Thursday, October 31 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Thiện Lê/Người Việt (chuyển ngữ)

LITTLE SAIGON, California (NV) – Từ khi định cư tại Hoa Kỳ vào năm 1975, cộng đồng Việt Nam có những nỗ lực về bầu cử vô cùng quan trọng, và giúp nhiều ứng cử viên gốc Việt ở Orange County ngày nay đạt được thành công.

Bảng tranh cử đầy tên các ứng cử viên gốc Việt ở Little Saigon. (Hình minh họa: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Từ những ngày đầu ở Orange County cách đây mấy thập niên, cộng đồng Việt Nam thèm khát được tham gia chính trị và có nhiều nỗ lực để làm được điều đó.

Bà Mary Anne Foo, tổng giám đốc Liên Đoàn Cộng Đồng Á Châu Thái Bình Dương Orange County, cho biết: “Vì từng sống dưới chế độ cộng sản, nên việc muốn được tham gia chính trị và bỏ phiếu rất quan trọng với họ. Đó là lý do mà họ luôn thèm muốn.”

Tuy nhiên, cộng đồng Việt Nam từng gặp một vấn đề vào thập niên 1970 và 1980. Lúc đó, các tài liệu về bầu cử và phiếu bầu chưa được in bằng tiếng Việt, có nghĩa là cử tri gốc Việt không thể bỏ phiếu nếu không có người dịch các tài liệu đó.

Vì vậy, cộng đồng có một giải pháp là thành lập “nhóm bỏ phiếu” (ballot party).

Những “nhóm” này được các tổ chức chính trị hay cộng đồng, các nhà hoạt động, và các ứng cử viên tổ chức. Những buổi sinh hoạt đó thường diễn ra trong công viên hay các trung tâm cộng đồng, có ca nhạc và thức ăn. Một số nhóm có theo đảng phải, một số thì không có, nhưng nhóm nào cũng có dịch các tài liệu bầu cử thành tiếng Việt cho cộng đồng, giúp các cử tri lớn tuổi chọn ứng cử viên dễ hơn.

Ông Louis DeSipio, giáo sư khoa học chính trị đại học UC Irvine, cho biết: “Đó là một phương pháp lâu năm, được cộng đồng Việt Nam hoàn thiện vì vấn đề ngôn ngữ. Đó là một phương tiện cho cộng đồng không chú trọng vào các ứng cử viên mà chỉ chú trọng vào cộng đồng.”

Hoạt động vận động bầu cử do cộng đồng tạo ra giúp người gốc Việt trở thành nhóm cử tri rất quan trọng của Orange County. Trong cuộc bầu cử năm nay, lá phiếu của họ sẽ quyết định một số cuộc tranh cử như Địa Hạt 45 của Hạ Viện Mỹ, có hai ứng cử viên là Dân Biểu Michelle Steel, người đương nhiệm của đảng Cộng Hòa, và Luật Sư Derek Trần, một người gốc Việt theo đảng Dân Chủ. Địa Hạt 45 này là nơi có đông dân số gốc Việt ở hải ngoại nhất.

Tuy mục đích của những nhóm hoạt động bỏ phiếu không phải là để giúp các ứng cử viên làm quen với cộng đồng, nhưng nó giúp nhiều người Mỹ gốc Việt tham gia vào chính trị. Một trong những người đó là Luật Sư Nguyễn Quốc Lân, phó chủ tịch Học Khu Garden Grove.

Ông Lân đang ứng cử thị trưởng Garden Grove, thành phố có 44% dân số gốc Á và đa số là người gốc Việt. Những hoạt động chính trị đầu tiên của ông là tổ chức “nhóm bỏ phiếu” cách đây 25 năm. Ông cho rằng những hoạt động đó là một phần quan trọng của chính trị trong cộng đồng.

Ông nói: “Đó là một hệ thống rất tốt và chúng tôi rất tự hào vì điều đó, không ai có thể so sánh được.”

Đi đâu ở Little Saigon cũng thấy bảng tranh cử của người gốc Việt. (Hình minh họa: Đỗ Dzũng/Người Việt)

Ông Karthick Ramakrishnan, chuyên gia nghiên cứu nhân khẩu học và chính sách của đại học UC Berkeley, cho biết không chỉ có ở Orange County, mà cộng đồng Việt Nam ở các tiểu bang như Oregon và Washington cũng tổ chức “nhóm bỏ phiếu” để giúp những cử tri lớn tuổi hiểu biết hơn về hệ thống chính trị của Hoa Kỳ. Các cộng đồng Á Châu khác tại những nơi này cũng tổ chức “nhóm bỏ phiếu” với mục đích đó.

Ông Lân và nhiều người cho hay “nhóm bỏ phiếu” ngày nay không còn phổ biến nữa, và một số người muốn hạ thấp giá trị của những buổi sinh hoạt đó.

Ông Phú Nguyễn, ủy viên Học Khu Fountain Valley và đang tranh cử chức ủy viên Học Khu Đại Học Cộng Đồng Coast Community College District, nói: “Những buổi sinh hoạt đó phổ biến vào 20 năm hay 10 năm trước. Tôi nghĩ cộng đồng bây giờ đã hiểu biết nhiều hơn.”

Tuy vậy, ký ức của những “nhóm bỏ phiếu” vẫn còn trong cộng đồng, trong đó có một số buổi sinh hoạt của các tổ chức bất vụ lợi. Tuy không dựa theo các “nhóm bỏ phiếu” ngày nào, nhưng những buổi sinh hoạt đó rất giống.

Tổ chức VietRISE từng tổ chức Lễ Hội Cộng Đồng Little Saigon ở Santa Ana vào ngày 21 Tháng Chín. Cô Tracy La, tổng giám đốc VietRISE, cho biết có khoảng 800 người tham dự, trong đó có rất nhiều người gốc Việt. Lễ hội có những nhóm giúp cử tri ghi danh bỏ phiếu, còn có cả thông dịch viên tiếng Việt, tiếng Nhật, và tiếng Tây Ban Nha.

Ông Nguyễn Quốc Lân đến Hoa Kỳ vào năm 1980, và nói “nhóm bỏ phiếu” từng là những sinh hoạt nhỏ để tập trung vào các cuộc tranh cử địa phương, sau đó mở rộng thành tập trung vào bầu cử quốc gia, tạo ra những nỗ lực bầu cử của người Mỹ gốc Việt trong thập niên 1990.

Một trong những nỗ lực đó là “Rock and Vote,” một buổi ca nhạc giúp cộng đồng ghi danh bỏ phiếu.

Theo Giáo Sư DeSipio, những nỗ lực đó tồn tại được là nhờ vào nhiều người trong cộng đồng như những người có học thức cao, truyền thông Việt Ngữ địa phương, các lãnh đạo cộng đồng, cùng những người từng có địa vị ở Việt  Nam. Họ muốn dùng tiếng nói của mình để giúp cộng đồng tham gia chính trị.

Đến năm 1992, Quốc Hội thông qua một dự luật và được Tổng Thống H.W. Bush ký, bắt buộc những khu vực bầu cử phải cung cấp phiếu bầu và tài liệu bầu cử đa ngôn ngữ cho cử tri. Điều đó có nghĩa là Orange County phải có phiếu bầu tiếng Việt và tiếng Tây Ban Nha, nhưng không thay đổi được sự quan trọng các “nhóm bỏ phiếu” vì theo ông Lân, dịch thuật của quận hạt lúc đó rất kém hay không hoàn chỉnh.

Ông Ramakrishnan cho biết những khu vực bắt buộc phải cung cấp những tài liệu được dịch thành ngôn ngữ khác thì không phải lúc nào cũng hỗ trợ được cư dân về những vấn đề ngôn ngữ.

Ông còn nói những “nhóm bỏ phiếu” còn ảnh hưởng đến cách các cộng đồng Á Châu bỏ phiếu. Thông số từ tổ chức AAPI Data cho thấy từ năm 1996 đến 2022, 45% cư dân California bỏ phiếu qua thư, trong đó có đến 65% là người Á Châu.

Bà Foo cho hay “nhóm bỏ phiếu” bắt đầu từ cộng đồng Việt Nam, nhưng sau đó các cộng đồng Á Châu khác cũng tổ chức vì muốn tham gia chính trị nhiều hơn.

Tổ chức y tế và dịch vụ xã hội Southland Integrated Services thì giúp cộng đồng ghi danh đi bầu tại hội chợ y tế gần đây nhất, thu hút được gần 300 người gốc Việt trong khi các nhà điều hành nghĩ chỉ có khoảng 50 người đến. Bà Tricia Nguyễn, tổng giám đốc Southland, cho biết có hơn 200 người tại hội chợ y tế ghi danh đi bầu.

Bà nói: “Nhân viên của chúng tôi giúp họ mọi thứ. Các bác thích lắm vì họ không gặp khó khăn gì.”

Nhờ những nỗ lực lâu năm, Little Saigon có nhiều ứng cử viên gốc Việt. (Hình minh họa: Đỗ Dzũng/Người Việt)

LA Times cho biết vào một buổi chiều gần đây, ông Nguyễn Quốc Lân đi vận động tranh cử trong một khu dân cư ở Garden Grove có nhiều cờ Mỹ, cờ Trump, và nhiều xe dán hình đội thể thao ưa thích hay dán hình súng. Khi mới mở đầu lời chào, một cư dân hỏi ông Lân có phải là người Cộng Hòa hay không, ông trả lời đúng vậy, và cư dân đó nói sẽ bỏ phiếu cho ông.

Một cư dân khác thì nói nếu ông gửi các truyền đơn bầu cử đến nhà bà thì sẽ bỏ vào thùng rác ngay lập tức. Sau đó, ông nói với LA Times là trong những trường hợp đó ông chỉ cám ơn cử tri, cười và chào họ rồi bỏ đi thôi, không để bụng chuyện đó.

Trong một khu dân cư mà đa số người trả lời khi ông Lân gõ cửa là da trắng, có không ít người không biết đến sức mạnh chính trị mà ông Lân giúp cộng đồng Việt Nam tìm được trong nhiều năm, và bây giờ ông muốn có lá phiếu của họ trong bầu cử sắp tới.

Ông nói mình là một người Việt Nam đang tranh cử gõ cửa nhà cư dân bản xứ tuy nhỏ, nhưng có thể sẽ giúp những cư dân đó hiểu về cộng đồng của mình và sức mạnh chính trị của họ nhiều hơn.

“Điều đó sẽ giúp phá được nhiều rào cản. Tôi rất muốn công chúng hiểu được sự năng động của cộng đồng Việt Nam,” ông Lân nói.

Trong cuộc bầu cử thị trưởng Garden Grove, ông Lân có ba đối thủ gốc Việt là bà Diedre Thu-Hà Nguyễn (cựu phó thị trưởng Garden Grove), ông Phát Bùi (cựu nghị viên Garden Grove và là chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Nam California), và ông Thomas Quốc Thái Nguyễn (một nhà truyền thông và MC nổi tiếng trong cộng đồng). [đ.d]

Share.

Leave a Reply