Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi Hà Nội sử dụng “trí tuệ chính trị” trong việc quản lý các mối quan hệ với Bắc Kinh, giữa lúc hai bên đang tìm cách hóa giải căng thẳng trên Biển Đông, theo South China Morning Post (SCMP).
Cụm từ “trí tuệ chính trị” được tờ Nhân dân Nhật báo và Tân Hoa Xã của Trung Quốc nhắc đến khi tường thuật bài phát biểu của ông Tập Cận Bình trong buổi tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Vương Đình Huệ hôm 8/4.
Cụ thể, theo Nhân dân Nhật Báo, chủ tịch Trung Quốc đã kêu gọi hai nước củng cố mối quan hệ song phương bằng cách tin cậy lẫn nhau ở mức độ cao, hợp tác chất lượng cao và nâng cao “trí tuệ chính trị” (tiếng Trung là “chính trị trí tuệ”, tiếng Anh là “political wisdom”).
Tương tự, Tân Hoa Xã cho biết ông Tập kêu gọi hai bên thúc đẩy mạnh mẽ “cộng đồng chia sẻ tương lai” bằng việc nâng cao mức độ tin cậy lẫn nhau, củng cố nền tảng cho tầm nhìn chung bằng sự hợp tác chất lượng cao và thúc đẩy tầm nhìn đó bằng “trí tuệ chính trị” ở mức độ cao.
Bắc Kinh lo Hà Nội thân với phương Tây
Trong cuộc đón tiếp Chủ tịch Quốc hội Việt Nam vào ngày 8/4, theo tờ Tân Hoa Xã, ông Tập Cận Bình đã nhấn mạnh mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Hà Nội “vừa là đồng chí vừa là anh em” (đồng chí gia huynh đệ) và khẳng định “cộng đồng chia sẻ tương lai” giữa hai nước đã mở ra một chương mới trong mối quan hệ song phương.
“Trước những thay đổi sâu sắc của trật tự thế giới hiện nay, mối bận tâm chung của Trung Quốc và Việt Nam là bảo vệ hệ thống xã hội chủ nghĩa cũng như duy trì sự ổn định và phát triển quốc gia,” Tân Hoa Xã trích lời vị chủ tịch Trung Quốc nói với ông Vương Đình Huệ.
Báo chí Trung Quốc tường thuật rằng ông Vương Đình Huệ khẳng định mối quan hệ với Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu của Việt Nam và cho biết Hà Nội luôn nhất quán trong chính sách đối ngoại độc lập và tự chủ.
Báo SCMP nhận xét Bắc Kinh ưa chuộng thuật ngữ “độc lập và tự chủ” vì nó thể hiện sự xa cách đối với Mỹ và các đồng minh.
Sáng 9/4, ông Vương Đình Huệ có cuộc gặp với ông Vương Hộ Ninh, Chủ tịch Chính hiệp toàn quốc Trung Quốc.
Ông Trương Minh Lương, giáo sư chuyên về Đông Nam Á và Biển Đông tại Đại học Tế Nam (Quảng Châu), đánh giá chuyến thăm của ông Huệ có mục đích cải thiện quan hệ hai nước, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vừa nâng mối quan hệ với Mỹ lên mức cao nhất vào tháng 9/2023 cũng như các căng thẳng diễn ra trên Biển Đông trong thời gian gần đây.
“Chuyến thăm cũng là một ví dụ về đường lối ngoại giao cây tre của Việt Nam nhằm giữ sự cân bằng mong manh giữa các cường quốc,” SCMP dẫn lời nhận định của ông Trương.
Về việc ông Tập khuyên Việt Nam nên khôn ngoan khi quản lý các mối quan hệ, ông Trương cho rằng đây là một “thông điệp rõ ràng” gửi tới Hà Nội khi Bắc Kinh lo ngại về việc Việt Nam nâng cao các mối quan hệ với Mỹ, Nhật Bản và Úc.
SCMP trích lời ông Hùng Ba, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam, rằng mối quan hệ giữa hai nước đang tồn tại cả cơ hội lẫn thách thức.
Hôm 11/3, sau khi Việt Nam và Úc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân bày tỏ quan ngại.
Căng thẳng Biển Đông
SCMP dẫn lời giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Đông Nam Á từ Đại học New South Wales (Úc), nói rằng bình luận của Uông Văn Bân là “một dấu hiệu cho thấy căng thẳng đã dâng cao tại Biển Đông sau chuyến thăm của ông Tập (tới Hà Nội).”
Ông Thayer cũng quan sát thấy Hà Nội đã “chỉ trích Trung Quốc nhiều hơn trong các tuyên bố công khai gần đây”.
Chuyến thăm Trung Quốc của ông Vương Đình Huệ diễn ra trong lúc căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines leo thang trên Biển Đông.
Ngày 7/4, Bộ Tư lệnh Chiến khu Nam bộ của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã tổ chức một cuộc tuần tra trên biển và trên không tại Biển Đông, cùng ngày mà Mỹ, Philippines, Nhật Bản và Úc diễn tập “hoạt động phối hợp trên biển” cũng tại khu vực này.
Việt Nam, cùng với Philippines, là hai quốc gia Đông Nam Á có nhiều xung đột, mâu thuẫn với Trung Quốc trên Biển Đông. Các mâu thuẫn này từng leo thang thành xung đột quân sự, với hai sự kiện nổi bật là Hải chiến Hoàng Sa (1974) và vụ va chạm tại Gạc Ma (Trường Sa, 1988).
Các cuộc chạm súng với mức độ tương đương không còn xảy ra sau đó, nhưng các tranh chấp, va chạm trên thực địa vẫn diễn ra giữa lực lượng chấp pháp Việt Nam và Trung Quốc, cũng như giữa lực lượng chấp pháp Trung Quốc và ngư dân Việt Nam.
Ngày 14/3, trước việc Bắc Kinh công bố đường cơ sở mới ở Vịnh Bắc Bộ, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng đã lên tiếng:
“Việt Nam đề nghị Trung Quốc tôn trọng và tuân thủ Hiệp định về phân định lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa giữa hai nước trong vịnh Bắc Bộ ký năm 2000 giữa Việt Nam và Trung Quốc và Công ước Liên Hợp Quốc về luật Biển (UNCLOS) 1982.”
Ngày 29/2, khi trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Trung Quốc điều tàu hải cảnh hoạt động trong khu vực bãi Tư Chính, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh bãi ngầm Tư Chính là một phần của thềm lục địa Việt Nam và được xác lập hoàn toàn phù hợp với UNCLOS 1982.
Bà Hằng nói Việt Nam “kiên quyết phản đối mọi hành động vi phạm chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với các vùng biển của Việt Nam”.
Ngày 20/1, Việt Nam cũng đã bày tỏ sự “quan ngại” về những căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung QuỐC Philippines trên Bãi Cỏ Mây.(BBC)
Leave a Reply