CÁc dự phóng đều báo trước: Donald Trump và Joe Biden sẽ gặp lại nhau trong cuộc bầu cử tổng thống tháng 11/2024. Có rất nhiều khác biệt giữa hai ứng cử viên Cộng Hòa và Dân chủ, ngoại trừ mối lo ngại kinh tế và thương mại của Mỹ lệ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc. Ở Nhà Trắng, cả hai cùng nỗ lực « tách rời khỏi » Trung Quốc, nhưng gần 8 năm qua, hai đời tổng thống Hoa Kỳ liên tiếp đều đã « thất bại ». Vì sao ?
Tổng thống Joe Biden tranh cử nhiệm kỳ hai với ít nhất một thành tích rõ ràng : Nhập siêu của Mỹ năm ngoái thấp nhất kể từ đầu thập niên 2020. Xuất khẩu tăng so với 2022, trái lại nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ giảm 3,6 %. Điểm nổi bật thứ nhì là Trung Quốc đánh mất danh hiệu đối tác thương mại số một của Mỹ, bị Mêhicô qua mặt. Mậu dịch hai chiều giữa Trung Quốc và Mỹ cùng sụt giảm trong năm 2023 so với 12 tháng trước đó.
Decoupling để rồi lại lệ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc ?
Theo thống kê của bộ Thương Mại Hoa Kỳ, nhập khẩu với bạn hàng Trung Quốc từ 2017 đã giảm đi 1/3. Cứ trên 100 đô la hàng nhập vào Mỹ, thì chỉ có 14 đô la hàng của « công xưởng lớn nhất trên thế giới ». Cả hai ứng cử viên tổng thống Dân Chủ và Cộng Hòa đều khoe đấy là công lao của mình.
Không thể phủ nhận là Washington đã thu hẹp thâm hụt mậu dịch với Bắc Kinh nhờ các biện pháp trừng phạt và áp thuế nhập khẩu chính quyền Donald Trump ban hành từ 2018 và đã được chính quyền Joe Biden duy trì. Nhưng như tuần báo Anh The Economist hôm 27/02/2024 ghi nhận : sẽ là một sai lầm nếu vội vã kết luận Mỹ thành công trong việc « cai nghiện hàng made in China ».
Tại sao cả Trump và Biden đều thất bại trong việc giảm thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc ? Giới quan sát đồng loạt trả lời : Dân Mỹ vẫn ưa chuộng và vẫn cần hàng rẻ của Trung Quốc trong bối cảnh lạm phát kéo dài. Về tài chính, cho đến nay Bắc Kinh vẫn là một chủ nợ chính của Hoa Kỳ, nắm giữ 1200 tỷ đô la công trái phiếu của Mỹ. Về công nghệ cao, những tên tuổi như Hoa Vi hay ZTE của Trung Quốc vẫn vừa là nỗi ám ảnh, vừa là những« miền đất hứa » với nhiều tập đoàn công nghệ cao của Hoa Kỳ.
Cần thận trọng với các thống kê
Điều đầu tiên buộc độc giả thận trọng là khác biệt về thống kê hải quan của Trung Quốc và Mỹ liên quan đến cùng một thời kỳ. Bắc Kinh xác nhận tổng kim ngạch xuất khẩu sang Hoa Kỳ tăng 30 tỷ đô la so với tài khóa 2022. Trái lại nhìn từ phía Mỹ, hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ giảm 100 tỷ đô la. Vậy biết tin ai bây giờ ?
Yếu tố thứ hai cũng quan trọng không kém. Căn cứ vào các số liệu của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu ADB, năm 2017, tức là trước khi chính quyền Trump ban hành các biện pháp áp thuế hàng Trung Quốc, để tạo ra một đô la của cải cho nước Mỹ, các doanh nghiệp Hoa Kỳ sử dụng 0,41 % hàng Trung Quốc. Năm 2022, tỷ lệ này đã bị đẩy lên tới 1,06 %. Điều đó đơn giản cho thấy là Mỹ phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc. Tệ hơn nữa, ngay cả trong lĩnh vực dịch vụ ở Hoa Kỳ, dường như « các hãng Mỹ ngày càng phụ thuộc vào bản quyền hiện đang do một số công ty Trung Quốc nắm giữ ».
Lý do thứ ba là, cho đến hiện tại, không một dấu hiệu nào cho thấy Trung Quốc đầu hàng, nhượng bộ, hay sẵn sàng chia sẻ vị trí chiến lược và then chốt của mình trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong cuộc họp Hội Đồng Kinh Tế tháng 12/2023, Bắc Kinh đã nhắc lại xuất khẩu là một ưu tiên trong chiến lược phát triển quốc gia. Các ngân hàng nhà nước được chỉ thị huy động tín dụng từ trước đến nay dành để đầu tư vào cơ sở hạ tầng và địa ốc cho khu vực xuất khẩu. Trong bối cảnh đó, The Economist báo trước là rồi đây hàng của Trung Quốc sẽ còn tràn ngập thị trường quốc tế mạnh hơn nữa, chủ yếu là trong lĩnh vực công nghệ và năng lượng xanh. Mỹ tiếp tục là một điểm tiêu thụ chính.
Một mô hình thương mại đường vòng
Tháng 8/2023 cũng tuần báo The Economist đã ghi nhận liên hệ về thương mại và kinh tế giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới đang trở nên « chặt chẽ hơn bao giờ hết », cho dù Trung Quốc không còn là bạn hàng số 1 của Mỹ.
Hai đời tổng thống Mỹ Donald Trump và Joe Biden trên thực tế đã chỉ « vẽ lại » một bản đồ thương mại mới mà ở đó hai cực chính vẫn là Mỹ và Trung Quốc, nhưng thay vì hai siêu cường kinh tế này trao đổi trực tiếp với nhau thì họ đã « đánh đường vòng » đi qua một loạt các trung gian như Ấn Độ, Mêhicô, Đài Loan, hay Việt Nam.
Vào lúc nhập khẩu của Mỹ với Trung Quốc giảm, thì trái lại cán cân thương mại của Mỹ với từ Mêhicô đến Việt Nam hay Đài Loan đã bị thâm hụt nhiều hơn và Mỹ đã mua vào những sản phẩm mà Trung Quốc bán nhiều hơn cho Việt Nam hay Đài Loan, Ấn Độ …
Trả lời đài truyền hình Pháp France 24 hồi tháng 11/2023 sau cuộc gặp rất được chờ đợi giữa tổng thống Joe Biden và chủ tịch Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh Diễn Đàn APEC tại San Francisco, kinh tế gia Jean Paul Chang nhấn mạnh : Mục tiêu decoupling mối liên hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới như Donald Trump và Joe Biden đề xuất là điều không tưởng :
« Cắt đứt liên hệ tài chính là điều bất khả thi. Người ta có thể viện lý do an ninh quốc gia, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, để kềm chế đối phương, nhưng chúng ta biết rõ là mỗi biện pháp trừng phạt đó lại càng thúc đẩy bên bị trừng phạt tìm ra những ngõ thoát mới. Nghịch lý ở đây là, càng bị Mỹ kềm tỏa, Bắc Kinh lại càng tăng tốc đầu tư trong các lĩnh vực công nghệ bán dẫn và hight tech. Trung Quốc hào phóng hơn nữa trong các chương trình nghiên cứu, đào tạo nhiều kỹ sư và cả một đội ngũ chuyên gia, khoa học …. Nói cách khác, nếu như có một sự thay đổi trong chuỗi cung ứng toàn cầu, kể cả đối với công nghệ cao, thì lập tức các bên liên quan sẽ tìm cách để thích nghi với tình huống ».
Nhà báo Pierre Antoine Donnet của báo mạng chuyên về châu Á Asialyst giải thích thêm :
« Tách rời khỏi nhau giữa Mỹ và Trung Quốc, hiểu theo đúng nghĩa của nó, là điều hoàn toàn không thể làm được, do các nền kinh tế trên thế giới giờ đây đã đan kết quá chặt chẽ với nhau, đặc biệt là về công nghệ cao. Tuy nhiên, Bắc Kinh lẫn Washington đều đã có một sự uyển chuyển, khi thay thế cụm từ tách rời khỏi nhau –decoupling, bằng derisking, tức là giảm thiểu rủi ro. Chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen là người đưa ra khái niệm này và Hoa Kỳ đã xem đó là một sáng kiến hay. Derisking có nghĩa là trước khi ký hợp đồng với một đối tác nước ngoài, cần cân nhắc về những ‘rủi ro’ bị sao chép, rủi ro về tác quyền, rủi ro công nghệ hay sản phẩm, nhất là trong lĩnh vực công nghệ cao, có thể bị đối phương sử dụng vào những mục tiêu quân sự … Như vậy có nghĩa là trước khi hợp tác với một doanh nghiệp nước ngoài, cần nghiên cứu và tìm hiểu về những rủi ro có thể xảy ra».
Nhưng liệu Mỹ có thể yêu cầu một doanh nghiệp « nghiên cứu », cân nhắc các rủi ro hay không? Đừng quên rằng, mục tiêu của doanh nghiệp là kiếm lời. Vế an ninh quốc gia tuy quan trọng, nhưng không chắc đó là ưu tiên số một của các doanh nhân Mỹ, như chủ nhân hãng xe Tesla, hay các nhà sản xuất trang thiết bị điện tử.
Cũng trong cuộc trả lời trên đài truyền hình France24 tháng 11/2023, nhà nghiên cứu Mathilde Velliet, thuộc Viện Quan Hệ Quốc Tế Pháp, đang công tác tại Washington, đã đặt quan hệ Mỹ-Trung ở một góc độ khác :
« Bối cảnh hiện nay là một cuộc cạnh tranh rất gay gắt về công nghệ và thực tế đó sẽ còn kéo dài. Thậm chí là cuộc đọ sức có phần gia tăng cường độ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Mỗi bên sẽ mở rộng thêm các biện pháp trừng phạt, cấm đoán, hạn chế các hoạt động của đối phương. Tại Washington chúng ta thấy, tháng 10/2022 chính quyền Biden đã ban hành lệnh cấm nhắm vào các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Đúng một năm sau, chính phủ Mỹ mở rộng thêm danh sách này. Hơn nữa, từ nhiều năm nay Mỹ kiểm soát đầu tư của Trung Quốc vào thị trường nội địa, nhưng từ tháng 8/2023, Nhà Trắng ban hành quyết định kiểm soát luôn cả một số dự án đầu tư của các tập đoàn Mỹ sang Trung Quốc, tránh để công nghệ của Mỹ rơi vào tay Bắc Kinh, đặc biệt là trong lĩnh vực trí thông minh nhân tạo. ( …) Mục tiêu của chính quyền Biden là « bình thường hóa » tất cả những đòn kềm tỏa đó trong bang giao song phương. Tức là Mỹ vẫn duy trì quan hệ ổn định với Trung Quốc, nhưng cũng sẽ tiếp tục ban hành các biện pháp trừng phạt và hạn chế các khoản giao dịch giữa các công ty của hai nước. Về mặt chính trị, trong bối cảnh bầu cử tổng thống 2024, không ai dám mạo hiểm thay đổi lập trường đó, tức là Mỹ sẽ tiếp tục tỏ ra rất cứng rắn với Trung Quốc ».
Biden và Trump giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng qua kênh kinh tế ?
Vẫn báo The Economist tháng 8/2023 lưu ý độc giả rằng chính sách trừng phạt Trung Quốc do hai tổng thống Trump và Biden tiến hành dẫn đến hệ quả là « một phần lớn các nước ở châu Á, Mêhicô và ở một số nơi khác tại châu Âu nhập nhiều hơn hàng của Trung Quốc và qua đó trở nên thân thiện hơn với Bắc Kinh ». Đó cũng là một kênh giúp Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng.
Cách nay 5 năm, trong một chương trình truyền hình của kênh France 5, Alice Ekman, chuyên nghiên cứu về Trung Quốc và điều hành khoa châu Á Viện Nghiên cứu về an ninh châu Âu, đã thấy trước là, càng bị Âu Mỹ trừng phạt, Trung Quốc càng tăng cường quan hệ với Nga :
« Trung Quốc và Nga đã xích lại gần nhau từ 2014 sau khi Matxcơva bị trừng phạt vì thôn tính bán đảo Crimée của Ukraina. Vladimir Putin bắt đầu chính sách ‘đông tiến’ từ đấy. Nhưng rồi Matxcơva liên tục đẩy mạnh hợp tác về năng lượng với Trung Quốc và cũng chờ đợi đón nhận đầu tư của nước này đặc biệt là về công nghệ cao. Trên các hồ sơ lớn về thời sự quốc tế như Syria hay về Biển Đông, tầm nhìn của Nga và Trung Quốc không đối chọi với nhau. Đôi bên cũng đã tiến hành nhiều cuộc tập trận chung ở Địa Trung Hải, trong vùng Biển Baltic hay ở Biển Đông : Trong cuộc chiến thương mại với Hoa Kỳ, Trung Quốc hoàn toàn không bị cô lập như chính quyền Donald Trump mong muốn. Nhưng đây không chỉ có cuộc chiến thương mại, Washington và Bắc Kinh còn đối đầu nhau trên nhiều mặt trận khác và cần theo dõi tình hình ở những điểm nóng trong khu vực Đông Nam Á và Đông Á ».(rfi)
Leave a Reply