Hai tù nhân nổi tiếng Trần Huỳnh Duy Thức và Hoàng Thị Minh Hồng được trả tự do, trở về nhà hôm 21/9/2024, ngay trước chuyến đi Mỹ lần đầu tiên của ông Tô Lâm trên cương vị Chủ tịch nước, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trong khi sự kiện này được chào đón bởi những người ủng hộ phong trào đấu tranh dân chủ tại Việt Nam, và bởi các tổ chức nhân quyền quốc tế, một câu hỏi được đặt ra là tại sao chính phủ Việt Nam có quyết định như vậy vào thời điểm này.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã lên đường đi Mỹ vào sáng 21/9 để dự các sự kiện của Liên Hợp Quốc, tham gia một số hoạt động tại Mỹ và thăm cấp nhà nước tới Cuba. Chuyến công tác kéo dài đến ngày 27/9.
Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Việt Nam cho trả tự do tù nhân bất đồng chính kiến trước một sự kiện ngoại giao quan trọng.
Linh mục Nguyễn Văn Lý, một nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng, sau hai thập kỷ ngồi tù, được trả tự do vào ngày 20/5/2016, trước chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ lúc đó là ông Barack Obama vào ngày 23/5.
Vào tháng 9/2023, quan chức Mỹ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng theo yêu của phía Mỹ trước chuyến thăm Hà Nội của ông Biden từ 10-11/9/2023, Hà Nội đã đồng ý để hai nhà hoạt động bị bắt giữ (chưa bị tuyên án tù) sang Mỹ tị nạn và đồng ý trả tự do cho hai nhà hoạt động khác đang bị giam.
Dù quan chức Mỹ không tiết lộ tên bốn người này, Reuters đã xác định được tên hai tù nhân được trả tự do là luật sư Nguyễn Bắc Truyển – sang Đức tị nạn ngày 9/9/2023, và nhà báo Mai Phan Lợi (được trả tự do ngày 10/9/2023).
‘Đặc xá cưỡng bức’
Trong chia sẻ với BBC hôm 21/9, gia đình ông Trần Huỳnh Duy Thức khẳng định rằng ông luôn kiên định mình vô tội và luôn từ chối ký vào bất cứ văn bản nào đặc xá cho ông.
Gia đình ông Thức khẳng định rằng ông Thức được trả tự do lần này là do ông vô tội và có khả năng liên quan tới chuyến đi Mỹ” của ông Tô Lâm.
Ngay trong ngày đầu tiên về nhà, ông Trần Huỳnh Duy Thức đã đăng lên Facebook của ông bài Lời chào đầu tiên, trong đó ông kể lại việc bị “đặc xá cưỡng bức”:
“Ngày 19/9/2024, đại diện của Trại giam số 6 thừa lệnh Bộ Công an thông báo với tôi rằng Chủ tịch nước muốn đặc xá cho tôi trước thời hạn và yêu cầu tôi làm đơn xin đặc xá.
“Tất nhiên, ngay lập tức tôi từ chối nhận đặc xá, và không ký vào đơn từ nào cả. Lý do là vì tôi phải được trả tự do theo đúng quy định mới của Bộ luật Hình sự hiện hành về hành vi mà tôi bị cáo buộc vi phạm, chứ tôi không cần ra tù nhờ sự đặc xá đó.”
“Vậy mà vào lúc 17 giờ 45 ngày 20/9/2024, hơn 20 người của Trại giam số 6 đã xông vào buồng giam đọc thông báo rằng Chủ tịch nước đã ký Quyết định đặc xá số 940 ngày 20/9/2024 về việc ‘đặc xá’ cho tôi. Vì vậy tôi trở thành người tự do và không có quyền tiếp tục ở lại trại giam. Tôi phản ứng ngay rằng tôi không có tội cũng như lý do gì để nhận đặc xá và sẽ không đi đâu cả.”
“Thế là họ cưỡng bức, khiêng tôi ra khỏi cổng nhà tù trước sự phản đối của các anh em tù chính trị ở đó, rồi đưa tôi lên xe ra sân bay Vinh. Cuối cùng tôi bị buộc phải lên máy bay trong chuyến muộn vào Sài Gòn.”
Ông Thức viết tiếp rằng như vậy, “một cách mặc nhiên”, ông “đã góp phần quan trọng vào sự hỗ trợ chuyến công du Hoa Kỳ của ông Chủ tịch nước, một chuyến đi mang hy vọng về sự chuyển đổi mạnh mẽ cho đất nước trong tương lai.”
Thỏa thuận mua bán vũ khí?
Trong chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam vào tháng 9/2023, ông Joe Biden đã có bài phát biểu, trong đó ông đề cập đến tầm quan trọng của nhân quyền.
Nhà Trắng sau đó đăng lại nguyên văn như sau:
“Tôi cũng đã nêu tầm quan trọng của việc tôn trọng nhân quyền là ưu tiên hàng đầu của cả chính quyền của tôi và của người dân Mỹ. Và chúng tôi sẽ tiếp tục đối thoại thẳng thắn về lĩnh vực này.”
Như vậy, người đứng đầu Nhà Trắng được cho là không thờ ơ với vấn đề nhân quyền của Việt Nam, dù ông không gặp gỡ các tổ chức xã hội dân sự hay các nhà hoạt động, vốn là một thông lệ của các quan chức cấp cao Mỹ khi đến Việt Nam.
Còn trong chuyến công tác tới Mỹ của ông Tô Lâm lần này, một số nguồn tin cho BBC biết rằng ông hi vọng có cuộc gặp riêng với Tổng thống Mỹ Joe Biden để bàn thảo một số vấn đề quan trọng.
Đây không phải là một chuyến thăm tới Mỹ, mà chỉ là một chuyến công tác dự các sự kiện của Liên Hợp Quốc, nhân đó xúc tiến một số cuộc gặp gỡ với các quan chức chính quyền, đại diện đảng phái, giới doanh nghiệp, trí thức của Mỹ. Do đó, lần này sẽ không có các cuộc hội đàm song phương như thường thấy trong các chuyến thăm chính thức hoặc cấp nhà nước. Tuy nhiên, trong các cuộc gặp gỡ, đôi bên có thể sẽ bàn tới các vấn đề quan trọng, bao gồm cả việc mua vũ khí.
Kỹ sư tin học Nguyễn Tiến Trung, người từng bị phạt tù trong cùng một vụ án với ông Thức vào năm 2010 và hiện đang tị nạn tại Đức, nói với BBC hôm 21/9 rằng tù nhân lương tâm thường bị sử dụng làm con bài đổi chác giữa chính quyền Việt Nam Mỹ.
“Ông Tô Lâm không thể gặp các lãnh đạo Mỹ và các nước khác trên thế giới khi họ phê phán về vấn đề nhân quyền Việt Nam. Và ông Tô Lâm cũng cần có đôi chút nhượng bộ để có tiếng là Việt Nam có cải thiện về nhân quyền.
“Đặc biệt là trường hợp của ông Thức, Việt Nam trả tự do cho trong khi ông không nhận tội và không xin khoan hồng, điều này có thể khiến phía Mỹ sẽ đồng ý bán một số thiếu bị quân sự cho Việt Nam, như máy bay vận tải C130.”
“Chính quyền Mỹ cũng muốn cho người dân Mỹ và các tổ chức xã hội Mỹ thấy rằng họ luôn quan tâm đến vấn đề nhân quyền.”
Ông Ben Swanton, đồng giám đốc nhóm vận động nhân quyền Dự án 88, nói với BBC hôm 21/9 rằng việc chính quyền Việt Nam trả tự do hai tù nhân nói trên trước chuyến đi Mỹ của ông Tô Lâm là có liên quan đến thỏa thuận vũ khí:
“Việc thả những tù nhân chính trị này đã được Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Uzra Zeya đàm phán trong chuyến thăm Hà Nội gần đây của bà.”
“Trước chuyến đi đó, Dự án 88 đã vận động Bộ Ngoại giao Mỹ để đảm bảo việc trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm cả Hoàng Thị Minh Hồng.”
“Không rõ Việt Nam đã yêu cầu gì để đổi lại nhưng tôi hiểu rằng ông Tô Lâm muốn gặp ông Biden và bà Harris khi ông ấy ở Hoa Kỳ và ông Phan Văn Giang gần đây đã đến Hoa Kỳ để đàm phán về một thỏa thuận vũ khí.”
Bà Uzra Zeya là thứ trưởng đặc trách các vấn đề an ninh dân sự, dân chủ và nhân quyền của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Nhân quyền và ‘ngoại giao con tin’
Ông Nguyễn Tiến Trung bày tỏ sự hoài nghi về thực tâm của Việt Nam trong vấn đề cải thiện nhân quyền:
“Chính quyền Việt Nam trả tự do cho ông Trần Huỳnh Duy Thức trước thời hạn mãn án tù tám tháng, cho bà Hoàng Minh Hồng trước thời hạn hơn một năm, việc này không nói lên ý nghĩa gì nhiều vì cả hai đều sẵp mán án tù.”
Ông Trần Huỳnh Duy Thức, bị bắt giữ vào tháng 5/2009 và bị kết án 16 năm tù vào đầu năm 2010 với tội danh hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Bà Hoàng Thị Minh Hồng bị khởi tố vào tháng 6/2023 và bị kết án ba năm tù giam với tội danh trốn thuế vào tháng 9 cùng năm.
Theo ông Trung, điều này không nói lên được thực tâm của Đảng Cộng sản Việt Nam, dù chính quyền Việt Nam muốn cho Mỹ thấy rằng họ cũng là những người tôn trọng nhân quyền, cũng có những nhượng bộ về nhân quyền.
“Tôi hi vọng phía Mỹ cũng sẽ nghiêm túc nhìn nhận vấn đề này,” ông Trung nói với BBC từ Đức.
Ông Phil Robertson – Giám đốc tổ chức Asia Human Rights, Labour Advocates – nói với BBC hôm 21/9 rằng ông Tô Lâm trả tự do cho ông Thức và bà Hồng chỉ là một phần trong kế hoạch tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam:
“Chủ tịch nước Tô Lâm lo ngại về cách tiếp đón mà ông sẽ nhận được từ các nhà lãnh đạo thế giới khác, đặc biệt là từ Bắc Mỹ và châu Âu, vì vậy ông quyết định trả tự do cho hai nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng để tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc họp sắp tới của mình.”
“Điều này giống như ngoại giao con tin, ngoại trừ việc con tin ở đây là những nhà cải cách và nhà hoạt động ở Việt Nam, những người dám thực hiện quyền con người của mình để cố gắng biến đất nước trở thành một nơi tốt đẹp hơn.”
“Rõ ràng là không có thay đổi thực sự nào trong chính sách của chính phủ Việt Nam – chính sách này là nhằm xóa sổ các nhà hoạt động xã hội dân sự và những người bất đồng chính kiến chính trị mà Đảng Cộng sản Việt Nam cầm quyền coi là mối đe dọa đối với quyền lực của họ.”
“Những vụ thả người sớm này là một phần trong kế hoạch tuyên truyền của chính phủ Việt Nam cho chuyến đi đầu tiên của ông Tô Lâm tới Liên Hợp Quốc với tư cách là nhà lãnh đạo tối cao.
“Chắc chắn là ngay khi ông ta trở về sau chuyến đi, thì mô hình đàn áp và bắt giữ thông thường đối với bất kỳ ai chỉ trích chính phủ cũng sẽ quay trở lại”.
Mạng xã hội nói gì?
Ngay từ nửa khuya ngày 20/9, khi thông tin và hình ảnh ông Trần Huỳnh Duy Thức được trả tự do xuất hiện, nhiều người đã lên mạng Facebook chia sẻ cảm xúc của mình.
Nhà văn Phan Thúy Hà viết:
“Đã được nhìn thấy anh Trần Huỳnh Duy Thức. Không chú thích thì không biết đó là một người vừa ra tù sau gần 16 năm. Trông anh thật bình thản, bình an.”
Luật sư Lê Công Định viết rằng đây là “niềm vui khôn tả… không thể nói nên lời”.
Luật sư Đặng Đình Mạnh, hiện đang tị nạn tại Mỹ, đặt câu hỏi trên Facebook rằng những quyết định trả tự do tù nhân này là sự “trao đổi hay thay đổi”.
Luật sư Vũ Quốc Khanh từ Canada viết trên Facebook:
“Nếu ĐCSVN chỉ dự tính thả anh Trần Huỳnh Duy Thức để có một tấm hình bắt tay với ông Biden bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thì đó là một thảm họa cho Việt Nam.”
“Làm chính trị quốc gia thì phải đặt quyền lợi quốc gia dân tộc lên trên hết. Mọi quyết định phải dựa trên nền tảng giá trị chung (quốc tế) và riêng (quốc gia).
“Việt Nam nên học bài học hội nhập hơn là ‘lội ngược dòng’ thời đại.
“Qua việc trả tự do cho ông Thức chỉ trước một ngày ông Tô Lâm đi Mỹ, một lần nữa xác nhận rằng Hà Nội vẫn thiếu thiện chí và không có kế hoạch chiến lược toàn diện lâu dài.”
Ông cho rằng:
“Hà Nội nên có những hành động cụ thể, rõ ràng và quyết liệt hơn, nếu thực sự muốn thay đổi thể chế…”
Tài khoản Facebook có tên Luan Le Quang viết về quyết định của ông Tô Lâm trên cương vị tổng bí thư, chủ tịch nước:
“Dù mục đích cho sự phóng thích trước thời hạn này là gì đi nữa của tân chủ tịch nước, thì điều đó cũng cho thấy có một sự thay đổi trong cách nhìn nhận và làm việc hợp lý, hợp tình của người đứng đầu đất nước.”
“…Dù sao thì, 16 năm, một quãng thời gian quá dài và quá đắt để mua lấy sự bày tỏ chính kiến của một trí thức như anh là một sự thật hết sức khôi hài…”(BBC)
Leave a Reply