Chắc hẳn chị em đều đã biết hôm nay (ngày 5/5 Âm lịch) là tết Đoan Ngọ, hay còn được gọi với cái tên thân quen hơn là ngày “diệt sâu bọ”. Từ sáng đến giờ, trên khắp MXH, hội gái đảm đã nô nức khoe mâm cơm cúng Tết Đoan Ngọ.
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ gợi ý cho chị em cách chế biến 3 món vừa ngon vừa dễ làm từ vịt. Với gia đình 3-4 người, chỉ cần chuẩn bị 1 con vịt khoảng 1.5-2kg là cả nhà đã có bữa tối no đẫy rồi!
Vì sao người Việt lại ăn thịt vịt vào ngày Tết Đoan Ngọ?
Thông thường, mọi người sẽ tránh ăn thịt vịt vào những ngày đầu tháng, thế nhưng đây lại là món truyền thống đặc biệt trong ngày Tết Đoan Ngọ (ngày 5/5 âm lịch). Món ăn này đặc biệt phổ biến ở các tỉnh miền Trung.
Trong ngày Tết Đoan Ngọ tại miền Trung không thể thiếu thịt vịt quay hoặc luộc. Theo quan niệm của người miền Trung, từ ngày 5/5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Thời điểm này, những con vịt trở nên béo, thịt ngon hơn, chắc hơn, không có mùi hôi. Vì vậy, các gia đình miền Trung thường mua vịt về để chế biến các món ăn khác nhau từ vịt.
Với người miền Nam, việc ăn thịt vịt những ngày đầu năm, kể cả Tết Đoan Ngọ là để giải xui và mong muốn được may mắn hơn.
Theo Đông y, thịt vịt có tính mát, ngọt, có tác dụng làm chuyển động phong huyết và làm tăng thêm năng lực, bồi bổ cơ thể cho người lao lực, lao tâm nhiều.
Thịt vịt chữa nóng sốt cao đến co giật, thịt vịt giúp giải độc mụn sưng và hạ nhiệt. Vịt có sắc vàng trắng tác dụng “Bổ Trung Ích Khí” nghĩa là làm cho những người suy nhược được phục hồi nguyên khí. Trong khi đó, vào ngày Tết Đoan Ngọ, khí trời nóng nực (tiết Đại Thử) nhiệt độ cao, nên người ta ăn thịt vịt có tính mát, bổ, để cân bằng nóng – lạnh.
1. Cách nấu vịt om sấu
– Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Bạn rửa sạch thịt vịt với nước, sau đó chặt vịt thành từng miếng nhỏ.
Đeo găng tay vào và cạo vỏ khoai sọ, sau đó cắt nhỏ khoai và rửa với nước cho đến khi khoai hết nhựa, nước rửa không còn đục nữa thì thôi. Rửa sạch sấu và cắt nhỏ hành lá.
– Bước 2: Ướp thịt vịt
Bạn cho phần thịt vịt đã chặt nhỏ vào bát cùng: 1 thìa cà phê muối, 1/2 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê gừng băm, 1 thìa cà phê sả băm. Trộn đều và ướp thịt trong khoảng 10-15 phút.
– Bước 3: Nấu canh vịt om sấu
Cho vào chảo sâu lòng hoặc nồi: 1 thìa cà phê dầu ăn, 1 thìa cà phê tỏi băm, 1 thìa cà phê gừng băm, 1 thìa cà phê sả băm và phi thơm. Khi hành – tỏi – sả dậy mùi thơm, bạn đổ phần thịt vịt đã ướp vào và đảo trên lửa vừa cho đến khi thấy thịt chín tái lại.
Tiếp theo, bạn thêm phần khoai sọ đã sơ chế vào chảo cùng 8-10 quả sấu đã rửa sạch, đảo qua khoảng 2-3 phút. Nêm thêm 1 thìa cà phê muối, 2 thìa cà phê hạt nêm, đảo đều rồi cho 300ml nước dừa và 700-800ml nước lọc vào nồi. Đậy vung và om nồi vịt khoảng 20 phút.
Tùy vào sở thích ăn chua mà chị em có thể dằm nhuyễn sấu trong nồi canh hoặc để nguyên không dằm. Sau khi om, bạn đổ canh ra bát, rắc thêm ít hành lá đã băm nhỏ lên trên là xong!
2. Bún vịt xáo măng
– Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
Đầu tiên, bạn rửa sạch vịt với nước. Sau đó, xoa lên da vịt 1 ít muối hạt cùng gừng băm và 50ml rượu trắng để loại bỏ hết chất nhờn và mùi tanh.
Sau đó, bạn rửa lại vịt với nước và chặt thành từng miếng nhỏ.
Măng tươi rửa sạch, ngâm trong hỗn hợp nước muối loãng khoảng 5 phút rồi rửa lại 1 lần nữa. Thái măng thành dạng sợi dài. Rửa sạch hành lá, rau sống. Cắt nhỏ hành lá.
– Bước 2: Nấu vịt xáo măng
Bạn cho vào chảo khoảng 2-4 thìa canh dầu ăn và chiên vàng phần thịt vịt đã chặt nhỏ.
Tiếp theo, bạn phi thơm 1 thìa cà phê hành băm rồi đổ phần măng đã sơ chế vào đảo khoảng 3 phút cho măng chín. Sau đó, vớt măng ra đĩa riêng.
Cho phần thịt vịt đã chiên qua vào nồi cùng khoảng 1 lít nước, 1 thìa cà phê muối và 1 thìa cà phê hạt nêm. Đậy vung chờ sôi, sau đó thả phần măng vừa chiên vào cùng, giảm nhỏ lửa và om khoảng 10-15 phút.
– Bước 3: Pha nước mắm gừng
Bạn cho vào bát: 2 thìa canh nước mắm, 1/2 thìa canh đường kính, 1 thìa canh nước cốt chanh và khuấy đều. Cuối cùng, thêm 1 thìa cà phê gừng băm, 1 thìa cà phê ớt băm và khuấy đều là xong.
– Bước 4: Hoàn thành món ăn
Bạn cho bún vào bát, gắp thịt vịt lên trên và chan phần nước dùng vào. Sau đó, rưới ít mắm ớt gừng và hành lá cắt nhỏ vào bát là có thể thưởng thức được rồi.
3. Gỏi vịt chua ngọt
– Bước 1: Luộc lườn vịt
Đầu tiên, bạn rửa sạch 300gr lườn vịt với nước. Có thể dùng muối hạt chà kỹ phần da rồi rửa lại với nước. Sơ chế xong, cho lườn vịt vào nồi, đổ xâm xấp nước, thêm vài lát gừng vào và luộc chín.
Sau đó, thái vịt thành những miếng mỏng.
– Bước 2: Pha nước mắm chua ngọt
Bạn cho vào bát: 70ml nước mắm, 80ml nước lọc, 70ml nước cốt chanh, 60gr đường, 10gr ớt băm, 10gr tỏi băm và trộn đều.
Tiếp theo, bạn cho phần thịt vịt đã thái vào bát và đổ 1/2 bát mắm vừa pha vào, trộn đều và để khoảng 5 phút cho thịt ngấm nước gia vị.
– Bước 3: Sơ chế các loại rau củ
Hành tây bóc vỏ, cắt thành miếng dạng sợi và ngâm trong bát nước đá khoảng 5 phút cho bớt hăng. Cà rốt nạo vỏ, bào sợi. Với các loại rau còn lại, bạn rửa sạch và cắt nhỏ.
Sau đó, cho tất cả vào bát, đổ nốt bát mắm chua ngọt vào và trộn đều.
– Bước 4: Hoàn thành món ăn
Bạn xếp phần thịt đã tẩm mắm chua ngọt quanh viền đĩa và thả phần rau đã trộn mắm vào giữa, vậy là xong!
Trên đây là 3 món ăn ngon từ vịt mà chị em có thể tham khảo để cho bữa tối ngày Tết Đoan Ngọ. Với những thông tin và gợi ý này, hy vọng bạn và gia đình sẽ có một bữa tối thật vui vẻ và ngon miệng. (AFamily)
Leave a Reply