Thursday, January 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

Thủy điện Thượng Kon Tum, được cho là có liên quan đến nguyên nhân gây ra nhiều đợt động đất gần đây.
Thủy điện Thượng Kon Tum, được cho là có liên quan đến nguyên nhân gây ra nhiều đợt động đất gần đây.

Theo thông báo của Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, thuộc Viện Vật lý địa cầu Việt Nam, được báo Thanh Niên và Dân Trí trích dẫn, khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum, trong ngày 26/11 đã xảy ra 11 trận động đất. Trận động đất đầu tiên xảy ra vào 2h22 với độ lớn 3.8 độ Richter, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1km. Những trận động đất xảy ra liên tiếp sau đó có độ lớn từ 2.7 đến 3.7 độ Richter.

Một số cư dân địa phương được truyền thông trong nước phỏng vấn cho biết rằng họ cảm nhận được sự rung lắc mạnh do động đất gây ra trong đêm.

Trong thời gian qua, theo Dân Trí, huyện Kon Plông liên tục ghi nhận các trận động đất xảy ra. Đáng chú ý nhất là hơn 60 trận động đất mà Viện Vật lý địa cầu ghi nhận được trong thời gian chưa đầy 5 ngày, bắt đầu từ ngày 28/7, khiến trường học và trạm y tế tại huyện Kon Plôngbị nứt tường.

Viện Vật lý Địa cầu được trang tin chính thức của Chính phủ Việt Nam trích dẫn cho biết rằng các trận động đất ở huyện Kon Plông là “động đất kích thích”, do quá trình tích nước của hồ chứa thủy điện tác động lên hệ thống đứt gãy hoạt động bên dưới khiến động đất xảy ra sớm hơn so với quy luật tự nhiên.

Trả lời báo chí trong nước, một số chuyên gia tại Việt Nam cũng khẳng định nguyên nhân tương tự. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh Kon Tum vào cuối tháng 7 nói chưa thể kết luận về nguyên nhân này, theo lời ông Lê Như Nhất, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum, nói với báo Tuổi Trẻ vào ngày 31/7. Ông cho biết tỉnh đang đề nghị Viện Vật lý địa cầu tiếp tục nghiên cứu để ra kết luận cuối cùng.

Đối với các trận động đất mới nhất vào ngày 26/11, ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, nói với báo Sức khoẻ & Đời sống của Bộ Y tế rằng hoạt động động đất thường xảy ra theo chuỗi, và động đất kích thích cũng xảy ra theo chu kỳ, có những thời điểm động đất xảy ra dồn dập, có thời kỳ thưa hơn.

Chuyên gia của Viện Vật lý địa cầu cho biết thêm rằng động đất kích thích ở khu vực này có thể kéo dài cả chục năm, như động đất kích thích từng xảy ra tại thuỷ điện Sông Tranh 2, tỉnh Quảng Nam, do hai khu vực này nằm cùng một hệ thống đứt gãy Rào Quán – A Lưới và có nền địa chất tương đối giống nhau.

Người đứng đầu Viện Vật lý địa cầu khuyên người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng, chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất…

Động đất ở Kon Tum bắt đầu xảy ra từ năm 2021 và có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, với nhiều đợt động đất liên tiếp, có ngày xảy ra trên 20 trận, theo báo Chính phủ.

Sau các trận động đất vào cuối tháng 7, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã gửi ra công điện yêu cầu Viện hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam chỉ đạo Viện Vật lý địa cầu theo dõi diễn biến và các dư chấn động đất, huy động các chuyên gia, nhà khoa học làm rõ nguyên nhân động đất gia tăng bất thường trong khu vực.(VOA)

Share.

Leave a Reply