Mưa lũ miền Bắc: 127 người chết, 54 người mất tích
Mưa do bão Yagi đã kích hoạt lũ quét, sạt lở đất, làm 127 người chết, 54 người mất tích, 35.000 hộ dân bị ngập, chủ yếu ở Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái.
– 35.000 hộ dân bị ngập, tập trung ở Yên Bái, Lào Cai, Thái Nguyên.
– Lũ quét ở Lào Cai làm 16 người chết, khoảng 40 người mất tích
– Lũ ở Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Giang, Tuyên Quang đang ở mức cao.
– Cao Bằng, Lào Cai khẩn trương tìm kiếm nạn nhân sạt lở đất và lũ quét.
– Cao Bằng lập Sở chỉ huy tìm kiếm người mất tích.
– Yên Bái công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai.
– Hàng loạt cầu ở Hà Nội, Vĩnh Phúc cấm lưu thông đường thủy.
– Thủ tướng thị sát vùng ngập lũ ở Bắc Giang.
– 3 trực thăng hỗ trợ dân vùng ngập lụt, sạt lở ở Yên Bái, Cao Bằng.
-
127 người chết, 54 người mất tích
Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai cho biết đến 18h hôm nay các địa phương ghi nhận 127 người chết, 54 người mất tích (chưa tính các nạn nhân mất tích vụ sạt lở ở huyện Bảo Yên, Lào Cai). Lào Cai thiệt hại nặng nhất với 38 người chết, 13 người mất tích; Cao Bằng 19 người chết, 36 mất tích; Yên Bái 37 người chết, mất tích; Quảng Ninh 9 người chết; Hòa Bình, Hà Nội mỗi nơi bốn người chết; Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang mỗi nơi 2 người chết.
Bão Yagi đổ bộ Quảng Ninh với sức gió “chưa từng có”, Bãi Cháy gió cấp 14, giật cấp 17, các nơi khác ở tỉnh gió cấp 12-13. Nằm sâu trong đất liền như Hải Dương cũng ghi nhận gió cấp 12, giật 14; Hà Nội cấp 10, giật 12. Bão sau đó suy yếu ở Tây Bắc Bộ, gây mưa to, lũ lên vượt mức lịch sử.
-
21h00
Hơn 35.000 hộ dân bị ngập sau bão Yagi
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lào Cai, mực nước sông Hồng đạt đỉnh vào 21h hôm qua khi vượt báo động ba 3,62 m, vượt mốc lịch sử năm 1971 khoảng 0,27 m. Toàn tỉnh có hơn 4.600 ngôi nhà ngập nước, trong đó nặng nhất là TP Lào Cai với hơn 1.600 nhà, huyện Bảo Yên hơn 1.200 nhà.
Đến 17h hôm nay, mực nước sông Hồng xuống còn trên báo động hai khoảng 26 cm, dự báo tiếp tục xuống trong những giờ tới. Nhiều khu dân cư ở TP Lào Cai nước đã rút, người dân bắt đầu dọn dẹp.
Yên Bái sáng 9/9 nước sông Hồng lên trên báo động ba 1,69 m, làm 2.400 nhà ngập, 99% tại TP Yên Bái. Đến chiều nay, mực nước lên trên báo động ba 3,73 làm gần 18.700 ngôi nhà bị ngập, riêng TP Yên Bái 12.000.
Tại Thái Nguyên, mực nước sông Cầu tại trạm Gia Bẩy lên trên báo động ba 1,81, trên lũ lịch sử năm 1959 khoảng 0,67 m làm ngập khoảng 5.000 hộ dân. Trong đó, TP Thái Nguyên có 119 xóm, tổ dân phố bị cô lập với gần 4.000 hộ bị ngập, buộc di dời hơn 900 hộ.
Phú Thọ cũng đã di dời gần 3.600 hộ, chủ yếu tại huyện Hạ Hòa với hơn 2.750 hộ bị ngập. Bắc Giang di dời khoảng 2.800 hộ, chủ yếu ở huyện Lục Ngạn với hơn 2.000 hộ. Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang mỗi nơi cũng có hàng trăm hộ dân bị ngập.
-
20h30
Sập nhà điều hành thủy điện, 5 người mất tích
Sáng 10/9, đất đá từ sườn núi sạt xuống nhà điều hành của Nhà máy thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lúc ở xã Bản Cái, huyện Bắc Hà, Lào Cai. Một số công nhân chạy thoát đã ra ngoài cầu cứu.
Chính quyền xã đã huy động khoảng 60 người tới và phát hiện một người bị thương nặng, còn khoảng 5 người mất tích. Các tuyến đường vào thủy điện này bị sạt lở, không thể đi lại, lực lượng cứu hộ của tỉnh Lào Cai phải di chuyển bằng thuyền theo dòng sông Chảy để tiếp cận. Thủy điện Đông Nam Á – Nậm Lúc nằm trên dòng sông Chảy có hai tổ máy công suất 24 MW.
-
20h20
3 trực thăng lên đường cứu trợ vùng lũ Yên Bái, Cao Bằng
Thông tin từ Quân chủng Phòng không – Không quân, ba máy bay trực thăng thuộc Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn 371 sẽ tham gia cứu hộ, cứu nạn người dân vùng lũ tại tỉnh Yên Bái và Cao Bằng.
Trung đoàn Không quân 916 sẽ có hai máy bay trực thăng trực tiếp tham gia cứu trợ là Mi-171, Mi-17 và dự bị một chiếc Mi-7. Đoàn sẽ chia làm hai tổ bay tham gia tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và vận chuyển hàng hóa lương thực thiết yếu như mì tôm, nước uống, bánh mì, phao cứu sinh.
Sau khi xác định được phương án thực hiện nhiệm vụ, trực thăng cứu hộ cứu nạn bằng phương pháp treo cẩu hoặc hạ cánh tại bãi, thả hàng để vận chuyển nhu yếu phẩm.
-
Đêm chạy lũ kinh hoàng ở Yên Bái
Từ 21h13 ngày 9/9, chị Trần Thị Tần, trú phường Minh Tân, TP Yên Bái phải bấm máy gọi dân quân cứu hộ. Vợ chồng kê tivi, tủ lạnh, quạt điện lên cao, nước vào mấp mé ngõ. Họ chuyển tiếp đồ lên tầng hai thì nước vào tới sân. Chuyển thêm mấy túi quần áo, nước đã ngập đến bắp đùi.
“Như Sơn Tinh dời núi cao đến đâu Thủy Tinh dâng nước tới đấy. Cuối cùng, mình đành chịu thua ông trời”, chị nói. 39 năm trên đời, chưa khi nào chị gặp trận lũ lên nhanh thế. Khoảng 30 phút nước đã dâng đến ngực, không ai kịp trở tay.
-
Huyện Hạ Hòa, Phú Thọ ngập trong biển nước
Huyện Hạ Hòa mưa lớn từ 7/9 đến nay, lũ từ thượng nguồn đổ về khiến mực nước các sông chảy qua địa bàn lên nhanh, gây ngập úng tại nhiều xã. Đến chiều nay, tuyến đê tả, hữu sông Thao có nhiều điểm tràn, khiến thị trấn Hạ Hòa và nhiều xã chìm trong biển nước, giao thông chia cắt, hàng nghìn hộ dân phải di dời.
Tại các xã Hiền Lương, Bằng Giã, nước ngập hết mái nhà cấp bốn và tầng một của các nhà cao tầng. Bộ đội, công an đã đi thuyền đến hỗ trợ người dân.
-
19h20
Lũ quét kinh hoàng ở Lào Cai, 16 người chết
Trận lũ quét xuất hiện sáng 10/9 tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tràn qua khu dân cư với 35 hộ dân. Đến tối nay, nhà chức trách mới tìm được 16 thi thể, còn khoảng 40 người mất tích. Việc cứu hộ đang gặp nhiều khó khăn do đường sá vào thôn Làng Nủ bị sạt lở.
-
17h45
Lũ tràn vào nhiều nhà dân tại Tuyên Quang
Mực nước sông Lô vượt báo động 3 là 0,21 m. Nhiều khu vực tại huyện Na Hang nước lũ tràn vào nhà dân, một số điểm sạt taluy đường, đất đá tràn vào nhà. Huyện Na Hang đã di dời 400 hộ dân ở thị trấn Na Hang và một số xã nằm trong vùng nguy cơ cao bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, sạt lở đất, đến nơi tạm cư để đảm bảo an toàn.
Huyện Chiêm Hóa đã có 4 nhà bị đổ sập và cuốn trôi hoàn toàn, 4 nhà bị sạt lở đất và trên 920 nhà bị ngập; một cây cầu bị cuốn trôi, Quốc lộ 2C bị xói lở 300 m nền đường.
-
17h40
Cao Bằng tìm thấy 22 người chết, còn 33 người mất tích
Chiều 10/9, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy thêm nhiều thi thể dọc bờ sông, suối và trong các đống đổ nát. Tổng số người chết được phát hiện ở huyện Nguyên Bình đến nay là 22; có 12 người bị thương được cứu, 33 người vẫn mất tích.
Theo đại diện Sở chỉ huy tiền phương, cơ quan chức năng đang tiếp cận vị trí các thi thể, xác định danh tính để bàn giao cho thân nhân lo hậu sự. Quanh khu vực xe khách 29 chỗ bị nạn, nước suối đã rút nhưng vẫn chảy xiết, nhiều vị trí bị sạt lở nên công tác tìm kiếm cứu nạn gặp nhiều khó khăn.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng Hoàng Văn Thạch đang yêu cầu các đơn vị công an, quân đội, dân quân tự vệ huy động tối đa phương tiện cơ giới nhằm thông tuyến, tiếp cận hiện trường một số điểm sạt lở còn lại tại xã Ca Thành, Yên Lạc. Các hộ dân nằm trong vùng nguy cơ sạt lở được yêu cầu sơ tán ngay đến nơi an toàn.
-
17h30
Cấm cầu Gia Bảy nối TP Thái Nguyên với phường Đồng Bẩm
Lực lượng chức năng cấm cầu Gia Bảy – nối thành phố Thái Nguyên với phường Đồng Bẩm đang bị cô lập, chỉ lực lượng làm nhiệm vụ cứu nạn cứu hộ, xe tiếp tế lương thực được vào trong. Chiều nay, nước sông Cầu đã rút khoảng một mét so với hôm qua, song còn chảy xiết và đang có dấu hiệu tăng khi trời đổ mưa lớn.
Nhiều người dân mang nước đóng chai, lương thực đến chốt của lực lượng chức năng nhờ gửi vào khu vực bà con bị cô lập.
Các đội nhóm thiện nguyện đã tích cực hỗ trợ, vận chuyển nhu yếu phẩm vào các khu vực ngập lụt bằng ghe nhỏ. Đồng thời, họ cũng đã lên đường hỗ trợ các tỉnh lân cận như Yên Bái và Lào Cai.
-
16h00
Cả phường ở TP Thái Nguyên chìm trong biển nước
Đến 16h45, nước lũ tại các vùng trũng thấp của thành phố Thái Nguyên vẫn còn cao khoảng 1,2 m, gây cô lập hơn 10 tổ dân phố phía trong cầu sắt Quang Vinh thuộc phường Quang Vinh. Nhờ các nhà cao tầng, nhiều hộ dân đã chọn ở lại nhà thay vì sơ tán. Tuy nhiên, việc tiếp tế lương thực, thực phẩm vẫn là vấn đề cấp bách.
Người dân cho biết, đây là trận lũ lớn nhất trong vòng 42 năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng nghìn hộ dân tại các phường Quang Vinh, Túc Duyên và Đồng Bẩm. Để đảm bảo an toàn, cơ quan chức năng đã phải cấm một số cây cầu.
-
15h00
82 người chết, 64 người mất tích do bão Yagi
Chiều 10/9, Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), cho biết hoàn lưu sau bão Yagi đã gây mưa to, ngập lụt ở hàng loạt tỉnh thành miền Bắc, trong đó có Hà Nội, làm 82 người chết, 64 người mất tích. Trước và trong bão, số thiệt hại về người chưa tới 10 thì hoàn lưu sau bão gây mưa to, kích hoạt sạt lở đất, làm con số thương vong tăng nhanh.
Thiệt hại lớn nhất là Cao Bằng. Hôm qua huyện Nguyên Bình xảy ra hàng loạt vụ sạt lở làm 19 người chết, 36 người mất tích, 12 người bị thương. Vụ thứ nhất lúc 1h30 tại xóm Lũng Súng, đất đá từ đồi sạt xuống 6 hộ dân với 34 nhân khẩu. Hơn nửa ngày tìm kiếm, 7 thi thể độ tuổi 4-46 được tìm thấy, 7 người khác bị thương nặng và hiện còn 4 người mất tích.
Thiệt hại lớn thứ hai là Lào Cai với 19 người chết, 11 người mất tích và 14 người bị thương. Tại thị xã Sa Pa, vụ sạt lở đầu tiên chiều 8/9 ở xã Mường Hoa làm hư hại 4 ngôi nhà có 26 nhân khẩu. Sau hơn một ngày, 7 thi thể được tìm thấy.
Bão lũ đã khiến 9 người chết ở Quảng Ninh, 7 người ở Yên Bái; Hà Nội, Hòa Bình mỗi nơi 4 người; Hải Phòng, Lạng Sơn, Tuyên Quang mỗi nơi hai người chết; Hải Dương, Bắc Giang, Hà Giang, Lai Châu mỗi nơi một người. Hơn 750 người bị thương ở hầu hết tỉnh thành miền Bắc.
Lũ trên sông Hồng ở Phú Thọ đã làm sập hai nhịp cầu Phong Châu khiến 13 người mất tích. Đến 13h hôm qua, ba người được cứu sống. Hàng chục nghìn ngôi nhà ở Yên Bái, Thái Nguyên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Giang bị ngập sâu 0,5-1,5 m. Hơn 48.000 ngôi nhà hư hỏng.
-
14h55
Người Thái Nguyên bơi ra cổng nhà lấy đồ tiếp tế
-
14h50
22 người chết do sạt lở đất tại Yên Bái
Tại cuộc họp với Phó thủ tướng Lê Thành Long ngày 10/9, UBND tỉnh Yên Bái cho biết trên địa bàn có 28 người chết và mất tích, trong đó 22 người chết do sạt lở đất; 6 người mất tích. Tỉnh có 13.500 bị ảnh hưởng, trong đó 40 nhà đổ sập hoàn toàn; hơn 2.300 nhà phải di dời người và tài sản; 10.300 nhà bị ngập nước.
Yên Bái đã huy động hơn 10.800 người khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra và di dời 41.500 người khỏi vùng lũ, sạt lở để đảm bảo an toàn. Ngoài ra, 61.900 người gồm bộ đội, công an, dân quân dự bị, dự bị động viên cũng sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Sau khi nghe báo cáo, Phó thủ tướng Lê Thành Long nhấn mạnh sức khỏe, tính mạng của nhân dân là cao nhất, phải quyết tâm tối đa để không xảy ra sự cố đáng tiếc. Ông Long đề nghị Quân khu 2 huy động xuồng hỗ trợ người dân; bằng mọi cách cứu hộ ba người dân đang mắc kẹt trong mưa lũ, bám vào cột điện. Các lực lượng khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm tiếp tế cho khu vực bị ảnh hưởng.
-
14h45
Nhiều quốc lộ miền núi bị chia cắt
Tại Hà Giang, tuyến quốc lộ 34 sạt lở toàn bộ mặt đường, ngập úng từ 0,4m đến 0,8 m, gây ách tắc cục bộ. Đơn vị quản lý đã huy động máy đào vào taluy dương để làm đường tạm.
Quốc lộ 279 qua Hà Giang cũng bị sạt lở taluy dương, mặt đường xuất hiện rạn nứt, tắc đường.
Tại Cao Bằng, quốc lộ 34 bị ngập úng tại 8 vị trí từ 0,4 đến 0,6 m, có 8 vị trí tắc đường do bị sạt lở ta luy.
Quốc lộ 4A bị sạt lở taluy dương gây tắc đường 17 vị trí. Đơn vị bảo dưỡng đang xử lý, thông tạm một làn xe tại 12 vị trí.
Tại Lào Cai, các tuyến quốc lộ 4D, 4, 4E đều bị sạt lở ta luy dương, đất bùn tràn mặt đường.
Tại Thái Nguyên, các quốc lộ 1B, 37, 17 và 3C đều bị sạt lở mặt đường, đất đá tràn xuống. Trong đó, quốc lộ 17 có hai đoạn bị ngập nước sâu 1 m-1,5 m, chưa có dấu hiệu rút. Quốc lộ 37 có một vị trí bị ngập nước sâu 0,4 m, gây ách tắc giao thông.
Tại Bắc Kạn, quốc lộ 279 bị sạt lở nhiều vị trí, cây đổ nhiều, một số đoạn có hố sụt lún, có đoạn bị nứt mặt đường dài khoảng 22m, chiều ngang khoảng 2,5m. Quốc lộ 3B bị sạt lở ta luy dương gây tắc đường tại huyện Chợ Mới, Na Rì, hiện nay đã thông đường.
-
14h30
Cứu bé gái 14 tuổi trong vụ sạt lở đất ở Hoàng Su Phì
Vụ sạt lở đất nghiêm trọng đã xảy ra tại thôn Dì Thàng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì, hôm qua đã vùi lấp hoàn toàn một ngôi nhà 5 gian có người ở bên trong. Lực lượng chức năng sau đó đã cứu được một bé gái 14 tuổi và đang tích cực tìm kiếm một bé 6 tháng tuổi khác.
-
14h15
Cao Bằng lập Sở chỉ huy tìm kiếm người mất tích
UBND tỉnh Cao Bằng đã thành lập Sở chỉ huy chiến dịch tìm kiếm, cứu hộ người bị nạn tại các điểm sạt lở ở huyện Nguyên Bình với khoảng 500 người thuộc nhiều lực lượng bộ đội, công an, dân quân… tham gia. Sở chỉ huy được đặt tại trụ sở UBND xã Vũ Nông do ông Hoàng Văn Thạch, Phó chủ tịch UBND tỉnh làm tổng chỉ huy.
Mưa lũ ba ngày qua khiến Cao Bằng có 19 người chết, 36 người mất tích – là tỉnh có thiệt hại lớn nhất về người. Hiện lực lượng chức năng đã tìm thấy 18 thi thể trên các sông suối.
Trước tình trạng nhiều tuyến đường bị sạt lở, hư hỏng, không đảm bảo an toàn, UBND tỉnh Cao Bằng đã tạm dừng toàn bộ hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt, xe tuyến cố định, taxi, xe hợp đồng trên địa bàn tỉnh từ tối 9/9.
-
14h15
Nước sông Hồng qua Văn Phú, Yên Bái lên cao
Lượng mưa ghi nhận ở Yên Bái từ 19h ngày 9/9 đến 5h ngày 10/9 phổ biến 50-150 mm, một số nơi cao hơn 300 mm như Yên Ninh 352 mm, Minh Bảo gần 334 mm, Hòa Cuông gần 249 mm, Tân Nguyên 142 mm, Phúc Lợi 131 mm, Mậu Đông 102 mm…
Sông Hồng đoạn chảy qua cầu Văn Phú, Yên Bái nước ngày càng lên cao.
-
14h10
Cấm tàu thuyền lưu thông dưới nhiều cầu
Chi cục đường thủy nội địa khu vực 1 sáng nay đã cấm các phương tiện thủy lưu thông qua các cầu: Đuống (quận Long Biên, Gia Lâm thuộc Hà Nội), cầu Vĩnh Phú (thành phố Việt Trì, Phú Thọ và huyện Sông Lô, Vĩnh Phúc), cụm cầu Chương Dương – Long Biên (qua quận Hoàn Kiếm, Long Biên, Ba Đình ở Hà Nội). Tàu thuyền qua cầu Phong Châu (Phú Thọ) cũng bị cấm lưu thông từ hôm qua.
Ngoài ra, Chi cục đường thủy nội địa 1 còn khuyến cáo các người lái tàu thuyền khi lưu thông qua các cầu khu vực phía Bắc phải nắm vững thông số chiều cao, chiều rộng khoang thông thuyền; kiểm tra hệ thống lái, đệm chống va. Thuyền trưởng, người lái phải điều khiển tàu đi đúng khoang có báo hiệu thông thuyền. Nơi có dòng nước xoáy hoặc chảy xiết, nếu thấy phương tiện không an toàn phải neo buộc chắc chắn tại vị trí an toàn, bố trí người trực trên phương tiện.
Sáng 10/9, một tàu chở hàng và sà lan bị mắc kẹt dưới gầm cầu Vĩnh Phú, tại vị trí cột trụ thứ 3 tính từ thành phố Việt Trì đi tỉnh Vĩnh Phúc. Sà lan lớn có một phần chui vào gầm cầu, đầu chạm mép bêtông. Dòng chảy xiết của sông Lô khiến các phương tiện này di chuyển liên tục, tăng nguy cơ gây hư hại cho cầu Vĩnh Phú.
-
14h05
Bộ đội, công an vận chuyển 200 tấn gạo cho người dân
Thủ tướng Phạm Minh Chính ký tối 9/9 công điện yêu cầu Bộ Quốc phòng, Công an chỉ đạo các đơn vị khẩn trương vận chuyển lương thực, thực phẩm, lương khô, mỳ tôm, nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch… để cung cấp cho người dân vùng bị cô lập bởi lũ lụt, người dân thiếu lương thực, thực phẩm và nhu yếu phẩm. Việc này làm trong thời gian nhanh nhất có thể.
Bộ Tài chính cấp cho mỗi Bộ Quốc phòng và Công an 100 tấn gạo từ dự trữ quốc gia để vận chuyển đến các địa phương thiếu gạo đang bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.
Thủ tướng giao Bí thư, Chủ tịch các tỉnh, thành phối hợp cùng quân đội, công an nắm tình hình người dân thiếu lương thực, thực phẩm, nước sạch; cấp phát lương thực, thực phẩm, lương khô và nhu yếu phẩm đến tận tay người dân bị ảnh hưởng bởi bão. Địa phương sớm khôi phục trạm y tế, trường học bị hư hại do bão, để học sinh sớm được đến trường, không ảnh hưởng đến việc học.
Phó thủ tướng Hồ Đức Phớc trực tiếp chỉ đạo các đơn vị triển khai công điện.
-
12h50
Người dân Yên Bái: Giấy tờ tùy thân cũng chìm trong nước lũ
Sáng 10/9, ven đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, người dân thôn Quyết Tiến, xã Y Can, huyện Trấn Yên vẫn đang sơ tán người, đồ đạc. Cả thôn chỉ còn vài nhà cao tầng trồi lên mái tôn màu đỏ giữa nước lũ mênh mông.
Đêm qua mưa lớn, nước dâng nhanh, bà Nguyễn Thị Quyên ba lần chuyển đồ lên cao, tới 1h sáng thì chịu để cho nước lũ nhấn chìm. Người dân gọi nhau tự tìm xuồng cứu hộ vì ngập lụt khắp nơi.
“Giấy tờ tùy thân cũng không cứu được. Trắng tay. Bộ quần áo đang mặc trên người cũng đi mượn”, bà nói.Thôn chìm trong nước lũ ba ngày, người dân chuyển sang Thôn 2 bên kia đường cao tốc ở nhờ. 5 -6 hộ gia đình nương nhờ một nhà còn cao ráo. Họ chỉ kịp đem theo quần áo, mỳ tôm rồi lên tránh nhờ ở nhà hàng xóm ở trên đồi.
-
12h40
Yên Bái công bố tình trạng khẩn cấp về thiên tai
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn đêm 9/9 công bố tình hình khẩn cấp về thiên tai sau mưa lớn, lũ quét, sạt lở, ngập úng. Chịu ảnh hưởng của bão và hoàn lưu bão Yagi, từ đêm 7/9 đến ngày 9/9, địa bàn tỉnh đã có mưa to và dông. Lượng mưa phổ biến từ 50-150 mm, một số nơi cao hơn 200 mm như Tân Phượng 3275,8 mm; An Lạc 257 mm; An Phú 261 mm; Minh Tiến 230,8 mm; Minh Chuẩn 222 mm…
Trên sông Hồng (sông Thao) tại Yên Bái, lũ đang lên nhanh. Mực nước lúc 7h ngày 9/9 là 33,69 m (trên báo động 3 là 1,69 m). UBND tỉnh Yên Bái yêu cầu huyện, thị xã rà soát hộ dân đang sinh sống trong vùng bị ảnh hưởng, lập phương án di chuyển kịp thời. Lực lượng chức năng quyết liệt sơ tán gia đình tại các khu vực nguy hiểm về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt.
Các sở Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các chủ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi kiểm tra hồ, đập, xử lý các khu vực trọng điểm, xung yếu; vận hành hồ chứa, xả lũ theo đúng quy trình; thông tin kịp thời, chính xác cho chính quyền, người dân trước khi xả lũ. Các đơn vị cắm biển cảnh báo những vị trí ngầm tràn có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ ống, lũ quét để hướng dẫn người dân qua lại bảo đảm an toàn.
-
12h30
Cứu người bị kẹt vùng lụt Thái Nguyên
Khu dân cư nằm sau Cầu Sắt Quang Vinh, TP Thái Nguyên trưa 10/9 vẫn bị cô lập do ngập lụt, nhiều người già, trẻ em được ca nô của công an và các lực lượng thiện nguyện hỗ trợ đưa ra ngoài đường Bắc Cạn, TP Thái Nguyên. Sau khi đưa dân ra, các cano chở cơm, lương thực, thực phẩm, nước ngọt vào cho người phía trong.
-
12h00
Thủ tướng đi ca nô thị sát vùng lũ Bắc Giang
Sáng 10/9, Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát, kiểm tra, chỉ đạo ứng phó mưa lũ tại Bắc Giang. Mấy ngày qua lũ từ thượng nguồn đổ về khiến nước dâng cao trên các con sông lớn, nhiều nơi tại Bắc Giang bị ngập lụt, cô lập, chia cắt nghiêm trọng, gây nhiều thiệt hại.
Người đứng đầu Chính phủ đi ca nô đến thăm hỏi người dân xã Vân Hà, thị xã Việt Yên, nằm ven sông Cầu, nơi có 2.500 hộ với 9.000 dân đang bị chia cắt do ngập lụt. Ông yêu cầu cấp ủy, chính quyền triển khai quyết liệt các biện pháp ứng phó thiên tai; chủ động sơ tán, di dời dân khỏi khu vực mất an toàn; đảm bảo an toàn giao thông, nhất là khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, nguy cơ sạt lở.
Thủ tướng yêu cầu không để người dân nào đói, rét, không nơi ở, không có nước sạch, không được chăm sóc y tế. Chính quyền các cấp phát lương thực, thực phẩm, lương khô và nhu yếu phẩm đến tận tay người dân. Công an, quân đội vận chuyển nhu yếu phẩm, nước uống, nước sạch cung cấp cho người dân vùng bị cô lập. “Việc này phải làm nhanh nhất có thể, tránh lãng phí”, ông nói.
Trước đó, thị sát tình hình lũ tại khu vực sông Cầu (xã Tiên Sơn, thị xã Việt Yên), Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bắc Giang huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, các lực lượng ứng trực sẵn sàng đề phòng mọi tình huống bất trắc; theo dõi sát tình hình các hồ chứa nước, tình hình mưa lũ, dự báo vùng ngập để sơ tán, bố trí chỗ ăn ở cho người dân.
Thủ tướng cũng lưu ý “trường học nào an toàn thì mới cho học sinh đi học, chưa an toàn thì cho học sinh nghỉ”.
Leave a Reply