- Faisal Islam
- Biên tập viên Kinh tế BBC
- Ngày 7/6/2021
Thỏa thuận này sẽ thay đổi cách đối xử thuế quốc tế đối với các công ty đa quốc gia, các thiên đường thuế và các khu vực tài phán thuế thấp.
Nhưng có lẽ quyết định quan trọng nhất trên toàn thế giới vào lúc này là làm thế nào để quản lý việc rút các gói kinh tế khổng lồ hỗ trợ đại dịch.
Và đó là lý do tại sao sự can thiệp kinh tế của Hoa Kỳ tại cuộc họp này và tại hội nghị thượng đỉnh Cornwall sắp tới có tầm quan trọng đáng kể.
Thông điệp từ Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen ở London – vốn sẽ được Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nhắc lại ở Cornwall – là tất cả các quốc gia G7, bao gồm cả Anh, thậm chí không nên nói về việc rút lại sự hỗ trợ đó.
Nhóm G7, gồm Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Canada, Đức, Ý, Nhật , ra đời năm 1973, năm nay họp gặ mặt trực tiếp ở Anh, sau lần hoãn họp năm 2020 dự kiến ở Pháp vì Covid.
Nước chủ nhà Anh mời cả lãnh đạo một số nước khác như Ấn Độ, Hàn Quốc, Úc tới dự họp.
“Các nền kinh tế G7 có không gian tài chính để tăng tốc độ phục hồi để không chỉ đạt mức GDP trước đại dịch mà còn hỗ trợ việc quay trở lại con đường tăng trưởng trước đại dịch,” Bộ trưởng Tài chính Yellen cho biết trong một bài phát biểu hôm thứ Bảy.
“Đây là lý do tại sao chúng tôi tiếp tục thúc giục chuyển đổi tư duy từ chỗ ‘chúng ta đừng rút hỗ trợ quá sớm’, sang ‘chúng ta có thể làm gì hơn bây giờ’.
Điều đó không chỉ để chấm dứt được đại dịch, mà còn sử dụng chính sách tài khóa để đầu tư vào việc giải quyết các vấn đề có tính thế hệ như biến đổi khí hậu và bất bình đẳng.”
Bà nói rõ ràng là tất cả các nền kinh tế G7 đều có “không gian tài chính” để tăng tốc độ phục hồi, không chỉ để hỗ trợ quy mô nền kinh tế trước đại dịch, mà còn để bắt kịp những gì sẽ là con đường tăng trưởng, khi không còn Covid-19.
Bà Yellen chỉ ra những dự báo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy Mỹ sẽ là nền kinh tế G7 đầu tiên trở lại quy mô trước đại dịch, nhờ vào việc triển khai vắc-xin và các kế hoạch kích thích khổng lồ của Tổng thống Biden.
Bất chấp khoản vay kỷ lục trong thời bình và lạm phát gia tăng, thông điệp của Hoa Kỳ đối với thế giới là tiếp tục kích thích nền kinh tế của họ, bởi vì chỉ lấy lại sự tăng trưởng đã mất trong đại dịch, sẽ không tạo ra đủ động lực cho sự phục hồi.
Tôi đã có cơ hội hỏi Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ cùng một câu hỏi mà thị trường tài chính thắc mắc – đó là liệu Hoa Kỳ có thực sự nghĩ rằng, trong thời điểm vay nợ ở mức lịch sử và lạm phát gia tăng như hiện nay, liệu họ có nên tiếp tục duy trì điều đó hay không? Câu trả lời của bà, về cơ bản, là có.
‘Trở lại trạng thái bình thường’
Lạm phát cao hơn cho thấy “các yếu tố nhất thời”, và chính sách nên được “xem xét ở tầm vượt qua” điều đó, bà nói. Phần lớn các con số lạm phát cao phản ánh “sự trở lại bình thường”.
“Chúng ta sẽ thấy các mức lạm phát cao nhưng hãy nhớ rằng, chúng ta đã từng có mức lạm phát rất thấp,” bà Yellen nói.
Bà Yellen nói với tôi rằng Hoa Kỳ vẫn còn ít hơn bảy triệu việc làm so với trước đại dịch Covid-19.
“Rất nhiều người đã mất việc làm vĩnh viễn, và những cá nhân đó có thể muốn chuyển sang các khu vực khác của nền kinh tế,” bà nói.
“Có thể mất một thời gian để đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo và hầu hết các cá nhân đều tập trung vào các công việc dài hạn, vì vậy chúng ta không nên mong đợi quá trình này sẽ hoàn thành trong một hoặc hai tháng.”
Tuy nhiên, bà Yellen nói thêm rằng nếu Hoa Kỳ tiếp tục với tốc độ như hiện tại, bà tin rằng Hoa Kỳ có thể quay trở lại tình trạng tuyển dụng nhân công đầy đủ vào “một thời điểm nào đó trong năm tới”.
Tôi hiểu rằng cách tiếp cận của chính quyền Biden được xác định là do Tổng thống quan ngại rằng sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, Tổng thống Obama đã giữ quy mô của gói giải cứu kinh tế không tương xứng.
Những người khác thì nói về khả năng rằng ông Biden đang hành động như thể ông chỉ giữ một nhiệm kỳ tổng thống, vì vậy việc lựa chọn cách thức làm thực sự rất qui mô và rất nhanh.
Điều này tạo ra một làn điệu rất thú vị cho phần còn lại của thế giới, bao gồm cả Vương quốc Anh.
Leave a Reply