Theo kết quả chính thức được bộ Nội Vụ Pháp công bố sáng nay 01/07/2024, trong cuộc bầu cử Quốc Hội ở vòng 1, liên minh trong đa số của tổng thống Macron thua đậm, về thứ ba sau đảng Tập Hợp Dân Tộc –RN và liên minh cánh tả Mặt Trận Bình Dân Mới NFP. Tỉ lệ cử tri tham gia đi bầu cao kỷ lục, đạt gần 70 %. Trên dưới 80 ứng cử viên đại biểu Quốc Hội Pháp đắc cử ngay vòng đầu.
Đăng ngày: Sửa đổi ngày:
Về phía cánh tả, liên minh Mặt Trận Bình Dân Mới (Nouveau Front Populaire -NFP) được 27,99 % cử tri ủng hộ. NFP tập hợp đảng Nước Pháp Bất Khuất LFI, Đảng Xã Hội, đảng Xanh EELV và đảng Cộng Sản. NFP cũng đã có 32 ứng viên đắc cử ngay vòng đầu.
Nhìn đến liên minh cánh trung Đồng Hành – Ensemble của tổng thống Emmanuel Macron, hiện mới chỉ có 2 ứng viên đã đắc cử ngay từ tối qua. Liên minh này được hơn 20 % cử tri Pháp ủng hộ. Cuối cùng đảng Những Người Cộng Hòa mà không liên kết với bên cực hữu RN bị bỏ lại rất xa phía sau với chưa đầy 7 % số phiếu ủng hộ.
Một điểm nổi bật khác trong cuộc bầu cử hôm qua là tỉ lệ cử tri đi bầu cao kỷ lục : 66,71 % trong số 49 triệu cử tri Pháp đã đi bỏ phiếu. Con số này cao hơn trên 20 điểm so với kỳ bầu cử Quốc Hội Pháp ở vòng 1, cách nay 2 năm.
Đến ngày 07/07/2027 cử tri Pháp tiếp tục đi bầu ra 577 đại biểu Quốc Hội, cho một nhiệm kỳ 5 năm
Theo thông tin đăng trên trang chủ của bộ Nội Vụ Pháp, để được tham gia vòng 2 bầu cử Quốc Hội, các ứng viên phải được ít nhất 12,5 % cử tri ghi danh trong một địa hạt bầu cử ủng hộ. Điều khoản này quan trọng trong trường hợp tỉ lệ tham gia bỏ phiếu quá thấp, như những lần bầu cử trước đây. Lần này, với tỉ lệ 66,9 % cử tri đi bỏ phiếu mức tối thiểu 12,5 % vừa nêu không cần thiết.
Tại vòng hai, hai ứng viên về đầu đương nhiên tiếp tục cuộc tranh đua. Do chính trường Pháp đang bị chia ra thành 3 khối (cực tả, cực hữu và cánh trung) nên ở nhiều địa phương, sau cuộc bỏ phiếu vòng một, có thể có 3 hay thậm chí là 4 ứng viên cùng hội đủ số phiếu để vào vòng hai.
Theo thẩm định của bộ Nội Vụ Pháp, các cuộc đấu tay ba – triangulaire, sẽ diễn ra tại 305 đơn vị bầu cử trên toàn quốc.
Nhằm ngăn chặn đảng cực hữu Tập Hợp Dân Tộc – RN và đồng minh chiếm đa số tuyệt đối, các đảng, liên minh khác có thể chấp nhận rút ứng viên của mình, nếu họ đứng thứ ba, sau vòng một, qua đó, dồn phiếu cho đối thủ của RN.
Tại vòng hai, ứng viên thắng cử là người có số phiếu cao nhất.(RFI)
Leave a Reply