Thursday, January 2 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung (trái) đón ông Putin vào rạng sáng 20/6

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung (bìa trái) đón ông Putin vào rạng sáng 20/6

Chuyên cơ chở Tổng thống Nga Vladimir Putin đã hạ cánh tại sân bay Nội Bài ở thủ đô Hà Nội vào lúc 1 giờ 40 ngày 20/6.

Đón Tổng thống Putin tại sân bay Nội Bài vào rạng sáng 20/6 có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà; Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải; Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh; Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng; Đại sứ Việt Nam tại Nga Đặng Minh Khôi.

Chuyến thăm cấp nhà nước của ông Putin tới Việt Nam diễn ra ngay sau chuyến thăm Bắc Hàn và không lâu sau khi ông thăm Trung Quốc hồi tháng Năm.

Thông qua chuyến công du của ông Putin tới Việt Nam và các nước trước đó, Nga được cho là đang gửi tín hiệu cho thế giới rằng chính sách “hướng về phương Đông” vẫn đi đúng hướng và phương Tây đã thất bại trong việc cô lập Nga sau cuộc chiến ở Ukraine.

Một số nhà phân tích nhận định với BBC rằng trong khi chuyến thăm Bắc Hàn là tình hữu nghị mang tính vụ lợi vì các mục tiêu ngắn hạn vì ông Putin cần đạn dược còn ông Kim Jong-un cần công nghệ quân sự, thì vai trò của Việt Nam đối với Nga quan trọng hơn nhiều so với trước đây.

Các chuyên gia an ninh-quốc phòng cũng cho hay việc ông Putin thăm Hà Nội ngay trong năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới cho thấy sự coi trọng của ông đối với quan hệ Nga – Việt Nam.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin trong hai ngày 19 và 20/6 là theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES

Chụp lại hình ảnh,Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống Vladimir Putin vào ngày 20/6 là theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Vai trò của Việt Nam với Nga

Sau khi Tổng thống Putin phát động cuộc xâm lược Ukraine, Nga đã bị quốc tế cô lập và áp những lệnh trừng phạt chưa từng có tiền lệ.

Tổng thống Putin cũng bị Tòa án Hình sự Quốc tế ICC phát lệnh truy nã vào ngày 17/3/2023 với cáo buộc “có thể liên quan tội ác chiến tranh”.

Trong hai năm qua, nhà lãnh đạo Nga chỉ công du đến các quốc gia láng giềng, chẳng hạn các nước thuộc Liên Xô cũ mà vẫn còn nằm trong tầm ảnh hưởng của Nga, cũng như Trung Quốc và những nước ngoài khối thân hữu với Nga là Ả Rập Xê Út, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE).

Các chuyên gia cho rằng ông Putin đến Việt Nam, Trung Quốc và Bắc Hàn là phương pháp giúp Nga tái định hình lại mối quan hệ, cố gắng đào sâu vào những mối quan hệ sẵn có để có thể giảm thiểu tác động của chính sách có thể gọi là thù địch, cấm vận của phương Tây.

“Việt Nam càng quan trọng với Nga vì Nga hiện không có nhiều bạn nữa. Bạn thân của Nga hiện chỉ có một số nước do quá gần Nga, chịu quá nhiều ràng buộc nên buộc phải làm bạn như những nước cộng hòa Trung Á,” Giáo sư Alexander L Vuving từ Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á-Thái Bình Dương Daniel K. Inouye thuộc Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đánh giá với BBC.

Thợ may tại Hà Nội chuẩn bị quốc kỳ Nga trước chuyến thăm của ông Putin

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,Thợ may tại Hà Nội chuẩn bị quốc kỳ Nga trước chuyến thăm của ông Putin

Về kinh tế, các nước phương Tây nhắm vào các cá nhân giàu có, ngân hàng, các công ty và doanh nghiệp quốc doanh của Nga, hạn chế khả năng của Nga trong việc chi tiền cho cuộc chiến.

Nga cũng bị ngăn cản tiếp cận với nhiều loại hàng hóa, bao gồm các sản phẩm điện tử thương mại, bán dẫn và linh kiện máy bay.

Thạc sĩ Hoàng Việt, giảng viên Khoa Luật quốc tế, Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 18/6 nhận định với BBC rằng, trong bối cảnh nền kinh tế gặp khó khăn, Việt Nam có thể mang lại lợi ích cho Nga về khía cạnh kinh tế.

“Kinh tế Nga đang gặp khó khăn như thế mà Việt Nam có thể trao đổi hàng hóa với Nga ở mức độ nào đó thì cũng là điều mà Nga cần,” ông đánh giá.

Hà Nội là đối tác thương mại lớn nhất của Moscow tại Đông Nam Á, trong đó Nga xuất khẩu các mặt hàng như than đá, phân bón, hóa chất, thực phẩm… sang Việt Nam.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai bên đạt 3,63 tỷ USD, tăng 2,3% so với cùng kỳ năm 2022, dù vẫn chịu nhiều tác động từ biến động địa chính trị, theo lãnh đạo Vụ Thị trường châu Âu-châu Mỹ thuộc Bộ Công thương Việt Nam.

Tính đến hết tháng 5/2024, Nga có 186 dự án tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư xấp xỉ 1 tỷ USD. Hôm 19/6, Việt Nam tuyên bố muốn công ty dầu khí nhà nước Zarubezhneft của Nga đầu tư vào năng lượng xanh ở nước này.

Chụp lại video,ÔNG PUTIN THĂM VIỆT NAM: CÓ KÝ THỎA THUẬN VŨ KHÍ MỚI?

Ngoài ra, ông Hoàng Việt cũng cho rằng Việt Nam về mặt chính trị còn có thể đóng vai trò là “cầu nối” giữa Nga với các tổ chức khu vực ASEAN.

Chính sách trọng tâm “hướng Đông” của Nga được chú trọng từ năm 2012 khi ông Putin lên nắm quyền nhiệm kỳ thứ ba. Chiến lược tập trung vào ba mục tiêu, gồm thúc đẩy phát triển kinh tế vùng Viễn Đông nước Nga, hồi sinh quan hệ với các nước thuộc Liên Xô cũ thông qua hội nhập Á-Âu và tăng cường quan hệ với các nước Đông Á.

“Việt Nam đang nổi lên như một ngôi sao khá hay và khá tốt ở trong khu vực Đông Nam Á. Mà khu vực Đông Nam Á này cũng đang nổi lên là một khu vực đóng vai trò quan trọng,” Thạc sĩ Hoàng Việt đánh giá.

“Chúng ta thấy là chuyến thăm của Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc đến Hà Nội năm ngoái cho thấy vị thế của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á như thế nào. Thế thì nói cho cùng, không chỉ Nga mang lại lợi ích cho Việt Nam mà Việt Nam cũng mang lại lợi ích cho Nga,” ông lập luận.

Và cũng theo các nhà quan sát, mối quan hệ Việt – Nga có thể trở thành hình mẫu cho các nước ASEAN đang muốn tăng cường hợp tác với Moscow trong những lĩnh vực mà hai bên cùng có lợi.

Vai trò của Nga với Việt Nam

Trong hơn 74 năm thiết lập bang giao, có những nhân tố bên trong và bên ngoài tác động không thuận tới quan hệ giữa Việt Nam và Nga, nhưng tình hữu nghị giữa hai nước được chính quyền Việt Nam rao giảng là thân thiết, thủy chung, sâu sắc vẫn bền vững qua thời gian.

“Sự hỗ trợ của Moscow trong Chiến tranh Việt Nam rất quan trọng đối với chiến thắng của Hà Nội. Đảng Cộng sản Việt Nam luôn biết ơn sự hỗ trợ của Moscow trước, trong và sau cuộc chiến và điều này sẽ không thay đổi,” Tiến sĩ Ian Storey, học giả của Viện ISEAS (Singapore), nói với BBC.

Ngoài ra, hàng chục ngàn cán bộ đã học tập tại Liên Xô cũ trong Chiến tranh Lạnh, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay.

Hà Nội cũng được cho là sẽ phụ thuộc vào Moscow về hỗ trợ quân sự trong nhiều năm tới, khi quân đội Việt Nam vẫn phụ thuộc vào ngành công nghiệp quốc phòng của Nga để mua phụ tùng, đạn dược và nâng cấp vũ khí, bất chấp nỗ lực bắt đầu đa dạng hóa nguồn cung.

“Ngoài ra, giới lãnh đạo của lực lượng vũ trang Việt Nam vẫn coi Nga là người bạn đáng tin cậy,” ông Storey bổ sung.

Công an Việt Nam đứng gác gần Nhà hát lớn để chuẩn bị diễn tập an ninh trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 19/6

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,Công an Việt Nam đứng gác gần Nhà hát lớn hôm 19/6 để chuẩn bị diễn tập an ninh trước chuyến thăm của Tổng thống Nga Vladimir Putin

Từ Úc, ông Nguyễn Thế Phương, chuyên gia về quốc phòng Việt Nam tại Đại học New South Wales, nói với BBC rằng vị thế của Nga trong chính sách đối ngoại và đặc biệt là trong chính sách an ninh quốc phòng của Việt Nam rất to lớn.

Về chính sách đối ngoại, ông cho rằng việc tăng cường và duy trì quan hệ với Nga thể hiện Việt Nam vẫn duy trì chính sách đối ngoại tạm gọi là trung lập nhưng cố gắng duy trì quan hệ tốt đẹp với dường như là tất cả mọi quốc gia, đặc biệt là các cường quốc G5 ở trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Còn về chính sách quốc phòng, theo ông Phương, mối quan hệ tốt đẹp với Nga cũng giúp Việt Nam duy trì khả năng tiếp cận công nghệ vũ khí của Nga trong tương lai trong bối cảnh tình hình thế giới đang ngày càng phức tạp, khó đoán.

Nga từ lâu vẫn là nguồn cung cấp vũ khí chính của Việt Nam, từ máy bay chiến đấu và tàu ngầm công nghệ cao, cho đến xe quân sự và vũ khí thô sơ.

Trong khi đó, Giáo sư Vuving đánh giá nếu nói về việc Việt Nam cần Nga thì không phải chỉ là vấn đề cung cấp vũ khí, mà còn vì Nga có thể giúp cho Việt Nam bớt đi những áp lực từ cả Mỹ lẫn Trung Quốc.

“Vì Việt Nam là một nước nhỏ nằm ở vị trí chịu áp lực rất mạnh mà Việt Nam không muốn ngả theo Mỹ cũng không muốn ngả sang Trung Quốc thì Nga sẽ giúp Việt Nam bớt áp lực,” chuyên gia này lí giải.

Ông cũng nhấn mạnh rằng trong vấn đề Biển Đông, Nga đang đứng gần với Việt Nam hơn là Trung Quốc trong cuộc tranh chấp sẽ là điều hết sức có lợi cho Việt Nam.

“Các công ty dầu khí của Nga đã hoạt động ở Việt Nam cũng góp phần nào giúp Việt Nam giữ chủ quyền lãnh thổ ở khu vực Biển Đông, và nếu Nga giúp Việt Nam trên Biển Đông thì Trung Quốc sẽ không phản ứng mạnh mẽ lắm.”

“Nếu như Mỹ hay Nhật Bản mà giúp Việt Nam trên Biển Đông thì Trung Quốc phản ứng mười, còn Nga giúp thì có thể Trung Quốc chỉ phản ứng một nửa thôi,” ông nêu ví dụ.

Giàn khoan dầu khí Lan Tây được vận hành bởi Rosneft Việt Nam, một công ty con của hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu

NGUỒN HÌNH ẢNH,REUTERS

Chụp lại hình ảnh,Giàn khoan dầu khí Lan Tây được vận hành bởi Rosneft Việt Nam, một công ty con của hãng dầu khí quốc gia Nga Rosneft ở ngoài khơi Vũng Tàu

Chính sách ngoại giao ‘cây tre’

Trong bối cảnh các siêu cường cạnh tranh mức độ ảnh hưởng trong khu vực, Mỹ, quốc gia nâng cấp quan hệ ngoại giao với Hà Nội vào năm ngoái, đã phản đối chuyến thăm của ông Putin.

“Không có quốc gia nào nên cho Putin một nền tảng để thúc đẩy cuộc chiến tranh xâm lược của ông ta và nếu làm vậy là cho phép ông ta bình thường hóa những tội ác của mình,” người phát ngôn của Đại sứ quán Mỹ tại Hà Nội phát biểu trước chuyến thăm.

Các chuyên gia cho rằng Hà Nội có nhiều lý do để mạo hiểm khiến các đối tác khác phật lòng vì chuyến công du của nhà lãnh đạo Nga.

“Việt Nam theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng, trong đó cố gắng duy trì mối quan hệ thân thiết và hiệu quả với tất cả các cường quốc, bao gồm Mỹ, Trung Quốc và Nga,” Tiến sĩ Storey trả lời phỏng vấn của BBC.

Ông cho rằng với chính sách “ngoại giao cây tre”, Việt Nam cố gắng không thiên vị nước nào, đưa ra dẫn chứng rằng Hà Nội tuy không lên án việc Nga xâm lược Ukraine nhưng cũng không bỏ qua điều đó. Nhiều quan chức của Việt Nam dù không bày tỏ công khai nhưng họ cho rằng Điện Kremlin đã phạm phải một sai lầm to lớn về mặt chiến lược.

Việt Nam được cho là tích cực hợp tác với các cường quốc để đạt được trạng thái cân bằng an ninh
Chụp lại hình ảnh,Việt Nam được cho là tích cực hợp tác với các cường quốc để đạt được trạng thái cân bằng an ninh

Riêng đối với Nga, chuyên gia Thế Phương nhận xét vì Moscow luôn là một đối tác truyền thống và đem lại rất nhiều lợi ích nên “Việt Nam không thể bỏ rơi Nga lúc khó khăn nhất”.

“Việt Nam vẫn luôn giữ mối quan hệ tốt với Nga nhưng không có nghĩa là Việt Nam vì mối quan hệ với Nga mà sẽ gây ảnh hưởng tới mối quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây. Cho nên Việt Nam sẽ cố gắng để cân bằng các mối quan hệ này.”

Giáo sư Vuving cho rằng nếu nhìn lại quá trình cân bằng quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam với Mỹ và Nga thì Hà Nội đang thực hiện “một bước lùi, hai bước tiến”.

“Làm sao để vẫn chơi được vẫn cả Nga lẫn Mỹ thì Việt Nam đã dùng phương pháp một bước lùi, hai bước tiến. Việt Nam đã lùi một bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2022 và sau đó tiến hai bước trong quan hệ với Mỹ trong năm 2023. Trong lúc đó, Việt Nam vẫn tiếp tục tiến trong quan hệ với Nga,” ông bình luận.

Thạc sĩ Hoàng Việt cho rằng Hà Nội đã rút ra bài học trong lịch sử khi cân bằng quan hệ với các cường quốc.

“Việt Nam đã có nhiều kinh nghiệm, từng về phe của Liên Xô nhưng cuối cùng sau này Việt Nam cũng chịu rất nhiều thiệt hại trong chiến tranh. Nhưng mà cũng không có cường quốc nào đứng ra chịu với Việt Nam cả.”

Theo ông, đó là bài học, và nếu Việt Nam xử lý tốt trong lúc này thì Hà Nội sẽ chứng tỏ vai trò của Việt Nam như thế nào trên trường quốc tế.

Chụp lại video,Ông Putin đang quyền lực hơn bao giờ hết?(BBC)
Share.

Leave a Reply