Darren Nguyễn Ngọc Chương, Esq.
Thường trú nhân nhập cảnh Hoa Kỳ được chia ra làm hai loại: Loại thứ nhất là “thường trú nhân trở về” (tức là returning LPR) và loại thứ hai là “thường trú nhân xin nhập cảnh.”
Sự khác biệt của hai loại là: “Thường trú nhân trở về” không cần xin phép nhập cảnh cho nên những điều luật cấm nhập cảnh không được áp dụng. Nhưng “thường trú nhân xin nhập cảnh” vì đương đơn đang xin nhập cảnh, Sở Di Trú được quyền áp dụng những điều luật cấm nhập cảnh.
“Thường trú nhân trở về” chỉ cần có giấy thẻ xanh hoặc reentry permit.
“Thường trú nhân xin nhập cảnh” là “thường trú nhân trở về” đã vi phạm một trong những trường hợp sau đây:
1. Bỏ rơi sự thường trú của đương sự.
2. Đã vắng mặt ở Hoa Kỳ liên tục hơn 180 ngày.
3. Phạm pháp trong thời gian vắng mặt ở Hoa Kỳ, tức là phạm pháp ở ngoài Hoa Kỳ.
4. Rời khỏi Hoa Kỳ trong khi đang trong quá trình xét xử để trục xuất.
5. Đã bị án những tội nêu trong phần 212(a)(2) của bộ luật di trú như: “Crimes of Moral Turpitude” như là ăn cắp (theft), gian lận (fraud), bạo động trong gia đình (domestic violence)…; bị án hai tội trở lên và tổng cộng thời gian án tù năm năm trở lên; bị án việc buôn lậu ma túy; bị án mại dâm; bị án việc chuyên chở người bất hợp pháp vào Hoa Kỳ,…
6. Có dự tính nhập cảnh Hoa Kỳ ngoài những cửa khẩu nhân viên Sở Di Trú chính thức công nhận hoặc đã bị từ chối nhập cảnh Hoa Kỳ.
Như quý bạn đọc thấy trong trường hợp thứ hai, thường trú nhân vắng mặt ở Hoa Kỳ liên tục hơn 180 ngày (tức sáu tháng) sẽ bị coi là “thường trú nhân xin nhập cảnh” và Sở Di Trú được quyền áp dụng những điều luật cấm nhập cảnh.
Cũng có thể vì trường hợp thứ hai này mà chúng ta nghe nhiều người nói “thường trú nhân về Việt Nam dưới sáu tháng không cần reentry permit.” Nhưng câu nói đó không hoàn toàn đúng sự thật vì thường trú nhân vắng mặt Hoa Kỳ dưới sáu tháng vẫn có thể bị Sở Di Trú không cho phép nhập cảnh.
Ngoài sự chứng minh đương đơn là thường trú nhân, đương đơn phải là người không có ý định bỏ rơi sự thường trú của mình.
Vấn đề chính là người thường trú nhân phải chứng minh rằng họ không bỏ rơi sự thường trú của họ và những yếu tố để chứng minh người thường trú nhân có bỏ rơi sự thường trú của họ hay không là: liên hệ gia đình ở trong và ở ngoài Hoa Kỳ, tài sản ở trong và ở ngoài Hoa Kỳ, việc làm ở trong và ở ngoài Hoa Kỳ, Hoa Kỳ có phải chính thức được gọi là nhà hay không, lý do rời khỏi Hoa Kỳ, và thời gian ở ngoài Hoa Kỳ,…
Thẻ xanh hoặc reentry permit, chỉ chứng minh rằng đương đơn là thường trú nhân.
Nếu Sở Di Trú có chứng cớ là đương đơn bỏ rơi sự thường trú của họ, dù đương đơn có thẻ xanh đi dưới sáu tháng hoặc có reentry permit vẫn bị từ chối nhập cảnh.
Tôi đơn cử một vài trường hợp đã xảy ra. Trường hợp thứ nhất là một thường trú nhân rời Hoa Kỳ ba tháng, trở về lại Hoa Kỳ một tháng, rồi lại rời Hoa Kỳ ba tháng nữa… Như vậy người thường trú nhân này ở ngoài Hoa Kỳ nhiều hơn là ở tại Hoa Kỳ, không có tài sản ở Hoa Kỳ, không có việc làm ở Hoa Kỳ, không khai thuế ở Hoa Kỳ. Khi người thường trú nhân này trở về Hoa Kỳ, Sở Di Trú có thể từ chối không cho người thường trú nhân này nhập cảnh và đưa ra tòa để trục xuất, vì người thường trú nhân này đã bỏ rơi sự thường trú của họ.
Trường hợp thứ hai là thường trú nhân có việc làm ở Hoa Kỳ, làm chủ một căn nhà ở Hoa Kỳ, khai thuế hằng năm ở Hoa Kỳ và có vợ và con ở Hoa Kỳ. Người thường trú nhân này đi Việt Nam chín tháng mới trở về Hoa Kỳ. Dù là người thường trú nhân này đi quá sáu tháng và không có reentry permit, họ vẫn được nhập cảnh Hoa Kỳ vì họ là thường trú nhân không có ý định bỏ rơi sự thường trú của họ.
Hai điển hình trên là cả hai người thường trú nhân đều rời Hoa Kỳ dưới một năm nhưng trường hợp thứ nhất đương sự bị đưa ra tòa trục xuất, còn trường hợp thứ hai đương sự không bị đưa ra tòa trục xuất như tôi đã trình bày ở trên.
Theo luật di trú hiện nay, thường trú nhân rời Hoa Kỳ trên một năm, Sở Di Trú cho là người thường trú nhân đó đã bỏ rơi sự thường trú của họ. Nhưng có sự khác biệt giữa thẻ xanh và reentry permit là khi thường trú nhân có reentry permit (mà reentry permit thường có giá trị hai năm), Sở Di Trú không thể dựa vào thời gian vắng mặt tại Hoa Kỳ khi reentry permit còn giá trị để xét người thường trú nhân đó có bỏ rơi sự thường trú của họ hay không.
Sở Di Trú phải có lý do chính đáng, có bằng chứng cụ thể theo những yếu tố tôi đã trình bày trên để chứng minh rằng người thường trú nhân đó đã bỏ rơi sự thường trú của họ, thì khi đó Sở Di Trú mới có quyền đưa ra tòa trục xuất.
Để tóm tắt lại, thường trú nhân rời Hoa Kỳ thường xuyên nên có reentry permit và không nên đi quá sáu tháng. Thêm vào đó, nên để ý những yếu tố Sở Di Trú dùng để chứng minh thường trú nhân bỏ rơi sự thường trú của họ.
Quý bạn đọc nên lưu ý, những điều tôi đã trình bày trên chỉ nói về vấn đề thời gian rời Hoa Kỳ. Nhưng thời gian chỉ là một trường hợp trong sáu trường hợp nêu trên. Nếu thường trú nhân bị án như nêu trong trường hợp thứ năm, dù rời Hoa Kỳ một ngày vẫn bị coi là “thường trú nhân xin nhập cảnh” và Sở Di Trú được quyền áp dụng những điều luật cấm nhập cảnh với người thường trú nhân đó.
Hiện nay Sở Di Trú chấp hành luật di trú hết sức khắt khe. Những thường trú nhân có tiền án không nên rời khỏi Hoa Kỳ trong thời gian khó khăn này. Nếu vì tình cảnh bắt buộc phải rời khỏi Hoa Kỳ, nên liên lạc với một luật sư am tường về luật di trú để tìm hiểu sự lợi hại khi nhập cảnh trở lại Hoa Kỳ.
Bản tin chiếu khán
Theo yêu cầu của quý bạn đọc, sau đây là bản thông tin chiếu khán cho Tháng Ba, 2024.
Ưu tiên 1 – priority date là ngày 8 Tháng Hai, 2015, tức là ưu tiên được dành cho những người con trên 21 tuổi chưa có gia đình của công dân Hoa Kỳ.
Ưu tiên 2A – priority date là ngày 22 Tháng Sáu, 2020, tức là ưu tiên được dành cho vợ, chồng, hoặc con độc thân dưới 21 tuổi của thường trú nhân.
Ưu tiên 2B – priority date là ngày 22 Tháng Mười Một, 2015, tức là ưu tiên được dành cho con độc thân trên 21 tuổi của thường trú nhân.
Ưu tiên 3 – priority date là ngày 1 Tháng Mười, 2009, tức là ưu tiên được dành cho con đã có gia đình của công dân Hoa Kỳ.
Ưu tiên 4 – priority date là ngày 8 Tháng Sáu, 2007, tức là ưu tiên được dành cho anh, chị hoặc em của công dân Hoa Kỳ.
Quý vị có thể tự theo dõi bản thông tin chiếu khán cho hằng tháng tại website của Tổ Hợp Luật Sư Nguyen & Luu, LLP tại: nguyenluu.com.
Mọi thắc mắc xin liên lạc: Luật Sư Darren Nguyễn Ngọc Chương hoặc Luật Sư Lưu Trọng Cẩm Thương của Tổ Hợp Luật Sư Nguyễn & Lưu, LLP địa chỉ số 1120 Roosevelt, Irvine, CA 92620. Điện thoại (949) 878-9888.
Leave a Reply