Sunday, November 24 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
 
 
 
Ngày 6 tháng 1, 2024
Tại sao Việt Nam thất bại khi vận động rút tên khỏi Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt của Hoa Kỳ?

  • Chiến dịch vận động để đưa Việt Nam đến danh sách CPC trong năm 2024

Mạch Sống, ngày 7 tháng 1, 2024

http://machsongmedia.org

Ngày 4 tháng 1, 2024, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken công bố quyết định giữ Việt Nam trong Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt (Special Watch List, SWL) vì “đã tham gia hoặc dung túng các vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo”.

Sau khi bị đưa vào danh sách SWL vào cuối năm 2022, nhà nước Việt Nam đã ráo riết vận động Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ rút tên khỏi danh sách này. Tháng 3 năm 2022, Việt Nam mời nhà truyền đạo người Mỹ Franklin Graham đến Sài Gòn (TPHCM) tổ chức giảng đạo cho 14,000 tín đồ Tin Lành. Ông ta hứa về Hoa Kỳ sẽ vận động gỡ Việt Nam khỏi danh sách SWL. Từ ngày 10 đến 22 tháng 10 vừa qua, Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ Vũ Chiến Thắng dẫn đoàn công tác liên ngành cùng một số chức sắc tôn giáo đến Hoa Kỳ tiếp tục cuộc vận động. Cuối năm, Chủ Tịch Nước Võ Văn Thưởng chính thức mời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đến thăm Việt Nam.

Nhưng họ đã thất bại.

Hình 1 – Đoàn Việt Nam do Ông Vũ Chiến Thắng dẫn đầu tiếp xúc Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế, tháng 10, 2023 (nguồn: btgcp.gov.vn)

 

“Những động thái bề nổi này không che mắt được các nhà làm chính sách Hoa Kỳ vì họ theo sát và nắm rõ tình trạng leo thang đàn áp tôn giáo ở Việt Nam,” Ts. Nguyễn Đình Thắng, Tổng Giám Đốc kiêm Chủ Tịch BPSOS, nhận định. “Nhà nước Việt Nam đã sai khi đinh ninh quốc tế không thể nào biết.”

Hình 2 – Đoàn Việt Nam gặp gỡ Đại Sứ Lưu Động cho Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế Rashad Hussain tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, tháng 10, 2023 (nguồn:  btgcp.gov.vn)

Theo Ông, việc đoàn Việt Nam kéo theo một chức sắc tôn giáo đã phản tác dụng vì giới chức Hoa Kỳ đã được báo động trước là nhà nước Việt Nam sử dụng một số tổ chức tôn giáo làm công cụ đàn áp ở trong nước và bình phong che mắt quốc tế.

Ts. Thắng đã nêu thực trạng này tại buổi điều trần trước Uỷ Hội Hoa Kỳ về Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế (US Commission on International Religious Freedom, USCIRF) vào ngày 5 tháng 9. 

Hình 3 – Buổi điều trần do Uỷ Hội USCIRF triệu tập ngày 5 tháng 9, 2023 (nguồn: USCIRF)

“Sự có mặt của một số chức sắc tôn giáo trong đoàn của nhà nước Việt Nam vô hình trung khẳng định thực trạng này,” Ts. Thắng giải thích.

Kết quả là đầu tháng 12, Uỷ Hội USCIRF tiếp tục khuyến nghị Bộ Ngoại Giao đưa Việt Nam vào danh sách Quốc Gia Quan Ngại Đặc Biệt (Country of Particular Concern, CPC) và công bố đề án nghiên cứu sâu về các tổ chức tôn giáo bị nhà nước kiểm soát, mà phần lớn đã cử chức sắc đi theo đoàn của Thứ Trưởng Bộ Nội Vụ Vũ Chiến Thắng đến Hoa Kỳ.

Đại Sứ Lưu Động về Tự Do Tôn Giáo Rashad Hussain, đóng vai trò cốt lõi trong quyết định giữ Việt Nam trong Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt, được BPSOS cập nhật thông tin thường xuyên và chi tiết về các vụ ép cải đạo, ép bỏ đạo, bắt bớ, sách nhiễu, tra tấn, bắt giam… những tín đồ không tuân phục nhà nước.

Ts. Thắng cho biết đã trao đổi với Đại Sứ Hussain về tình trạng đàn áp tôn giáo gia tăng ở Việt Nam nhân dịp Hội Nghị Cấp Bộ Trưởng về Tự Do Tôn Giáo hay Niềm Tin tổ chức tại Praha cuối tháng 11 vừa qua.

“Chúng tôi cũng bàn luận về phái đoàn do nhà nước cử sang Hoa Kỳ để vận động rút tên khỏi danh sách SWL,” Ts. Thắng chia xẻ.

Trong năm 2023, BPSOS đã nộp tổng cộng trên 70 bản báo cáo về vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam cho Uỷ Hội USCIRF và Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Các cơ quan này còn được thường xuyên cập nhật thông tin tại những buổi họp trực tuyến hàng tuần và trực diện hàng tháng với những người am tường về tình hình đàn áp tôn giáo ở Việt Nam.

Hình 4 – Các tín đồ Cao Đài chơn truyền với Đại Sứ Lưu Động Rashad Hussain tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 7 tháng 12, 2023 (nguồn: BPSOS)

Theo Ts. Thắng, giữ Việt Nam trong danh sách SWL là bước cần thiết để vận động Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại quy chế Quốc Gia Quan Ngại Đặc Biệt (Country of Particular Concern, CPC). Theo kế hoạch, một phái đoàn khoảng 30 người Viêt sẽ có kéo về thủ đô Hoa Kỳ để thực hiện cuộc vận động này nhân dịp Hội Nghị Thượng Đỉnh Tự Do Tôn Giáo Quốc Tế vào ngày 29 – 31 tháng 1 tới đây.

Từ năm 2021, BPSOS là thành viên Ban Chỉ Đạo của hội nghị quan trọng này, với khoảng 1,250 quan khách tham dự gồm nhiều giới chức Hoa Kỳ và quốc tế, các lãnh đạo tôn giáo và các tổ chức nhân quyền quốc tế. Năm nay, BPSOS đồng trách nhiệm các hoạt động quanh đề tài “Vi Phạm Tự Do Tôn Giáo”.

“Chúng tôi sẽ có những nhân chứng sống về đàn áp tôn giáo ở Việt Nam phát biểu tại sự kiện,” Ts. Thắng cho biết. “Chúng tôi đã mời Ông Nguyễn Bắc Truyển và hy vọng Ông cùng phu nhân sẽ có mặt.”

Trong 3 năm qua BPSOS cũng quán xuyến bộ phận lãnh đạo trẻ và chiến dịch toàn cầu cho tù nhân lương tâm tôn giáo của hội nghị thượng đỉnh này.

Hình 5 – Cô Tanya Nguyễn-Đỗ, người vận động cho Thiền Am Bên Bờ Vũ Trụ, với Đại Sứ Lưu Động Rashad Hussain tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, ngày 7 tháng 12, 2023 (nguồn: BPSOS)

Theo Ts. Thắng, kinh nghiệm thất bại hy vọng sẽ giúp giới lãnh đạo Việt Nam hiểu ra rằng chỉ khi nào thực thi nghiêm chỉnh và đầy đủ các cam kết quốc tế về quyền tự do tôn giáo thì Việt Nam mới thoát được Danh Sách Theo Dõi Đặc Biệt.

“Bằng không, họ có nguy cơ rơi xuống danh sách CPC và phải hứng chịu những hệ quả tai hại của nó,” Ts. Thắng nhắn nhủ.

Bài liên quan:

USCIRF: Việt Nam phải cải thiện tự do tôn giáo và nhân quyền khi nâng cấp quan hệ với Mỹ

https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2008-uscirf-viet-nam-phai-cai-thien-tu-do-ton-giao-va-nhan-quyen-khi-nang-cap-quan-he-voi-my.html

“Chiếu tướng” các tổ chức tôn giáo bị nhà nước kiểm soát ở Việt Nam

https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2067-chieu-tuong-cac-to-chuc-ton-giao-bi-nha-nuoc-kiem-soat-o-viet-nam.html

BPSOS khởi động cuộc nghiên cứu về các tổ chức tôn giáo bị nhà nước kiểm soát

https://machsongmedia.org/vietnam/quyenconnguoi/2081-bpsos-khoi-dong-cuoc-nghien-cuu-ve-cac-to-chuc-ton-giao-bi-nha-nuoc-kiem-soat.html

Share.

Leave a Reply