2024.09.23
Khoảng 100 người gốc Việt đến từ một số tiểu bang vùng Đông Bắc Hoa Kỳ và từ thành phố Toronto, Canada tập trung trước trụ sở Liên hiệp quốc ở New York vào trưa ngày 22/9 để phản đối chuyến làm việc của Tổng bí thư kiêm Chủ tịch nước Tô Lâm ở Mỹ.
Ông Tô Lâm vào ngày 22/9 đã có bài phát biểu trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và dự lễ kỷ niệm một năm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ.
Những người biểu tình cầm theo cờ vàng ba sọc đỏ, lá cờ biểu tượng cho người Việt tị nạn và các biểu ngữ bằng tiếng Anh như: “Nhân quyền cho Việt Nam chứ không phải bò dát vàng cho Tô Lâm”, “Chủ tịch nước Việt Nam Tô Lâm là một tội phạm bắt cóc người!”, hay “Việt Nam là một nhà nước công an trị dưới trướng của tướng Tô Lâm”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, người hiện đang tị nạn ở Mỹ, cũng có mặt ở cuộc biểu tình nói với RFA qua điện thoại rằng, ông không tin những tiếng nói trong cuộc biểu tình sẽ được ông Tô Lâm lắng nghe hoặc thực hiện theo, nhưng chắc chắn sẽ phản ánh được quan điểm và thông điệp của cộng đồng Việt Nam ở hải ngoại gửi đến ông Tô Lâm “phản đối những chính sách đàn áp về nhân quyền về dân chủ và tự do mà chính quyền trong nước đang đàn áp đối với người dân”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, Chủ tịch Hội Anh em dân chủ, từ Đức bay sang tới Mỹ để tham dự biểu tình. Ông nói:
“Thông điệp tôi mang đến cuộc biểu tình đó là sự phản đối sự hiện diện của Tô Lâm, bởi vì ông ta không xứng đáng cho một đất nước Việt Nam trên 100 triệu người dân đứng trước quốc tế để đưa ra lời phát biểu.
Tôi cũng muốn cho cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn ông Tô Lâm là ai, một người lãnh đạo Việt Nam là ai, để họ có thái độ không tiếp đón ông ấy và cũng đòi hỏi những quyền tự do dân chủ cho người dân Việt Nam”.
Mong chờ gì từ chuyến đi của ông Tô Lâm?
Ngay trước chuyến bay của ông Tô Lâm từ Hà Nội đến New York, chính quyền Việt Nam đã bất ngờ tha tù trước hạn cho hai tù nhân lương tâm là Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng, trong đó ông Thức nói không đồng ý với lệnh đặc xá nhưng đã bị cưỡng bức rời khỏi nhà tù và đưa về nhà.
Ông Hoàng Tứ Duy, Tổng bí thư đảng Việt Tân, vào tối 22/9 nói với RFA cho rằng việc làm này quá muộn màng và ông không mong chờ thiện chí nào từ Tô Lâm. Ông nói qua điện thoại:
“Điều mà tôi nhận thấy đó là đất nước Việt Nam thực sự phải cập nhật đường lối ngoại giao… không thể nào đu dây như thời gian qua và thực sự phải có những chọn lựa sáng suốt.
Với tình hình như ngày nay thì một nhu cầu cho đất nước là phải làm sao để gần hơn với Tây Phương, không phải chỉ là vấn đề làm ăn với Tây Phương mà còn là nhu cầu an ninh của Việt Nam và sự tiến bộ xã hội của Việt Nam, thực sự phải hòa nhập với Tây Phương và có những thay đổi về chính trị, về quyền con người”.
Theo ông Hoàng Tứ Duy, Trung Quốc là nguồn cơn của sự bất ổn của khu vực và không thể đảm bảo an ninh cho đất nước Việt Nam, cùng với việc xích gần hơn với phương Tây mang lại những tiến bộ đáng kể về kinh tế và khoa học công nghệ cho Việt Nam.
Luật sư Mạnh, người từng có nhiều năm bào chữa cho những nhà bất đồng chính kiến ở Việt Nam nhưng buộc phải đi tị nạn chính trị từ năm ngoái nhận định, việc trả tự do cho ít nhất hai tù nhân lương tâm trước chuyến đi của ông Tô Lâm không mang tính tích cực và lạc quan. Ông khẳng định:
“Không có chính quyền lương Hảo nào lại đem công dân của mình ra để làm sự đổi chác như vậy. Trong trường hợp ông Tô Lâm quyết định trả tự do cho toàn bộ số tù nhân chính trị đang bị giam giữ thì điều đó mới được coi là sự thay đổi và chính điều đó mới là sự tích cực đáng nói, còn lại chả có gì đáng nói cả”.
Luật sư Nguyễn Văn Đài có nhận định khác, ông bày tỏ hy vọng TBT Tô Lâm sẽ làm khác với những người tiền nhiệm của mình là “sẽ thật tâm trong vấn đề cải thiện nhân quyền”, tuy nhiên ông nói phải chờ xem ngày 30/9 tới đây ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước có quyết định đặc xá cho những tù nhân chính trị và lương tâm hay không và Tổng bí thư Tô Lâm có ra lệnh cho Bộ công an bắt thêm người nữa hay không.
Theo thống kê của Human Rights Watch, Việt Nam hiện đang giam giữ khoảng 160 tù chính trị. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam chưa bao giờ thừa nhận có tù chính trị. (RFA)
__________________________________________________________________
Cộng đồng người Việt biểu tình chống Tô Lâm trước trụ sở Liên Hiệp Quốc
NEW YORK CITY, New York (NV) – Đông đảo người Việt Nam cùng tham gia cuộc biểu tình bên ngoài trụ sở Liên Hiệp Quốc ở thành phố New York vào trưa Chủ Nhật, 22 Tháng Chín, nơi ông Tô Lâm, tổng bí thư, chủ tịch nước Việt Nam, đọc bài diễn văn tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tương Lai.
Những người biểu tình thuộc cộng đồng người Việt từ nhiều tiểu bang và các quốc gia khác. Đây là cuộc biểu tình do Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Toronto, Đảng Việt Tân, và Hội Anh Em Dân Chủ tổ chức.
Những người biểu tình giơ cao các biểu ngữ có nội dung như “Tô Lâm, hung thủ hại chết Đồng Tâm,” “Tô Lâm ăn chơi trước nỗi đau của đồng bào” in trên tấm ảnh ông Tô Lâm ăn bò dát vàng. Bên cạnh đó còn mang theo hình ảnh các tù nhân lương tâm còn đang chịu cảnh tù đày như “Free Lê Đình Lượng,” “Free Nguyễn Năng Tĩnh,” “Freedom for Peter Bui Lam.” Rất nhiều cờ vàng Việt Nam Cộng Hòa đã được giơ cao trước trụ sở Liên Hiệp Quốc.
Trên facebook Đảng Việt Tân phát trực tuyến cuộc biểu tình từ lúc bắt đầu là 1 giờ trưa, ngay trước trụ sở Liên Hiệp Quốc. Hình ảnh từ video cho thấy đông đảo những người từ tiểu bang khác đến như bà Genie Nguyễn (Virginia), Luật Sư Đặng Đình Mạnh (Virginia), Luật Sư Nguyễn Văn Đài, từ nước Đức.
Ông Hoàng Tứ Duy, tổng bí thư đảng Việt Tân, mở lời khi bắt đầu cuộc biểu tình: “Khi CSVN cử một tướng công an nhiều tội ác làm chủ tịch nước, đảng này đã xem thường người dân Việt Nam, xem thường luật pháp và các giá trị quốc tế. Chúng ta có mặt ở đây để phơi bày các tội ác của Tô Lâm, các vấn đề như tổ chức, bắt cóc xuyên quốc gia, dùng vũ lực đàn áp dân làng Đồng Tâm và các đồng bào người Thượng, bắt giữ tùy tiện các nhà báo, nhà hoạt động dân sự, bóp nghẹt tự do ngôn luận trên các mạng xã hội.”
“Ngay từ bây giờ, Tô Lâm phải chịu trách nhiệm trước luật pháp quốc tế và về đường dài, Tô Lâm phải chịu trách nhiệm trước người dân Việt Nam.” Ông Duy nhấn mạnh: “Tô Lâm hiện là kẻ thù của dân chủ Việt Nam.”
Luật Sư Đặng Đình Mạnh đã tham dự cuộc biểu tình. Từ New York, ông trả lời câu hỏi của báo Người Việt về sức lan tỏa của buổi “xuống đường” trưa Chủ Nhật: “Tôi không lạc quan đến mức cho rằng những tiếng nói trong cuộc biểu tình sẽ được lắng nghe và sẽ được chế độ Cộng Sản trong nước hiện do ông Tô Lâm lãnh đạo chấp nhận. Nhưng tôi tin rằng cuộc biểu tình rất cần thiết trong việc gởi thông điệp cho ông ấy biết rằng cộng đồng người Việt ở hải ngoại hoàn toàn phản đối chính sách đàn áp tự do, dân chủ, nhân quyền đối với người dân Việt Nam.”
Giữa lúc đó, bên trong trụ sở Liên Hiệp Quốc, Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Tô Lâm đã có bài phát biểu tại Hội Nghị Thượng Đỉnh Tương Lai.
Báo Tuổi Trẻ Online đã trích dẫn toàn bộ nội dung bài phát biểu. Trong đó có phần ông Tô Lâm nhắc đến giá trị của con người: “Thành tựu khoa học, công nghệ phải phục vụ tiến bộ xã hội, hướng về con người, giải phóng con người, phát triển con người toàn diện, không ngừng cải thiện đời sống, bảo đảm lợi ích và hạnh phúc của nhân loại và vì thế hệ tương lai.”
Đặc biệt, ông Tô Lâm đã đưa ra lời kêu gọi ngay tại trụ sở Liên Hiệp Quốc: “Trong giai đoạn mang tính bước ngoặt này, chúng ta càng cần phải tăng cường đoàn kết, hợp tác và tôn trọng lẫn nhau, tuân thủ luật pháp quốc tế và Hiến Chương Liên Hợp Quốc và giải quyết các bất đồng, tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.”
“Các nước lớn cần hành xử có trách nhiệm, phải chia sẻ thành tựu chung trong nghiên cứu khoa học công nghệ để cùng phát triển.”
Khi được hỏi về “sự liên hệ” giữa chuyến công du New York của ông Tô Lâm và việc trả tự do sớm cho hai nhà hoạt động nổi tiếng là Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng, Luật Sư Mạnh nói: “Tôi thật sự vui mừng trước việc họ được tự do. Mặt khác, tôi lên án việc trả tự do cho họ lại gắn liền với chuyến đi của ông Tô Lâm đến Hoa Kỳ, như là món hàng trao đổi lấy lợi ích chính trị cho ông ấy. Vì lẽ, một chính quyền lương hảo không đem người dân của mình ra làm món hàng trao đổi như vậy.”
“Bản chất hành xử của chế độ trong việc này chỉ là trao đổi tự do cho người dân lấy lợi ích, cho nên, nó không hề là dấu hiệu tích cực như là 1 sự thay đổi chính sách. Chỉ khi nào toàn bộ tù nhân chính trị đều được trả tự do ngay lập tức, thì đó mới là dấu hiệu về sự thay đổi chính sách.”
Kết thúc bài phát biểu của mình, ông Tô Lâm cam kết: “Việt Nam cam kết sẽ đóng góp tích cực, hiệu quả vào các nỗ lực chung nhằm xây dựng thế giới hòa bình, phát triển bình đẳng vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân loại.”
Rất nhiều “cam kết” và cả “nỗ lực” từ bài phát biểu của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Tô Lâm. Tuy nhiên, Luật Sư Đặng Đình Mạnh nhìn thấy một bài toán không đơn giản.
Khi được hỏi “nếu có được một hy vọng thay đổi trong thời đại của ông Tô Lâm, dù là nhỏ nhất, thì đó là hy vọng gì?”
Theo ông Mạnh: “Có quá nhiều vấn đề nan giải tại Việt Nam hiện nay cần được giải quyết nhưng đều bế tắc, chúng chỉ có một nguyên nhân mà thôi, đó là chính thể. Thay đổi chính thể thì mọi vấn đề được giải quyết. Một sự thay đổi lớn như vậy là quá sức đối với ông Tô Lâm lúc này. Cho nên, tôi không hy vọng gì cả trong tương lai ngắn hạn năm năm. Sau đó, tôi tin rằng câu trả lời sẽ khác.”
Hội Nghị Thượng Đỉnh Tương Lai diễn ra trong hai ngày 22 và 23 Tháng Chín ở New York, Mỹ, với sự tham gia của nhiều nguyên thủ, nhà lãnh đạo các nước để thông qua “Hiệp Ước Cho Tương Lai.”
Truyền thông nhà nước Việt Nam mở hết công suất tuyên truyền về sự hiện diện của ông Tô Lâm ở New York.
Thông tấn xã Việt Nam trích dẫn lời Đại Sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc Đặng Hoàng Giang: “Đây là lần đầu tiên Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam tham dự trực tiếp kỳ họp Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc và cũng là hoạt động ngoại giao đa phương đầu tiên của Tổng Bí Thư, Chủ Tịch Nước Tô Lâm tại tổ chức quốc tế toàn cầu Liên Hiệp Quốc.” (Kalynh) [kn]
Leave a Reply