Tuesday, January 21 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Hà Lan đang trở thành đấu trường chính trong cuộc chạy đua của Trung Quốc nhằm bắt kịp Hoa Kỳ trong lĩnh vực sản xuất các vi mạnh nhỏ nhất, linh kiện tối cần thiết cho các sản phẩm công nghệ cao, như điện thoại, xe hơi đời mới, và đặc biệt là lĩnh vực trí thông minh nhân tạo, cũng như công nghệ quân sự. Việc ai nhanh hơn ai trong cuộc đua công nghệ đỉnh cao này ngày càng được coi như chuyện ‘‘an ninh quốc gia’’ đối với Mỹ và đồng minh.

Khâu lắp ráp cuối cùng của máy in thạch bản linh kiện bán dẫn TWINSCAN NXE:3400B của công ty Hà Lan ASML, ở Veldhoven, Hà Lan. Ảnh chụp ngày 04/04/2019. © via REUTERS – Handout, Bart van Overbeeke Fotografie/ASML.

Washington gia tăng áp lực buộc chính phủ Hà Lan ngừng cho phép tập đoàn ASML xuất khẩu nhiều loại máy chế tạo vi mạch sang Trung Quốc, kể cả việc hỗ trợ bảo trì máy móc đã xuất khẩu. Cuộc đua tranh ngày càng quyết liệt và khó lường. Trung Quốc tỏ rõ quyết tâm bắt kịp Mỹ, trong lúc vị thế độc quyền của Hà Lan trong lĩnh vực máy chế tạo vi mạch bị đe dọa bởi công ty Nhật Bản, dường như không sẵn sàng nhân nhượng trước đòi hỏi của Mỹ.

***

Hà Lan, thành viên Liên minh chip đối phó với Trung Quốc

Cuộc đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ bán dẫn đỉnh cao chuyển sang một khúc quanh mới kể từ mùa hè năm 2022, khi Washington, cùng với một số đối tác, tìm cách thiết lập một liên minh nhằm ngăn chặn Trung Quốc tiếp cận được với các công nghệ tiên tiến nhất. Tờ Le Monde, trong một bài phân tích về chủ đề này, cho biết dưới áp lực của Mỹ thời Donald Trump, từ năm 2019, tập đoàn Hà Lan ASML, độc quyền về máy chế tạo vi mạch, vốn đã chưa bao giờ bán sang Trung Quốc máy in thạch bản ‘‘siêu cực tím’’ (EUV), cho phép chế tạo các vi mạch kích cỡ 3nm, tức nhỏ nhất thế giới vào thời điểm hiện tại. Loại máy này chỉ được bán riêng cho các nhà máy sản xuất chip của công ty Đài Loan TSMC và công ty Hàn Quốc Samsung.

Bước ngoặt mới là, kể từ ngày 01/01/2024, Hà Lan, theo đòi hỏi của Mỹ, đã ngừng cung cấp các máy chế tạo vi mạch ít hiện đại hơn, tức các máy ‘‘cực tím’’ (DUV), cho các khách hàng Trung Quốc, nhất là tập đoàn SMIC (Semiconductor Manufacturing International Corp.), nhà chế tạo smartphone hàng đầu của Trung Quốc. Ngay trước hạn chót, chính quyền Mỹ đã can thiệp để buộc ngừng cấp cho phía Trung Quốc các máy đã được đặt hàng, đúng vào lúc các công ty Trung Quốc khẩn trương tìm cách mua tối đa máy chế tạo vi mạch DUV của Hà Lan.

Hà Lan ở thế đi dây: Thị trường béo bở tại Trung Quốc trở thành đe dọa ‘‘an ninh quốc gia’’

Trước lệnh cấm này, hồi năm ngoái 2023, tập đoàn Hà Lan đứng thứ hai trong lĩnh vực công nghệ vi mạch tại Trung Quốc, sau Đài Loan, với doanh số 6,4 tỉ euro, chiếm 29% tổng doanh thu của công ty, tăng gấp đôi so với năm 2022. Trong nửa cuối năm 2023, máy in thạch bản của ASML chiếm hơn 40% doanh thu của công ty tại Hoa Lục. Tuy nhiên, xu thế mở rộng xuất khẩu này giờ đây không còn phù hợp với chính sách mới. Tình báo Hà Loan, đưa ra hồi tháng 8/2023, đã xem Trung Quốc là ‘‘mối đe dọa nghiêm trọng nhất với an ninh kinh tế’’ của vương quốc. Bản thân thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte – người được Hoa Kỳ ủng hộ để đảm nhiệm vị trí tổng thư ký khối NATO trong tương lai – cũng không thể đi ngược chủ trương của Washington.

Le Monde ghi nhận tình thế ‘‘đi dây’’. Chính phủ Hà Lan ngày càng lâm vào thế  lựa chọn rất nan giải, giữa một bên là tiếp tục coi Trung Quốc là thị trường hàng đầu đối với tập đoàn ASML, công ty lớn nhất của đất nước, và bên kia là chấp nhận thêm nhiều hạn chế xuất khẩu theo đòi hỏi của Mỹ, vì lý do an ninh của toàn khối. Cuối tháng 3/2024 vừa qua, trước khi tới Trung Quốc, trả lời báo giới Hà Lan, bộ trưởng Thương Mại Hà Lan Geoffrey van Leeuwen nhấn mạnh : ‘‘bảo vệ các lợi ích của ASLM phải là điều quan trọng nhất’’, nhưng ‘‘chúng tôi cũng khẳng định an ninh quốc gia của đất nước và an ninh quốc gia của các đối tác phải được đặt trên các lợi ích kinh tế’’. Tuyên bố khẳng định thế đi dây ngày càng khó khăn của Hà Lan.

Tiến bộ ‘‘ngoài dự đoán’’ của Hoa Vi và SMIC buộc Mỹ gia tăng áp lực lên đồng minh

Hoa Kỳ không chỉ gia tăng áp lực buộc Hà Lan ngừng xuất khẩu các máy chế tạo vi mạch tiên tiến, mà còn can thiệp để buộc tập đoàn ASML ngừng các hoạt động bảo dưỡng, cũng như việc cung cấp các thiết bị mới để nâng cấp các máy đã bán cho Trung Quốc. Hoa Kỳ lo ngại là các máy ‘‘cực tím’’ (DUV) sẽ mang lại các hỗ trợ ”có ý nghĩa quyết định”, giúp Trung Quốc thu hẹp khoảng cách với Mỹ.

Một trong các lý do trực tiếp chính khiến Mỹ phải tăng tốc áp lực lên đồng minh nhằm hạn chế khả năng bị Trung Quốc bắt kịp là việc tập đoàn Hoa Vi (Huawei), hồi tháng 8/2023, cho ra mắt một loại smartphone mới sử dụng các vi mạch kích cỡ nhỏ hơn 7nm, bất chấp việc tập đoàn này không còn nhập được các chip điện tử siêu nhỏ từ Đài Loan, do lệnh cấm của Mỹ. Điện thoại cầm tay Mate 60 Pro của Hoa Vi đã giúp tập đoàn này tăng gấp rưỡi doanh thu về điện thoại di động trong quý tư 2023.

Hồi tháng 10/2023, hãng tin Mỹ Bloomberg cho hay, sở dĩ Hoa Vi đã có thể thực hiện được cú đột phá này là nhờ sử dụng được các máy chế tạo chip tinh xảo, dù chưa phải ở mức tân tiến nhất, của tập đoàn Hà Lan. Tháng 2/2024 vừa qua, báo Anh Financial Times tiết lộ: tập đoàn SMIC của Trung Quốc đang lắp đặt hai dây chuyền sản xuất vi mạch 5nm tại Thượng Hải, để chuẩn bị cho ra lò các chip điện tử tân tiến hơn, chuẩn bị cho các smartphone đời mới của Hoa Vi, trước khi sản xuất các vi mạch phục vụ cho lĩnh vực trí tuệ nhân tạo.

Đây rất có thể là lý do trực tiếp khiến chính phủ Mỹ, hồi đầu tháng 3 vừa qua, quyết định gây áp lực buộc Hà Lan đưa ra ‘‘các hạn chế bổ sung’’ trong việc ngừng bảo dưỡng các máy đã bán Trung Quốc. Ngoài Hà Lan, Mỹ cũng yêu cầu phía Nhật ngừng cung cấp một số hóa chất đặc biệt phục vụ chế tạo chip.

Cuộc đua máy chế tạo chip siêu nhỏ: công ty Nhật có thể tiếp tay Trung Quốc

Máy chế tạo vi mạch điện tử là tâm điểm của cuộc đua công nghệ vi mạch Mỹ – Trung. Trang mạng Asia Financial, chuyên về tài chính kinh tế châu Á, dẫn thông tin từ SEMI, hiệp hội hàng đầu của giới kinh doanh ngành vi mạch, Trung Quốc ước tính mua khoảng 30 tỉ đô la thiết bị sản xuất vi mạch điện tử trong năm 2023. Trong lĩnh vực sản xuất bộ xử lý vi mạch, Trung Quốc chắc chắn vẫn còn ở khoảng cách khá xa so với tập đoàn Mỹ Nvidia. Tuy nhiên, bước tiến rõ ràng nói trên của Hoa Vi và SMIC, nhờ các thiết bị của Hà Lan, bất chấp các giới hạn trước đó Hoa Kỳ đề ra, cho thấy trên thực tế Trung Quốc đang tiếp tục thu hẹp khoảng cách. Hồi tháng 12/2023, giám đốc điều hành của tập đoàn Mỹ Nvidia,  ông Jensen Huang (Hoàng Nhân Huân), gọi công ty Thâm Quyến là một đối thủ “đáng gờm”.

Theo giới quan sát, lĩnh vực vi mạch toàn cầu đang bước vào giai đoạn ”thay đổi đột biến” trong năm 2024. Tập đoàn Hà Lan có nguy cơ mất vị thế độc quyền trong lĩnh vực chế tạo máy sản xuất vi mạch tân tiến nhất. Nhật Bản đang trở thành đối thủ hàng đầu. Theo Asia Financial, Nhật cũng đang đầu tư mạnh vào lĩnh vực chip điện tử, để sẵn sàng nhảy vào các khu vực bị bỏ trống trong thị trường Trung Quốc, hệ quả của các chính sách hạn chế của Mỹ.

Tập đoàn Canon của Nhật Bản, hồi đầu năm nay, cho biết hy vọng sẽ bán sang Trung Quốc máy in thạch bản in với ”công nghệ nano’’. Máy chế tạo chip của Canon được khẳng định là ‘‘giúp cắt giảm đáng kể chi phí sản xuất chip’’, có khả năng trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp với tập đoàn ASML của Hà Lan. Hãng tin Mỹ CNBC dẫn thông báo của Canon cho biết, máy chế tạo chip mới nhất của tập đoàn mang tên FPA-1200NZ2C, có khả năng chế tạo các vi mạch nhỏ 2nm, tức nhỏ hơn cả máy của ASML.

Hồi đầu tháng 3/2023, bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Ken Saito cho biết, trong hiện tại Nhật tạm thời chưa có dự định tham gia vào các hạn chế mới của Mỹ nhắm vào Trung Quốc. Tokyo cho biết đã tham gia các đợt hạn chế xuất khẩu thiết bị sản xuất vi mạch sang Trung Quốc trong năm 2023, và đã hoàn thành “trách nhiệm với tư cách là một quốc gia công nghệ cao, nhằm đóng góp cho hòa bình và ổn định quốc tế”. Bản tin của Reuters hôm 28/03 vừa qua, tức sau chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Hà Lan, cho biết bộ Thương Mại Mỹ đang tiếp tục thảo luận với các đồng minh về chính sách tiếp tục hạn chế xuất khẩu trong lĩnh vực vi mạch.(RFI)

Share.

Leave a Reply