Tạp chí Newsweek (Mỹ) ngày 9/1 đưa tin, Thụy Điển – quốc gia đang chờ đợi để được gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) – đã cam kết cử “các đơn vị chiến đấu trên bộ” tham gia hoạt động triển khai quân của liên minh này dọc biên giới Nga.
Hiện tại, Thụy Điển vẫn đang vấp phải sự phản đối của Hungary và Thổ Nhĩ Kỳ trong việc gia nhập NATO.
Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson ngày 8/1 cho biết, Stockholm sẽ không chờ đợi cho tới khi được Ankara và Budapest ủng hộ tư cách thành viên, mà sẽ triển khai ngay kế hoạch điều động lực lượng quân đội đến Latvia – khu vực biên giới phía đông của NATO.
“Thụy Điển và các nước láng giềng đang sống dưới cái bóng của cuộc chiến Nga-Ukraine” – Ông Kristersson nói – “Bên cạnh đó, những mối đe dọa, thông tin sai lệch và các cuộc tấn công mạng của Nga cũng là những nỗ lực nhằm làm mất ổn định khối châu Âu”.
“Năm ngoái, tôi đã thông báo rằng, ngoài việc đóng góp vào nhiệm vụ tuần tra không phận Baltic (BAP) của NATO và hợp tác nhằm củng cố phòng không châu Âu, Thụy Điển sẵn sàng điều động các đơn vị chiến đấu trên bộ tới phòng thủ các nước Baltic.
Hôm nay (8/1), tôi có thể thông báo chính thức rằng, Thụy Điển dự kiến đóng góp 1 tiểu đoàn cỡ nhỏ tới bổ trợ lực lượng do Canada dẫn đầu ở Lativa” – Ông Kristersson thông báo.
Trước đó, theo tờ Euractiv (trụ sở tại Bỉ), tại Hội nghị thường niên Folk och Försvar ở Sälen (Thụy Điển) ngày 8/1, chính phủ và các quan chức quốc phòng Thụy Điển đã đưa ra cảnh báo về nguy cơ chiến tranh.
“Nhiều người đã lên tiếng trước tôi, những hãy để tôi nói điều này trên cương vị của mình: Có thể sẽ có chiến tranh ở Thụy Điển” – Bộ trưởng Phòng vệ Dân sự Thụy Điển Carl-Oskar Bohlin phát biểu tại Hội nghị.
“Chúng ta cần nắm được tình hình này nghiêm trọng tới đâu” – Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Thụy Điển Micael Bydén cũng đưa ra quan điểm tương tự, đồng thời cho rằng mỗi người cần phải tự nhận thức và sẵn sàng tâm lý để đối mặt và xử lý mọi tình huống có thể xảy ra.
Theo Newsweek, hiện chưa có thông tin chính xác về việc tiểu đoàn của Thụy Điển sẽ có quân số bao nhiêu và được trang bị như thế nào.
Tuy nhiên, nhật báo Thụy Điển Dagens Nyheter dẫn nguồn tin giấu tên cho biết, lực lượng này sẽ bao gồm khoảng 800 binh sĩ được hỗ trợ bằng xe bọc thép. Trước đó, Tư lệnh lục quân Thụy Điển Jonny Lindfors nói với tờ Dagens Nyheter rằng, tiểu đoàn của Thụy Điển có thể được triển khai tới Latvia vào đầu năm 2025.
Lực lượng Thụy Điển sẽ gia nhập vào nhóm chiến đấu cỡ tiểu đoàn do Canada dẫn đầu, đang đóng quân tại Latvia, trong khuôn khổ sáng kiến “Tăng cường hiện diện tiền tuyến” (EFP) của NATO.
Đây là một trong tổng số bốn nhóm chiến đấu tương tự được triển khai tại các quốc gia Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan, mục đích là tạo thành tuyến phòng thủ đầu tiên chống lại bất cứ hành động quân sự nào từ Nga nhằm vào các quốc gia Baltic.
Bộ trưởng Quốc phòng Latvia Andris Spruds hoan nghênh thông báo của Stockholm. Viết trên mạng xã hội X, ông Spruds bày tỏ sự hài lòng đối với quyết định của Thụy Điển.
“Chúng tôi vui mừng với quyết định quan trọng này. Bước đi đó, cùng với việc Thụy Điển gia nhập NATO trong thời gian tới, sẽ trở thành một sự bổ sung đáng kể nhằm tăng cường an ninh khu vực và phòng thủ ở Latvia” – Ông Spruds viết.
Nhóm chiến đấu do Canada dẫn đầu hiện bao gồm các lực lượng đến từ Albania, Canada, Cộng hòa Séc, Iceland, Ý, Montenegro, Ba Lan, Slovakia, Slovenia và Tây Ban Nha. Nhóm có tổng quân số khoảng 4.000 người, đặt trụ sở tại doanh trại Ādaži, gần thủ đô Riga (Latvia) và cách biên giới Nga khoảng 225km.
Cũng trong ngày 8/1, Thủ tướng Kristersson tuyên bố rằng chính phủ của ông đang tăng chi tiêu quốc phòng thêm khoảng 2,6 tỷ USD để đạt mục tiêu chi tiêu của NATO là 2% GDP.
“Chi tiêu quốc phòng sẽ tăng gấp đôi từ năm 2020 đến năm 2024, nguồn lực lớn hơn sẽ đi kèm với trách nhiệm lớn hơn để chi tiêu một cách hiệu quả”, ông Kristersson nói, “Bảo vệ Thụy Điển trong chiến tranh là nhiệm vụ then chốt của chúng tôi”.
Nga phản ứng
Tờ Euractiv cho biết, Nga đã phản ứng trước những lời cảnh báo chiến tranh của các quan chức Thụy Điển.
Nhiều bình luận đã được đưa ra từ phía truyền thông Nga, cũng như từ Thượng nghị sĩ Alexei Pushkov – Chủ tịch Ủy ban Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga về Chính sách Thông tin và Tương tác với Truyền thông, đồng thời là một trong những người ủng hộ thân cận nhất của Tổng thống Vladimir Putin.
Ông Pushkov đã lên tiếng châm biếm “sức nặng địa chính trị” của quốc gia Bắc Âu, và hạ thấp mối lo ngại về cuộc chiến mà một số quan chức an ninh hàng đầu của Thụy Điển bày tỏ lo ngại trong ngày 8/1.
Thượng nghị sĩ Pushkov nói Thụy Điển là “một trong những quốc gia hàng đầu ở châu Âu mắc chứng ảo tưởng chống Nga“, đồng thời cho rằng cảnh báo của ông Bydén về một cuộc chiến tranh có thể xảy ra chỉ là “nhảm nhí”, giống như những gì Thụy Điển đã đưa ra trong nhiều năm qua.
“Đây là cách họ cố gắng tạo cho Thụy Điển một tầm quan trọng địa chính trị mà nước này không có. Đôi khi có vẻ như một số sĩ quan quân sự Thụy Điển, cũng như các nhà báo, đang mơ về chiến tranh” – Ông Pushkov nhấn mạnh.
“Rõ ràng, họ không thể bình tĩnh được kể từ thất bại ở Poltava” – Ông Pushkov nói, đề cập thất bại của Thụy Điển tại Poltava năm 1709, điều này đã đánh dấu bước ngoặt quyết định trong Chiến tranh Bắc Âu và bắt đầu sự trỗi dậy của Nga thành cường quốc lớn.
Trước đó, các nhà lãnh đạo Nga đã nhiều lần cảnh báo Phần Lan và Thụy Điển khi hai nước này chuyển hướng để gia nhập NATO.
“Chúng tôi không có vấn đề với Thụy Điển và Phần Lan như với Ukraine. Nếu Thụy Điển và Phần Lan muốn, họ có thể gia nhập (NATO).
Quyết định thuộc về họ, họ có thể gia nhập bất cứ tổ chức nào mà họ muốn” – Tổng thống Nga Putin cho biết trong một phát biểu vào mùa hè năm 2022.
Tuy nhiên, ông chủ Điện Kremlin cảnh báo rằng nếu Thụy Điển và Phần Lan có sự triển khai lực lượng quân sự hoặc cơ sở hạ tầng quân sự thì Nga sẽ buộc phải phản ứng tương xứng.
Thụy Điển và Phần Lan đã bắt đầu xúc tiến quá trình gia nhập NATO sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine. Riêng đối với Thụy Điển, quyết định này đồng nghĩa với việc chấm dứt 200 năm chính sách trung lập.
Dù chưa gia nhập, Stockholm đã phối hợp chặt chẽ với NATO từ lâu. Quốc gia này là thành viên của Liên minh Châu Âu (EU), và đã tham gia vào một số hoạt động quân sự ở nước ngoài như Chiến tranh Afghanistan, hoạt động duy trì hòa bình do NATO dẫn đầu sau Chiến tranh Bosnia, và can thiệp của liên minh này vào cuộc nội chiến Libya.(Sohs News)
Leave a Reply