Hôm nay, 12/01/2024, hàng chục ngàn người ủng hộ ba đảng chính trị của Đài Loan tham gia các cuộc tập hợp lớn vận động tranh cử cuối cùng. Ngày mai, 13/01, cử tri Đài Loan sẽ đi bỏ phiếu, bầu tổng thống và Quốc Hội mới, trong bối cảnh áp lực và đe dọa sáp nhập của Trung Quốc ngày càng lớn.
Đăng ngày:
Cuộc bầu cử ngày mai 13/01 không chỉ là sự kiện quan trọng đối với nền dân chủ Đài Loan mà còn được cả thế giới theo dõi rất sát. Ứng viên Đảng Dân Tiến (DPP) Lại Thanh Đức, phó tổng thống mãn nhiệm, theo các cuộc thăm dò dư luận, đang dẫn đầu các ý định bỏ phiếu. Ông đánh giá cuộc bầu cử lần này là sự « lựa chọn giữa dân chủ và chuyên chế » đồng thời tiếp tục chỉ trích đối thủ Hầu Hữu Nghi, ứng viên của Quốc Dân Đảng, là quá « thân Trung Quốc ». Ứng cử viên thứ ba trong cuộc đua ít có hy vọng được bầu là ông Kha Văn Triết, thuộc Đảng Nhân Đài Loan.
Các ứng cử viên đã tiến hành chiến dịch tranh cử sôi động trong tuần này. Họ đi khắp Đài Loan, qua các ngôi chùa, thăm chợ và tổ chức mít tinh để đưa ra những hứa hẹn và khẳng định rằng họ là lựa chọn tốt nhất cho cử tri trên đảo.
Một điểm chung duy nhất của cuộc bầu cử là cả ba ứng cử viên tổng thống đều cho biết họ sẽ duy trì nguyên trạng của hòn đảo và bác bỏ hệ thống chính trị “một quốc gia, hai chế độ”, một công thức mà Bắc Kinh đã sử dụng để quản lý Hồng Kông và Ma Cao.
Bắc Kinh trong những năm gần đây đã duy trì sự hiện diện quân sự gần như hàng ngày xung quanh Đài Loan, điều động máy bay chiến đấu và tàu đến khu vực xung quanh hòn đảo này để thực hiện cái gọi là các hành động quấy rối ở “vùng xám” nhưng chưa đến mức khiêu khích hoàn toàn.
Trước cuộc bầu cử, Trung Quốc và Mỹ đã liên tục chỉ trích, cảnh cáo nhau về chuyện can thiệp vào cuộc bầu cử ở Đài Loan.
Trong một dấu hiệu cho thấy sự quan tâm của cả Washington và Bắc Kinh, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken dự kiến có cuộc gặp với lãnh đạo Ban Liên lạc đối ngoại Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc Lưu Kiến Siêu xung quanh các vấn đề liên quan đến đảo Đài Loan.
Cuộc bầu cử Đài Loan được nhìn nhận thế nào từ Trung Quốc ? Thông tín viên RFI Stéphane Lagarde tại Bắc Kinh tường trình :
« Tôi không có ý kiến về chuyện này, rất ít người sẽ theo dõi những gì đang diễn ra ở Đài Loan », người phụ nữ ở Bắc Kinh này cho biết khi đang đạp xe đi làm. Cũng giống như nhiều người trong một đất nước mà người dân không được bầu lãnh đạo, bà tỏ ra ngại không muốn nói. Thái độ ngại ngùng đó có thể thấy trên mạng xã hội, vốn được kiểm soát rất gắt gao ở Trung Quốc. Cuộc bầu cử tại Đài Loan được đưa tin rất ít, phần lớn các bình luận trên các nền tảng mạng xã hội đều lấy lại ngôn từ chính thức được các quan chức cấp cao Nhà nước lặp lại những ngày qua.
Ông Lưu Kiến Siêu, Trưởng Ban Liên lạc Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tuyên bố cách đây 2 ngày : « Với Trung Quốc, vấn đề Đài Loan thậm chí là trọng tâm của các lợi ích căn bản, đó là làn ranh đỏ không được vượt qua ».
Thường xuyên bị tố cáo can thiệp vào bầu cử Đài Loan, Trung Quốc đá quả bóng sang sân Washington. Chính quyền Mỹ ngỏ ý định cử một đoàn quan chức tới thăm hòn đảo vào Chủ nhật này.
« Hoa Kỳ không được can dự dưới bất kỳ hình thức nào vào cuộc bầu cử (Đài Loan), phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc đã khẳng định như vậy. Một phát biểu quen thuộc cùng với thông điệp gửi đến giới trẻ Đài Loan đang đối mặt với những khó khăn tìm việc làm và nhà ở. Những cử tri này có thể sẽ không bỏ phiếu cho Đảng Dân Tiến, bị Bắc Kinh coi là thành phần ly khai.
Người phát ngôn của Văn phòng các vấn đề Đài Loan thuộc chính phủ Trung Quốc quả quyết rằng Đảng Dân Tiến đang buộc những giới trẻ làm bia đỡ đạn cho nền độc lập của Đài Loan. Sự lựa chọn mà Bắc Kinh đề xuất với cử tri Đài Loan rõ ràng là : Thống nhất hòa bình hoặc đe dọa chiến tranh.(RFI)
Leave a Reply