Wednesday, September 18 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Từ chiếc bẫy không thể trốn thoát tới mồi nhử tinh vi, một số loài động vật như nhện cửa sập, rùa cá sấu và kiến sư tử phát triển cách bắt mồi vô cùng sáng tạo.

Nhện cửa sập là bậc thầy phục kích bất ngờ. Chúng xây dựng hang dưới lòng đất, chờ sẵn và rình con mồi bất cẩn lang thang tới gần. Loài nhện cửa sập nổi tiếng nhất thuộc họ Ctenizidae chuyên xây dựng cánh cửa bằng tơ có khắp bản lề bên trên đường hầm. Chúng đào đường hầm bên dưới lối đi côn trùng hay qua lại và ngụy trang bằng lá và bụi đất.

Con nhện kiên nhẫn ngồi giữ cửa sập hơi hé mở, chờ đợi phát hiện rung động từ côn trùng đang bò. Sau đó, nó nhảy vọt ra khỏi đường hầm, bắt bữa ăn bằng chân trước và chân kìm, phần phụ giống ăngten gần miệng của nó. Loài nhện này có nhiều đặc điểm giống họ hàng gần là nhện tarantula (Theraphosidae) nhưng ít lông và nhỏ hơn nhiều. Ảnh: Federico.Crovetto

Cá voi lưng lớn (Megaptera novaeangliae) bơi theo vòng tròn bên dưới đàn cá, giải phóng bong bóng để tạo thành tấm lưới bao quanh con mồi, bẫy chúng khi đàn dồn lại. Những con cá voi hợp tác với nhau buộc con mồi bơi lên gần mặt nước trước khi há miệng đớp gọn. Chiến thuật săn mồi mang tên “kiếm ăn bằng lưới bong bóng” được chia sẻ giữa các nhóm khác nhau và có thể thay đổi một chút giữa từng quần thể. Ảnh: Arterra/Universal Images

Kiến Azteca brevis chỉ tìm thấy ở vùng nhiệt đới Trung Mỹ. Chúng xây dựng tổ màu đen có lớp vỏ cứng dọc theo gốc cây nhỏ và vừa. Kiến thợ khoan vài lỗ dọc theo tổ gọi là carton và lén lút nằm ngay bên dưới với phần hàm há to. Chúng sẽ ngoạm chân côn trùng mất cảnh giác bò ngang qua lỗ, giữ chặt và làm con mồi bất động trước khi chia thành nhiều mẩu nhỏ. Ảnh: PLOS ONE

Nhện bolas cái (Mastophora hutchinsoni) là động vật ăn thịt chuyên xoay tròn một chiếc thòng lọng dính nhớp để bắt mồi. Chúng tạo ra mùi hóa học mô phỏng pheromone của bướm đêm cái để nhử bướm đực. Khi bướm đêm đực xuất hiện trong tầm mắt, con nhện tạo ra sợi tơ dài với phần cuối hình dùi cui dính nhớp để quăng vào cánh của đối phương giữa không trung.

Nhện cái tương đối lớn, dài 2 cm, có phần bụng to màu trắng đặc trưng với chiếc bướu, có thể do chúng cần hạ gục con mồi to. Trong khi đó, con đực cực nhỏ, chỉ dài 1,6 mm, nhiều khả năng do không cần săn mồi lớn. Ảnh: Richard Bradley

Ấu trùng ruồi ăn nấm. Trong hang động tối tăm ở New Zealand, ấu trùng của một loài ruồi ăn nấm gọi là Arachnocampa luminosa bay theo vòng tròn trên trần hang động hoặc sống trong bụi rậm ẩm ướt. Từ miệng, chúng xây dựng dây câu bằng chất nhầy dài tới 50 cm, sử dụng để móc côn trùng nhỏ biết bay như phù du, bướm đêm và ruồi nhuế.

Một chiếc tổ có thể tạo ra 150 sợi dài, theo nghiên cứu vào năm 2016. Ấu trùng thu hút ruồi với phần lưng phát quang màu xanh dương – xanh lá cây. Dây câu sau đó cuộn thẳng vào miệng chúng. A. luminosa chỉ ăn trong giai đoạn này của vòng đời, có thể kéo dài 9 tháng. Ảnh: Marcel_Strelow

Rắn đuôi nhện (Pseudocerastes urarachnoides) là loài bắt chước đại tài ở phía tây châu Á. Đúng như tên gọi, chúng có chiếc đuôi độc đáo trông giống một con nhện. Phần chóp đuôi giống bóng đèn, phủ đầy vảy nhô ra, trông giống hình dáng thân nhện. Chiếc đuôi rung trên nền đất để nhử thằn lằn, chuột, đôi khi cả chim chóc. Khi con mồi mất tập trung do “con nhện” ở đuôi rắn, rắn sẽ tấn công bất ngờ. Ảnh: reptiles4all

Mèo đốm Margay (Leopardus wiedii), loài mèo hoang nhỏ sống ở Trung Mỹ và Nam Mỹ, sử dụng bản năng của con trưởng thành để hỗ trợ con non nhử mồi. Mèo Margay phát ra tiếng rít mô phỏng tiếng kêu của khỉ sóc nhỏ non (Saguinus bicolor). Điều này báo động khỉ trưởng thành, thôi thúc nó mò tới theo hướng tiếng kêu để cứu con non. Khi khỉ trưởng thành tới đủ gần, mèo Margay sẽ vồ nó. Ảnh: Martin Harvey

Chim diệc xanh (Butorides virescens) sống ở Bắc Mỹ và Nam Mỹ, bắt cá để ăn theo cách tương tự con người. Những con chim màu xanh lá cây và nâu này đậu bên trên đầm lầy và rải mẩu vụn bánh mỳ, côn trùng và lông để nhử con cá tò mò. Sau khi cá tụ tập, chim diệc sử dụng chiếc mỏ nhọn để bắt cá khỏi mặt nước. Ảnh: Iv-olga

Rùa cá sấu (Macrochelys temminckii) là loài rùa nước ngọt lớn nhất, chỉ sống ở sông ngòi châu Mỹ. Tên gọi của chúng đến từ gờ lớn trên lớp mai cứng, trông giống cá sấu khi nhìn từ trên xuống, theo vườn thú North Carolina.

Lớp mai gồ ghề và thân hình sẫm màu giúp chúng hòa lẫn vào đáy bùn của sông ngòi. Chúng nằm bất động dưới nước với chiếc miệng há to. Lưỡi của chúng đặc biệt tiến hóa để trông giống một con giun nhỏ ngọ nguậy nhằm nhử cá vào trong hàm. Với lực cắn 450 kg, con cá bị lừa nhanh chóng bị bắt và ăn thịt. Ảnh: Washington Post

Kiến sư tử. Ở các khu vực ấm áp và khô cằn trên thế giới, ấu trùng của kiến sư tử (Myrmeleontidae) tạo ra hố cát không thể trốn thoát để bẫy côn trùng nhỏ, chủ yếu là kiến. Ở khu vực đất tơi hoặc nhiều cát, kiến sư tử di chuyển theo vòng tròn để tạo ra hố hình phễu. Ấu trùng kiến sư tử vùi mình ở đáy hố, kiên nhẫn chờ côn trùng rơi xuống. Sau đó, ấu trùng ngoạm nạn nhân bằng hàm.

Nếu con mồi tìm cách chạy trốn, ấu trùng sử dụng đầu để hất cát, tạo ra những trận sạt lở đất nhỏ để kéo côn trùng xuống. Dù chiến thuật săn mồi này rất nổi tiếng ở kiến sư tử, chỉ khoảng 1/3 loài Myrmeleontid sử dụng hố cát. Phần lớn ấu trùng chủ tích cực rượt đuổi con mồi hoặc vùi mình bên dưới đất, lá hoặc lỗ cây khô để phục kích con mồi. Ảnh: Rasmuscool99

Share.

Leave a Reply