WESTMINSTER, California (NV) – Lễ tưởng niệm Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, cánh chim đầu đàn của Phong Trào Du Ca Việt Nam, được tổ chức tại hội trường nhật báo Người Việt, thành phố Westminster, vào chiều Chủ Nhật, 7 Tháng Bảy, với hầu hết các đoàn du ca từ Bắc, Nam California và nhiều tiểu bang về tham dự.
Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, cựu chủ tịch Phong Trào Du Ca Việt Nam; cựu chủ tịch Hội Đồng Quản Trị công ty Người Việt, qua đời hôm Thứ Bảy, 15 Tháng Sáu, 2024, tại Orange Coast Memorial Hospital, thành phố Fountain Valley, Nam California, thọ 92 tuổi.
Lễ tưởng niệm có sự góp mặt của các ca sĩ Khánh Ly, Lê Uyên, nhạc sĩ Lê Văn Khoa,… cùng nhiều văn nghệ sĩ khác.
Trong lễ tưởng niệm, có những du ca từ các nơi xa không về được, đã gởi những dòng chia buồn qua CD, như các du ca Nguyễn Quyết Thắng, Hòa Lan; Nguyễn Hữu Nghĩa, Canada; Trần Huân, Sài Gòn; Thi Hạnh, Na Uy; Hoàng Kim Châu, Texas. Tất cả như cùng đồng quy về một mối, vì du ca là con đường tình thương, sự thông cảm để giúp đỡ lẫn nhau, cũng chính là tinh thần của giới trẻ.
Trong suốt chương trình tưởng niệm là rất nhiều bài hát do các thành viên Du Ca trình bày. Các bài hát quen thuộc này làm nên tên tuổi của Phong Trào Du Ca tại miền Nam Việt Nam trước 1975 và sau này kéo dài ra hải ngoại.
Ông Trương Xuân Mẫn, trưởng Du Ca Bắc California, cho hay khi ông đến Mỹ, người mà ông đến gặp đầu tiên là Dược Sĩ Hoàng Ngọc Tuệ, huynh trưởng Du Ca, mà ông rất quý mến trước 1975.
“Lúc đó tôi có gặp anh Tuệ vài lần ở nhà anh đường Sương Nguyệt Anh, Quận Nhất, Sài Gòn, là trụ sở của Phong Trào Du Ca Việt Nam. Khi đến Mỹ, người đầu tiên tôi đến gặp là anh Tuệ. Có những lần anh đi từ Nam California đến Bắc để thăm anh em Du Ca Bắc California, khi anh đã đi một chặng đường xa như vậy chỉ để gặp anh em chúng tôi. Thật cảm động không nói nên lời, khi tôi nhìn thấy một ông cụ gần 80 tuổi đã lặn lội đường xa chỉ để thăm anh em du ca.”
Ông nhớ lại: “Mỗi lần gặp nhau, anh Tuệ luôn nhắc nhở chúng tôi ba điều phải thực hiện bằng được nếu không sẽ thất bại. Thứ nhất là phải duy trì phong trào du ca bằng những bài hát truyền thống của Nguyễn Đức Quang, Ngô Mạnh Thu, Nguyễn Quốc Thắng, Giang Châu, Trần Đình Quân,… của nhiều người nữa. Phải giữ những bài hát đó để làm truyền thống mãi mãi, nhưng bên cạnh đó cũng phải phát triển những bài hát mới để phù hợp với tinh thần du ca ngày nay.”
“Thứ hai, thay vì những đoàn thể lớn của phong trào, thì hãy tổ chức những nhóm nhỏ, như những đoàn du ca ngày xưa khoảng từ năm đến bảy người, hát ở bất cứ nơi nào sẽ linh động, dễ hoạt động hơn. Thứ ba là anh và chúng tôi đang quan tâm là phát triển lớp trẻ, để biết du ca là gì. Những lớp lớn rồi sẽ ra đi, nếu không đào tạo được giới trẻ sẽ là sự mất mát rất lớn. Đó là ba điểm cần thiết nhất mà anh Tuệ luôn nhắc chúng tôi,” ông tiếp.
Nhạc Sĩ Lê Văn Khoa cho hay ông và ông Hoàng Ngọc Tuệ tuy có duyên với nhau, nhưng không ai biết và cũng không có cơ hội gặp nhau trước 1975. Sự ra đi của ông là sự mất mát rất lớn không có gì bù đắp được!
Ông tiếp: “Lúc đó tôi có nghe tới Phong Trào Du Ca đang nở rộ khắp cả miền Nam, rất nhiều đoàn thể thanh niên như bừng sống mãnh liệt, trong đó có Phong Trào Du Ca do ông Tuệ thành lập và phát triển. Lúc bấy giờ, người ta có thể không biết nhưng du ca có ảnh hưởng rất mạnh và lâu dài trong quần chúng, đối với tôi đó là những việc làm đáng quý của ông. Bây giờ, người Việt chúng ta ở khắp nơi cũng lộ ra nhiều nhân tài, nhưng chưa có tổ chức nào tập hợp được những nhân tố ấy, đó là điều rất tiếc. Du Ca là với ông Tuệ chính là tinh thần mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Tôi tin rằng sự bùng dậy của giới trẻ sẽ giúp chúng ta rất nhiều trong tương lai, nhất là quốc gia Việt Nam của chúng ta.”
Bác Sĩ Phạm Đỗ Thiên Hương, trưởng Du Ca Nam California, nhắc về nhiều kỷ niệm với trưởng Hoàng Ngọc Tuệ, khi ông là trưởng phong trao du ca khi cô chỉ mới ba tuổi.
“Lúc đó, anh Trần Đại Lộc đã cho đi theo trong những lần sinh hoạt du ca, những buổi sinh hoạt sinh viên học sinh, những buổi sinh hoạt du ca ở rừng cao su, do vậy nhạc du ca đã thấm vào tim máu của mình. Khi anh Nguyễn Đức Quang nằm xuống, ngày giỗ đầu của anh cũng chính là ngày nhóm của chúng em được anh Hoàng Ngọc Tuệ đặt tên cho là Đoàn Du Ca Nam California cách nay 12 năm, và hoạt động khắp nơi với gần 60 đoàn viên hiện nay.
“Đoàn Du Ca Nam California may mắn hơn các đoàn du ca khác vì được ở gần bên anh Hoàng Ngọc Tuệ, và chính anh đã trao truyền những ý chính là, Người Du Ca mang tình thương gieo rắt khắp nơi, dùng tình thương để xoa dịu nỗi đau của người bất hạnh, dùng tình thương để cảm hóa những người không cùng chính kiến với mình,” Bác Sĩ Thiên Hương nói.
“Anh Hoàng Ngọc Tuệ là người rất nhẹ nhàng, từ tốn nhưng rất mạnh mẽ, lằn ranh Quốc-Cộng của anh rất rõ ràng, đấu tranh nhưng luôn luôn khuyên chúng em trước nhất phải là những người tốt, gương mẫu mới có thể lan tỏa đến những người chung quanh. Trước nhất là cho con cháu mình, rồi đến những người bản xứ. Anh luôn nhắc nhở rằng đối với kẻ thù, chúng ta phải cầu nguyện cho họ sớm được mở lòng, mở trí để thoát khỏi những cơn u mê, mới mong đưa được đất nước thoát khỏi ách khổ nạn như hôm nay. Phải đấu tranh mạnh mẽ nhưng ôn hòa,” Trưởng Thiên Hương tiếp.
Cuối chương trình, cả hội trường cùng đồng ca bài “Quê Hương Ngạo Nghễ” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, bài hát nổi tiếng và quen thuộc gắn liền với Phong Trào Du Ca.
Buổi tưởng niệm trưởng Du Ca Hoàng Ngọc Tuệ trong không khí tràn đầy niềm thương mến người đã đặt nền móng cho Phong Trào Du Ca Việt Nam, và tinh thần du ca Việt Nam luôn hướng về tình thương, lấy tình thương xóa bỏ hận thù. Tình thương nhân loại luôn là điểm chính của người Du Ca Việt Nam, truyền lại cho thế hệ sau này. [kn]
Leave a Reply