Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã nâng mức cảnh báo khủng bố của đại sứ quán nước này tại Việt Nam lên mức “báo động”.
Cụ thể, vào thứ Năm (2/5), mức cảnh báo khủng bố đã được nâng từ “Chú ý” lên “Báo động” – mức cao thứ hai trong số bốn mức phân loại nguy cơ khủng bố của Hàn Quốc.
Bốn mức độ phân loại nguy cơ khủng bố của Hàn Quốc từ thấp đến cao lần lượt là “Chú ý”, “Cảnh giác”, “Báo động” và “Nghiêm trọng”.
Theo Reuters, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết đây là dấu hiệu phản ánh nguy cơ cao của việc Bắc Hàn thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào quan chức ngoại giao Hàn Quốc.
Hiện tại, Hàn Quốc có một đại sứ quán ở Việt Nam, nằm ở quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.
Ngoài ra Hàn Quốc có hai tổng lãnh sự quán ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh.
Bên cạnh các cơ sở ở Việt Nam, các đại sứ quán Hàn Quốc ở Campuchia và Lào, cũng như các lãnh sự quán tại thành phố Vladivostok (Nga) và Thẩm Dương (Trung Quốc) cũng đã nâng mức cảnh báo khủng bố lên mức này.
Vì sao Việt Nam có tên trong danh sách?
Theo một bài viết liên quan trên báo South China Morning Post, các nhà phân tích cho rằng các đặc vụ của Bắc Hàn sẽ “dễ hành động hơn” ở các quốc gia được xác định là thân thiện với Bình Nhưỡng.
Từ trước tới nay, về mặt hình thức Bắc Hàn là quốc gia có quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam.
Theo báo Nhân Dân, Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Bắc Hàn được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Kim Nhật Thành đặt nền móng từ giữa thế kỷ 20.
Bắc Hàn là một trong những quốc gia đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam (vào tháng 1/1950).
Vào năm 2019, ông Kim Jong-un đã chọn Hà Nội làm địa điểm cho cuộc gặp với Tổng thống Donald Trump của Mỹ.
Cuối tháng 3/2024, Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai đã tiếp Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Đảng Lao động Bắc Hàn Kim Song-nam.
Bà Mai khi đó đã nhấn mạnh sự coi trọng “của Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam” đối với Bắc Hàn.
Bà nói rằng Việt Nam sẽ luôn ghi nhớ và trân trọng sự ủng hộ của Bắc Hàn tới sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước của Việt Nam.
Cũng trong khuôn khổ chuyến thăm này, ông Kim Song-nam đã có cuộc gặp với Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên.
Trong cuộc gặp, ông Nên cho rằng còn nhiều dư địa trong trao đổi hợp tác giữa TP Hồ Chí Minh với các địa phương của Bắc Hàn.
Lý do nâng mức cảnh báo
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cùng Văn phòng Điều phối Chính sách Chính phủ Hàn Quốc cho biết về sự điều chỉnh:
“Những sự điều chỉnh này là phản ứng [của Hàn Quốc] trước thông tin tình báo được các cơ quan của chúng tôi thu thập, cho thấy những nỗ lực đe dọa của Bắc Hàn tới quan chức ngoại giao [Hàn Quốc]”.
Trong một tuyên bố khác, Cơ quan Tình báo Quốc gia của Hàn Quốc (NIS) cho biết đã có “một số dấu hiệu cho thấy Bắc Hàn đang chuẩn bị thực hiện các cuộc tấn công khủng bố vào các nhà ngoại giao và công dân Hàn Quốc”.
Cơ quan này cho biết Bắc Hàn đã điều động các đặc vụ chính phủ tăng cường giám sát các hoạt động ngoại giao của Hàn Quốc và xác định mục tiêu cho các vụ tấn công khủng bố có thể xảy ra.
Truyền thông nhà nước của Bắc Hàn đã chỉ trích những cáo buộc nói trên, cho rằng đây là một nỗ lực do Mỹ dẫn dắt nhằm làm suy giảm uy tín của Bình Nhưỡng.
Từng có nhiều thông tin về việc nhiều công dân Bắc Hàn, bao gồm “một số lượng lớn các nhà ngoại giao”, biến mất vào năm ngoái sau khi Bình Nhưỡng dỡ bỏ các hạn chế được triển khai trong đại dịch Covid-19 và ra lệnh họ phải trở về nước.
Theo bài viết trên South China Morning Post, một số quan chức Bắc Hàn đã đổ lỗi cho Hàn Quốc về những sự biến mất nói trên.
Bài viết này cũng dẫn lời ông Cho Han-bum, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc (KINU), nhận định rằng mối đe dọa khủng bố từ Bắc Hàn trùng khớp với sự thay đổi quan điểm của Bình Nhưỡng về mối quan hệ với Hàn Quốc.
Theo ông Cho, Bắc Hàn đã chuyển hướng quan điểm từ mong muốn hợp nhất với Hàn Quốc sang thành “hai nước đối đầu”.
Những sự kiện trong quá khứ
Tính từ năm 2009, đây là lần đầu tiên mức cảnh báo khủng bố được tăng liền hai bậc.
Lúc bấy giờ, mức cảnh báo đã được nâng từ “Cảnh báo” lên “Nghiêm trọng” khi Hàn Quốc chuẩn bị cho Hội nghị Thượng đỉnh Đặc biệt ASEAN-Hàn Quốc tại đảo Jeju ở miền nam.
Gần đây hơn, mức “Nghiêm trọng” đã được ban hành trong Thế vận hội Mùa Đông Pyeongchang 2018 và Hội nghị ASEAN-Hàn Quốc 2019 tại thành phố Busan.
Năm 2017, Mỹ đã đưa Bắc Hàn trở lại danh sách các nhà nước tài trợ khủng bố, viện dẫn vụ ám sát ông Kim Jong-nam.
Ông Kim Jong-nam là anh trai cùng cha khác mẹ của nhà lãnh đạo Bắc Hàn Kim Jong-un. Ông này đã mất mạng sau khi bị tấn công bằng chất độc thần kinh VX tại sân bay quốc tế Kuala Lumpur, Malaysia.
Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh (1947 – 1991), Bắc Hàn đã bị cáo buộc thực hiện nhiều vụ tấn công nhắm vào dân thường, bao gồm các vụ đánh bom ở sân bay Seoul và vụ đánh bom máy bay dân dụng của Hàn Quốc vào năm 1987 khiến 115 người thiệt mạng.
Năm 1983, Bắc Hàn cũng được cho là đã tổ chức vụ đánh bom ở thành phố Yangon (Myanmar) nhằm vào Tổng thống Hàn Quốc Chun Doo-hwan. Ông Chun sống sót nhưng 21 người khác đã thiệt mạng, bao gồm 17 lãnh đạo cấp cao của Hàn Quốc.
Theo tài liệu do CIA công bố năm 1983, có nhiều bằng chứng ám chỉ rằng Bắc Hàn là chủ mưu của vụ việc này. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng chưa bao giờ tuyên bố chịu trách nhiệm cho vụ việc.
Năm 1996, Tham tán Văn hóa Hàn Quốc Choi Duk-keun đã bị một kẻ tấn công không rõ danh tính đánh chết khi đang công tác tại lãnh sự quán Hàn Quốc ở thành phố Vladivostok (Nga).
Các phương tiện truyền thông Hàn Quốc khi đó đã đưa tin rằng ông Choi bị giết để trả thù cho cái chết của 22 lính biệt kích Bắc Hàn trong chiếc tàu ngầm bị mắc cạn tại một bãi biển của Hàn Quốc trước đó hơn một tháng.
Leave a Reply