Friday, November 22 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Đăng ngày:
Bơm thêm gần 500 tỷ đô la trong chưa đầy ba tuần lễ để « hỗ trợ thị trường tài chính và bất động sản, kích cầu » : Bắc Kinh tự giăng bẫy nợ và lừa gạt các cổ đông ? Giới đầu tư cho rằng tình trạng kinh tế của Trung Quốc « có thể tệ đến nỗi » chính quyền phải « cấp tốc can thiệp », nhưng các biện pháp đề ra lại kém thuyết phục, chưa đủ đề trấn an.
Ảnh tư liệu minh họa : Những lá cờ Trung Quốc trong Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc ở thành phố Quảng Châu, ngày 16/04/2018.
Ảnh tư liệu minh họa : Những lá cờ Trung Quốc trong Hội chợ Xuất nhập khẩu Trung Quốc ở thành phố Quảng Châu, ngày 16/04/2018. © REUTERS – Tyrone Siu
Theo bà Isabelle Feng, Trung Tâm Perelman, Đại học Tự Do Bruxelles và Asia Centre Paris, để giữ được mục tiêu tăng trưởng và đem lại một làn sinh khí mới cho kinh tế, Trung Quốc cần thuyết phục tư nhân huy động một phần 40.000 tỷ đô la đang ngủ yên trong các quỹ tiết kiệm.

Hai góc kích cầu 1.000 và 2.300 tỷ nhân dân tệ vẫn thiếu sức thuyết phục

Trong ba tuần, từ ngày 24/09 đến 12/10 chính quyền Trung Quốc ba đợt thông báo các biện pháp « hỗ trợ kinh tế ». « Tiếp sức cho các thị trường chứng khoán, vực dậy ngành địa ốc, giảm gánh nặng nợ nần cho các chính quyền địa phương, tăng vốn hòng nới lỏng khả năng cấp tín dụng của các ngân hàng nhà nước » là ba mục tiêu đã được từ thống đốc Ngân Hàng Trung Ương đến bộ trưởng Tài Chính Trung Quốc lập đi lập lại trong các cuộc họp báo. Bắc Kinh báo trước sẽ công bố nay mai về vế thứ tư để thúc đẩy kinh tế đó là trực tiếp hỗ trợ « một số đối tượng trong xã hội cần được giúp đỡ ».

Trả lời ban Việt ngữ RFI chuyên gia về luật và tài chính Isabelle Feng, thuộc trung tâm nghiên cứu Perelman, Đại Học Tự Do Bruxelles-Bỉ và Asia Centre ở Paris nhấn mạnh đến một chi tiết quan trọng trong « kế hoạch kích cầu » 1.000 tỷ nhân dân tệ, tương đương với khoảng 140 tỷ đô la được Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc loan báo.

Isabelle Feng  : « Hôm 24 tháng 9 vừa qua, thống đốc Ngân Hàng Nhân Dân và lãnh đạo cơ quan điều tiết thị trường chứng khoán và tài chính Trung Quốc thông báo biện pháp 500 tỷ nhân dân tệ (gần 70 tỷ đô la Mỹ) hỗ trợ thị trường chứng khoán và số tiền này nằm trong gói kích cầu –stimulus 1.000 tỷ nhân dân tệ. Bắc Kinh nói đến một kế hoạch kích cầu nhưng phần lớn số tiền ấy là để tiếp sức cho các sàn chứng khoán ».

Trung Quốc đã sử dụng tất cả các công cụ tài chính ?

Cũng trong cuộc họp báo hôm 24/09 Bắc Kinh cho biết huy động nhiều công cụ tiền tệ để duy trì mục tiêu GDP tăng trưởng 5 % trong năm nay. Thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Phan Công Thắng kết hợp các chính sách giảm lãi suất chỉ đạo, giảm lãi suất tín dụng địa ốc, hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để các ngân hàng dễ dàng cấp tín dụng nhiều hơn cho các doanh nghiệp và tư nhân. Cùng lúc các giới chức tài chính Trung Quốc loan báo kể từ ngày 25/10/2024 khi đi mua nhà thân chủ chì cần chứng minh tối thiểu có vốn tương đương với 15 % căn hộ thay vì 25 % như trước đây.

Biện pháp này trực tiếp nhằm thúc đẩy thị trường địa ốc Trung Quốc. Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc khẳng định các biện pháp này cho phép bơm thêm « 19 tỷ đô la Mỹ vào cho 50 triệu hộ gia đình, tác động trực tiếp đến đời sống của 150 triệu người dân Trung Quốc » như chính ông Phan Công Thắng, thống đốc Ngân Hàng Trung Ương Trung Quốc đã ghi nhận.

Câu hỏi kế tiếp lài tại sao Trung Quốc lại muốn cứu thị trường địa ốc và tiêu thụ nội địa bằng cách nới lỏng chính sách tiền tệ thay vì huy động trực tiếp ngân sách của nhà nước ?

Đánh lừa cổ đông để huy động vốn cho doanh nghiệp

Theo Isabelle Feng, Bắc Kinh muốn hỗ trợ các cổ đông trước đã, do chứng khoán Trung Quốc đã đánh mất 6.000 tỷ đô la trong giai đoạn 2021-2023. Năm ngoái chỉ có cổ đông thua lỗ rong lúc chỉ số chứng khoán ở khắp mọi nơi đều tăng rất mạnh. Điều này khiến Trung Quốc dành đến 500 tỷ nhân dân tệ (70 tỷ đô la) trong giai đoạn đầu để thổi thêm sinh khí cho thị trường

Isabelle Feng : « Kế hoạch này cho phép các doanh nghiệp, các cơ quan môi giới, hay quỹ đầu tư thế chấp tài sản của mình để mua công trái phiếu và tín phiếu… qua đó, tự đẩy giá cổ phiếu của mình đang niêm yết trên các sàn chứng khoán lên cao. Biện pháp này vừa nhằm khiến các thị trường chứng khoán khởi sắc trở lại vừa tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ dàng huy động vốn ».  

Bằng chứng cụ thể là trong « tuần lễ vàng » từ 01- 07/10/2024 chỉ số chứng khoán ở Thượng Hải, Hồng Kông và Thâm Quyến tăng mạnh, tăng gần 8% trong một thời gian rất ngắn. Nhưng để rồi lại tuột dốc mạnh trong phiên giao dịch hôm Thứ Ba 08/10/2024 (-9 %) khi thị trường tài chính, ngân hàng và công sở làm việc trở lại sau một tuần lễ nghỉ phép.

Chuyên gia về luật và tài chính của trung tâm nghiên cứu Perelman và Asia Centre giải thích : Bắc Kinh chọn thời điểm trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh để công bố chính sách « kích cầu » gần 500 tỷ đô la, cho phép các công ty mua cổ phiếu của chính mình, qua đó một cách giả tạo, thổi phồng giá cổ phiếu lên cao. Cổ đông tư nhân háo hức muốn được hưởng lợi khi thấy chỉ số chứng khoánn đột ngột tăng nhanh trong vài ngày và đã ồ ạt đăng ký tham gia. Nhưng cùng lúc, các cổ đông lớn lợi dụng thời cơ bán bớt cổ phiếu để thu về tiền mặt. Điều này giải thích vì sao các trong phiên giao dịch từ ngày 8 đến 10/10 các thị trường ở Hồng Kong, Thượng Hải lao đao.

Chứng khoán Trung Quốc hay một canh bạc đầy rủi ro

Chính vì thế mà giới trong ngành quan niệm mua chứng khoán ở Trung Quốc còn nguy hiểm hơn « đánh bạc ».

Isabelle Feng : « Thị trường chứng khoán của Trung Quốc khác với châu Âu hay của Mỹ ở chỗ là chỉ số chứng khoán không trồi sụt tùy theo những thành quả kinh tế thực sự. Tại các thị trường tự do, giá cổ phiếu tăng khi một tập đoàn thịnh vượng. Trái lại ở Trung Quốc, ngay từ 2001 một kinh tế gia nổi tiếng đã ví von chơi chứng khoán ở Trung Quốc còn nguy hiểm hơn là đánh bạc, bởi Nhà nước mới là bên nắm giữ các công cụ để định hướng thị trường  (…). Lần này theo dõi tình hình, chúng tôi thấy Bắc Kinh muốn tiếp sức cho thị trường chứng khoán. Cổ phiếu có tăng giá thì cổ đông mới phấn khởi hơn để chịu mua sắm và nhất là mua nhà. Trung Quốc muốn cứu nguy thị trường bất động sản bằng cách đó và khởi động lại tăng trưởng vốn bị đóng băng từ sau đại dịch Covid ».

Giải phóng 40.000 tỷ đô la trong các quỹ tiết kiệm 

Vấn đề đặt ra là dân Trung Quốc khi có tiền họ đầu tư vào địa ốc, mua cổ phiếu và để dành trong các quỹ tiết kiệm. Khi mà cả thị trường nhà đất lẫn chứng khoán của Trung Quốc đều đang sụp đổ, tư nhân chỉ còn biết ủy thác tiết kiệm cho các ngân hàng.

Thống kê của Trung Quốc năm 2023 báo động khối lượng tiền ủy thác vào quỹ tiết kiệm tại các ngân hàng tăng hơn 15 %. Chỉ một mình Ngân Hàng Nông Nghiệp Trung Quốc năm ngoái thu vào hơn 25.000 tỷ nhân dân tệ. Khoản tiền này lớn hơn gấp 10 so với gói « kích cầu thứ nhì » được bộ trưởng Tài Chính Lam Phật An công bố hôm Thứ Bảy 12/10 vừa qua. Chính vì vậy các kế hoạch hỗ trợ kinh tế được Bắc Kinh công bố gần đây đồng loạt bị đánh giá là « quá khiêm tốn »

Isabelle Feng : « Số tiền đó là chưa đủ, hiểu theo nghĩa từ khi rơi vào khủng hoảng, 18.000 tỷ đô la đã bị bốc hơi, theo thẩm định của ngân hàng Anh, Barclays. Đó là một gánh nặng đối với các hộ gia đình Trung Quốc. Tính trung bình mỗi hộ bị mất khoảng 60.000 đô la. Đó là một số tiền lớn lắm. Khi mà nhà đất mất giá, các hộ gia đình thấy tài sản của họ bị thất thoát. Thành thử tôi không nghĩ rằng các biện pháp kích cầu vào trăm tỷ đô la lần này đủ thuyết phục dân chúng Trung Quốc tự tin để lại đi mua nhà ».

Điều này giải thích vì sao trong những ngày đầu tuần chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông giảm giá (-3%). Giá dầu trên thế giới cũng giảm do không mấy ai chờ đợi kinh tế Trung Quốc khởi sắc trở lại, đẩy tiêu thụ dầu trên thị trường lên cao cho dù nguy cơ chiến tranh ở Trung Đông có thể đe dọa những giếng dầu của Iran.

Trung Quốc tự đẩy nợ của mình lên cao

Isabelle Feng, trung tâm Perelman và Asia Centre, không mấy hy vọng tính toán của Bắc Kinh muốn vực dậy thị trường bất động sản –chiếm đến gần 30 % GDP của các nước, bằng cách tạo một sự hứng khởi giả tạo trên các sàn chứng khoán.

Isabelle Feng : « Tôi không thấy là chính quyền có thể làm gì hơn được nữa : Trung Quốc đã hạ lại suất chỉ đạo của ngân hàng, đã giảm mức vốn tối thiểu một thân chủ cần có khi đi mua nhà, nới rộng khả năng của các ngân hàng để cấp tín dụng… Các thành phố lớn như Thượng Hải, Quảng Đông, Thâm Quyến … đã dỡ bỏ hết những rào cản hành chính để chiêu dụ khách hàng mua bất động sản. Vậy mà thị trường bất động sản ở những thành phố lớn này vẫn chết lịm ».

Nguy hiểm càng lớn hơn khi mà ba mũi tên chính đã được Bắc Kinh công bố để đem lại tăng trưởng, các gói « kích cầu » 1.000 tỷ nhân dân tệ, rồi 2.300 tỷ, tương đương với 500 tỷ đô la, có nguy cơ đẩy nền kinh tế thứ nhì thế giới vào cảnh nợ nần chồng chất còn nghiêm trọng hơn nữa trong lúc người dân không đủ tin vào tương lai để lại mua sắm và nhất là để đầu tư trở lại vào địa ốc.

Isabelle Feng : « Vấn đề của Trung Quốc là người dân như con chim phải đạn, họ không dám tiêu thụ nữa. Người ta mất niềm tin. Dân Trung Quốc nổi tiếng là lo xa nên gửi tiền tiết kiệm rất nhiều. Hiện tại, khoảng 40.000 tỷ đô la Mỹ đang được ký gởi trong các ngân hàng. Thành thử nếu không giải phóng được số tiền đó – hay một phần số tiền đó để khuyến khích tiêu thụ thì Trung Quốc khó mà khởi động lại được cỗ máy kinh tế. Yếu tố chính trị mới là gốc rễ của vấn đề »(RFI)

Share.

Leave a Reply