Khảo sát cho thấy 73% người Philippines được hỏi ủng hộ việc khẳng định chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông bằng các hành động quân sự, bao gồm mở rộng quy mô tuần tra và tăng cường hiện diện của quân đội trên biển.
Số liệu trên được lấy từ kết quả khảo sát của Octa Research, một công ty khảo sát và nghiên cứu ở Philippines. Cuộc khảo sát được thực hiện trên 1.200 công dân Philippines vào tháng 3 và được công bố hôm 7/6.
Theo bài viết ngày 10/6 trên báo South China Morning Post (SCMP), các nhà phân tích đánh giá con số 73% nói trên phản ánh sự ủng hộ ngày càng lớn của người dân đối với lập trường ngày càng cứng rắn của Tổng thống Ferdinand Marcos Jr. về tranh chấp lãnh thổ.
Bên cạnh đó, có 68% người được hỏi cho rằng Philippines cần hiện đại hóa và tăng cường năng lực quân sự để bảo vệ chủ quyền đất nước.
Vào cuối tháng 3/2024, trong bối cảnh leo thang căng thẳng với Trung Quốc, Tổng thống Marcos Jr đã ra lệnh cho chính phủ Philippines tăng cường khả năng phối hợp an ninh hàng hải để đối mặt với “một loạt các thách thức nghiêm trọng” đối với tính toàn vẹn lãnh thổ và hòa bình.
Ngoài yếu tố quân sự, giải quyết tranh chấp bằng ngoại giao cũng được người dân Philippines ủng hộ.
Ngày 15/6 sắp tới, quy định mới của Trung Quốc trên Biển Đông cho phép lực lượng cảnh sát biển bắt và giam giữ người nước ngoài sẽ có hiệu lực.
Theo quy định này, cảnh sát biển Trung Quốc – tức hải cảnh – có thể bắt và giam giữ lên tới 30 ngày mà không cần thông qua xét xử đối với người nước ngoài “xâm phạm hoặc có hành vi hỗ trợ xâm phạm” lãnh hải hoặc vùng biển mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Philippines từng kịch liệt phản đối quy định nói trên, tuyên bố sẽ không cho phép cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ ngư dân Philippines bị cáo buộc vi phạm trong các vùng biển của nước này (Philippines).
Philippines và Trung Quốc vẫn đang có nhiều xung đột trên Biển Đông về chủ quyền lãnh thổ.
Philippines cứng rắn trước Trung Quốc
Thời gian gần đây, Philippines đã có những phản ứng ngày càng cứng rắn trước Trung Quốc trong các vấn đề Biển Đông.
Hôm qua ngày 10/6, ông Marcos Jr nói rằng Philippines cần chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra do sự gia tăng căng thẳng từ các thế lực ngoại bang ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo Reuters.
“Sự đe dọa từ các thế lực ngoại bang đang ngày càng trở nên rõ ràng và đáng lo ngại. Đó là lý do tại sao chúng ta cần phải chuẩn bị,” ông Marcos phát biểu tại một doanh trại ở tỉnh Isabela (Philippines).
Ngày 7/6, hải quân Philippines cáo buộc cảnh sát biển Trung Quốc đã cản trở nỗ lực sơ tán một thành viên bị bệnh của lực lượng vũ trang Philippines ở Biển Đông, nói rằng hành động từ phía Trung Quốc là “tàn bạo và vô nhân đạo”.
Theo hải quân Philippines, sự việc xảy ra vào tháng 5, liên quan tới một thành viên của một toán lính được cử tới bảo vệ tàu BRP Sierra Madre – một tàu quân sự của Philippines mắc cạn tại Bãi Cỏ Mây từ năm 1999.
Con tàu này được Manila để lại đây cùng với một lực lượng đồn trú nhỏ với mục đích củng cố chủ quyền.
Về sự kiện này, Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói rằng sẽ cho phép Philippines vận chuyển hàng tiếp tế và sơ tán binh lính nếu Manila báo trước với Bắc Kinh việc thực hiện một nhiệm vụ.
“Tuy nhiên, Philippines không được lợi dụng việc này để vận chuyển vật liệu xây dựng đến các tàu hải quân của mình nhằm mục đích chiếm đóng vĩnh viễn ở bãi cạn Nhân Ái.”
Bãi cạn Nhân Ái (Ren’ai Jiao) là cách Trung Quốc gọi Bãi Cỏ Mây.
Tới ngày 8/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Philippines Eduardo Ano tuyên bố Manila sẽ tiếp tục tiếp tế và duy trì hoạt động của các tiền đồn trên Biển Đông mà không cần xin phép bất kỳ quốc gia nào.
Cùng ngày, cảnh sát biển Trung Quốc đã công bố một đoạn phim nhằm bác bỏ cáo buộc ngày 7/6 của Philippines.
Trong đoạn phim, quân đội và hải quân Philippines dường như đang giao hàng tiếp tế thay vì vận chuyển người.
Hoàn Cầu Thời Báo khi đó đã cáo buộc Philippines “nói dối” về sự kiện nói trên, nói rằng Philippines đã điều tàu cao tốc tới để “vận chuyển hàng và hỗ trợ hoạt động sửa chữa bất hợp pháp” trên tàu BRP Sierra Madre.
Vị thế của Mỹ ở Biển Đông
Động thái được cho là rõ rệt nhất thể hiện sự cứng rắn của Philippines trước Trung Quốc là việc tăng cường quan hệ với Mỹ, đặc biệt là hội nghị thượng đỉnh Mỹ – Nhật – Philippines hồi tháng Tư.
Khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định hiệp ước phòng thủ chung có từ những năm 1950 giữa Washington và Manila yêu cầu Mỹ phải đáp trả khi có một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào Philippines trên Biển Đông.
Ngày 9/6, Thứ trưởng Ngoại giao Tôn Vệ Đông của Trung Quốc nói rằng Mỹ đang gây ra những thách thức an ninh ở Biển Đông, cáo buộc hoạt động triển khai quân sự của Mỹ tại đây đang tạo ra “vòng xoáy chạy đua vũ trang” trong khu vực, theo Reuters.
“Hiện tại, thách thức an ninh lớn nhất của Biển Đông đến từ bên ngoài khu vực,” Bộ Ngoại giao Trung Quốc dẫn lời ông Tôn Vệ Đông.
Ông Tôn cho rằng các lực lượng do Mỹ dẫn đầu đang “thúc đẩy triển khai các hoạt động quân sự ở Biển Đông, đồng thời kích động và leo thang các tranh chấp và mâu thuẫn trên biển, gây thiệt hại đến các quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển”.
Theo ông, việc Mỹ triển khai tên lửa tập trung trong khu vực “đặt toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương dưới bóng đen của các cuộc xung đột địa chính trị”.
Ở đây là nói tới việc Mỹ đưa một hệ thống tên lửa tấn công tầm trung tới Philippines hồi tháng 4/2024 cho cuộc tập trận Balikatan thường niên.
Khi đó, Trung Quốc cũng đã cảnh báo Philippines nên “tỉnh táo nhận ra” việc để các quốc gia ngoài khu vực phô trương lực lượng ở Biển Đông và kích động đối đầu sẽ chỉ càng làm gia tăng căng thẳng và bất ổn khu vực.
Ngày 6/3, Tân Hoa Xã dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nói rằng Mỹ đang sử dụng Philippines như một “quân tốt thí” ở khu vực Biển Đông.
“Trung Quốc kêu gọi Mỹ không sử dụng Philippines như một quân cờ để gây rối ở Biển Đông,” bà Mao Ninh phát biểu.
Liên quan tới ảnh hưởng quân sự của Mỹ trên Biển Đông, một bài viết ngày 16/1 trên trang web Foreign Affair của Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR) nhận định rằng Mỹ đang gặp những khó khăn trong việc duy trì sức mạnh quân sự vượt trội với Trung Quốc tại Biển Đông, viện dẫn những thành tựu hạn chế của chính quyền ông Biden.
“Dù đạt được những thành tựu nhất định, tiến trình xây dựng liên minh của ông Biden [ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương] vẫn còn chậm.
“Mỹ vẫn còn thiếu sự tiếp cận quân sự ở các khu vực quan trọng của châu Á, thiếu mạng lưới an ninh mạnh mẽ và không có đủ đồng minh và đối tác có vũ trang mạnh mẽ để duy trì vị thế bá quyền.
“Tệ hơn nữa, [Mỹ] không có giải pháp rõ ràng để giải quyết những nhược điểm này,” bài viết nêu.(BBC)
Leave a Reply