Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Bộ trưởng Quốc Phòng bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Philippines, ngày 03/05/2024, ra một thông cáo chung lên án Trung Quốc liên tục có các hành động ‘‘vũ lực’’ cản trở tự do hàng hải tại vùng quần đảo Trường Sa, Biển Đông.

Ảnh minh họa: Các tàu chiến của hải quân Mỹ, Úc, Nhật và Philippines tập trận chung ngày 07/04/2024, trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines tại Biển Đông. AFP – LEO BAUMGARTNER

Thông cáo của bộ trưởng Quốc Phòng bốn nước ‘‘phản đối mạnh mẽ’’ việc Trung Quốc sử dụng các tàu Hải cảnh và dân quân biển ở Biển Đông gây nguy hiểm, ‘‘liên tục cản trở tàu Philippines thực thi quyền tự do hàng hải trên biển và làm gián đoạn các tuyến đường tiếp tế tới Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal)’’.

Lãnh đạo quốc phòng bốn nước kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết ‘‘cuối cùng và mang tính ràng buộc về mặt pháp lý’’ của Tòa Trọng tài Thường Trực của Liên Hiệp Quốc năm 2016, bác bỏ các yêu sách chủ quyền Trung Quốc trên gần trọn Biển Đông, đồng thời nhấn mạnh quyết tâm ‘‘hợp tác để hỗ trợ các quốc gia thực thi các quyền của mình tại Biển Đông’’.

Thông cáo chung được đưa ra sau khi bộ trưởng Quốc Phòng Úc Richard Marles, bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Bản Kihara Minoru, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines Gilberto Teodoro và bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Lloyd Austin III, hội kiến ngày 02/05 tại Hawaii. Đây là cuộc họp lần thứ hai giữa lãnh đạo quốc phòng bốn nước đồng minh. Cuộc họp nói trên diễn ra ngay sau khi bốn nước lần đầu tiên tập trận chung tại Biển Đông đầu tháng 4/2024.

Cũng ngày hôm qua, bộ trưởng Quốc Phòng ba nước Mỹ, Nhật, Úc ra một thông cáo khác, ‘‘cực lực phản đối bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm đơn phương thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc bằng áp lực ở Biển Đông và Biển Hoa Đông’’, trong đó có ‘‘các hành động gây bất ổn ở Biển Đông như các va chạm không an toàn trên biển và trên không, quân sự hóa các thực thể tranh chấp và sử dụng nguy hiểm các tàu tuần duyên và dân quân biển, cũng như can thiệp vào các hoạt động hàng hải thông thường và các nỗ lực nhằm ngăn chặn hoạt động thăm dò tài nguyên ngoài khơi của các nước khác’’.

Cuộc hội kiến giữa bộ trưởng Quốc Phòng bốn nước Mỹ, Nhật, Úc và Philippines diễn ra một ngày trước cuộc bàn giao quyền chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương Mỹ, tại trụ sở Hawaii. Trong buổi nhậm chức hôm qua, đô đốc Samuel Paparo, người thay đô đốc John Aquilino, cũng đã trực tiếp lên án hoạt động ‘‘bành trướng’’ của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Tân chỉ huy Mỹ gọi các hành động hiện nay của Trung Quốc là ‘‘bất hợp pháp, cưỡng bức, hung hăng và lừa đảo” (‘‘illegal, coercive, aggressive and deceptive’’), vượt khỏi khuôn khổ các chiến thuật thường được gọi là ‘‘vùng xám’’, tức sử dụng các lực lượng dân sự hoặc bán quân sự để lấn dần từng bước. Đô đốc Samuel Paparo nhấn mạnh ‘‘sẽ phối hợp với các đồng minh, đối tác và các đồng đội để bảo vệ khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương tự do và cởi mở, cụm từ của cố thủ tướng Shinzo Abe’’, ‘‘sẵn sàng chiến đấu chống lại bất kỳ kẻ thù nào đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng của nước Mỹ cũng như các đồng minh và đối tác’’.(RFI)

Share.

Leave a Reply