Tuesday, November 19 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Bình luận của Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng

2024.11.19
Đầu tư của Tập đoàn Trump vào Hưng Yên sẽ là “đòn bẩy” để thúc đẩy Đối tác chiến lược toàn diện Việt – Mỹ?Tổng thống đắc cử Donald Trump trong chiến dịch tranh cử tổng thống hôm 4/11/2024 ở Pennsylvania.
 CHARLY TRIBALLEAU / AFP

Vừa “bắt tay” với Tập đoàn Trump, Công ty KBC đã được chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận sẽ tăng gấp ba lần trong năm 2025. Đầu tư của Tập đoàn Trump vào Hưng Yên liệu có mở ra triển vọng thúc đẩy quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) giữa Việt Nam với Hoa Kỳ?

—————————–

Đi tắt đón đầu các sự kiện

Vào tối ngày 11/11/2024 (giờ Hà Nội), tại trụ sở Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có cuộc điện đàm với Tổng thống Hoa Kỳ mới đắc cử, Donald Trump. Ông Tô Lâm đã gửi lời chúc mừng ông Trump đắc cử Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ và ghi nhận những đóng góp của ông trong việc phát triển quan hệ Việt – Mỹ. Hai bên cũng đã thảo luận về những kết quả tích cực trong mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước. Theo bản tin trên báo Chính phủ, ông Tô Lâm nhấn mạnh Việt Nam sẵn sàng thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển ổn định, lâu dài vì lợi ích của nhân dân hai nước cũng như vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững của khu vực và toàn cầu (1).

Cuộc điện đàm này có hai điểm đáng chú ý. Thứ nhất, không phải Chủ tịch nước Lương Cường, người được coi là “Nguyên thủ quốc gia” của Việt Nam, mà lại là Tổng Bí thư Tô Lâm – đứng đẩu ĐCSVN – điện đàm với một nguyên thủ quốc gia khác. Thứ hai, điều này nhấn mạnh vai trò của ông Tô Lâm như “người đứng đầu giữa những người ngang hàng” trong hệ thống chính trị hiện nay. Trước đó mấy ngày, khác với tập quán thông thường, bức điện chính thức về mặt nhà nước chúc mừng ông Trump ngày 7/11/2024 tập hợp chữ ký của cả ba lãnh đạo cao nhất – Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ – thay vì chỉ có một chữ ký của Chủ tịch nước như thường lệ. Không những thế, trong cuộc điện đàm tối 11/11, không phải Chủ tịch nước Lương Cường, mà là Tổng bí thư Tô Lâm đã mời Tổng thống đắc cử Trump thăm lại Việt Nam, và ông Trump vui vẻ nhận lời, đồng thời mời ông Tô Lâm sang thăm Hoa Kỳ vào thời điểm thích hợp (2). Điều này làm dư luận không khỏi liên tưởng đến mối giao hảo “do hoàn cảnh đưa đẩy” giữa Tổng Bí thư Tô Lâm và Tổng thống đắc cử Trump.

Số là vào ngày 8/10/2024, Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC) đã thông báo về việc Tập đoàn Trump (Trump Organization) đồng ý đầu tư xây dựng tổ hợp khách sạn và sân golf cao cấp tại tỉnh Hưng Yên. Lễ ký kết diễn ra trong thời điểm ông Tô Lâm đang có chuyến công tác ở New York (3). Dự án này không chỉ là một hợp đồng kinh tế lớn, mà còn mang ý nghĩa chiến lược đặc biệt khi Donald Trump tái đắc cử Tổng thống và Hưng Yên là quê hương của Tổng Bí thư Tô Lâm. Dự án hợp tác trị giá 1,5 tỷ USD giữa KBC (Công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc, Hưng Yên) và Trump Organization không chỉ là một hợp đồng kinh tế đơn thuần mà còn là một bước đi chiến lược táo bạo. Dự án tỷ đô tại quê nhà của Tổng bí thư phải chăng là lá bài trói buộc Trump của Việt Nam? Nếu xét trên bối cảnh rộng lớn hơn của quan hệ Việt – Mỹ, dự án này là cơ hội vàng để Việt Nam nâng cao vị thế của mình tại khu vực Đông Nam Á, nhất là khi nước Mỹ dưới thời Tổng thống Trump có thái độ tích cực hơn đối với quốc gia nào có đầu óc tự cường, mong muốn giảm lệ phụ thuộc vào Trung Quốc (4).

Vừa “bắt tay” với Tập đoàn Trump, Công ty KBC đã được chứng khoán Vietcombank (VCBS) dự báo lợi nhuận sẽ tăng gấp 3 lần trong năm 2025 (5). Với dự án này, Việt Nam có thể khẳng định mình là một đối tác tin cậy trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Khi mà nhiều tập đoàn Mỹ đang có xu hướng dịch chuyển khỏi Trung Quốc do những căng thẳng thương mại và chính trị, Việt Nam có khả năng trở thành nơi thu hút các nhà đầu tư, tạo ra một điểm đến an toàn, ổn định cho các công ty đang tìm cách đa dạng hóa thị trường. Nếu dự án hợp tác với Trump Organization diễn ra thành công, các nhà đầu tư Mỹ sẽ có thêm niềm tin vào tiềm năng phát triển của Việt Nam, từ đó dẫn tới việc mở rộng đầu tư và gia tăng hợp tác trong các lĩnh vực khác. Việt Nam, nhờ vậy, có thể nổi lên như một trung tâm sản xuất và dịch vụ mới ở khu vực, một mô hình kinh tế hiện đại không chỉ phục vụ cho nhu cầu nội địa, mà còn hướng đến các thị trường lớn khác trên thế giới.

75119_dong_chi_chu_tich_ubnd_tinh_tran_quoc_van_tang_qua_luu_niem_va_chup_anh_voi_lanh_dao_cap_cao_cua_tap_doan_the_trump_organization_hoa_ky_17542916.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn tặng quà lưu niệm và chụp ảnh với lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn The Trump Organization (Hoa Kỳ) hôm 16/9/2024. Hình: Báo Hưng Yên

“Cải cách thể chế” với quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện

Nói cách khác, Việt Nam đang đứng trước một thời cơ hiếm hoi để trở thành đối trọng của Trung Quốc trong khu vực, và dự án này dường như là sự khởi đầu của cuộc hành trình ấy. Như câu châm ngôn Việt Nam “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng”, Việt Nam không thể không thấy cơ hội này trong thế cờ địa-chính trị Đông Nam Á sẽ ngày càng phức tạp, sau khi ông Trum ngồi vào Nhà Trắng. Mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện (CSP) giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang mở ra nhiều triển vọng, nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam. Trump sẽ là một tổng thống “transactional” (chú trọng giao dịch làm ăn) (6). Để duy trì và phát triển mối quan hệ này, không chỉ Công ty KBC mà các doanh nghiệp khác của Việt Nam cũng cần phải tập trung vào việc xây dựng niềm tin thông qua minh bạch và tính trung thực. Những hành vi như gắn nhãn “Made in Vietnam” lên hàng hóa sản xuất tại Trung Quốc nhằm né thuế nhập khẩu Mỹ không chỉ là “con dao hai lưỡi”, mà còn làm suy giảm uy tín quốc gia.

Chính phủ Mỹ, đặc biệt dưới thời Tổng thống Trump, sẽ cho thấy sự nhạy cảm với nguồn gốc sản phẩm từ Trung Quốc. Do đó, việc đảm bảo minh bạch về nguồn gốc xuất xứ là yếu tố sống còn. Minh bạch và trung thực không chỉ giúp doanh nghiệp tránh các rủi ro pháp lý mà còn xây dựng thương hiệu quốc gia bền vững. Tuy nhiên, để đạt được điều này, Việt Nam cần thúc đẩy cải cách thể chế, bởi một môi trường kinh doanh minh bạch và đáng tin cậy không thể tồn tại trong một hệ thống toàn trị. Một thể chế pháp quyền mạnh mẽ sẽ đảm bảo tính khả tín, tạo sự hấp dẫn với các đối tác quốc tế, đặc biệt là Mỹ. Để tận dụng tối đa lợi ích từ CSP, Việt Nam cần cải cách mạnh mẽ hệ thống pháp luật, hành chính nhằm giảm thiểu lãng phí và tham nhũng (7). Một hệ thống thể chế lành mạnh không chỉ hỗ trợ doanh nghiệp phát triển trong khuôn khổ pháp luật mà còn tạo lòng tin cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có các đối tác lớn từ Mỹ. Sự minh bạch và hiệu quả trong quản trị công cũng là yếu tố cốt lõi để nâng cao môi trường đầu tư, đồng thời tạo nền tảng vững chắc cho hội nhập kinh tế toàn cầu.

Có ý kiến lo ngại rằng sự hỗ trợ kinh tế của Mỹ, bao gồm đầu tư từ các tập đoàn lớn, có thể dẫn đến tình trạng tương tự như cách Mỹ từng thất bại ở Trung Quốc: thúc đẩy kinh tế mà không tạo áp lực cải cách chính trị (8). Tuy nhiên, Việt Nam là một quốc gia tầm trung, lại đặc biệt nhạy cảm với vấn đề độc lập, chủ quyền và luôn có sự cảnh giác trước ảnh hưởng từ Trung Quốc. Điều này tạo một nền tảng thuận lợi để Mỹ triển khai chiến lược “gắn kết có điều kiện”. Bằng cách kết hợp hỗ trợ kinh tế với yêu cầu cải cách nhân quyền và quản trị công, Mỹ có thể giúp Việt Nam vừa phát triển kinh tế, vừa tiến tới cải cách thể chế. CSP có thể trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam tiến gần hơn đến các giá trị dân chủ và cởi mở hơn, thay vì củng cố chủ nghĩa độc tài (9). Hy vọng, đầu tư của Tập đoàn Trump vào Hưng Yên sẽ là một trong những “đòn bẩy” thúc đẩy CSP Việt – Mỹ. Đây không chỉ là cơ hội kinh tế mà còn là động lực thúc đẩy Việt Nam cải cách thể chế, minh bạch hóa quản trị, và nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Nếu cơ hội này được tận dụng, Việt Nam có thể xây dựng một hệ thống kinh tế – chính trị khả tín, từ đó tạo đà cho sự phát triển bền vững và hội nhập toàn cầu.(RFA)

Share.

Leave a Reply