Tương lai của đế chế kinh doanh thuộc gia đình ông Trump có thể được quyết định khi một thẩm phán tại New York dự kiến đưa ra phán quyết trong phiên tòa dân sự về gian lận của ông hôm nay 16/2.
Cựu tổng thống, các con trai ông và công ty cùng tên của ông đã bị cáo buộc gian lận thổi phồng giá trị tài sản trong báo cáo gửi tới các bên cho vay.
Phía công tố viên đã yêu cầu thẩm phán phạt ông Trump 370 triệu USD (khoảng 9.000 tỷ VND) và hạn chế khả năng kinh doanh của ông tại bang New York.
Ngay cả đối với một tỷ phú thì đây vẫn là một khoản tiền lớn.
Các chuyên gia pháp lý nói với BBC rằng một khoản phạt lớn như vậy, cộng với các phán quyết cuối cùng, có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến đế chế bất động sản và giáng một đòn mạnh vào năng lực tài chính của ông Trump.
“Ông ấy sẽ không đột nhiên trở thành tầng lớp lao động,” cựu Công tố viên Liên bang Diana Florence nói. “Nhưng đó là một khoản tiền rất lớn. Tài sản của ông ấy sẽ suy giảm đáng kể.”
Tại sao ông Trump có thể bị phạt 370 triệu đô la?
Bà Letitia James, Tổng Chưởng lý New York, nói với tòa án rằng 370 triệu USD là số tiền bồi thường thiệt hại hợp lý mà gia đình ông Trump cần chi trả. Đây là một hình phạt tài chính buộc trả lại lợi nhuận thu được thông qua gian lận.
Bà tính toán số tiền này dựa trên ba yếu tố: số tiền ông Trump được cho là kiếm được từ tiết kiệm lãi suất trên các khoản vay do khai gian tài sản, “tiền thưởng” cho những nhân viên Trump Organization tham gia vào kế hoạch và lợi nhuận từ hai giao dịch bất động sản mà bà James đánh giá là có được do gian lận.
Việc quyết định hình phạt tài chính thuộc thẩm quyền của Thẩm phán Arthur Engoron.
Bất kể khoản tiền phạt là bao nhiêu, ông Trump cũng sẽ phải trả lãi hàng năm cho khoản tiền này – tính từ ngày xảy ra hành vi phạm tội bị cáo buộc.
Vì vậy, bên cạnh khoản phạt, lãi suất 9% ở New York khiến ông Trump có thể phải trả thêm một khoản tiền có chín con số.
Ông Trump phủ nhận hành vi lừa đảo và nói rằng không có vi phạm nào hết do phía ngân hàng đã kiếm được tiền từ các khoản đầu tư của ông.
Ông Trump dự kiến sẽ kháng cáo, điều này sẽ khiến phán quyết bị hoãn lại tới khi một tòa án cấp cao hơn xem xét lại vụ án.
Nhưng nếu muốn tránh nộp phạt hoặc bị tịch thu tài sản cá nhân trong thời gian kháng cáo, trong 30 ngày kể từ khi có phán quyết, ông Trump phải nộp toàn bộ số tiền phạt để tòa án giữ.
Khoản phạt nặng, nhưng chưa tới mức hủy hoại
Theo ước tính của tạp chí Forbes, tổng giá trị tài sản ròng của ông Trump là 2,6 tỷ USD.
Văn phòng Tổng Chưởng lý New York ước tính tài sản ròng hàng năm của ông là 2 tỷ USD vào năm 2021.
Dựa trên những ước tính này, một khoản phạt 370 triệu USD sẽ khiến ông Trump mất khoảng 15-18% tài sản.
Tuy nhiên, ngoài khoản phạt còn đang lơ lửng này, ông Trump nợ nhà văn E Jean Carroll 83,3 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại do tội phỉ báng sau phán quyết từ một vụ kiện khác hồi tháng Một.
Các khoản phí pháp lý của ông Trump cũng đang tăng lên khi ông phải đối mặt với bốn vụ án hình sự cấp bang và liên bang.
Những gánh nặng tài chính này, khi cộng dồn lại, có thể vượt quá số tiền mặt mà ông Trump sẵn có.
Theo các chuyên gia pháp lý, ông Trump có một vài lựa chọn.
Ông Trump có thể bảo lãnh vay tiền, nhưng tốn kém
Để tránh việc phải trả trước toàn bộ số tiền, ông Trump có thể thử bảo lãnh vay tiền – một dạng cam kết của bên thứ ba rằng ông Trump có thể trả toàn bộ tiền phạt.
Điều này sẽ khiến ông phải tốn thêm hàng triệu đô la, cộng với lãi suất và phí bổ sung.
Ông cũng có thể bị yêu cầu thế chấp tài sản.
Chuyên gia Steven Cohen từ Trường Luật New York giải thích rằng để bảo lãnh vay tiền từ một công ty bảo lãnh thì cần phải đặt cọc khoảng 10% tổng số tiền nợ.
Vì vậy, nếu ông Trump nợ 370 triệu USD tiền bồi thường thiệt hại, ông có thể phải trả cho công ty bảo lãnh 37 triệu USD để phát hành trái phiếu bảo lãnh.
Ông Trump sẽ không được hoàn lại khoản phí này.
Ông Trump có thể bán tài sản để huy động đủ tiền mặt
Trong một bản khai, ông Trump cho biết ông có 400 triệu USD tiền mặt (BBC không thể xác minh độc lập số tiền đó).
Tuy nhiên, cùng với các phí và nghĩa vụ pháp lý khác, số tiền đó sẽ không đủ để đóng khoản phạt 370 triệu USD.
Bà Sarah Kristoff, một cựu công tố viên liên bang, nhận định: “Ông ấy sẽ phải suy nghĩ cách xoay xở với tài sản của mình, như làm thế nào để huy động tiền từ việc thanh lý các cơ sở kinh doanh.”
Hầu hết tài sản của ông Trump gắn liền với các dự án bất động sản của ông.
Forbes cho biết đế chế bất động sản ở New York của ông trị giá 490 triệu USD, bao gồm tòa chung cư cao tầng xa xỉ Trump Tower trị giá 56 triệu USD theo tính toán của tờ tạp chí này.
Danh mục đầu tư của ông bao gồm nhiều tài sản khác trên khắp đất nước, với các sân golf, tòa nhà chung cư, khách sạn và thậm chí cả một nhà máy rượu vang.
William Thomas, giáo sư tại Trường Kinh doanh Ross thuộc Đại học Michigan, nói: “Ông Trump sẽ phải bán một thứ gì đó hoặc tìm cách thu hồi vốn để có tiền trả các khoản phí.”
Ông Trump có thể quyên tiền từ người ủng hộ trung thành
Ông Trump cũng có thể sử dụng guồng máy gây quỹ khổng lồ của mình để trả những khoản phí pháp lý hàng chục triệu USD.
Theo tờ New York Times, 10% của mỗi đô la quyên góp từ những người ủng hộ sẽ được dùng để chi trả cho việc bào chữa cho ông trong các phiên tòa dân sự và hình sự.
Ông đã sử dụng hai ủy ban hành động chính trị – Save America, vốn là phương tiện chính để chi trả phí pháp lý, và Make America Great Again, nguồn tài trợ cho nỗ lực tranh cử tổng thống của ông – để có tiền trang trải chi phí cho những phiên tòa, mặc dù các ủy ban này thường được sử dụng để phục vụ mục tiêu chính trị.
Những ủy ban này tách biệt với tài khoản chính thức cho chiến dịch tranh cử tổng thống của ông.
Theo tính toán của Forbes, từ cáo trạng đầu tiên vào tháng 3 đến cuối năm 2023, ủy ban Save America đã chi gần 40 triệu USD (khoảng 980 tỷ VND) cho phí luật sư và các khoản liên quan khác.
Bà Shanna Ports, một luật sư kỳ cựu của Trung tâm Pháp lý Tranh cử (Campaign Legal Center), cho biết rằng theo các quy định tài chính về chiến dịch tranh cử liên bang, ông Trump có thể sử dụng Save America để trả khoản phạt theo lệnh của tòa án.
Bà nói thêm rằng ông sẽ không được phép thanh toán khoản phạt này bằng quỹ tranh cử chính thức.
Tuy nhiên, gây quỹ cũng không phải một hướng đi thực tế trong trường hợp của ông Trump, các luật sư nói với BBC.
Cựu công tố viên liên bang Michel Epner cho biết mức phạt lớn sẽ “tạo ra một cuộc khủng hoảng dòng tiền nghiêm trọng khi ông ta cố kiếm được số lượng tiền mặt lên tới 9 con số trong thời gian rất ngắn”.
Ông Michel nói thêm rằng đây sẽ là một khoản tiền khổng lồ, khó mà huy động được từ những người ủng hộ trong khoảng thời gian ngắn.
Theo hồ sơ gửi lên Ủy ban Bầu cử liên bang, ủy ban Save America của ông Trump bắt đầu năm mới với 5 triệu USD tiền mặt trong tay.
Ông Trump chỉ có thể nắm rõ hơn tương lai của việc kinh doanh cũng như tài sản cá nhân của mình khi Thẩm phán Engoron đưa ra phán quyết cuối cùng.
Tuy nhiên, dù chọn cách chi trả nào đi chăng nữa thì một khoản phạt lớn sẽ có khả năng cao khiến vị cựu tổng thống đau đầu về tài chính.
Giáo sư kinh doanh William Thomas đánh giá: “Dù toàn dối trá và khai man về tài sản nhưng ông Trump vẫn thực sự là một người giàu có. Có điều hầu hết mọi người đều không có sẵn 400 triệu USD.”
Leave a Reply