Theo Reuters, khi Mỹ gia tăng nhập cảng từ Việt Nam hệ quả tất nhiên là nới rộng thêm mức thâm thủng mậu dịch của Mỹ với Việt Nam. Năm ngoái, Việt Nam thặng dư mậu dịch với Mỹ $105 tỷ, nhiều 2.5 lần so với năm 2018 khi nước Mỹ dưới thời Tổng Thống Donald Trump bắt đầu chiến dịch trừng phạt thuế quan với Trung Quốc.
Việt Nam có mức độ thặng dư mậu dịch với Mỹ lớn hàng thứ tư trong số các đối tác thương mại của Washington, chỉ sau Trung Quốc, Mexico và Liên Âu. Mối quan hệ cộng sinh ngày càng gia tăng đó được hãng thông tấn Reuters tập hợp từ các dữ kiện thương mại, thuế quan và đầu tư của Liên Hiệp Quốc, Mỹ, cả của Việt Nam, cũng như từ Ngân Hàng Thế Giới (WB) cùng một số nguồn khác.
Các con số xuất cảng gia tăng của Việt Nam nhiều bao nhiêu thì người ta lại thấy Việt Nam nhập cảng nhiều bấy nhiêu từ Trung Quốc. Thống kê cho thấy những năm gần đây, Việt Nam tùy thuộc phần lớn vào nguyên liệu, đồ phụ tùng, bộ phận sơ chế, bộ phận rời. Họ nhập cảng, lắp ráp hoàn tất rồi xuất cảng sang Mỹ.
“Việt Nam gia tăng nhập cảng từ Trung Quốc trùng hợp với các con số Việt Nam gia tăng xuất cảng sang Mỹ có thể bị Mỹ coi là các công ty Trung Quốc mượn Việt Nam làm trung chuyển xuất cảng sang Mỹ để trốn tránh thuế quan trừng phạt cho cùng những loại hàng đó,” ông Darren Tay, kinh tế gia trưởng của công ty nghiên cứu thị trường BMI, nhận xét.
Ông Tay nói thêm rằng điều đó có thể dẫn đến việc Mỹ sẽ tăng thuế quan với Việt Nam sau khi cuộc bầu cử tổng thống qua đi.
Thương mại giữa Mỹ với Việt Nam ngày càng gia tăng với thặng dư mậu dịch cho Việt Nam trong khi nước này đang vận động để yêu cầu Washington cho họ được công nhận là một nền kinh tế thị trường hầu được hưởng mức thuế quan thấp hơn nữa.
Tháng Chín, 2023, Tổng Thống Joe Biden thăm Việt Nam, nâng cấp mối quan hệ giữa hai nước lên thành “Đối tác chiến lược toàn diện.” Ông hứa hẹn thúc đẩy gia tăng thương mại và đầu tư giữa hai nước, đồng thời, hứa giúp Việt Nam về mặt kỹ nghệ điện tử.
Mỹ nhập cảng các loại hàng hóa từ Việt Nam hơn $114 tỷ năm 2023, nhiều hơn hai lần so với năm 2018. Trong khi đó, các con số gia tăng vừa kể nhiều hơn phân nửa của con số $110 tỷ giảm nhập cảng từ Hoa Lục kể từ năm 2018.
Những mặt hàng chính yếu như đồ dệt may, điện tử nhập cảng vào Mỹ, Việt Nam chiếm lấy hơn 60% các mặt đó của Trung Quốc bị mất xuất cảng, theo ông Nguyễn Hùng, một chuyên gia phân tích về chuỗi cung ứng hàng hóa, kinh tế, tại đại học RMIT ở Sài Gòn.
Trong khi đó, nguồn cung ứng nguyên liệu và bộ phận rời từ Trung Quốc cho Việt Nam cũng vô cùng quan trọng. Bởi vì, hàng Việt Nam xuất cảng sang Mỹ đã được hoàn tất từ nguyên liệu và bộ phận rời nhập cảng từ Hoa Lục. Các dữ liệu của Ngân Hàng Phát Triển Á Châu (ADB) cho thấy năm 2022, đến 80% giá trị của hàng điện tử mà Việt Nam xuất cảng đều là nguyên liệu và bộ phận rời Việt Nam nhập cảng từ nước ngoài.
Một phần ba trị giá hàng nhập cảng của Việt Nam là từ Trung Quốc, phần lớn là bộ phận điện tử và cơ phận rời, theo các dữ liệu của Việt Nam.
Còn tổ chức Hợp Tác Kinh Tế và Phát Triển (Organization for Economic Co-Operation) nói 90% các loại hàng nhập cảng của Việt Nam vào loại sơ chế hay bộ phận rời thì chúng nằm trong sản phẩm hoàn tất mà Việt Nam xuất cảng năm 2020. Điều đó nhiều hơn một thập niên trước và trên mức trung bình rất nhiều khi so với các nước đã kỹ nghệ hóa.
Mối quan hệ cộng sinh kinh tế nhìn thấy qua các dữ liệu mới nhất: Trong quý đầu của năm 2024, Mỹ nhập cảng từ Việt Nam $29 tỷ trong khi Việt Nam nhập cảng từ Trung Quốc tổng cộng $30.5 tỷ, phản ảnh mức độ luân lưu hàng hóa tương tự của ba quý trước đó và mấy năm vừa qua. (TN) [qd]
Leave a Reply