Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Thúc đẩy Trung Quốc góp phần vào nỗ lực chấm dứt chiến tranh tại Ukraina, và trước hết là không hỗ trợ cuộc xâm lăng của Nga là mục tiêu hàng đầu của Paris khi tiếp đón chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến công du cấp Nhà nước đầu tiên tới Pháp kể từ năm 2019. Chiều hôm qua, 06/05/2024, trong cuộc họp báo chung với lãnh đạo Trung Quốc, tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã hoan nghênh Bắc Kinh cam kết không bán vũ khí cho Nga.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và đệ nhất phu nhân đón tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và phu nhân điện Elysée, Paris, ngày 06/05/2024. © AP – Thibault Camus

Hãng tin Pháp AFP dẫn lời tổng thống Pháp : ‘‘Chúng tôi tôn trọng mối quan hệ lâu đời gắn bó Trung Quốc với Nga’’,  ‘‘chính bởi lịch sử phức tạp này mà chúng tôi hoan nghênh cam kết của chính quyền Trung Quốc về việc sẽ không bán bất cứ loại vũ khí nào, hay cung cấp mọi hỗ trợ nào cho (cuộc chiến chống Ukraina của) Nga, cũng như kiểm soát chặt chẽ việc xuất khẩu các phương tiện’’ có thể được sử dụng cho các mục tiêu quân sự.

Nguyên thủ quốc gia Pháp khẳng định mong muốn ‘‘duy trì đối thoại mật thiết’’ với Bắc Kinh về vấn đề này, đồng thời cảm ơn chủ tịch Tập Cận Bình về các trao đổi song phương ‘‘trước chuyến công du Trung Quốc của tổng thống Putin’’, dự kiến có thể ‘‘giúp xác định một lịch trình hành động chung và xác định được rõ quan điểm’’ của Nga liên quan đến ‘‘một nền hòa bình bền vững’’ với Ukraina. Lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh là các nước phương Tây không hề có ý định ‘‘tìm cách thay đổi chế độ tại Nga’’.

Tập Cận Bình: Không nên ‘‘bôi bẩn’’ hình ảnh của Bắc Kinh

Về phần mình, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, cũng trong cuộc họp báo nói trên, nhấn mạnh là Bắc Kinh luôn đóng vai trò ‘‘tích cực’’ trong việc tìm ra một giải pháp hòa bình, đồng thời kêu gọi không nên ‘‘bôi bẩn’’ hình ảnh của Trung Quốc trong hồ sơ Ukraina. Ông Tập Cận Bình nhắc lại là ‘‘Trung Quốc không phải là nguồn gốc của khủng hoảng và cũng không phải là một bên tham gia’’. Chủ tịch Trung Quốc khẳng định chỉ có ‘‘đối thoại và thương lượng’’ mới cho phép giải quyết được xung đột.

Chủ tịch Trung Quốc ủng hộ chủ trương ‘‘đình chỉ mọi hoạt động chiến tranh’’ trên toàn thế giới trong thời gian diễn ra Thế Vận Hội Paris, từ 26/07 đến 11/08/2024. Theo một nguồn tin ngoại giao Pháp, đợt đình chiến dự kiến kéo dài nửa tháng này có thể được sử dụng để thúc đẩy tiến trình tìm một giải pháp chính trị cho xung đột tại Ukraina, cho dù quan điểm không thay đổi của phương Tây là Nga phải rút quân ra khỏi các vùng lãnh thổ chiếm đóng tại Ukraina.

Cho đến nay, Trung Quốc thường xuyên bị phương Tây chỉ trích về việc chưa từng chính thức lên án Nga xâm lược Ukraina. Bắc Kinh cũng bị cáo buộc hậu thuẫn Nga mạnh mẽ về kinh tế, và làm ngơ trước việc nhiều công ty Trung Quốc xuất khẩu sang Nga các mặt hàng có thể được sử dụng cho cuộc chiến xâm lược của Nga.

Một số hợp đồng được ký kết

Trong lĩnh vực kinh tế, theo AFP, nhân chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc, nhiều hợp đồng thương mại đã được ký kết giữa hai bên, trong đó phải kể tới hợp đồng 100 triệu euro với tập đoàn Suez, xây dựng một nhà máy tạo ra năng lượng từ bùn cống tại khoảng 50 trạm xử lý nước thải ở miền nam Trung Quốc, hay dự án của tập đoàn Alston với ngành xe điện ngầm Trung Quốc tại Bắc Kinh, Vũ Hán và Hợp Phì (tỉnh An Huy).

Tuy nhiên, bên lề chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc, bộ trưởng Kinh tế và Tài Chính Pháp Bruno Le Maire nhấn mạnh hai bên cần hướng đến một ‘‘quan hệ đối tác kinh tế cân bằng và vững chắc hơn’’, điều mà theo ông Le Maire, ‘‘còn xa’’ mới đạt được, khi Pháp là bên gánh nhiều thua thiệt. Năm ngoái, Pháp nhập siêu từ Trung Quốc đến 46 tỉ euro, trên tổng số nhập siêu khoảng 300 tỉ euro của toàn Liên Âu.

Truyền thông Trung Quốc : Chủ tịch Tập Cận Bình được đón tiếp long trọng tại Pháp, thể hiện tình bạn hữu đặc biệt giữa hai nước

Trong chuyến công du Pháp, hôm qua 06/05/2024, chủ tịch Tập Cận Bình cùng phu nhân đã được tổng thống Pháp Emmanuel tiếp đón theo nghi lễ Nhà nước long trọng nhất. Đích thân thủ tướng Pháp Gabriel Attal đã đi đón lãnh đạo nhà nước Trung Quốc, sau đó là đoàn kỵ binh tháp tùng ông Tập đến Điện Elysée, nơi ông có cuộc gặp chính thức với tổng thống Macron cùng chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen. Cập nhật từng diễn biến trong chuyến công du lần này của ông Tập Cận Bình với những nghi lễ đón tiếp trang trọng, truyền thông Trung Quốc muốn nhấn mạnh đến tình hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

Từ Bắc Kinh, thông tín viên RFI Stéphane Lagarde cho biết cụ thể :

“Đằng sau ngoại giao gấu trúc, hay còn được biết đến là ngoại giao của sự tôn trọng, người dân Trung Quốc, qua điện thoại thông minh của mình, có thể theo dõi từng bước chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình cùng phu nhân tại Pháp. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc thậm chí còn sắp xếp hai vlogger dẫn chương trình đăng video về tất cả các giai đoạn của chuyến công du, nhấn mạnh đến các nghi thức được thực hiện tại đây. Các video này được đăng tải trên một tài khoản Weibo mang tên “Trên mặt trận ngoại giao của một nước lớn”.

Từ video về những bức tranh theo trường phái ấn tượng ở Bảo tàng Orsay, lớp mạ vàng của nhà hát Marigny, thực đơn phục vụ trong các bữa tiệc cấp nhà nước, cho đến video về 148 kỵ binh của Lực lượng Vệ binh Cộng hòa tháp tùng đoàn đón tiếp chính thức, Tân Hoa Xã đã đưa ra những lời bình đầy chất thơ về tháng 5 tráng lệ ở Paris, với làn gió nhẹ và phong cảnh rực rỡ, mái vòm vàng của Điện Invalides tỏa sáng.

Vào năm ngoái, ông Tập Cận Bình đã mời tổng thống Pháp uống trà đàm đạo ở Quảng Châu để đáp lại sự tiếp đón mà tổng thống Macron dành cho ông khi ông đến thăm thành phố Nice trong chuyến đến Pháp trước đó. Lần này cũng vậy, ông được tiếp đón tại dãy núi Pyrénées, quê của gia đình tổng thống Macron. Ở Trung Quốc, khái niệm tình bạn hữu được dành để nói về quan hệ kinh doanh và ngoại giao. Hôm qua, ông Tập Cận Bình cũng nhắc lại rằng Trung Quốc và Pháp là những người bạn đặc biệt”. (*RFI)

Share.

Leave a Reply