Tuesday, November 26 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Tổng thống đắc cử Donald Trump

Nguồn hình ảnh,GettyImages/BBC

Nhiều công ty đã chuyển nhà máy từ Trung Quốc sang các quốc gia Đông Nam Á do lo ngại mức thuế cao mà Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ áp đối với hàng hóa từ Trung Quốc.

Sự dịch chuyển này thực chất đã xảy ra trước khi cuộc bầu cử có kết quả, theo lời các nhà phát triển công nghiệp trong khu vực nói với Reuters.

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Trump đã tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc – cao hơn nhiều so với mức 7,5-25% mà ông đã áp trong nhiệm kỳ đầu tiên. Các nhà quan sát nhận định động thái này đem lại nhiều rủi ro cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nhà phân tích và giám đốc điều hành trong khu vực nói với Reuters rằng các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Malaysia sẽ hưởng lợi lớn từ sự dịch chuyển nhà máy này, đặc biệt trong các ngành ô tô, điện tử.

Những nhà phát triển, xây dựng khu công nghiệp Đông Nam Á đang tuyển thêm người nói tiếng Trung cũng như chuẩn bị mặt bằng trống cho các nhà máy mới. Đây được xem là dấu hiệu cho thấy ông Trump – người sẽ nhậm chức vào tháng 1/2025 – có thể tác động lớn đến chuỗi cung ứng toàn cầu.

Cơ hội lớn cho Đông Nam Á

Công nhân tại nhà máy sản xuất xe điện của BYD ở thành phố Rayong, Thái Lan

Nguồn hình ảnh,Reuters

Chụp lại hình ảnh,Công nhân tại nhà máy sản xuất xe điện của BYD (Trung Quốc) ở thành phố Rayong, Thái Lan

Khi ông Trump bắt đầu chiến dịch vận động cho cuộc đua năm nay, tập đoàn WHA – một trong những nhà phát triển khu công nghiệp lớn nhất Thái Lan – đã nhận hàng chục cuộc gọi từ các khách hàng ở Trung Quốc.

“Đã có một đợt dịch chuyển (2017-2021) tới Đông Nam Á, nhưng lần này sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn,” CEO của WHA Jareeporn Jarukornsakul trả lời Reuters.

WHA đang tuyển thêm người nói tiếng Trung vào các nhóm giám sát việc bảo trì và quản lý các khu công nghiệp trải dài trên diện tích hơn 12.000 ha tại Việt Nam và Thái Lan.

Ông Vikrom Kromadit, người sáng lập và chủ tịch của tập đoàn bất động sản Amata, cho biết trong số 90 nhà máy đã mở cửa trong năm 2024 tại các khu công nghiệp do Amata điều hành, khoảng 2/3 là các công ty chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc.

Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ “giáng đòn” mạnh vào Trung Quốc, theo ông Vikrom Kromadit. Vị chủ tịch Amata nói thêm rằng lượng khách hàng từ Trung Quốc muốn chuyển đến các khu công nghiệp của Amata trên khắp Đông Nam Á có thể tăng gấp đôi trong lần dịch chuyển này.

Ông cho biết trong tháng này sẽ khởi công một khu công nghiệp Amata ở Lào, nơi Trung Quốc đã làm một tuyến đường sắt cao tốc nối thành phố Côn Minh ở miền tây nam Trung Quốc với thủ đô Viêng Chăn của Lào.

“Chúng tôi muốn có nhiều khoản đầu tư từ Trung Quốc để có hàng bán cho Mỹ. Tôi tin rằng điều này sẽ xảy ra. Cả Mỹ và Trung Quốc đều yêu mến chúng tôi nên chúng tôi không cần phải chọn phe,” Bộ trưởng Thương mại Thái Lan Pichai Naripthaphan nói với báo giới vào hôm 7/11.

Malaysia cũng có thể hưởng lợi lớn từ sự sắp xếp lại của chuỗi cung ứng toàn cầu

“Sự thay đổi này có thể mang đến cho Malaysia những cơ hội mới để nắm thị phần lớn hơn trong xuất khẩu sang Mỹ cũng như các thị trường quan trọng khác,” Soh Thian Lai, Chủ tịch Liên đoàn các nhà sản xuất Malaysia, nói với Reuters.

Lợi và hại đối với Việt Nam

Người dân đi làm ở khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang

Nguồn hình ảnh,Linh Pham/Bloomberg/Getty Images

Chụp lại hình ảnh,Người dân đi làm ở khu công nghiệp Vân Trung, tỉnh Bắc Giang

Sự dịch chuyển này vừa đem đến cơ hội nhưng cũng mang tới rủi ro cho Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng.

Nhà phân tích Robert Law, Giám đốc Tư vấn và Thông tin chi tiết của Asialink Business thuộc Đại học Melbourne (Úc), nhận địn với BBC vào cuối tháng 10/2024:

“Trump đã tuyên bố áp mức thuế 60% đối với hàng hóa từ Trung Quốc và 20% với các nơi khác. Sự di dời nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam, vốn đã xảy ra trước đó, có thể được đẩy mạnh hơn nữa.

Tuy nhiên, không thể nói trước chắc chắn điều gì bởi sự khó lường của Trump. Có thể ông ấy sẽ tìm cách đạt được thỏa thuận với Trung Quốc. Ông ấy cũng có thể nhắm đến Việt Nam và Mexico nếu nghĩ rằng các nước này đang được sử dụng như bên thứ ba để các công ty Trung Quốc lách thuế.”

Việt Nam đã chứng kiến làn sóng đầu tư và di dời nhà máy từ Trung Quốc mạnh mẽ từ khi ông Trump khởi xướng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung trong nhiệm kỳ đầu.

Trong chín tháng đầu năm 2024, Trung Quốc là nước dẫn đầu về số dự án FDI đầu tư vào Việt Nam và đứng thứ hai về vốn đầu tư với hơn 3,2 tỷ USD, theo Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Việt Nam cũng ghi nhận xuất khẩu sang Mỹ tăng cao trong những năm trở lại đây. Theo Tổng cục Thống kê, xuất siêu sang Mỹ trong 10 tháng đầu năm đạt 86,1 tỷ USD, hơn 26,9% so với cùng kỳ 2023.

Trong 10 tháng đầu năm, Mỹ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tính tới hết tháng 9/2024, Việt Nam là nhà xuất khẩu lớn thứ tư tới Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) và Mexico.

Trước cuộc bầu cử Mỹ, hai quan chức cấp cao của Việt Nam nói với Reuters rằng Việt Nam muốn duy trì nguyên trạng trong chính sách thương mại, điều mà họ mong đợi dưới thời một tổng thống Dân chủ khác, thay vì sự khó đoán của ông Trump.

Tiến sĩ Benjamin Sacks chuyên về chính sách và địa chính trị từ RAND Corporation cũng đồng tình với điều này.

Nhận định với BBC vào đầu tháng 11/2024, ông Sacks cho rằng Hà Nội có thể muốn làm việc với chính quyền của Đảng Dân chủ hơn vì trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, mối quan hệ song phương về mặt kinh tế đã xấu đi khi ông Trump cho rằng Việt Nam lạm dụng thương mại với Mỹ để trục lợi.

Trong khi đó, Tổng thống Biden đã đảo ngược nhiều chính sách bảo hộ của người tiền nhiệm.

Năm 2019, tổng thống Mỹ khi đó là ông Trump đã tỏ thái độ không hài lòng vì thặng dư thương mại ngày càng tăng của Việt Nam đối với Mỹ. Trả lời phỏng vấn với Fox về việc liệu ông có muốn áp thuế đối với Việt Nam không, ông nói:

“Việt Nam gần như là quốc gia tệ nhất – nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc – nhưng gần như là quốc gia lạm dụng [thương mại] tồi tệ nhất.”

Các nhà quan sát nhận định Việt Nam có thể dễ dàng trở thành mục tiêu của các biện pháp bảo hộ mà ông Trump có thể đề ra trong nhiệm kỳ thứ hai, đặc biệt ở các ngành dệt may, điện tử, sản xuất đồ nội thất và chịu tổn hại to lớn.

Nhận xét về ưu và nhược điểm của Việt Nam so với các đối thủ cạnh tranh trong khu vực, ông Robert Law nói:

“Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua mạng lưới rộng lớn các hiệp định thương mại và tự hào với tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, nhưng chi phí lao động cao hơn so với Ấn Độ.

Cơ sở hạ tầng còn kém phát triển so với các nền kinh tế ASEAN tiên tiến như Malaysia và Thái Lan, dù rằng chính phủ Việt Nam đang tập trung cải thiện. Năng lực tiếng Anh cũng thấp hơn Ấn Độ, Malaysia hoặc Philippines nhưng trí thông minh nhân tạo (AI) có thể giúp khắc phục thách thức này trong những năm tới.”

 

Share.

Leave a Reply