộng sản Bắc Kinh xâm lược.

Trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam Cộng Hòa không phải là nạn nhân duy nhất. Philippines và các nước nhỏ khác tại Đông Nam Á đều ít nhiều chia sẻ số phận này. Mất đất, mất đảo vào tay Trung Cộng không phải chuyện của riêng Việt Nam Cộng Hòa, mà cũng là câu chuyện của nhà nước Việt Nam hôm nay.

Nhưng đặc biệt với câu chuyện Hoàng Sa, 50 năm đã trôi qua, những người Việt bất cứ ở nơi đâu đều tri ân và tưởng niệm những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã anh dũng vị quốc vong thân trong cuộc hải chiến chống xâm lược 19/1/1974 đó.

Biểu tình chống Trung Quốc xâm phạm chủ quyền

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Các nhà hoạt động hô vang khẩu hiệu chống Trung Quốc trong một cuộc biểu tình ở Hà Nội vào ngày 14 tháng 3 năm 2016

BBC: Hãy tưởng tượng cuộc chiến Nam-Bắc Việt vẫn chưa chấm dứt đến ngày hôm, cục diện thì tương tự như Nam-Bắc Hàn, theo ông, Hoàng Sa có trở thành như là một đồn trú quân sự quan trọng của Trung Quốc để áp chế cả Việt Nam như lúc này hay không?

Trong số ba quốc gia bị chia đôi, kể cả Tây và Đông Đức, Việt Nam là nơi duy nhất mà phe Cộng sản đã chiến thắng quân sự. Cố Nghị sĩ John McCain, một tù binh tại Hỏa Lò, và sau này với tư cách và nghị sĩ Đảng Cộng hòa, người hết lòng cổ xúy tái bang giao song phương, đã nói thẳng là “the wrong guy won the war in Vietnam” (kẻ xấu đã thắng).

Tất nhiên, trong giả thuyết nói trên, Việt Nam Cộng Hòa sẽ giàu mạnh hơn về mặt phát triển tương tự Hàn Quốc. Nhưng về mặt an ninh quốc phòng, Việt Nam Cộng Hòa cũng phải đối diện với mối đe dọa lớn lao hơn với các căn cứ quân sự của Bắc Kinh tại Hoàng Sa và Trường Sa.

Trong thực tế, đây cũng là mối đe dọa chung cho chính nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, một chế độ Cộng sản là đồng chí, anh em với Trung Quốc.

BBC: Nếu Việt Nam không đưa vấn đề Trung Quốc chiếm Hoàng Sa bằng vũ lực ra trước tòa án quốc tế thì tư cách về chủ quyền của họ có bị vô hiệu theo thời gian? Ông đánh giá thế nào về khả năng nhà nước Việt Nam khởi kiện Trung Quốc?

Tranh chấp lãnh thổ và vùng biển không phải là điều gì mới mẻ trong lịch sử nhân loại. Thế nhưng chiếm hữu lãnh thổ bằng một cuộc xâm lăng vũ trang là không bao giờ được công nhận theo luật quốc tế.

Thí dụ cụ thể hiện nay là cuộc xâm lăng của Nga tại Ukraine, kể cả việc Tổng thống Vladimir Putin sáp nhập bán đảo Crimea hồi 2014 và việc Israel chiếm đóng lãnh thổ của Palestine tại Trung Đông.

Cũng trên cơ sở này, chúng ta biết chắc là việc Bắc Kinh chiếm đóng bằng cuộc xâm lăng vũ trang đảo Hoàng Sa của Việt Nam là không thể nào được công nhận.

Vấn đề được đặt ra là liệu đến thời hiệu 50 năm mà Việt Nam không khởi kiện Bắc Kinh trước một tòa án quốc tế, thì việc xác quyết chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam bị suy yếu hay không còn hiệu lực, lập luận này tôi chưa tìm thấy một án lệ cụ thể nào.

Một ví dụ mà chúng ta có thể nêu ra trong quan hệ giữa Việt Nam và Campuchia, việc chiếm hữu phần đất trước kia gọi là Thủy Chân Lạp (kể cả đảo Phú Quốc) mà ngày nay gọi là Đồng bằng sông Cửu Long, phía Phnom Penh không có cơ sở pháp lý nào để đòi lại cả.

Thật ra trong thế kỷ trước, một số chính trị gia Khmer đã tung các chương trình vận động kiện Việt Nam ra trước tòa án quốc tế để lấy lại đảo Phú Quốc, nhưng sau cùng đều đã bỏ cuộc. Không có ai trong số những chuyên gia luật quốc tế tin rằng Campuchia đã có cơ sở pháp lý để thành công.

Lý do cũng dễ hiểu, vì trong quá trình Nam tiến, dân tộc Việt Nam đã chiếm hữu vùng đất phương Nam phì nhiêu này một cách hòa bình trải qua nhiều thế kỷ. Và trong nhiều trường hợp còn có sự thỏa hiệp giữa xứ Đàng Trong của Chúa Nguyễn và các vua chúa địa phương lúc bấy giờ.

Cần phải nói rõ trong vấn đề Hoàng Sa và Trường Sa, tuy Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa có những sai lầm nghiêm trọng (như công hàm Phạm Văn Đồng 14/9/1958), nhưng hôm nay nhà nước Việt Nam là nhà nước kế thừa tiếp nối lập trường chính danh của Việt Nam Cộng Hòa.

Nhà nước thống nhất địa lý hôm nay, và Việt Nam Cộng Hòa ngày xưa, đã có lập trường và cách ứng xử theo tiêu chuẩn quốc tế, mỗi khi Bắc Kinh vi phạm chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông. Như vậy, để không có ai hiểu lầm rằng “im lặng như là đồng ý”, hoặc chấp nhận nên không lên tiếng phản đối.

Theo tôi, trong vấn đề Biển Đông, Việt Nam đang cân nhắc phương án kiện hay không kiện Trung Quốc như một thái độ chính trị. Giới lãnh đạo Hà Nội đều biết rõ là Việt Nam có đủ cơ sở pháp lý, và nếu kiện thì theo mô thức mà Philippines đã theo đuổi trong vụ kiện Trung Quốc ra trước tòa trọng tài quốc tế The Hague.

Tòa án này đã ra phán quyết hồi tháng 7 năm 2016, hoàn toàn bác bỏ lập luận quyền lịch sử của Bắc Kinh và coi đường lưỡi bò chín đoạn là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý.

Hầu hết các chuyên gia về công pháp quốc tế và các vấn đề Biển Đông đều đồng ý – và bản thân tôi cũng tương tự – là một vụ kiện theo mô thức của Philippines, Việt Nam không thể thua, nhưng điểm khó khăn là việc thi hành phán quyết cuối cùng đó.

Dòng người biểu tình chống Trung Quốc tập trung trước Nhà hát Lớn Hồ Chí Minh ngày 11/05/2014 để thể hiện lòng yêu nước và phẫn nộ trước việc Trung Quốc cho dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Dòng người biểu tình chống Trung Quốc tập trung trước Nhà hát Lớn TP Hồ Chí Minh ngày 11/5/2014 để thể hiện lòng yêu nước và phẫn nộ trước việc Trung Quốc cho dàn khoan Hải Dương 981 vào vùng biển của Việt Nam

BBC: Trong bối cảnh Việt Nam và Trung Quốc cam kết “chia sẻ tương lai”, nếu Việt Nam không chính thức kiện Trung Quốc, chuyện sẽ giằng dai không hồi kết, mà phần hi sinh ở giữa vẫn chủ yếu là ngư dân Việt Nam?

Trong chuyến công du vào tháng 12 năm 2023, có vẻ như ông Tập Cận Bình đã thành công hơn trong nỗ lực ép buộc Việt Nam tham dự vào sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), nhân kỷ niệm 10 năm của kế hoạch này.

Việt Nam không còn chần chờ được nữa, mà đã phải cam kết một kế hoạch Hai hành lang, Một vành đai (Two Corridors, One Belt). Và đó là cách chấp nhận cộng đồng chia sẻ tương lai với Bắc Kinh.

Nhà nước Việt Nam có thể nghĩ rằng họ tránh vỏ dưa, nhưng rồi vẫn đạp phải vỏ dừa. Tôi nghĩ đây là chỉ sự khác biệt về mỹ từ, có lẽ để xoa dịu công luận. Bắc Kinh vẫn giữ nguyên cụm từ Hán Việt là cộng đồng chung vận mệnh nhưng dịch sang tiếng Anh là cộng đồng chia sẻ tương lai.

 

Chụp lại video,Bản chất của cộng đồng chia sẻ tương lai là gì?

Tôi tin rằng ông Nguyễn Phú Trọng quá đắc ý về chính sách “Cây tre”, mà quên rằng cây tre đứng lẻ loi một mình thì có thể bị trốc góc trong một cơn bão mạnh. Chỉ có bụi tre mới có thể trụ lại, đúng theo nghĩa đen cũng như nghĩa bóng. Điều này có nghĩa là Việt Nam phải cần có thêm nhiều đồng minh, thay vì lẻ loi trong quỹ đạo Bắc Kinh với chính sách gọi là “Bốn Không” và “Một Tùy”.

Ngay lúc này tôi nghĩ rằng giới lãnh đạo Hà Nội đã bỏ mất cơ hội để cải thiện thế đứng đối với Bắc Kinh trong vấn đề Biển Đông, khi phải nhượng bộ quá nhiều các chính sách bên ngoài Biển Đông. Một trong những hậu quả thấy rõ là ngư dân Việt Nam tiếp tục bị đàn áp, đe dọa.

Nhưng quyền lợi của Tổ quốc Việt Nam tại Biển Đông không chỉ là đánh bắt hải sản, mà còn là những vụ lợi kinh tế khác như dầu khí và chiến lược an ninh quốc phòng.

BBC: Trước cột mốc 50 năm quần đảo Hoàng Sa bị mất vào tay một quốc gia đang có mối ngoại giao thâm sâu với nhà nước Việt Nam hôm nay, ông có suy nghĩ gì?

Nhìn lại lịch sử từ sau Thế chiến II, Việt Nam – cả Bắc lẫn Nam (khi đất nước bị chia đôi) – đều đã là nạn nhân của chính sách đại cường, cả hai đều đã bị đồng minh phản bội.

Cũng có thể chúng ta nên nhìn lại một phần của quá khứ, khi đi tìm một con đường cho tương lai trong vấn đề Biển Đông, mà cuộc tranh chấp có thể còn tiếp tục nhiều thập niên nữa.

Đầu năm 1975, Hội đồng Liên bộ của Ủy hội Quốc gia Dầu hỏa Việt Nam nhóm họp tại Sài Gòn, mà tôi có mặt với tư cách là đại diện Bộ Ngoại giao. Ông Bùi Diễm, từng là Đại sứ Việt Nam tại Washington, đã ghi chú rất kỹ phần trình bày của kỹ sư Trưởng nhiệm Trần Văn Khởi về những khám phá mới của việc khai thác, tuy chỉ là phác thảo ban đầu nhưng đầy hứa hẹn tại vùng biển ngoài khơi Nam Việt Nam.

Phiên họp này đã dành nhiều thì giờ thảo luận một kế hoạch thu hút đầu tư Hoa Kỳ và Úc cũng như các quốc gia dân chủ phương Tây khác. Đây là một hình thức ngoại giao kinh tế của nền thế kỷ trước.

Tiếc thay, chính thể Việt Nam Cộng Hòa không có đủ thì giờ cũng vào thời điểm ấy Bắc Việt đã mở những cuộc tấn công tràn vào tỉnh Phước Long, mà Washington lại im lặng, không có phản ứng.

Từ đó miền Bắc như được khuyến khích và bắt đầu chiến dịch gọi là Chiến dịch Hồ Chí Minh, để tiến sĩ Henry Kissinger có thể nham nhở mỉm cười tuyên bố “Hòa Bình trong tầm tay”. Tôi chỉ tiếc là nếu lúc đó, Việt Nam Cộng Hòa có chút hòa bình thật, Biển Đông hôm nay đã có nhiều điều thú vị hơn.(BBC)

Share.

Leave a Reply