Hội nghị Khí Hậu Liên Hiệp Quốc COP 29 khai mạc hôm nay 11/11/2024, tại Baku, Azerbaijan, với sự tham dự của đại diện gần 150 nước. Tuy nhiên, giới quan sát tỏ ra bi quan về kết quả hội nghị do sự vắng mặt của lãnh đạo các nước như Trung Quốc, Mỹ hay Ấn Độ, của một số nước là nạn nhân đầu tiên từ hiện tượng biến đổi khí hậu như Papua New Guinea và của nhiều thành viên Liên Âu vốn rất năng động trong mục tiêu giới hạn khí thải làm hâm nóng trái đất.
Đăng ngày:
Hội nghị khí hậu COP 29 lần này, kéo dài cho đến ngày 22/11, vắng bóng nhiều lãnh đạo các nước.
Tổng thống Mỹ Joe Biden viện cớ bận tập trung « chuẩn bị chuyển giao quyền lực cho một chính quyền mới » cho dù cách nay 4 năm môi trường là một ưu tiên hàng đầu trong chương trình vận động của ông. Cựu tổng thống Donald Trump quay lại Nhà Trắng và các cộng tác viên của ông đang chuẩn bị để lại rút nước Mỹ ra khỏi hiệp định Paris kể từ năm tới.
Chủ tịch Tập Cận Bình rất ít khi dự các hội nghị khí hậu cho dù Trung Quốc là quốc gia gây ô nhiễm nhất trên thế giới. Về phía châu Âu, từ chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho đến tổng thống Pháp, Đức, Hà Lan … cũng đều vắng mặt. Tại Berlin thủ tướng Olaf Scholz bị khủng hoảng chính trị chi phối. Tổng thống Emmanuel Macron chỉ cử bộ trưởng đặc trách về hồ sơ Chuyển Đổi Môi Trường đến dự do « quan hệ phức tạp » giữa Paris và Baku : Pháp lên án Azerbaijan tiến hành chiến dịch quân sự ở Thượng Karabach, chiếm đất của người Armenia.
Ngay cả tổng thống Brazil, quốc gia được chọn để tổ chức hội nghị khí hậu quốc tế COP30 vào sang năm, vì lý do sức khỏe, ông Lula de Silva cũng không thể đến dự hội nghị Baku lần này.
Ai tài trợ cho quỹ khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu ?
Ngay cả một số quốc gia bị thiệt hại nghiêm trọng nhất do biến đổi khí hậu như Papua New Guinea cũng tẩy chay COP 29 vì « chỉ làm lãng phí thời gian » trước những « hứa suông và sự thụ động » của cộng đồng quốc tế, như lời ngoại trước quốc gia này đã ghi nhận vào tuần trước với báo Anh The Guardian. Mục tiêu đề ra tại hội nghị Copenhagen, Đan Mạch năm 2009 là đóng góp 100 tỷ đô la mỗi năm cho các nước đang phát triển. Tuy nhiên, theo nhóm chuyên gia liên chính phủ về biến đổi khí hậu – GIEC, thì dường như phải cần đến một số tiền lên đến gần 1000 tỷ đô la để có thể thực hiện quá trình chuyển đổi công bằng.
Vào lúc Liên Âu cắt giảm chi tiêu, Washington quan niệm « đặt quyền lợi của nước Mỹ lên trên hết America first » nhiều tiếng nói kêu gọi các quốc gia dầu hỏa và Trung Quốc đóng góp nhiều hơn. Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc tại Baku lập tức loại trừ khả năng « đàm phán lại » thỏa thuận khí hậu Paris đã được Liên Hiệp Quốc thông qua và đóng góp vào quỹ khắc phục hậu quả biến đổi khí hậu là « trách nhiệm của các quốc gia phát triển theo định nghĩa có từ lâu nay của Liên Hiệp Quốc ».(RFI)
Leave a Reply