Wednesday, January 15 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
July 20, 2024
Đằng-Giao/Người Việt

GARDEN GROVE, California (NV) – Lễ cắt băng khánh thành tượng cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm do Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM) tổ chức vừa diễn ra tại phòng triển lãm của viện bảo tàng ở Garden Grove vào sáng Thứ Bảy, 20 Tháng Bảy, trước sự tham dự của đông đảo đồng hương.

Ông Châu Thụy cùng các em thiếu niên trong buổi lễ ra mắt tượng cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Buổi lễ bắt đầu, đang ồn ào chào hỏi, căn phòng trầm lắng hẳn lại khi ban tổ chức chiếu đoạn phim tưởng niệm cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Họa sĩ Châu Thụy, sáng lập viên viên kiêm giám đốc viện bảo tàng, nói: “Biến cố ngày 1 Tháng Mười Một, 1963, đưa đến cái chết của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ Ngô Đình Nhu Nhu, để lại trong lòng mọi người sự thương tiếc cho một vị tổng thống đã có công xây dựng nền Đệ Nhất Cộng Hòa.”

Sự thương tiếc này không nguôi ngoai theo năm tháng mà vẫn là nỗi dau chung của toàn dân miền Nam Việt Nam cho mãi đến hôm nay.

Để thể hiện sự thương tiếc và lòng quý trọng này, nhân dịp kỷ niệm 70 năm ngày đất nước Việt Nam bị phân chia Nam Bắc, Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt tổ chức lễ ra mắt tượng cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.

Bức tượng này là biểu hiện của sự tôn quý trong lòng bao nhiêu người đối với ông Ngô Đình Diệm.

Trong diễn văn khai mạc, ông Châu Thụy giới thiệu sơ lược về xuất xứ bức tượng.

Theo ông Châu Thụy, năm 2015, Tiến Sĩ Hồ Nam Trân tìm gặp điêu khắc gia Benito Cassetta tại thành phố Morges, Thụy Sĩ, để nhờ điêu khắc bức tượng vị cố tổng thống phỏng theo hình ảnh còn lưu lại.

Điêu khắc gia Benito Cassetta mất một năm trời mới hoàn tất.

Các em nhóm Tuổi Ngọc kết nhạc phẩm “Thương Ca Tiếng Việt” (nhạc Đức Trí, lời Hà Quang Minh) với kiểu đưa tay như vị cố tổng thống. (Hình: Châu Thụy cung cấp)

Ông Châu Thụy cho biết tượng cao 2 mét (tính cả bệ), nặng 1,500 kg, được khắc ra từ khối đá hoa cương ở Thụy Sĩ.

Theo ông Châu Thụy, giá trị vật chất của tượng là khoảng $70,000 và chi phí vận chuyển từ Thụy Sĩ đến viện bảo tàng là $12,000, tất cả do ông Louis Đức Hồ ở tiểu bang North Carolina tài trợ.

Hai diễn giả của buổi lễ là ông Phạm Quang Trình và Tiến Sĩ Phạm Thị Huê.

Ông Phạm Quang Trình, người thu thập được rất nhiều tài liệu về Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ Nhất Cộng Hòa, nhắc rằng ông Ngô Đình Diệm không chỉ là tổng thống mà còn là lãnh tụ đảng Cần Lao Nhân Vị, đảng chính thức đứng đầu miền Nam Việt Nam thời đó.

Ông lặp lại lời ông Diệm tuyên bố: “Nếu tôi tiến, các ông hãy theo tôi. Nếu tôi lùi, các ông cứ giết tôi. Nếu tôi chết, các ông hãy theo gương tôi!”

Và: “Tôi không phải là thần thánh, tôi chỉ là một người bình thường, tôi chỉ biết thức khuya, dậy sớm làm việc, một lòng hiến dâng đời tôi cho đất nước và dân tộc.”

Tiến Sĩ Phạm Thị Huê tóm tắt ý nghĩa của ngành giáo dục dưới thời Đệ Nhất Cộng Hòa: “Nhân bản, dân tộc và khai phóng.”

Bà tiếp: “Chế độ Cộng Hòa đầy nhân vị, phát huy con người dân tộc.”

Những người hiện diện cùng cảm kích ý nghĩa của buổi lễ.

Bà Hoàng Thị Lê, ở Santa Ana, nói: “Tôi năm nay ngoài 80, mắt bớt thấy và tai bớt nghe nhưng nhìn lại hình ảnh cụ Ngô là tôi như thấy mình trở lại thời sinh viên văn khoa, mới ngoài 20. Chúng tôi rất quý cụ và đã từng đau lòng khi cả gia đình cụ bị thảm sát. Nhưng tôi cũng thấy vui khi đến hôm nay vẫn có người quý mến cụ, tạc tượng cụ cho muôn thuở.”

Căn phòng chật người tham dự buổi lễ. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Ông Trương Tiến Bắc, ở Westminster, nói: “Tôi không đồng ý và không ủng hộ những gì ông Diệm và gia đình ông làm để đàn áp Phật Giáo, nhưng tôi luôn nể trọng ông trong việc ông cứng rắn, không để Mỹ đưa quân vào Việt Nam.”

“Phải lật đổ ông hồi cuối năm 1963, đến 1965 Mỹ mới có thể xua quân vào miền Nam Việt Nam,” ông thêm.

Ông Lê Quang Phước, ở Santa Ana, nói: “Là dân di cư, tôi rất quý cụ Diệm về chính sách Ấp Chiến Lược, cách ly người dân khỏi sự đe dọa hay lời ngon ngọt dụ dỗ của du kích Cộng Sản. Chính sách này rất hữu hiệu thời đó.”

Anh Robert Nguyễn, giáo viên Học Khu Garden Grove, nói: “Tôi rất xúc động. Hôm nay là dịp để tôi ôn lại sử cận đại của Việt Nam. Ở nhà, cha mẹ tôi không thường nói về những chuyện như vậy, có lẽ vì không muốn nhắc lại những chuyện đau buồn.”

“Tôi nghĩ đây là những kiến thức bổ ích cho thế hệ kế tiếp. Là thầy dạy tiếng Việt, tôi rất quý những buổi như hôm nay,” thầy giáo trẻ tiếp.

Cô Jenny Trần, cũng là giáo viên Học Khu Garden Grove, cho biết cô hãnh diện có mặt ở đây hôm nay trên cương vị của một nhà giáo.

Sau lễ ra mắt, tượng cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm sẽ được trưng bày vĩnh viễn cùng vô số hiện vật và sách vở giá trị tại Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt, 13962 Seaboard Circle, Garden Grove, CA 92843.

Viện bảo tàng mở cửa từ Thứ Năm đến Chủ Nhật, từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.

Trước tượng cố tổng thống, chiếc ghe vượt biên là hiện vật thu hút nhất của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt. (Hình: Đằng-Giao/Người Việt)

Hiện giờ, hai hiện vật to nhất của Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt là pho tượng này và chiếc thuyền vượt biên do Pháp tặng, theo ông Châu Thụy.

Ông Châu Thụy kêu gọi: “Viện bảo tàng rất cần những đoạn phim có giọng nói của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Bất cứ ai có, xin liên lạc với chúng tôi để chúng tôi lưu giữ làm tài liệu cho hậu thế.”

Mọi chi tiết, truy cập trang web vietnamesemuseum.org. Điện thoại (714) 846-8438.

Viện Bảo Tàng Di Sản Người Việt (VHM) là một tổ chức vô vụ lợi 501(c)(3) với mục đích bảo tồn và giới thiệu di sản của người Việt tị nạn.

VHM thu thập, lưu giữ, và phổ biến các tài liệu, hiện vật, và chuyện kể về Người Việt tị nạn trong mục đích gìn giữ những di sản này cho các thế hệ hiện tại và tương lai để biết về cội nguồn. [qd]

Share.

Leave a Reply