Vừa đuổi lính Nga, Armenia ra “tối hậu thư”
Hãng thông tấn TASS đưa tin, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan trong cuộc họp báo ngày 12/3 đã đưa ra “tối hậu thư” đối với Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga dẫn đầu.
Theo đó, ông Pashinyan tuyên bố Armenia sẽ rút khỏi CSTO, trừ phi khối an ninh này nêu chi tiết được cam kết nhằm duy trì an ninh của Armenia theo cách mà Yerevan thấy thỏa đáng.
“Nếu CSTO trả lời được câu hỏi về khu vực trách nhiệm của tổ chức này ở Armenia và câu trả lời này phù hợp với tầm nhìn của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ coi như vấn đề giữa chúng ta được giải quyết. Nếu không, Armenia sẽ rời CSTO” – Ông Pashinyan nói.
Tuy nhiên, hiện ông Pashinyan chưa đưa ra thời hạn để CSTO phải có câu trả lời.
Động thái này của Armenia được xem là một bước leo thang nghiêm trọng trong quan hệ giữa Armenia-Nga và Armenia-CSTO.
Trả lời phỏng vấn Radio NV ngày 13/3, tổng biên tập tờ JAMnews (bao quát khu vực Caucasus) Margarita Akhvlediani nhận định, các động thái của Armenia như “một cái tát công khai” vào Moscow.
Mối quan hệ giữa Nga với Armenia – đồng minh truyền thống của Moscow – đã trở nên căng thẳng sau khi Azerbaijan phát động tấn công vào khu vực Nagorno-Karabakh tháng 9 năm ngoái, bất chấp sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga ở đó. CSTO cũng không can thiệp, khiến người dân tộc Armenia tại khu vực này phải di cư.
Vào cuối tháng 2 vừa qua, Armenia đã đơn phương đình chỉ tư cách thành viên tại CSTO. Ông Pashinyan đồng thời tuyên bố sẽ không tham dự Hội nghị thượng đỉnh của tổ chức này ở Minsk.
Không lâu sau, Armenia tiếp tục đưa ra tuyên bố về ý định trục xuất lực lượng biên phòng Nga (đóng quân tại Armenia theo thỏa thuận năm 1992) ra khỏi sân bay Zvartnots ở thủ đô Yerevan. Bức thư chính thức yêu cầu Nga rút lực lượng đã được gửi tới Moscow.
“Armenia đã thông báo cho phía Nga rằng chúng tôi không cần lực lượng biên phòng của biên phòng Nga tại sân bay nữa. Tất nhiên là… cảm ơn phía Nga” – Ngoại trưởng Armenia Armenia Ararat Mirzoyan cho biết trong phát biểu ngày 7/3.
Lập trường này của Armenia một lần nữa được Thủ tướng Pashinyan đề cập trong cuộc họp báo ngày 12/3. Ông Pashinyan tuyên bố từ chối sự giúp đỡ của Moscow.
Nga cảnh báo nóng, dự đoán nguy cơ trả đũa
Ngay trong ngày 13/3, Điện Kremlin đã có động thái đầu tiên trước “tối hậu thư” của Yerevan. Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Nga đưa ra phản ứng gay gắt.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, Moscow đã nắm được tuyên bố của Thủ tướng Pashinyan, đồng thời để ngỏ khả năng tình hình hiện tại của Armenia có thể trở thành lý do buộc CSTO phải tổ chức hội nghị thượng đỉnh bất thường.
Cùng ngày, Viện nghiên cứu chiến tranh (ISW, trụ sở tại Washington) cho rằng, Điện Kremlin có thể đang chuẩn bị một phản ứng gay gắt nhằm vào Armenia và Thủ tướng Pashinyan có thể phải đón nhận những hệ lụy đáng kể.
Nhận định này có phần được củng cố sau cảnh báo nghiêm khắc của Bộ Ngoại giao Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết, nước Nga đang cảm thấy “báo động” trước những lời lẽ xúc phạm và “tối hậu thư” mà giới lãnh đạo chính trị Armenia đang nhằm vào Moscow. Để cứu vãn tình hình, Nga “khuyên Yerevan nên sử dụng các kênh liên lạc thích hợp”.
“Chúng tôi không thể không cảm thấy báo động trước những tối hậu thư và đôi khi là lời lẽ xúc phạm từ giới lãnh đạo Armenia. Việc một số bộ phận trong giới cầm quyền Armenia liên tục muốn thảo luận về CSTO bên ngoài tổ chức này là điều khó hiểu” – Bà Zakharova nói.
Nhà ngoại giao Nga đồng thời khuyên Yerevan nên thảo luận về tương lai tư cách thành viên của nước này trong khuôn khổ CSTO, và sử dụng các kênh liên lạc hai chiều với Nga để giải quyết bất cứ vấn đề nào liên quan tới quan hệ song phương.
Bà Zakharova lưu ý rằng, Nga không phản đối quyền của bất cứ quốc gia nào trong việc xác định chính sách đối ngoại của mình dựa trên lợi ích quốc gia, tuy nhiên “hành vi của Armenia là không đúng mực”.
Đề cập tới việc chính quyền Armenia yêu cầu Nga rút lực lượng biên phòng tại sân bay Zvartnots ở thủ đô Yerevan, bà Zakharova khẳng định, mọi quyết định liên quan sẽ phải được phía Nga dưa ra sau cuộc đàm phán liên bộ trưởng.
“Phía Armenia đưa ra thông báo nói trên trong bối cảnh có một loạt hành động và tuyên bố thù địch từ các quan chức Yerevan.
Xét tới các nhiệm vụ mà lực lượng biên phòng Nga-Armenia đã cùng nhau thực hiện thành công trong nhiều năm qua, bước đi này của Yerevan khó có thể phục vụ lợi ích và an ninh của nước này” – Bà Zakharova nhấn mạnh.
Nga có thể “trừng phạt” Armenia như thế nào?
Theo bà Margarita Akhvlediani, các biện pháp trả đũa trước mắt của Nga có thể nhằm vào kinh tế, bởi ở khía cạnh này, Armenia phụ thuộc rất lớn vào Moscow.
Trên thực tế, trong thời gian qua, Nga đã bắt đầu gây áp lực lên kinh tế Armenia. Con đường chính nối giữa hai nước qua trạm kiểm soát Verkhniy Lars bị đóng cửa định kỳ.
Bên cạnh đó, vào tháng 10 năm ngoái, Duma Quốc gia Nga đã hoãn cuộc thảo luận về dự luật công nhận giấy phép lái xe của Armenia cho mục đích kinh doanh và lao động tại Nga. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng lớn người lao động Armenia tại Nga sẽ rất khó khăn khi hoạt động trong các ngành dịch vụ, ví dụ như nghề lái xe taxi.
Tuy nhiên, bà Akhvlediani cho rằng Nga khó mà “trừng phạt triệt để” Armenia bởi Moscow – vốn đã cắt đứt quan hệ với EU – có lẽ sẽ không muốn lãng phí các thị trường lân cận còn lại.
Trong khi đó, nhiều ý kiến tại Armenia lo ngại rằng, Nga có thể trừng phạt Armenia thông qua Azerbaijan. Tuy nhiên, theo Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế, những hành động của Baku trong vài năm qua cho thấy họ không hẳn đi theo sự dẫn dắt của Moscow.
Câu hỏi liệu có xảy ra cuộc chiến mới giữa Armenia-Azerbaijan hay không vẫn còn bỏ ngỏ, nhưng đó là quyết định của Baku, chứ không phải Moscow.(Soha News)
Leave a Reply