Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

(Nguyễn Văn Dưỡng)

Xa hơn về phía Nam Lộc Ninh, khoảng 15 cây số là Sông Cần Lê nối liền Sông Sài Gòn và Sông Bé, với chiếc Cầu Cần Lê béton cốt sắt vững chãi. Tại đây được phối trí một Đại Đội của Tiểu Đoàn 2/9, một Pháo Đội hỗn hợp 155 ly và 105 ly, một Đại Đội Công Binh Chiến Đấu và hai Đại Đội Địa Phương Quân. Tất cả do Trung Tá Nguyễn Văn Hòa chỉ huy. Phía Bắc Cầu Cần Lê, chừng bốn cây số, bên trái Quốc Lộ 13 là Tỉnh Lộ 17, bắt đầu từ Quốc Lộ 13 chạy về hướng Tây vào lãnh thổ Tây Ninh. Con đường này dài chừng 20 cây số. Khoảng hơn hai cây số từ Quốc Lộ 13 đi về hướng Tây Ninh là Căn Cứ Hùng Tâm gồm hai căn cứ nhỏ cấp Tiếu Đoàn nằm ở hai bên lề Bắc và Nam của Tỉnh Lộ 17. Theo tin tức và theo yêu cầu của Tướng Hưng. Trung Tướng Minh tăng phái cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh Chiến Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh trong ngày 28 tháng 3.1972, đóng ở hai Căn Cứ Hùng Tâm này. Chiến Đoàn này gồm Tiểu Đoàn 2 của Trung Đoàn 52, Tiểu Đoàn 1 của Trung Đoàn 48 thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Đại Đội Trinh Sát của Sư Đoàn với bốn khẩu pháo 105 ly, hai khẩu 155 ly, và một Đại Đội Công Binh.

Phía Nam Cầu Cần Lê chừng 9 cây số là Thị Xã An Lộc, Tỉnh lỵ của Tỉnh và Tiểu Khu Bình Long. Đại Tá Trần Văn Nhựt, Tỉnh Trưởng kiêm Tiểu Khu Trưởng, là một cấp chỉ huy giàu kinh nghiệm tác chiến của Thủy Quân Lục Chiến, từng là Trung Đoàn Trưởng các Trung Đoàn 43 và 48 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Cá nhân ông là một sĩ quan can trường, nhưng khiêm tốn, tế nhị, rất khéo xử thế và được sự mến chuộng của thượng cấp và thuộc cấp. Cố vấn Hoa Kỳ rất khen ngợi ông, có lẽ cũng vì sự khéo léo của ông. Tại An Lộc, Đại Tá Nhựt có khoảng hai Tiểu Đoàn Địa Phương Quân và nhiều Trung Đội Nghĩa Quân và Dân Vệ. Quân số tổng cộng dưới 2.000 người nhưng chia đóng ở nhiều nơi trong Tỉnh. Tại Tỉnh lỵ và vùng xã ấp phụ cận, vùng Đồi Gió và Đồi 169 ở Đông-Nam Tỉnh lỵ, chỉ có chừng 800 người, với vài chiếc thiết giáp cũ loại V-100 và mấy Pháo Đội hỗn hợ̣p đại bác 105 ly và 155 ly.

Tướng Hưng đặt Bộ Tư Lệnh Hành Quân nhẹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh trong Thị Xã. Bên ngoài, cách Thị Xã về hướng Tây-Bắc là Căn Cứ Charlie, nơi đóng Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 7 của Sư Đoàn. Hai Tiểu Đoàn 2/7 và 3/7 với Đại Đội Trinh Sát 7 hoạt động xung quanh Thị Xã và khu vực Tây-Bắc. Hai Đại Đội của Tiểu Đoàn 1/7 hoạt động hướng Đông-Bắc và hai Đại Đội khác của Tiểu Đoàn này đóng ở Căn Cứ Quản Lợi, cách Thị Xã An Lộc chừng 7 cây số về hướng Đông-Bắc. Tại đây còn có một Đại Đội Địa Phương Quân và một đơn vị Lôi Hổ cấp Đại Đội. Căn cứ chính của Trung Đoàn 7 vẫn còn ở Quận Phú Giáo, Tỉnh Bình Dương với một số ít binh sĩ bảo vệ. Quận và Chi Khu Chơn Thành của Tỉnh Bình Long, ở phía Nam An Lộc, chừng 30 cây số có hai Đại Đội Địa Phương Quân bảo vệ. Nam Chơn Thành chừng 30 cây số là Căn Cứ Lai Khê, nơi đặt Bộ Tư Lệnh chính của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, trong địa phận Quận Bến Cát của Tỉnh Bình Dương, cách Tỉnh lỵ Bình Dương chừng 20 cây số.

Trung Đoàn khác của Sư Đoàn 5 Bộ Binh là Trung Đoàn 8, với Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn, một Tiểu Đoàn và Đại Đội Trinh Sát bảo vệ Căn Cứ Lai Khê. Một Tiểu Đoàn đang thụ huấn tại Trung Tâm Huấn Luyện của Sư Đoàn ở Bình Dương và một Tiểu Đoàn thứ ba đang hành quân ở Quận Dầu Tiếng, Tỉnh Bình Dương, nằm ở tả ngạn Sông Sài Gòn.

Từ đầu tháng 2.1972, trong khu vực trách nhiệm của Chiến Đoàn 9, các đơn vị của Chiến Đoàn nhiều lần chạm súng với cấp Tiểu Đội hay Trung Đội quân cộng sản Bắc Việt ở vùng biên giới Tây-Bắc, gần các mật khu của chúng vùng Lưỡi Câu ở vùng biên giới, hoặc dọc theo hành lang Sông Sài Gòn (ranh giới giữa Bình Long và Tây Ninh) và bên ngoài mật khu Bến Than phía Tây Chơn Thành, đã hạ một số cán binh của chúng, phần lớn là thành phần cán binh trinh sát của hầu hết các sư đoàn chính quy cộng sản Bắc Việt và trung ương cục miền Nam 5, 7, 9. Một số tài liệu tịch thu được trên các xác chết là các tài liệu học tập về ‘’tấn công hợp đồng bộ binh, pháo binh và chiến xa vào thành phố’’. Chúng tôi cũng phát hiện được một đơn vị cấp sư đoàn do trung ương cục miền Nam (Bộ Tư Lệnh MACV Hoa Kỳ thường gọi tổ chức này là COSVN, Central Office of South Vietnam) mới thành lập cho chiến trường Tây Ninh và Bình Long, đó là sư đoàn Bình Long hay sư đoàn C30B gồm trung đoàn 271 lấy cán bộ khung của trung đoàn 271 sư đoàn 9 chuyển qua và các trung đoàn 24, 205 và 207, hầu hết là cán binh từ Tây Nguyên và miền Trung đưa vào. Từ các tin tức ở các tài liệu này, tôi trình Tướng Hưng trước tiên nên mở một cuộc hành quân vào mật khu Bến Than, vùng phía Bắc Quốc Lộ 13, nối Chơn Thành và Tây Ninh, cách Quận lỵ Chơn Thành về hướng Tây chừng hơn 15 cây số. Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù được tăng phái cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh mở cuộc hành quân vào Bến Than trong tuần lễ thứ hai tháng 2.1972. Kết quả tịch thu và phá hủy hơn 100 tấn g̣ạo và lương thực, tịch thu hơn 1.000 vũ khí cá nhân và phá hủy nhiều tấn đạn dược của cộng sản Bắc Việt mới được chuyển từ các mật khu biên giới Miên vào tồn trữ ở đó.

Vào trung tuần tháng hai năm 1972, trong một cuộc hành quân thám sát ở vùng đồi thấp cách phía Bắc Lộc Ninh chừng 5 cây số và ở hướng Tây Quốc Lộ 13 chừng hơn 3 cây số, Đại Đội Trinh Sát của Chiến Đoàn 9 chạm súng với một tiểu đội quân cộng sản Bắc Việt, bắn hạ 4 tên và bắt một cán binh mang súng ngắn và hai cán binh khác. Các cán binh này được đưa về Biệt Đội Quân Báo Sư Đoàn thẩm vấn. Chính tôi, lúc đó là Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn cũng trực tiếp tiếp xúc với các cán binh này. Được biết người cán binh mang súng ngắn là một sĩ quan của bộ đội Bắc Việt, đã xâm nhập vào miền Nam trong hai năm trước, đầu tiên được bổ sung cho công trường 7 Bắc Việt, sau cùng được chuyển sang tiểu đoàn trinh sát của sư đoàn 69 hay 70 pháo, trực thuộc trung ương cục miền Nam.

Người sĩ quan trinh sát pháo binh cộng sản này, cấp bậc Trung Úy, khai rằng anh tháp tùng tên tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn trinh sát sư đoàn 69 pháo của trung ương cục miền Nam và hai sĩ quan khác với một tiểu đội cận vệ hôm đó đến vùng đồi phía Tây Quốc Lộ 13 là để điều nghiên các vị trí đặt pháo tiêu diệt căn cứ của Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 Bộ Binh đóng ở cuối sân bay Lộc Ninh, Bộ Chỉ Huy Chi Khu Quận Lộc Ninh gần đó, và tiêu diệt căn cứ của Thiết Đoàn I Kỵ Binh thuộc Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng ở Ngã Ba Lộc Tấn, và Căn Cứ A, hay Alpha, trên Quốc Lộ 13, nối liền với Quốc Lộ 14A ở phía Bắc Lộc Ninh, trong trận Tổng Công Kích sắp diễn ra. Trận Tổng Công Kích này sẽ lớn lao vì đơn vị của anh được học tập là sẽ hợp đồng tác chiến giữa ‘’bộ binh, pháo binh và chiến xa vào thành phố.’’

Advertisements

REPORT THIS AD

Người tù binh trinh sát này tỏ ra thành khẩn trong những lần tiếp xúc với tôi và khai báo cặn kẽ về những gì tôi hỏi nhờ ở sự đối đãi nhẹ nhàng, cho ăn ngon, cà phê thuốc lá, và nhất là để ý thăm hỏi gia đình anh ở miền Bắc. Anh cho biết là sư đoàn 69 pháo trung ương cục miền Nam đổi danh thành sư đoàn 70 pháo và từ cuối năm 1971 đã tiếp nhận thêm rất nhiều loại đại bác lớn với khối đạn dược lớn lao được chuyển từ Bắc Việt vào. Tuy nhiên, có hai câu hỏi quan trọng mà anh không thể trả lời là ngày khai diễn chiến dịch quy mô của trung ương cục miền Nam và các đơn vị chiến xa Bắc Việt sẽ tham chiến. Anh nói rằng theo kinh nghiệm thì sau khi đơn vị trinh sát pháo điều nghiên xong trận địa, thiết lập xong sa-bàn và nếu sa-bàn phối trí pháo được thông qua thì trận chiến sẽ khai diễn độ một tuần sau đó. Nhưng nay tiểu đoàn trưởng trinh sát pháo của anh vừa chết và anh bị bắt nên không rõ trung ương cục miền Nam sẽ có thay đổi gì hay không. Còn về các đơn vị chiến xa, thì anh không được biết và không nhìn thấy trong khu vực đóng quân của đơn vị anh hay vùng phụ cận, mà chỉ được biết qua học tập.

Không thể khai thác gì hơn và theo lệnh, tôi cho chuyển anh này về Trung Tâm Thẩm Vấn Tù Binh Vùng III Chiến Thuật. Sau đó anh này được đổi sang diện ‘’hồi chánh’’. Khi trận chiến An Lộc khai diễn được một tuần, anh Trung Úy trinh sát pháo này mặc quân phục binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa, mang súng lục, theo một cố vấn Hoa Kỳ từ Biên Hòa đến gặp thăm tôi ở Bộ Chi Huy Hành Quân của Sư Đoàn tại An Lộc. Tôi kể rõ chuyện trên đây để chứng minh rằng chúng tôi không hề bị bất ngờ về cuộc Tổng Công Kích Mùa Hè của lực lượng cộng sản Bắc Việt. Sự thực thì sự hiểu biết của người tù binh thành hồi chánh này rất hạn hẹp so với cục diện chiến trường diễn ra ở miền Nam trong ‘’Mùa Hè Đỏ Lửa’’ 1972, vì tri quyền của một sĩ quan cấp nhỏ như anh không thể biết nhiều hơn.

Với vai trò phụ trách tình báo chiến trường của một đại đơn vị cấp sư đoàn, chẳng phải riêng tôi mà tất cả các Trưởng Phòng 2 các Sư Đoàn Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có trách nhiệm rất lớn đối với đơn vị và vị Tư Lệnh của mình. Riêng trách nhiệm của tôi đối với Tướng Hưng có phần nặng nề hơn, nhưng sự liên hệ gắn bó hơn, vì lý do ông vừa là một thượng cấp đối xử với tôi nghiêm minh nhưng không thiếu thân thiện như một người bạn. Từ sau cuộc hành quân của Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù vào Bến Than phá hủy các kho hậu cần quan trọng của trung ương cục miền Nam trong nội địa Tỉnh Bình Long, căn cứ vào lời khai của anh Trung Úy kể trên và hai tù binh khác của sư đoàn 69 pháo, cộng với những tài liệu tịch thu trước đó, trong tuần lễ thứ ba của tháng 3, tôi đã trình Tướng Hưng bản ước tính về chủ trương và khả năng của trung ương cục miền Nam trong thời gian sắp tới của cộng sản Việt Nam nhắm vào lãnh thổ trách nhiệm chiến thuật của Sư Đoàn 5 Bộ Binh và Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật. Về chủ trương, có 3 điểm cần được đặc biệt lưu ý:

1.- Chắc chắn cộng sản Bắc Việt sẽ mở chiến dịch rất lớn vào Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật, không rõ ngày giờ chính xác nhưng ước tính là đầu mùa Hè. Đây là yếu tố quan trọng cần nỗ lực tìm hiểu thêm.

2.- Cung từ của các tù binh trinh sát pháo của sư đoàn 69 pháo trung ương cục miền Nam và tài liệu học tập của các đại đơn vị cộng sản Bắc Việt thu được trên xác cán binh của chúng, đều nói rõ chiến dịch mới của trung ương cục miền Nam là sẽ tấn công vào thành phố với lực lượng phối hợp bộ binh, pháo binh và chiến xa. Chúng tôi biết rõ về các đơn vị bộ binh của cộng sản Việt Nam, trừ đơn vị mới thành lập là sư đoàn Bình Long. Sư đoàn 69 pháo đổi danh thành sư đoàn 70 pháo, được tăng cường trọng pháo và phòng không, tiếp nhận thêm đạn dược từ miền Bắc chuyển vào theo lộ trình đường thủy từ phía Nam Thác Khone trên Sông Mékong thuộc Tỉnh Stung Treng và chuyển vào Sông Chllong thuộc Tỉnh Kratié trên lãnh thổ Miên. Đặc biệt về các đơn vị chiến xa thì chúng tôi hoàn toàn không biết gì. Tù binh bắt được cũng không khai báo một chi tiết nào đáng kể, ngoài việc trung ương cục miền Nam ra lệnh nghiêm nhặt cho tất cả đơn vị cộng sản Bắc Việt phải giữ đúng quy luật và giờ giấc tiếp nhận thiết bị, quân dụng và đạn dược được chở bằng các loại phà di chuyển theo sông Mékong trên lãnh thổ Miên đến các bến đổ hàng trên con sông Chllong này. Tất cả đại pháo, đạn dược và quân dụng pháo binh của sư đoàn 69 pháo binh trung ương cục miền Nam đều nhận ở các bến đổ hàng trên bờ Sông Chllong vào giờ giấc được ấn định cho mỗi đêm. Ban ngày tuyệt đối không có bất cứ hoạt động nào ở các bến đổ hàng đó và cũng không lưu lại dấu tích nào của hoạt động trong đêm trước. Với chi tiết này tôi nghĩ có lẽ cộng sản Bắc Việt đưa chiến xa từ Bắc vào Nam theo đường mòn Hồ chí Minh qua Thác Khone rồi mới dùng phà ngụy trang, từng chiếc một, theo Sông Mékong vào cập ở các bến trên Sông Chllong mỗi đêm trong một thời gian ít nhất là hai ba tháng trước ‘’ngày D’’ của chúng và ém giấu trong các hầm đào dọc theo con sông này. Vì vậy, nên trong suốt thời gian hơn một tháng sau khi thẩm vấn các tù binh sư đoàn 69 pháo, tôi đã vận dụng tất cả phương tiện sưu tầm để tìm chiến xa của cộng sản Việt Nam, hay ít nhất những chỉ dấu nào đó về sư hiện của chiến xa, như ống dẫn dầu, hay vết xe lăn, trên lãnh thổ Miên gần biên giới, như không thám, không ảnh, hoặc thả các toán viễn thám ngụy trang như cán binh trinh sát địch nhiều lần trên bờ Sông Chllong, kể cả sử dụng nhân viên mật và mật báo viên theo các xe be khai thác các gỗ quý ở các khu rừng trên lãnh thổ Tỉnh Kratié của Miên để sưu tập các loại tin tức đó, nhưng đều vô ích. Không tìm được dấu vết nào. Biên giới Việt-Miên trong vùng rừng núi cuối dãy Trường Sơn phía Bắc hai Tỉnh Phước Long và Bình Long thông lên Kratié có rất nhiều đường rừng và nhiều chiếc cầu do các chủ xe be kéo gỗ bắc qua ngạch, ngòi, suối nhỏ trong rừng. Xe be kéo gỗ súc qua lại được thì chiến xa loại nặng cũng di chuyển được. Điều này làm tôi rất bận tâm, nhưng tôi không còn cách nào hơn. Tuy vậy, tôi vẫn tin vào giả thuyết của tôi là chiến xa cộng sản Bắc Việt được chở bằng phà từng chiếc trong nhiều đêm và đổ vào vùng Sông Chllong trong lãnh thổ Tỉnh Kratié và ém quân cất giấu trong vùng này. Lúc đó, chúng tôi không còn được sử dụng Không Quân đánh bom trên lãnh thổ Miên. Tuy nhiên tôi đánh dấu tất cả các cầu xe be bắc qua suối, rạch, ngòi trong rừng từ biên giới đổ lên Kratié để khi cần sẽ đánh bom triệt cầu khi cuộc chiến diễn ra.

Advertisements

REPORT THIS AD

3.- Tuy không rõ ngày giờ cộng sản Việt Nam khai diễn chiến dịch rộng lớn vào lãnh thổ Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật và không tìm được dấu vết chiến xa, nhưng tôi vẫn tin tưởng một chiến dịch như vậy sẽ cỏ thể bắt đầu vào cuối mùa Xuân đầu mùa Hè, 1972. Phòng 2 Quân Đoàn III cũng ước tính như vậy. Phòng II Bộ Tổng Tham Mưu cũng cho biết ở khắp cả bốn Vùng Chiến Thuật đều có những chỉ dấu của một cuộc tấn công toàn diện và cũng không rõ ngày N, giờ G, tức là ngày giờ chính xác của chiến dịch rộng lớn sắp diễn ra. Riêng tại Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật, tôi trình Tướng Hưng là cộng sản Việt Nam sẽ mở chiến dịch quy mô với ý định chiếm một trong hai Tỉnh Bình Long hoặc Tây Ninh để ra mắt chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam (Provisional Revolutionary Government of South Vietnam-PRG hoặc PRGSV) của nhóm Nguyễn hữu Thọ, Trịnh đình Thảo, Huỳnh tấn Phát v.v…) do Hồ chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam dựng lên ở miền Nam trước đây. Sự ra mắ́t của chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam là cần thiết cho cộng sản Việt Nam trong Hội Nghị giải quyết chiến cuộc Việt Nam và cuộc ‘’mật đàm’’ giữa Kissinger và Lê đức Thọ, đang diễn ra ở Paris. Về vấn đề này, câu hỏi được đặt ra là giữa hai Tỉnh Bình Long và Tây Ninh, Tỉnh nào là ‘’điểm’’ và Tỉnh nào là ‘’diện’’ trong chiến dịch sắp tới của chúng?

Theo ước tính của tôi, căn cứ trên các yếu tố địa lý nhân văn, Bình Long sẽ là mục tiêu chính mà cộng sản Việt Nam muốn chiếm để cho ra mắt chính phủ lâm thời miền Nam Việt Nam. Vì vậy Bình Long sẽ là ‘’điểm’’ của trận chiến sẽ diễn ra. Tây Ninh sẽ chỉ là ‘’diện’’. Lý do chính là thành phần quần chúng, tức cư dân của mỗi Tỉnh có sự chênh lệch rõ rệt về văn hóa và tôn giáo. Tỉnh Bình Long là Tỉnh mới được thành lập sau này dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Tỉnh gồm có 3 Quận: Lộc Ninh ở phía Bắc, An Lộc ở giữa và Chơn Thành ở phía Nam. Tổng số cư dân chừng trên dưới 60.000 người, đa số là dân từ tứ phương đến, trừ một số chừng 4%, hay 5.000 người, thuộc sắc tộc thiểu số Stiêng. Hơn 75% là công nhân làm cho các đồn điền cao su của người Pháp ở Lộc Ninh, Quản Lợi, Xa Cam, Xa Cát, và Xa Trạch. Chừng 10% là dân buôn bán. Số còn lại là quân nhân, công chức chính phủ và gia đình họ. Về địa thế, Tỉnh Bình Long nằm trên Quốc Lộ giao thông chính là Quốc Lộ 13. Trên lãnh thổ Miên, Quốc Lộ 13 giao điểm với Quốc Lộ 7 ở Snoul, từ đó trổ về hướng Nam qua biên giới, đổ vào Thị Trấn Lộc Ninh, qua Thị Trấn An Lộc, xuống Thị Trấn Chơn Thành, kéo dài qua Quận lỵ Bến Cát của Tỉnh Bình Dương và chấm dứt ở Thành Phố Thủ Dầu Một, Tỉnh lỵ của Tỉnh này. Trong lãnh thổ Việt Nam, Quốc Lộ 13 nằm giữa hai dòng sông khá rộng là Sông Sài Gòn ở hướng Tây và Sông Bé ở hướng Đông, cách khoảng chừng 15 đến 18 cây số ở mỗi hướng, xuyên suốt từ biên giới đến lãnh thổ Bình Dương. Những đồn điền lớn kể trên nằm giữa hai dòng sông và trên Quốc Lộ giao thông chính này. Phía Tây-Bắc và Đông-Bắc Thị Trấn Lộc Ninh là vùng rừng có nhiều loại gỗ quý, thân cây gốc khá to và mọc cách khoảng nhau từ 4, 5 thước. Như vậy, chiến xa cũng di chuyển dễ dàng và cũng dễ ẩn nấp tránh được quan sát không thám. Kratié, một Tỉnh Miên nằm ở phía Bắc hai Tỉnh Phước Long và Bình Long là sào huyệt chính của trung ương cục miền Nam sẽ đặc biệt trực tiếp chỉ huy chiến dịch sắp đến. Nếu cộng sản Bắc Việt chọn Bình Long làm ‘’điểm’’ thì sự chỉ huy và yểm trợ hậu cần cho chiến trường của trung ương cục miền Nam sẽ thuận lợi và dễ dàng hơn.

Ngược lại, Tây Ninh cùng biên giới với Tỉnh Sway-Riêng của Miên ở khu Mỏ Vẹt, trước tháng 4 năm 1970, là vùng căn cứ địa quan trọng của cộng sản Bắc Việt, nơi tồn trữ hậu cần với các kho tàng tiếp liệu vũ khí của cộng sản Bắc Việt chuyển từ miền Bắc vào trong nhiều năm trước, nhưng sau những cuộc hành quân ngoại biên quy mô thời Trung Tướng Đỗ Cao Trí làm Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật cho đến tháng 2.1971, những căn cứ địa này đã bị hoàn toàn phá hủy, chúng chưa đủ thời gian tái lập ngoại trừ những căn cứ trên Quốc Lộ 7, vùng ngoài biên giới trên lãnh thổ Miên, phía Bắc xa Tỉnh lỵ Tây Ninh. Nếu tấn công lớn với chiến xa thì quân cộng sản Bắc Việt chỉ tiến từ hướng này đến trên Quốc Lộ 22 vào Tỉnh lỵ, còn hướng Tây và Tây-Nam vào mùa Hè đồng cỏ khô, hoặc đầm lầy, địa thế trống trải khó tránh tổn thất lớn bởi các cuộc không tập của Không Quân Việt Nam. Nhưng quan trọng nhất là yếu tố nhân văn với thành phần quần chúng đông gấp bốn lần so với Bình Long, với hơn 70% cư dân là tín đồ Cao Đài đã từng có một lực lượng võ trang lớn chống cộng sản từ những thập niên 1940 và 1950. Quần chúng ở đây, theo truyền thống, vẫn còn chống cộng sản mạnh mẽ. Vả lại, cư dân lập nghiệp và sinh sống ở vùng đất lịch sử này từ nhiều thế hệ trước, khi Tây Ninh còn là vùng đất Trấn Biên từ thời Chúa Nguyễn khai phá đất đai miền Nam và bình phục đất Chùa Tháp. Giả sử cộng sản Bắc Việt đánh chiếm được Tây Ninh thì cũng không chiếm được lòng người dân. Hơn nữa, nếu đánh nhau lớn sẽ không tránh khỏi sự tàn phá Thánh Thất Cao Đài, sẽ gieo niềm oán hận lớn trong đa số quần chúng tín đồ Cao Đài. Vậy, trong chiến dịch lớn tới của cộng sản Bắc Việt, Tây Ninh chỉ là ‘’diện’’. Bình Long sẽ là ‘’điểm’’, là mục tiêu chính mà cộng sản Việt Nam sẽ tấn chiếm.

Trung Tướng Nguyễn Văn Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật, tin tưởng và dựa trên ước tính này phối trí lại lực lượng, chú trọng vào việc tăng cường lực lượng cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh của Tướng Lê Văn Hưng. Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù được tăng phái phối trí ở Quận Chơn Thành và mở cuộc hành quân vào mật khu Bến Than. Chiến Đoàn 52 của Sư Đoàn 18 Bộ Binh tăng cường và phối trí ở hai Căn Cứ Hùng Tâm, Tây-Bắc Cầu Cần Lê ở An Lộc, như trình bày ở phần trên

Một nhầm lẫn mà đến nay còn chưa giải tỏa là khi trận chiến An Lộc diễn ra, tác giả của một số tài liệu báo chí, tập san Việt ngữ ở Hoa Kỳ đều cho rằng Đại Tá Lê Nguyên Vỹ là Tư Lệnh Phó của Tướng Lê Văn Hưng. Điều này không đúng. Thực ra Đại Tá Lê Nguyên Vỹ (sau này lên cấp Chuẩn Tướng, Tư Lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh, tuẫn tiết ngày 30.4.1975) lúc đó là Phụ Tá Hành Quân của Trung Tướng Nguyễn Văn Minh. Như tôi đã trình bày, vì không hợp tính với Tướng Hưng nên Đại Tá Vỹ đã được Tướng Minh đưa về Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật từ mấy tháng trước. Đến khi chấp nhận ước tính của Trung Tá Trần Văn Bình, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật và của tôi là cộng sản Bắc Việt sẽ chọn Bình Long làm ‘’điểm’’ tấn chiếm trong chiến dịch lớn sắp diễn ra, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh dự định dời Bộ Tư Lệnh Hành Quân (hay Bộ Tư Lệnh Tiền Phương) của Quân Đoàn, lúc đó đang đóng ở Tỉnh lỵ Tây Ninh lên An Lộc, nên đưa Đại Tá Lê Nguyên Vỹ và Toán Tiền Thám (quân đội Pháp thường gọi là ‘’élément précurseur’’) và một Trung Đội Công Binh lên Thị Xã An Lộc để chuẩn bị cơ sở chỉ huy, tức Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Tướng Minh sẽ dời từ Thị Xã Tây Ninh sang Thị Xã An Lộc, Bình Long.

Nơi mà Đại Tá Vỹ cho tu bổ và chỉnh đốn trong Thị Xã An Lộc là một dãy nhà ngói tường đúc xoay mặt ra Đại Lộ Nguyễn Huệ, một biệt thự nhỏ nằm phía sau dãy nhà này và một địa đạo ngầm, khá rộng, bên dưới sân sau biệt thự. Kiến trúc nổi và khu hầm ngầm này nằm trong khuôn viên của mảnh đất rộng rào kẽm gai, trong khu vực hành chánh của thị xã, sát cạnh Tòa Hành Chánh của Tỉnh Bình Long. Cơ sở này trước đó là nơi trú đóng Bộ Chỉ Huy của một đơn vị Lưc lượng Đặc Biệt.

Khi trận An Lộc diễn ra thì Bộ Tư Lệnh Hành Quân của Tướng Minh chưa dời vào An Lộc. Đại Tá Lê Nguyên Vỹ còn bị kẹt ở lại đó. (Và khi Bộ Tư Lệnh Hành Quân nhẹ của Sư Đoàn 5 Bộ Binh, ở một địa điểm khác trong thị xã, bị pháo kích dồn dập trong ngày khởi đầu của trận chiến, thì chính Đại Tá Vỹ và Bộ Tham Mưu của Sư Đoàn đề nghị với Tướng Hưng dời Bộ Tư Lệnh của ông sang địa đạo ngầm nói trên. Và vì vậy, suốt trận chiến, cộng sản Bắc Việt không biết được Bộ Tham Mưu của Tướng Hưng ở đâu trong Thị Xã. Có lần cả một tiểu đoàn quân của chúng chỉ cách Bộ Chỉ Huy mới này có một con đường, tấn công dữ dội, nhưng chúng không biết đã tấn công vào đơn vị nào của quân phòng thủ. Hai xe tăng loại T-54 cũng chạy qua Bộ Tư Lệnh Hành Quân mới và khi quay trở ra, bị Đại Tá Vỹ bắn một chiếc. Pháo thì suốt ba tháng phá nát cơ sở của Bộ Tư Lệnh Hành Quân cũ, ngang Dinh Tỉnh Trưởng, và gần như san bằng thành phố nhưng không một quả nào rót đúng hầm ngầm cơ sở chỉ huy mới của Tướng Hưng.)

Cũng trong ước tính trình Tướng Hưng, sau khi biết rõ trận liệt về lực lượng cộng sản Bắc Việt ở bên ngoài biên giới có thể sử dụng trong chiến dịch sắp đến gồm các đại đơn vị cũ như sư đoàn 5, 7, và 9, kể cả trung đoàn 429 đặc công, cũng như sự cải biến của sư đoàn 69 pháo và sự thành lập sư đoàn Bình Long. Mặc dù không tìm được dấu vết về các đơn vị chiến xa, tôi cho rằng trung ương cục miền Nam có hai khả năng chiến thuật tấn công Tỉnh Bình Long vì tổng số lực lượng của chúng ước lượng từ 40.000 đến 45.000 quân tác chiến, cả bộ lẫn pháo.

Giả thuyết về khả năng thứ nhất là chiến thuật ‘’Tập Tấn’’, có nghĩa là tập trung lực lượng lớn đánh chiếm tuần tự các trọng điểm nằm trên Quốc Lộ 13 ở phía Bắc Tỉnh Bình Long trước, sau đó sẽ tập trung lực lượng dứt điểm chiếm Tỉnh lỵ hay Thành Phố An Lộc. Nếu áp dụng chiến thuật này, cộng sản Bắc Việt sẽ dùng một sư đoàn bộ binh tấn công các lực lượng của Sư Đoàn 5 Bộ Binh trên đoạn phía Bắc Quốc Lộ 13 như Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng và Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh ở Căn Cứ A, hay Alpha, và Ngã Ba Lộc Tấn đồng thời tấn công Tiểu Đoàn 1/9 ở Quận lỵ Bố Đức trên Quốc Lộ 14A.

Trong lúc đó, dùng một sư đoàn bộ binh và chiến xa tấn công Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh và Bộ Chỉ Huy Chi Khu Lộc Ninh đóng dọc treo con đường cặp theo sân bay trong Quận lỵ Lộc Ninh. Các đơn vị cộng sản Bắc Việt này sẽ được sư đoàn 70 pháo cải danh yểm trợ dập pháo vào các đơn vị của Sư Đoàn 5 Bộ Binh nói trên trước khi tấn công như lối đánh sở trường ‘’tiền pháo hậu xung’’ của chúng. Một sư đoàn bộ binh thứ ba sẽ phục kích chận viện trên Quốc Lộ 13, đoạn phía Bắc Cầu Cần Lê và phía Nam Thị Xã Lộc Ninh, và một trung đoàn khác phục trên Quốc Lộ 14A giữa Ngã Ba Lộc Tấn và Quận lỵ Bố Đức, đồng thời kềm chế bằng pháo binh hay tấn công bằng đặc công vào sân bay Quản Lợi để cắt tuyệt đường tiếp viện không vận từ Sài Gòn lên Bình Long. Sư đoàn 70 pháo cũng sẽ yểm trợ các đơn vị pháo phòng không cho các đại đơn vị bộ binh của chúng và bắn pháo vào An Lộc để kềm chế hoạt động của Sư Đoàn 5 Bộ Binh. Việc tấn công có phối hợp chiến xa không đủ yếu tố xác định nhưng có thể có vì tất cả tài liệu của chúng bắt được và cung từ tù binh đều nói đến. Sau khi dứt điểm xong Quận Lộc Ninh, trung ương cục miền Nam sẽ dồn hai sư đoàn bộ binh, đơn vị đặc công và sư đoàn pháo tấn công chiếm An Lộc trong khi một sư đoàn khác sẽ phục kích chận viện trên Quốc Lộ 13, phía Nam đồn điền cao su Xa Trạch và Bắc Chơn Thành. Lai Khê cũng sẽ bị tấn công đặc công và pháo kích.

Advertisements

REPORT THIS AD

Giả thuyết về khả năng thứ hai là, trung ương cục miền Nam có thể áp dụng chiến thuật ‘’Tản Tấn’’, hoặc phân tán lực lượng tấn công cùng một lúc ba nơi chính là Lộc Ninh, An Lộc và Lai Khê. Mũi tấn công thứ nhất vào Lộc Ninh gồm một sư đoàn bộ binh tăng cường pháo binh nặng, phòng không và một tiểu đoàn đặc công chia làm hai cánh quân, một tấn công Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9, Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh và Bộ Chỉ Huy Chi Khu và chiếm Thị Trấn Lộc Ninh. Cánh thứ hai tấn công Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng ở Căn Cứ A và Ngã Ba Lộc Tấn. Các căn cứ này, kể cả Tiểu Đoàn 1/9 ở Quận lỵ Bố Đức sẽ bị pháo giập nát trước khi bị tấn công bằng bộ binh. Mũi tấn công thứ hai vào Thị Xã An Lộc, cũng là Tỉnh lỵ Bình Long, lúc đó chỉ có hai Tiểu Đoàn của Trung Đoàn 7 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh hành quân bên ngoài thị xã. Lực lượng Tiểu Khu chỉ có hai Đại Đội Địa Phương Quân trấn đóng trên Đồi Gió và Đồi 169 ở Đông-Nam Thị Xã và chừng hai Đại Đội khác ở bên trong Thị Xã, giữ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Mũi tấn công này của quân cộng sản Bắc Việt có thể gồm một sư đoàn bộ binh tăng cường thêm một trung đoàn của sư đoàn bộ binh khác, hai trung đoàn pháo nặng, phòng không và hai tiểu đoàn đặc công. Một cánh quân nhỏ chừng cấp tiểu đoàn tấn công hay phục kích các đơn vị Việt Nam Cộng Hòa đóng ở sân bay và đồn điền Quản Lợ̣i. Thị Xã An Lộc có thể bị pháo giập nát trước khi bị tấn công bằng bộ binh. Mũi tấn công thứ ba nhắm vào căn cứ chính của Sư Đoàn 5 Bộ Binh ở Lai Khê. Cộng sản Bắc Việt chỉ cần một tiểu đoàn đặc công đánh phá hủy các kho tàng tiếp liệu và đạn dược đồng thời một đơn vị pháo tấn kích dữ dội vào căn cứ. Một đơn vị cấp trung đoàn bộ binh tăng cường pháo phòng không đóng chốt chận viện ở trên Quốc Lộ 13, đoạn phía Bắc Chơn Thành. Pháo kích vào Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật ở Biên Hòa và phi trường chiến lược Biên Hòa.

May mắn là khi chiến dịch Nguyễn Huệ của cộng sản Bắc Việt khai triển vào lãnh thổ Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật với mục đích đánh chiếm Bình Long chúng đã không dùng chiến thuật ‘’Tản Tấn’’ trái lại chúng chọn chiến thuật ‘’Tập Tấn’’ vào Lộc Ninh trước rồi mới tập trung bôn tập xuống tấn công An Lộc, Thị Xã của Bình Long.

Nếu chúng chọn khả năng thứ hai, hay chiến thuật ‘’đánh tản’’ phối hợp chiến thuật ‘’dương Đông kích Tây’’(tức là tấn công với cường độ vừa phải vào Tây Ninh và cùng một lúc tấn công dứt điểm vào An Lộc) liên tục trong ba ngày đêm liền, nhất là khi chúng có thêm chiến xa, chắc chắn lực lượng Việt Nam Cộng Hòa ở Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật sẽ rối loạn, không điều quân kịp, đến ngày thứ ba chúng sẽ chiếm được An Lộc như mong muốn. Lúc đó ván đã đóng thuyền, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa muốn tái chiếm cũng không còn đủ lực lượng, và nếu kéo tất cả đại đơn vị trừ bị Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân từ các nơi khác về để bảo vệ Thủ Đô Sài Gòn đang rúng động, thì sẽ mất luôn Kontum và Quảng Trị. Nếu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đem hai sư đoàn từ miền đồng bằng Sông Cửu Long lên, miền Tây sẽ rối loạn. Yếu tố ‘’tốc chiến tốc thắng’’, lúc đó, các tướng lãnh cộng sản Bắc Việt đã không nghĩ đến, dù là Võ nguyên Giáp, Văn tiến Dũng hay Trần văn Trà kể cả quân ủy trung ương hay bộ chính trị của đảng cộng sản Việt Nam (đảng lao động). Lý do duy nhất để giải thích có lẽ vì các tướng Bắc Việt quá tin tưởng vào khả năng phòng không với các loại hỏa tiễn mang vai SA-7 và các loại súng phòng không tối tân, sự tàn phá kinh khủng của đại pháo hủy diệt tầm xa và di động và sự xung kích dữ dội của chiến xa tối tân như T-54 và PT-76 của Liên Xô nên bỏ lối ‘’đánh tản’’ sở trường mà xoay ra dùng chiến thuật ‘’đánh tập’’, như lối đánh thí quân ‘’biển người’’ của Trung Cộng, nên đã chuốc lấy thất bại ở An Lộc. Từ đó chúng đã hoàn toàn thất bại trong chiến dịch mùa Hè năm 1972. Đáng lẽ các tướng Bắc Việt phải biết hỏa lực của Không Quân Hoa Kỳ rất hùng hậu và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã trưởng thành, rất kiên cường. Dùng chiến thuật đánh ‘’thí thân’’ là thua…

5.- THẤT THỦ LỘC NINH: SƯ ĐOÀN 5 BỘ BINH MẤT THIẾT ĐOÀN 1 KỴ BINH VÀ CHIẾN ĐOÀN 9.

Những gì mà chúng tôi ước tính về trận Tổng Công Kích của cộng sản Bắc Việt vào lãnh thổ Quân Đoàn III và Vùng3 Chiến Thuật trong mùa Hè này, nhất là về mặt trận chính sẽ diễn ra ở đâu, Tây Ninh hay Bình Long, tôi trình Tướng Hưng và cũng được Trung Tá Trần Văn Bình, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật trình lên Trung Tướng Nguyễn Văn Minh. Dĩ nhiên đã có những buổi thuyết trình riêng của Trung Tá Bình và của tôi lên hai vị Tư Lệnh nầy. Các vị Tướng và Bộ Tham Mưu của Quân Đoàn cũng có những cuộc thảo luận, trước khi chiến dịch của cộng sản Bắc Việt diễn ra. Do đó nên mới có quyết định của Tướng Minh về việc phối trí lực lượng trình bày ở trên. Như vậy có thể nói rằng lực lượng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa của Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật đã ở trong tư thế sẵn sàng chống trả chiến dịch Tổng Công Kích mới của cộng sản Bắc Việt trong mùa Hè năm đó. Chỉ một việc chưa hoàn tất được là Bộ Tư Lệnh Tiền Phương của Quân Đoàn III chưa kịp lên Thị Xã An Lộc mà thôi. Lúc đó, Tướng Minh còn ở Biên Hòa và sau đó đưa Bộ Tư Lệnh Tiền Phương từ Thị Xã Tây Ninh sang Lai Khê thuộc Quận Bến Cát, Tỉnh Bình Dương (Căn Cứ chính của Sư Đoàn 5 Bộ Binh) từ đó điều khiển cuộc chiến thắng lợi trong lãnh thổ trách nhiệm của ông trong mấy tháng sau đó. Nên lưu ý rằng nếu để mất một Tỉnh của Vùng 3 Chiến Thuật, Thủ Đô Sài Gòn sẽ rúng động và Washington sẽ đảo điên vì sách lược Việt Nam Hóa Chiến Tranh chưa hoàn tất. Chính trị nội bộ Hoa Kỳ sẽ lên cơn sốt khi mà cuộc bầu cử tổng quát ở Hoa Kỳ sắp diễn ra trong những tháng cuối năm 1972 đó. Xét trên khía cạnh nầy, Tướng Nguyễn Văn Minh là một anh hùng đã cứu nguy cho An Lộc, nói riêng, và cho Sài Gòn lẫn Washington. Nixon và Kissinger phải mang ơn Tướng Minh.

Advertisements

REPORT THIS AD

Tuy nhiên khi trận Tổng Công Kích của cộng sản Bắc Việt diễn ra thì có dư luận kể ở Sài Gòn lẫn Washington cho rằng, cũng như trận Tổng Công Kích Tết Mậu Thân, là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bị bất ngờ. Sở dĩ có dư luận này có thể vì lý do sau đây. Từ 2 giờ sáng ngày 31 tháng 3, lực lượng cộng sản Bắc Việt pháo kích và tấn công dữ dội tất cả các căn cứ đóng quân của Chiến Đoàn 49, Sư Đoàn 18 Bộ Binh, suốt Quốc Lộ 22 từ tiền đồn Xa Mát ở biên giới Việt Miên dẫn vào đến Thiện Ngôn phía Bắc Tỉnh lỵ Tây Ninh. Quan trọng nhất là…Căn Cứ Lạc Long, vì không chịu nổi cường lực tấn công của địch nên toàn bộ đơn vị hơn cấp tiểu đoàn, gồm bộ binh, pháo và quân xa rút khỏi căn cứ định về Thị Xã Tây Ninh, lọt vào ổ phục kích cấp trung đoàn của chúng buổi sáng sớm hôm đó, bị tổn thất rất nặng. Ngay trong buổi sáng đó, Tướng Minh chỉ thị cho Tướng Hưng và tôi bay lên Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn III ở Tây Ninh gặp ông. Khi Tướng Hưng và tôi đến đã thấy Trung Tá Bình, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật chờ Trung Tướng Minh ở phòng khách trước Văn Phòng Tư Lệnh. Tướng Minh từ Biên Hòa đến đi thẳng vào phòng không bắt tay ai, kể cả Tướng Hưng. Chúng tôi theo vào. Tướng Minh nhìn thẳng vào Trung Tá Bình và tôi, xát muối: ‘’Mấy người làm tình báo như vậy đó. Nó đánh tan Trung Đoàn 49 rồi! Tính sao đây ? Tình hình sẽ ra sao ?’’ Trung Tá Bình (hiện ở Nam California) trước năm 1971 là Trưởng Khối Tình Báo Quốc Nội của Phòng 2 Bộ Tổng Tham Mưu, là một Sĩ Quan Quân Báo lỗi lạc, nắm vững tình hình cộng sản Bắc Việt trên toàn quốc cả miền Bắc lẫn miền Nam, bình tĩnh trình Trung Tướng Minh rằng ông tin chắc chắn cộng sản Bắc Việt và trung ương cục miền Nam vẫn nhắm tấn công vào Bình Long và chiếm An Lộc. Trận đánh trong đêm và sáng đó trên Quốc Lộ 22, ở Tây Ninh, chỉ là ‘’hư chiêu’’.

May thay, đang khi đó thì một sĩ quan của Phòng 2 Bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn vào trình cho Trung Tá Bình một số tài liệu mà một đơn vị của Chiến Đoàn 49 ở Căn Cứ Thiện Ngôn tìm thấy trong xác chết của một số cán binh cộng sản Bắc Việt bị hạ khi chúng tấn công căn cứ nầy trong đêm. Đơn vị nầy thuộc sư đoàn C30B của trung ương cục miền Nam mới thành lập ở Tây Nguyên, sau nầy gọi là sư đoàn Bình Long. Không thấy sự hiện diện của các sư đoàn chủ lực của chúng là 5, 7, và 9 trong trận đánh trên Quốc Lộ 22. Như vậy chúng giữ các đại đơn vị nầy cho trận đánh quyết định sắp tới. Đọc xong mấy tài liệu đó, Tướng Minh tỏ vẻ tin vào lời trình bày của Trung Tá Bình. Tuy nhiên ông ra lệnh cho Tướng Hưng ngay trong ngày phải trả Lữ Đoàn 1 Nhẩy Dù tăng phái cho Sư Đoàn 5 Bộ Binh, lúc đó đang còn tiếp tục hành quân ở Bến Than, phía Tây Quận Chơn Thành. Trực thăng bốc Lữ Đoàn nầy vào buổi trưa, đưa vào hành quân giải tỏa Quốc Lộ 22. Một Chiến Đoàn khác của Sư Đoàn 18 Bộ Binh và một Chiến Đoàn Biệt Động Quân cũng được đưa vào vùng này ngay trong buổi sáng đó. Tướng Hưng cũng nhận thêm lệnh sẽ sẵn sàng trả Chiến Đoàn 52 ở Căn Cứ Hùng Tâm và chuẩn bị Trung Đoàn 7 của Sư Đoàn 5 Bộ Binh đang hành quân bên ngoài An Lộc, nếu cần, sẽ được bốc vào Tây Ninh trong ngày hôm sau tùy theo diễn biến tình hình trên Quốc Lộ 22.

Nhưng tình hình đã diễn ra khá kỳ lạ là, ngay trong buổi sáng ngày đó, sau khi tấn công các căn cứ của Chiến Đoàn 49, toàn bộ các đơn vị cộng sản Bắc Việt cấp tốc rút ra khỏi vùng nầy không thu chiến lợi phẩm và cũng không kịp mang xác chết của đồng bọn đi. Các đơn vị của Tướng Minh đưa vào vùng hành quân, không chạm súng và cũng không tìm thấy chúng, mà chỉ thu dọn chiến trường nhầy nhụa ở đó. Đến ngày 2 tháng 4, coi như Quốc Lộ 22 ở Tây Ninh hoàn toàn được giải tỏa. Từ ngày đó cho đến hết ngày 3 tháng 4, trong toàn thể lãnh thổ Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật không có một tiếng súng nổ. Tình trạng im ắng rờn rợn nầy như báo hiệu một cơn bão lớn sắp kéo đến.

Rồi chuyện gì phải đến đã đến. Chiến dịch Nguyễn Huệ của cộng sản Bắc Việt ở Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật thực sự mở màn. Đêm 4 rạng ngày 5 tháng 4, vào khoảng 3 giờ khuya, tôi bị đánh thức bởi tiếng điện thoại reo vang. Bên kia đầu giây là tiếng của Tướng Hưng. Ông cho biết, Đại Tá Nguyễn Công Vĩnh, Chiến Đoàn Trưởng Chiến Đoàn 9, vừa báo cáo là căn cứ của Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 9, Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh và Bộ Chỉ Huy Chi Khu Lộc Ninh ở cuối và cặp theo sân bay Lộc Ninh đang bị pháo kịch dữ dội và chắc chắn sẽ bị tấn công. Tiểu Đoàn 3/9 (-) hành quân ở Tây-Nam Thị Trấn Lộc Ninh, được lệnh rút về căn cứ của Chiến Đoàn, đang bị địch bám sát tấn công liên tục. Đơn vị Thiết Kỵ 1 của Trung Tá Nguyễn Đức Dương và Tiều Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng ở Ngã Ba Lộc Tấn và Căn Cứ A cũng đang bị pháo kích nặng. Ông ra lệnh cho tôi lên ngay Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn. Ông cũng nóí thêm là: Tụi nó đánh lớn rồi. Chiến dịch của tụi nó mở màn…’’

Tôi đến Trung Tâm Hành Quân Sư Đoàn thì Trung Tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn, đã ở đó rồi. Mấy phút sau Tướng Hưng đến. Tại đây tôi được biết, trước đó, khi được lệnh rời vùng hành quân, Tiểu Đoàn 3/9 (-) báo cáo nghe tiếng chiến xa di chuyển rầm rộ ở hướng Tây trên Quốc Lộ 137, là con đường xuyên rừng nối liền Quốc Lộ 13 và Liên Quốc Lộ 7, ở hướng Tây, từ biên giới dẫn vào Lộc Ninh. Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh, xác nhận vào giờ đó không có một chiến xa nào của ông nổ máy. Như vậy, rõ ràng chiến xa cộng sản Bắc Việt đã hiện diện ở chiến trường Lộc Ninh. Sự kiện nầy làm tôi bàng hoàng và cảm thấy xấu hổ về sự bất lực của mình, trong khi Tướng Hưng đang tiếp tục nghe Trung Tá Dương, báo cáo tiếp nơi đóng quân của Thiết Đoàn và Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng đang bị pháo kích khủng khiếp. Nếu tiếp tục đóng tại chỗ sẽ bị tổn thất nặng nề hay bị tiêu diệt. Trung Tá Dương nhận được lệnh điều động Tiểu Đoàn Biệt Động Quân Biên Phòng rời bỏ khỏi Căn Cứ A và Ngã Ba Lộc Tấn đồng thời chỉ huy Tiểu Đoàn 2/9 (-) tùng thiết cho Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh, đang hành quân ở vùng Đông-Bắc Ngã Ba Lộc Tấn, rút về tăng cường cho Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn 9 ở Thị Trấn Lộc Ninh. Tuy nhiên, lúc đó Trung Tá Dương chưa thể thi hành được vì trời còn chưa sáng và đơn vị Thiết Kỵ, Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng và Tiểu Đoàn 2/9 còn đang bị pháo dữ dội. Tiểu Đoàn 1/9 ở Chi Khu Bố Đức trên Quốc Lộ 14A, cũng bị pháo kích nặng. Tất cả những chi tiết trên đây được báo cáo ngay cho Trung Tâm Hành Quân Quân Đoàn. Chính Tướng Hưng cũng muốn trực tiếp trình báo cho Tướng Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật, nhưng không thể liên lạc được với Tướng Minh trên mọi hệ thống điện thoại hay vô tuyến suốt từ giờ phút đó cho mãi đến gần 9 giờ sáng hôm sau, ngày 5 tháng 4. Dĩ nhiên, các Tướng lãnh khác và các giới chức trách nhiệm khác của Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật cũng không liên lạc để trình báo tình hình ở Lộc Ninh cho Tướng Minh.

Advertisements

REPORT THIS AD

Khi Tướng Hưng tiếp xúc được với Tướng Minh là khi ông Hưng đang ở trên trực thăng chỉ huy bay trên không phận Lộc Ninh. Trên chiếc trực thăng này, lúc đó ngoài Tướng Hưng còn có Đại Tá Hoa Kỳ William Miller, Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn, Trung Tá Trịnh Đình Đăng, Trưởng Phòng 3 Sư Đoàn (Khóa 5 Thủ Đức, như Tướng Hưng và tôi, nhưng thuộc Đai Đội 2 Sinh Viên Sĩ Quan, sau trận An Lộc thăng cấp Đại Tá, hiện đang ở Hoa Kỳ), và tôi, Trưởng Phòng 2. Tất cả đều đội mũ sắt trang bị hệ thống dẫn-hợp truyền tin, nên có thể nghe rõ đối thoại giữa Tướng Hưng với các cấp chỉ huy đơn vị của Sư Đoàn dưới đất và với Tướng Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn III và Vùng 3 Chiến Thuật và các giới chức khác.

Trước đó, khi trực thăng chỉ huy của Tướng Hưng đang bay trên vùng không phận Lộc Ninh, Tướng Hưng nhận được báo cáo của Trung Tá Nguyễn Đức Dương là đơn vị Thiết Kỵ của ông đang di chuyển trên Quốc Lộ 13 bị phục kích ở phía Nam ấp Lộc Thạnh nên xin hủy bỏ ‘’mấy con gà cồ’’ tức 4 khẩu pháo 105 ly và 2 khẩu 155 ly được tăng phái cho Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh trước đó để được nhẹ nhàng và di chuyển nhanh hơn. Câu trả lời cũng là lệnh của Tướng Hưng cho Trung Tá Dương nghe rõ trong máy dẫn hợp, cho phép ông này phá hủy các khẩu pháo đó sau khi hạ thấp bắn trực xạ vào toán quân cộng sản phục kích hai bên đường. Dĩ nhiên khẩu lệnh được mã hóa bằng các ám hiệu truyền tin. Một chập sau nghe Trung Tá Dương báo cáo đã thi hành xong, tuy nhiên không thể tiếp tục tiến về Thị Xã Lộc Ninh vì cộng sản phục kích với đơn vị lớn. Tướng Hưng ra lệnh cho Trung Tá Dương đưa Thiết Kỵ trở lại Ngã Ba Lộc Tấn chờ đón Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, sau đó sẽ tập trung lực lượng, trở lại giải tỏa Lộc Ninh. Đại Đội Trinh Sát của Trung Đoàn 9, đang hoạt động ở Tây-Bắc cũng được đặt dưới sự chỉ huy của Trung Tá Dương được lệnh về Ngã Ba Lộc Tấn. Các đơn vị thi hành lệnh. Tuy nhiên, lúc đó, chừng hơn 12 giờ trưa, Chi Đoàn 3/1 Thiết Kỵ với một Đại Đội tùng thiết của Tiểu Đoàn 2/9 đã vượt qua được đoạn đường bị phục kích và tiến được đến Cua Chùm Bao gần Đồi 177 phía Tây Quốc Lộ 13, chỉ cách Căn Cứ Lộc Ninh chừng hơn 1 cây số, nhưng không thể di chuyển được nữa vì bị bao vây và tấn công dữ dội. Trung Tá Dương chỉ tiếp xúc được với đơn vị nầy qua hệ thống vô tuyến.

Khi tiếp xúc được với Tướng Minh, trên trực thăng chỉ huy, Tướng Hưng báo cáo việc này cho Tướng Minh. Tức khắc, Hưng bị xát muối lần đầu tiên trong chiến trường An Lộc 1972. Tiếng nói của Tướng Minh, Tư Lệnh Quân Đoàn, nghe rất rõ: ‘’Đánh đấm gì lạ vậy! Chưa có gì mà đã bỏ của…’’ Máy bị cúp. Tướng Hưng ngỡ ngàng. Mọi người trên trực thăng buồn bã và yên lặng chỉ nghe tiếng mấy cánh quạt và tiếng máy nổ phành phạch. Trực thăng phải rời vùng để Không Quân Việt Nam vào đánh yểm trợ cho căn cứ chỉ huy của Chiến Đoàn 9 đang bị tấn công bộ binh. Sau các oanh tạc cơ của Không Quân Việt Nam rời vùng, trực thăng chỉ huy của Tướng Hưng cũng quay về Lai Khê vì sắp cạn nhiên liệu. Một chập sau nghe tiếng Đại Tá Miller hỏi: ‘’What did Gen. Minh say, 45 ?’’ Không có tiếng trả lời. ‘’Forty-five, hay 45’’, là danh hiệu chỉ huy trong hệ thống truyền tin của Tướng Hưng. Miller hỏi Tướng Minh đã nói gì. Không ai còn đủ sức trả lời cho ông ta. Vả lại có những điều một Tư Lệnh Viêt Nam không thể nói cho Cố Vấn Hoa Kỳ của mình biết. Và nhiều điều ở chiến trường An Lộc Tướng Hưng không thể nói cho Đại Tá William Miller Cố Vấn Trưởng Sư Đoàn biết, nên sinh ra sự hiểu lầm lớn sau đó trong trận chiến quan trọng này.

Sau khi trực thăng chỉ huy đổ đầy xăng, Tướng Hưng và chúng tôi lại bay trở lên vùng trời An Lộc, ở độ cao trên 3.500 bộ, vì phòng không của địch bắn rất rát. Trong suốt buổi chiều chính Tướng Hưng một mặt liên lạc trực tiếp với các cấp chỉ huy quân trên mặt đất để nghe báo cáo và điều động họ đồng thời trực tiếp xin Không Quân Việt Nam đánh yểm trợ. Tướng Hưng có biệt tài về sử dụng không yểm dù điều động các chiến đấu cơ xạ kích vào địch quân chỉ cách quân bạn một con đường hay đánh bom với các tọa độ chính xác mà không cần nhìn vào bản đồ khi ngồi trên trực thăng. Sở dĩ được như vậy là vì trên bản đồ mà ông sử dụng hằng ngày ông ghi tọa độ tất cả các ngã ba, ngã tư của các con đường, các ngã ba sông, các thị trấn, thị xã, các cao điểm, và các điểm-nhớ quan trọng. Gần như ông thuộc lòng tọa độ địa hình các nơi đó trong toàn lãnh thổ trách nhiệm. Ngày thường, khi thuyết trình tình hình cho ông nên thận trọng về địa điểm và tọa độ. Cách ‘’đọc bản đồ trong trí nhớ dựa trên các điểm chuẩn’’ này rất khoa học và cần thiết cho mọi cấp chỉ huy. Đó là ưu điểm để nhanh chóng đánh trả đũa quân địch bằng pháo binh hay không quân, hoặc hướng dẫn điều động quân nhanh chóng và chính xác, nhất là khi chỉ huy trên trực thăng, từ khi ông còn làm Trung Đoàn Trưởng ở Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Làm việc với ông, tôi đã cố gắng học nghệ thuật tác chiến này.

Thế nhưng, với trận đánh buổi chiều đó của cộng sản Bắc Việt trên khắp nơi mà chúng bao vây hay bám đánh các cánh quân của Chiến Đoàn 9, từ căn cứ của Chiến Đoàn, căn cứ của Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh, của Chi Khu, cặp theo sân bay Lộc Ninh, hay những cánh quân đang vừa đánh vừa di chuyển về các điểm tập trung như các đơn vị Thiết Đoàn 1 Kỵ Binh của Trung Tá Nguyễn Đức Dương, Tiểu Đoàn 74 Biệt Động Quân Biên Phòng, Tiểu Đoàn 2/9, Tiểu Đoàn 3/9 và Đại Đội 9 Trinh Sát, thì Tướng Hưng cũng không thế nào cứu vãn được các ‘’đứa con’’ của mình thoát khỏi tình trạng nguy ngập. Một phần vì Không Quân Việt Nam cho biết là phòng không của cộng sản Bắc Việt quá mạnh, nên một số chiến đấu cơ không thể đánh yểm trợ cho các đơn vị đang di chuyển, ngoại trừ các căn cứ ở Thị Xã cặp theo sân bay Lộc Ninh. Phần khác, vì lực lượng địch quân quá đông. Trong suốt ngày đó lực lượng phòng thủ của các căn cứ này đã chống trả hữu hiệu nhiều đợt tấn công bộ binh dữ dội của cộng sản Bắc Việt và Không Quân Việt Nam đã yểm trợ đắc lực cho các căn cứ nầy. Tuy nhiên các căn cứ cấp Đại Đội Địa Phương Quân và Trung Đội Nghĩa Quân ở các xã chung quanh Thị Xã đều bị tràn ngập, hay không chịu nổi phải rút bỏ hay tản lạc. Hai Đại Đội Địa Phương Quân 293 và 294, rút về bảo vệ Bộ Chỉ Huy Chi Khu. Chợ Lộc Ninh và Nhà Thờ bị địch chiếm trong ngày. Đêm tối, các căn cứ trên Quốc Lộ sân bay tiếp tục bị pháo dữ dội. Tổn thất càng nhiều hơn. Binh sĩ trú phòng kinh hoàng vì địch pháo kích với cường độ và sức công phá của các đầu đạn đại pháo pháo khủng khiếp. Nhất là các vị trí đặt pháo 155 ly và 105 ly cố định của Tiểu Đoàn 53 Pháo Binh bị tê liệt không thể phản pháo vì nhiều khẩu pháo bị phá hủy vì pháo binh địch rót vào chính xác. Các mục tiêu pháo của ta lộ diện dễ bị trinh sát pháo của địch điều nghiên từ trước trận đánh.

 

Share.

Leave a Reply