Thursday, July 4 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

2024.07.01

Cựu Giám đốc Công ty Thuận An được tại ngoại sau 13 năm bị tạm giamÔng Nguyễn Đình Bang (phải) và ông Nguyễn Huy Khang tại phiên tòa sơ thẩm.

VNN/T.Nh

Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa ký quyết định hủy bỏ biện pháp ngăn chặn tạm giam đối với ông Nguyễn Huy Khang (65 tuổi, giám đốc Công ty phát triển công nghệ Thuận An) trú tại Bắc Giang – người đã bị tạm giam suốt 13 năm để điều tra về cáo buộc lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Báo Nhà nước gọi đây là trường hợp tạm giam dài nhất trong lịch sử tố tụng của Việt Nam.

Truyền thông trong ngày 1/7 cho biết nội dung quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân thành phố (TAND) Hà Nội nêu lý do ông Khang được thay đổi biện pháp ngăn chặn là “không cần thiết phải tiếp tục tạm giam”.

Ông Khang bị bắt tạm giam từ năm 2011 và bị điều tra, truy tố, xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” trong vụ án chuyển nhượng phần vốn góp của Công ty TNHH Công nghiệp Trường Sinh. Vụ án liên quan đến doanh nhân này đã được khởi tố từ năm 2010, đã kéo dài hơn 10 năm, hai lần tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm để điều tra lại, nhưng đến nay vẫn chưa đi đến hồi kết…

Một bị cáo khác trong vụ án này là ông Nguyễn Đình Bang (73 tuổi, trú tại Hà Nội) bị bắt giam từ năm 2010, đến năm 2016 thì được tạm tha.

Cụ thể, vào tháng 11/2016, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Khang 18 năm tù; ông Bang 16 năm tù về cùng tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Đến tháng 10/2017, TAND cấp cao tại Hà Nội tuyên hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra bổ sung.

Thời điểm tháng 9/2019, bị đưa ra xét xử theo trình tự sơ thẩm lần hai, ông Nguyễn Đình Bang đã cung cấp chứng cứ mới khiến Hội đồng xét xử phải trả hồ sơ, tiếp tục yêu cầu điều tra bổ sung.

Đến tháng 3/2020, mở lại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Nguyễn Huy Khang 18 năm tù; Nguyễn Đình Bang -cựu Giám đốc Công ty TNHH công nghiệp Trường Sinh 16 năm tù vì cùng tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tòa buộc hai bị cáo phải bồi thường 22 tỷ đồng và 7.000 USD.

Đến năm 2022, tại phiên phúc thẩm lần hai, do phát sinh việc bị can Hoàng Thị Xuân bị bắt theo lệnh truy nã (trước đó bỏ trốn). Cho rằng việc điều tra làm rõ hành vi phạm tội của bà Xuân sẽ giúp việc làm rõ mức độ, hành vi của ông Khang, ông Bang, tòa án cấp phúc thẩm một lần nữa hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, yêu cầu điều tra xét xử lại.

Theo tờ Thanh Niên, Viện kiểm sát nhân dân thành phố (VKSND TP) Hà Nội mới đây đã ban hành bản cáo trạng mới và chuyển hồ sơ sang TAND TP để nghiên cứu xét xử đối với ông Nguyễn Đình Bang, Nguyễn Huy Khang và bà Hoàng Thị Xuân (trước đó bỏ trốn) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Và TAND TP Hà Nội đang thụ lý và giải quyết sơ thẩm lần ba.

Tờ Pháp luật cho biết, tại cơ quan điều tra và tại các phiên tòa, cả ông Bang và ông Khang đều kêu oan, khẳng định không có chuyện lừa đảo.

Nói về vụ ông Khang trên tờ Pháp luật, luật sư Hoàng Kim Minh Châu, Đoàn Luật sư TP.HCM cho rằng việc tạm giam ông này kéo dài đến 13 năm đã phản ánh sự thiếu hiệu quả và nhiều vấn đề phải xem lại trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ của các cơ quan tố tụng.

Từ góc độ xã hội học, việc bị tạm giam kéo dài không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân bị cáo mà còn tác động lớn đến gia đình họ và cộng đồng nơi họ sinh sống. Việc tạm giam quá lâu đối với người bị nghi ngờ phạm tội có thể làm giảm sút niềm tin vào hệ thống pháp lý và xã hội, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của cộng đồng.(RFA)

Share.

Leave a Reply