Theo Quốc Quan Trí Khố (Grandview Institution), một viện nghiên cứu tại Bắc Kinh (Trung Quốc), Việt Nam đang gia tăng bồi đắp đảo ở quần đảo Trường Sa từ năm 2021 đến nay, sử dụng các máy nạo vét lớn.
Trong bài viết trên South China Morning Post (SCMP) hôm thứ Ba 15/5, Viện Grandview cho rằng Việt Nam “đã chiếm thêm đảo và rạn san hô, tăng thêm binh sĩ đồn trú và xây dựng thêm cơ sở hạ tầng hơn bất kỳ quốc gia ven biển khác”.
Đồng thời, Viện Grandview đưa ra nhận định với SCMP rằng, tính trong 3 năm qua, Việt Nam đã bồi đắp đảo trên Biển Đông nhiều hơn 4 thập niên trước đó, cảnh báo hoạt động này có thể “gây phức tạp và mở rộng” tranh chấp về chủ quyền Biển Đông.
Được thành lập vào năm 2013, Viện Grandview là một viện nghiên cứu chính sách độc lập, theo mô tả trong phần tự giới thiệu.
Báo cáo Tình trạng An ninh Biển Đông 2023 (2023 South China Sea Security Situation Report) do Viện Grandview thực hiện và đăng tải vào tháng 1/2024 có nội dung cho rằng Việt Nam đã bồi đắp trên những hòn đảo và bãi san hô “chiếm đóng trái phép” của Trung Quốc từ năm 2022 đến năm 2023 bao gồm:
“Từ năm 2022 đến 2023, Việt Nam đã bồi đắp vùng đất đáng kể trên các hòn đảo và đá san hô chiếm đóng trái phép trong quần đảo Nam Sa của Trung Quốc.”
“Trong số 29 hòn đảo và bãi san hô trong quần đảo Nam Sa mà Việt Nam chiếm đóng trái phép thì Việt Nam đã nạo vét đáng kể và bồi đắp đất trên 5 hòn đảo và bãi san hô […],” báo cáo viết.
Nam Sa là tên gọi của Trung Quốc đối với quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hiện nay, ngoài Việt Nam và Trung Quốc, các bên khác gồm Đài Loan, Philippines, Malaysia cũng có tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ hoặc một phần và có sự kiểm soát trên thực tế đối với các thực thể tại quần đảo này.
South China Morning Post dẫn thông tin từ Grandview cho rằng Hà Nội “cực kỳ kín tiếng và bí mật” về việc xây dựng đảo vì có thể đã học bài học từ Trung Quốc cách đây vài năm và tìm cách tránh sự chú ý của truyền thông quốc tế.
Cơ quan này cũng đánh giá việc xây dựng của Philippines trên các thực thể chiếm đóng tại quần đảo Trường Sa là ở mức độ thấp, và do đó mức phòng vệ cũng thấp, vì vậy không thể tạo ra một mối đe dọa đáng kể đến sự hiện diện quân sự của các quốc gia khác.
Và Viện Grandview cho hay không có dấu hiệu Malaysia đã tiến hành xây dựng trên các đảo và rạn san hô ở quần đảo Trường Sa trong những năm gần đây.
Truyền thông Việt Nam ngày 16/5 đã trích dẫn ý kiến chuyên gia gọi nhận định của Viện Grandview là “vu cáo, bóp méo sự thật”.
Báo Thanh Niên dẫn ý kiến của Tiến sĩ Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng: “Đánh giá của Grandview Institution bỏ qua lịch sử của khu vực này và tuyên truyền thông tin sai sự thật.”
“Như vậy, rõ ràng ai là người leo thang căng thẳng! Trung Quốc phải chịu trách nhiệm,” ông nhận xét và cho rằng “dù là nguyên nhân gây căng thẳng nhưng Trung Quốc vẫn cứ cho rằng họ là “nạn nhân”.
“Đó là lý do vì sao nhiều quốc gia xung quanh quan ngại Trung Quốc. Bắc Kinh nên nhận ra điều đó và tôn trọng lợi ích của các nước khác,” ông nói.
Bộ Ngoại giao Việt Nam chưa lên tiếng chính thức về thông tin của Grandview.(BBC)
Leave a Reply