Theo hãng thông tấn Interfax ngày 7/11, khi phát biểu tại phiên họp toàn thể của Câu lạc bộ Đối thoại Quốc tế Valdai diễn ra tại thành phố Sochi (Nga), Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố muốn giúp Ukraine để nước này không bị lợi dụng như một công cụ trong tay các nước thứ ba. Nga sẵn sàng đàm phán với Ukraine, nhưng trên cơ sở các thỏa thuận Istanbul và thực tế hiện tại.
“Chúng tôi sẵn sàng đàm phán hòa bình, nhưng không phải trên cơ sở một số ‘Danh sách mong muốn (Wish Lists)’ bởi những danh sách này thay đổi theo từng tháng. Chúng tôi muốn dựa trên cơ sở thực tế đang hình thành, và trên cơ sở các thỏa thuận đã đạt được tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Dựa trên những cơ sở đó, nhưng xuất phát từ thực tế hiện tại” – Ông Putin nêu quan điểm.
Theo nhà lãnh Nga, cuộc đàm phán (nếu có) không nên xoay quanh “thỏa thuận ngừng bắn nửa giờ hoặc nửa năm để cung cấp thêm đạn dược, mà nên tạo điều kiện thuận lợi cho việc khôi phục quan hệ, hợp tác trong tương lai vì lợi ích của hai dân tộc vốn là anh em, bất kể tiến trình này có thể phức tạp tới mức nào do các sự kiện bi thảm hiện nay trong quan hệ Nga-Ukraine”.
Đáng lưu ý, Ukraine phải đảm bảo điều kiện “là một quốc gia trung lập”.
“Chúng tôi quyết tâm tạo điều kiện cho một giải pháp lâu dài, và để Ukraine cuối cùng trở thành một quốc gia độc lập, có chủ quyền.
Tuy nhiên, nếu không có sự trung lập [của Ukraine] thì khó có thể hình dung ra bất cứ mối quan hệ láng giềng tốt đẹp nào giữa hai phía.
Tại sao? Bởi vì điều đó có nghĩa Ukraine sẽ liên tục bị lợi dụng như một công cụ trong tay nước ngoài, và gây tổn hại đến lợi ích của Liên bang Nga” – Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Theo ông, nếu Ukraine không trung lập, các điều kiện cơ bản để bình thường hóa quan hệ sẽ không được hình thành, và tình hình sẽ diễn biến theo một kịch bản không đoán trước.
“Chúng tôi rất muốn tránh điều này” – ông Putin nói.
Ông Putin công bố “điều kiện nóng” công nhận biên giới Ukraine
Cũng tại phiên họp, có một “câu hỏi hóc búa” đã được đặt ra cho nhà lãnh đạo Nga: Moscow công nhận những biên giới nào của Ukraine?
Trả lời câu hỏi này, ông Putin cho biết, Nga đã từng công nhận các biên giới của Ukraine, dựa trên thỏa thuận rằng Ukraine là một quốc gia trung lập.
“Nga luôn công nhận biên giới Ukraine trong khuôn khổ thỏa thuận các bên sau khi Liên Xô tan rã. Bản tuyên bố ‘Về nền độc lập Ukraine’ đã nêu rõ rằng quốc gia này là một quốc gia trung lập. Điều đó được Nga ủng hộ” – Ông Putin nói.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, Moscow đã công nhận biên giới Ukraine trên cơ sở này, tuy nhiên sau đó giới lãnh đạo Ukraine đã sửa đổi hiến pháp và công bố mong muốn gia nhập NATO.
“Chúng tôi không đồng ý về điều đó” – Ông Putin cho hay, đồng thời cáo buộc rằng chính các nước NATO đẩy tình hình đến mức xảy ra cuộc đảo chính ở Ukraine vào năm 2014 và buộc Nga thành lập chiến dịch quân sự đặc biệt (SVO).
Ông cho rằng các công dân Ukraine đang bị biến thành “bia đỡ đạn” và kích động chống Nga bằng một lời hứa về “lựa chọn châu Âu”.
Ông Putin nói về quyền quyết định “biên giới Ukraine”
Tổng thống Nga cho biết, ông đã nhận được báo cáo rằng, quân đội Ukraine tại tỉnh Kursk (Nga) đang hứng chịu thiệt hại đáng kể. Số binh sĩ thiệt mạng đã vượt quá 30.000 người.
“Theo dữ liệu của chúng tôi, tổn thất của quân đội Ukraine đã lên tới hơn 30.000 người. Những con số này nhấn mạnh mức độ nghiêm trọng và quy mô của cuộc xung đột ở khu vực mặt trận này.
Trong khi đó, Tổng thống Putin cho biết theo hướng Kupyansk (tỉnh Kharkiv), 15.000 quân Ukraine đang bị bao vây. Dự kiến, nhóm quân “Trung tâm” của Nga sẽ sớm bao vây thêm 2 hoặc 3 đội hình hình nữa của lực lượng vũ trang Ukraine.
Với tình hình hiện tại, ông Putin tuyên bố, biên giới Ukraine “phải nằm ở nơi mà người dân sinh sống tại các vùng lãnh thổ mới do Nga kiểm soát mong muốn”.
“Biên giới Ukraine phải được xác định theo quyết định có chủ quyền của những người dân đang sinh sống ở một số vùng lãnh thổ nhất định mà chúng tôi gọi đó là ‘vùng lãnh thổ lịch sử của mình'” – Nhà lãnh đạo Nga nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin lưu ý rằng ông không muốn Nga “quay lại con đường cho tới trước năm 2022” khi có sự can thiệp ngầm chống lại nhà nước Nga.
“Tôi không muốn quay lại con đường mà Nga đã đi trước năm 2022, như tôi từng đề cập trong bài phát biểu trước đây của mình. Đó là con đường gắn liền với sự can thiệp ngầm vào đất nước chúng ta, nhằm mục đích buộc nước ta khuất phục trước lợi ích của một số quốc gia vẫn luôn tin rằng họ có quyền làm như vậy với Nga” – Ông Putin nói.
Theo ông, Nga chưa bao giờ từ chối hội nhập, nhưng “đang đi theo con đường của riêng mình” vì đơn giản là “Nga không thể tồn tại dưới dạng một quốc gia phụ thuộc”.
“Tôi cho rằng, người dân của chúng ta, những con người bình dị nhất, đã ý thức được điều đó khi họ nhận ra những gì mà các đối thủ địa chính trị của Nga đang cố gắng làm với chúng ta” – Ông Putin nói thêm.
Nhà lãnh đạo Nga lưu ý, sự đoàn kết của xã hội Nga liên quan trực tiếp đến việc hiểu rõ các lợi ích chiến lược của đất nước “trong việc củng cố độc lập, tự chủ và chủ quyền của mình”.(Soha News)
Leave a Reply