Wednesday, September 18 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Ngày 15/09/2024, tàu BRP Teresa Magbanua của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã rút khỏi bãi cạn Sa Bin, thuộc quần đảo Trường Sa. Con tàu này đã thả neo tại đây trong suốt hơn 5 tháng để xác quyết chủ quyền của Manila và ngăn Bắc Kinh chiếm quyền kiểm soát. Tàu Magbanua ở bãi Sa Bin, cùng với tàu chiến cũ nát Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây, là hai điểm nóng đối đầu giữa Philippines và Trung Quốc.

Tàu Hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5205 va chạm với tàu Tuần duyên Philippines BRP Teresa Magbanua gần bãi cạn Sabina tại Biển Đông ngày 31/08/2024. AP

Trong thông cáo, Hội đồng Hàng hải Quốc gia Philippines đưa ra lời giải thích : « Sau hơn 5 tháng ở biển, tàu BRP Teresa Magbunua đã hoàn thành nhiệm vụ hoa tiêu và trở về đảng neo đậu. Nhiệm vụ đã hoàn thành ».

Theo AFP, thông báo này được đưa ra chỉ vài ngày sau các cuộc thảo luận giữa đại diện của Philippines và Trung Quốc về tranh chấp hàng hải trong tuần này. Bắc Kinh đã nhắc lại yêu cầu « rút ngay lập tức » con tàu của Philippines khỏi bãi cạn Sa Bin. Khi đó, Manila đã không công bố phản hồi về yêu cầu này.

Ngày 15/09, ngay sau khi tàu của Philippines rút khỏi bãi cạn Sa Bin, Trung Quốc tái khẳng định « chủ quyền không thể chối cãi đối với Xianbin Jiao (tên Trung Quốc gọi bãi cạn Sa Bin) và các vùng biển lân cận ». Sa Bin nằm cách đảo Palawan của Philippines 140 km và cách đảo Hải Nam của Trung Quốc 1.200 km.

Tàu Teresa Magbunua được neo ở bãi cạn Sa Bin từ tháng 04. Nhiều vụ va chạm giữa tàu của hai bên đã xảy ra trong thời gian này. Một ví dụ gần đây là đoạn video được người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines Jay Tarriela công bố ngày 31/08 cho thấy tàu 5205 của Hải cảnh Trung Quốc « đã cố tình trực tiếp đâm vào tàu Philippines » khiến tàu Teresa Magbunua bị hỏng nhưng không có người bị thương.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông, bất chấp phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye và chồng lấn lên các vùng đặc quyền kinh tế hoặc khu vực tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng Đông Nam Á Philippines, Việt Nam, Brunei, Malaysia. Kể từ khi tổng thống Marcos Jr lên cầm quyền ở Philippines năm 2022, Manila đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn đối với những đòi hỏi chủ quyền của họ ở Biển Đông.(RFI)

Share.

Leave a Reply