“Winning the Second Civil War:
Without Firing a Shot” là tựa đề hơi dài và khó hiểu của một cuốn
sách vừa mới xuất bản của Jim Hanson, 56 tuổi, một cựu sĩ quan Lực Lượng Đặc Biệt Hoa Kỳ.
Sau nhiều năm phục vụ trong đội quân mũ xanh tại Âu Châu và Thái Bình Dương Á Châu, ông Hanson đã nhận ra rằng
“đe dọa thực sự cho an ninh nước Mỹ bây giờ là ngay tại
quê nhà”. Ông nói:
“Tất cả những sự nguy hiểm nhất đều là ở bên trong đất nước chúng ta. Phe tả đang tiến hành một cuộc chiến tranh chống Hoa Kỳ trong một nỗ lực để biến đổi tận nền tảng của đất nước này, và họ đã rất thành công. Họ đã tập trung vào việc thay đổi mọi việc tại đây, và họ đã thành công với mục tiêu đó.
“Những cuộc rối loạn và nổi dậy trong năm vừa qua đã cho thấy đó là những hành động của khủng bố nội địa. Với Black Lives Matter và Antifa, bạo động và đe dọa bạo động là phần cốt lõi trong chiến thuật của họ: ‘Nếu chúng tôi không đạt được những gì chúng tôi muốn, chúng tôi sẽ
thiêu rụi đất nước này.’”
Hanson nói rằng việc đắc cử tổng thống của Barack Obama vào năm 2008 đã là một bước ngoặt.
Ông ta đã châm lửa cho thùng thuốc súng của chủ nghĩa hành động. Ông ta đã cung cấp dưỡng khí cho ngọn lửa của phe hành động thuộc cánh tả. Và, chúng ta đã thấy bạo động diễn ra một khi Donald Trump lên cầm quyền vào năm 2016. Đó là lúc những kẻ bạo động trong phe tả lột bỏ mặt nạ và tuyên bố ‘”chúng tôi không thích đất nước này.’”
Ông Hanson nói rằng mùa hè năm vừa qua đã đánh dấu một
“thời khắc của Đồn Sumter”, ông muốn nhắc tới khi bất an, rối
loạn xảy ra tại nhiều thành phố Mỹ đã để lại những khu xóm và
cửa tiệm tiểu thương tan hoang trong khói lửa, khi cuộc Nội Chiến
trên nước Mỹ khởi phát cách đây hơn 200 năm.
Nhưng, tác giả cuốn “Cuộc Nội Chiến thứ Hai” không có ý kêu
gọi mọi người hãy cầm súng để chiến đấu. Cuốn sách của ông
cũng không phải là một chỉ dẫn về chiến thuật đánh du kích.
Như đã ghi rõ trong tựa đề “Thắng cuộc Nội Chiến thứ Hai
mà Không Phải Bắn một Phát
Súng”, tác giả đã đề nghị một cuộc nội chiến không đổ máu
như sau:
“Không có chỗ nào an toàn cho những người bảo thủ đứng bên lề nữa. Quý vị đã không phải tới dự những cuộc họp của ban giám hiệu nhà trường hay những cuộc họp Hội đồng thành phố trước đây. Bây giờ quý vị phải tới dự. Quý vị không thể đơn giản đồng ý để biến mất.”
Ông ta nói rằng những câu chuyện đang nổ ra như bắp ở khắp mọi nơi về những phụ huynh đã kinh ngạc trước những gì đang được dạy cho con cái họ tại nhà trường, và bỗng nhiên có ý kiến thực sự nói rằng những người Dân Chủ ở Washington có thể đưa thêm ghế vào Tối Cao Pháp Viện hay gắn thêm vài ngôi sao vào lá quốc kỳ nên đánh thức những người đang nửa tỉnh nửa mê trong giấc mộng du của họ.
Những ý tưởng của Hanson đã được mài dũa trong lúc điều hành những chiến dịch chống nổi dậy chung quanh vòng đai Thái Bình Dương. Trong những công tác ông ta đảm trách, có việc nghiên cứu về “Quân đội Tân Nhân Dân” tại Phi-Luật-Tân, một nhóm “Tân Mao” (neo-Maoist) tương tự như những nhóm đang nổi lên ở Mỹ.
Ông nói: “Tôi thấy cùng những sách lược trong Black Lives Matter, Antifa và vài nhóm dân quân cánh hữu.”
Để diễn tả tình thế hiện nay tại nước Mỹ, Hanson đã nhắc lại câu cách ngôn mà Thủ tướng Anh Winston Churchill trước đây đã nói: “Không có chuyện chiều lòng con cá sấu nữa. Nó đang cắn rỉa hai chân của ta đó.”
“Không chiều lòng con cá sấu nữa” thì làm gì để “thắng cuộc Nội Chiến thứ Hai mà không phải bắn một phát súng”?
Những thành phần cực tả trong đảng Dân Chủ đang “chiều lòng con cá sấu” mọi điều và nó không chỉ gặm nhấm hai chân. Nó đang muốn ngoạm cái đầu nước Mỹ!
Ông Hanson bảo rằng: “Không có viên đạn mầu nhiệm cho tất cả những chuyện này ngoài sự tham dự. Hầu hết những người phản đối này chúng ta thấy là một bọn côn đồ cố gắng áp chế mọi người và chúng ta phải khởi sự đẩy lui.”
Ông ta bảo rằng để tránh bị cá sấu cắn, những người bảo thủ phải thực hiện những thay đổi lớn trong phương cách, thí dụ “chúng ta cần viết bài vở cho những lớp học.”
Do kinh nghiệm ngắn ngủi tại Trường Đại Học Wisconsin-Madison (trước khi vào quân ngũ), nơi mà Hanson, một sinh viên bảo thủ, đã “sống chung hòa bình” với đa số thiên tả, ông ta chỉ ra rằng bọn người này đã cùng áp dụng chung những sách lược được viết ra do triết gia cộng sản người Ý Antonio Gramsci và những người khác, trong đó kêu gọi những người phe tả hãy tiến bước đều xuyên qua “những định chế” như truyền thông báo chí và giới đại học, để dần dần hoàn toàn kiểm soát dư luận và tư tưởng trong xã hội Mỹ.
Hanson cho rằng khi Donald Trump đắc cử tổng thống vào năm 2016, với chính sách chống cộng triệt để, ông chỉ quạt ngọn lửa do Obama đốt sẵn bùng lên.
Và, Black Lives Matter, Antifa đã lợi dụng cái chết của George Floyd ngày 25.5.2020 để biến sự bất bình của quần chúng trước một lỗi lầm của cảnh sát thành một cuộc đấu tranh bạo động, lật đổ kéo dài cho tới nay. Theo Hanson, cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là “cuộc bầu cử chống Trump”, và nghĩ rằng ông Trump sẽ không nên ra ứng cử lần nữa.
Theo một bài đăng trên tờ Washington Times ngày 1.6.2021, Hanson nói: “Trump đã là một nhân tố gây đổ vỡ ngoại khổ mà ông ta đã (vô tình) giúp cho phe tả.” Và Hanson nghĩ “cuộc nội chiến không tiếng súng” chống phe tả có thể tiến hành với tốc độ nhanh hơn sau khi ông Trump đã đi khỏi Washington.”
Nhưng, không phải nhiều người cũng nghĩ như tác giả cuốn “Winning the Second Civil War: Without Firing a Shot”.
Theo tin AP, tối Thứ Bảy 5 tháng 6, cựu Tổng thống Donald Trump đã lên tiếng tại đại hội đảng Cộng Hòa North Carolina tập trung đông đảo các viên chức đảng và đảng viên, được xem như mở màn cho một loạt những cuộc biểu dương mới của ông Trump để vận động cho các ứng cử viên Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới và có thể là chuẩn bị cho một cuộc tái ứng cử của ông vào năm 2024.
Tại đây, ông Trump nói:
“Sự tồn tại của nước Mỹ tùy thuộc vào khả năng của chúng ta để bầu những người Cộng Hòa tại tất cả những cấp bậc bắt đầu với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào năm tới.”
Ông Trump đã nói trong gần một tiếng rưỡi đồng hồ, nhưng cũng chưa cho biết dứt khoát quyết định sẽ tái ứng cử vào năm 2024 hay không. Các cố vấn của ông đã chuẩn bị những những cuộc biểu dương tiếp theo tại Ohio, Florida, Alabama và Georgia để giúp đẩy mạnh những cuộc vận động tranh cử của các ứng cử viên Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữ nhiệm kỳ và cổ võ cử tri đi bầu.
Mặc dù có sự chống đối của một số nhỏ thành viên Cộng Hòa tại Quốc Hội, ông cựu Tổng thống vẫn còn là một thế lực áp đảo trong đảng. Nhiều ứng cử viên Cộng Hòa trong cuộc bầu cử “mít thơm” năm tới vẫn cần tới sự hậu thuẫn của ông, kể cả các cuộc bầu cử sơ bộ trong đảng.
Tại North Carolina, ông Trump đã loan báo ủng hộ Dân biểu Ted Budd trong số đông ứng cử viên của cuộc bầu sơ bộ đảng Cộng Hòa, đồng thời tặng một cái tát vào mặt cựu Thống đốc Pat McCroy, kẻ đã chỉ trích sự “khiếu nại bầu cử gian lận năm 2020 mà không bằng cớ” của ông Trump. Ông nói: “Không thể ủng hộ kẻ đã thất cử hai lần và không tranh đấu cho những giá trị của chúng ta.”
McCroy đã làm thống đốc North Carolina từ năm 2013 tới năm 2017, nhưng đã thất cử trước và sau nhiệm kỳ của ông ta.
Từ khi ra khỏi Tòa Bạch Ốc, cựu Tổng thống Donald Trump thường xuyên tuyên bố cuộc bầu cử tổng thống năm 2020 là gian lận, thậm chí là “tội ác của thế kỷ” (the crime of the century), và cuộc bầu cử đã bị đánh cắp, mà đúng ra ông mới thực sự là tổng thống, mặc dù bao nhiêu đơn kiện của ông do các luật sư nạp, từ tòa dưới tới tòa trên, đều bị khước từ cứu xét.
Cho tới gần đây, một bản tin từ Yahoo News đã đem lại một tia sáng ở cuối đường hầm, xin lược dịch như sau:
Những người dân Mỹ có quê hương cũ của họ bị cộng sản chiếm đoạt cảnh cáo người Mỹ về những điều gì xảy ra dưới các chế độ cộng sản.
Chúng tôi muốn dành một ít thời gian và chia sẻ câu chuyện của một người Mỹ tại New Hampshire, Chau Kelley, một người tị nạn chính trị đến từ nước Việt Nam cộng sản, người ấy đã là một phần của nhóm người yêu nước rộng lớn, rất quyết tâm, và rất lớn tiếng tại Windham và cả New Hampshire đã tranh đấu tích cực cho một cuộc hậu kiểm cuộc bầu cử 2020 tại tỉnh nhà. Với kết quả không đầy đủ và thậm chí không trung thực của cuộc hậu kiểm, cũng những người yêu nước đó, và bây giờ có thêm những người khác, đã bắt đầu tranh đấu để có một cuộc hậu kiểm tư pháp cho toàn thể tiểu bang New Hampshire.
Nhận định rằng những cuộc bầu cử ngay thật và đáng tin không chỉ xứng đáng để tranh đấu, nó còn là thiết yếu cho chúng ta làm như thế để bảo vệ và duy trì nền Cộng Hòa, những người dân Mỹ thường ngày tại Tỉnh Windham, New Hampshire, cũng như những người đó tại Maricopa County, Arizona, Fulton County, Georgia, Antrim County, Michigan, Nevada, Pennsylvania, Wisconsin và bất cứ ở đâu, tất cả đã ra chiến trường tại những tỉnh nhà của họ chống lại các viên chức dân cử thối nát gồm có các thống đốc, các tổng chưởng lý, các viên chức bầu cử liên bang, tiểu bang, quận hạt và một cảnh sát trưởng county.
Chúng tôi đã thức tỉnh. Bây giờ chúng tôi đã nhận ra rằng có một cuộc tấn công kết hợp, từ bên trong, chống lại hạ tầng cơ sở bầu cử trên nước Mỹ của chính chúng ta. Bây giờ chúng tôi nhận ra rằng tự do của chúng ta, thực sự là là một điều rất quý báu và rằng tự do và những quyền cá nhân mà chúng ta được hưởng một cách tự nhiên có thể bị tước đoạt. (ngưng trích)
Một người Mỹ gốc Việt khác, Ký giả Andy Ngo, một chủ bút của tờ The Post Millennial, cũng vừa lên tiếng báo động đang bị khủng bố và tước đoạt tự do. Trong một bản tuyên bố phổ biến tối thứ tư 2 tháng 6, ông viết:
“Trước đây không một nhà báo nào tại Mỹ phải đối mặt với bạo lực khi làm nhiệm vụ của mình. Thế mà vào ngày thứ sáu, 28 tháng 5, Antifa đã cố giết tôi lần nữa trong khi tôi đang tường trình những cuộc biểu tình phản đối và nổi loạn đang diễn ra tại Portland, Oregon, cho một chương mới trong cuốn sách của tôi ‘Unmasked: Inside Antifa’s Radical Plan to Destroy Democracy.’
“Tôi đã bị rượt đuổi, tấn công và đánh đập bởi một tên côn đồ bịt mặt, mình mẩy tôi đầy máu. Tôi đã không thể yên thân với thương tích và máu bên trong một khách sạn trong khi họ đập cửa và cửa sổ như những con thú dữ. Những lời lẽ của họ, cũng như những hành động của họ, tự nói họ là loại người gì.
“Antifa muốn tôi chết bởi vì tôi lập hồ sơ những gì họ muốn che giấu. Những tấn công nhắm vào tôi và đe dọa đời sống của tôi là sự trừng phạt cho việc làm của tôi như một nhà báo, ghi nhận những chiến thuật và lý thuyết thực của một phong trào cực đoan bí mật dựa trên sự lừa dối và coi sự thật như là đe dọa lớn nhất cho mọi người.
“Họ muốn được quyền che giấu căn cước đằng sau những chiếc mặt nạ, và xóa bỏ mọi hồ sơ về những vụ bắt giữ và những cáo buộc phạm tội của họ. Họ muốn tôi chết vì thu thập những thứ này và tường trình về họ. Nhưng đó là quyền của mọi nhà báo, được bảo vệ và duy trì bởi những cha già lập quốc, để tường trình một cách tự do không sợ hãi.
“Khi tôi tới hiện trường tường trình cho cuốn sách của tôi, tôi đã làm những điều mọi phóng viên thận trọng cần làm: Tôi cẩn thận để giảm nhẹ những rủi ro và tới quan sát tận mắt một cuộc biểu tình của Antifa đang diễn ra tại Justice Center. Giống như nhiều nhà báo bị Antifa cố làm im tiếng và hăm đe qua bạo lực và dọa nạt, tôi đã phải che mặt và mắt để làm phận sự và bảo toàn mạng sống. Là con của những di dân Việt Nam, tôi cũng phải quan tâm tới những vụ tấn công của Antifa nhắm vào nhiều người có nguồn gốc Đông Á.”
Ký giả Andy Ngo cho biết một thành viên của Antifa đã trở nên nghi ngờ ông ta vì ông không tham dự vào những hành động phạm pháp và ném đồ vật vào cảnh sát như đồng bọn. Hắn bắt đầu hạch hỏi ông ta, nhưng ông không trả lời, và bỏ đi. Nhưng một nhóm người mặc toàn đen và bịt mặt đi theo và bao vây ông ta.
Ông nhà báo Mỹ gốc Việt kể lại: “Trong khi bọn họ hạch hỏi tôi, một tên tìm cách gỡ cái mặt nạ của tôi ra và tức thì có tiếng la to: ‘Đấy là Andy. Bắt hắn! Bắt hắn!’ Trong khi tôi phóng chạy qua những đường phố Portland, cố gắng phất cờ kêu cứu. Không đâu cho thấy có sự hiện diện của cảnh sát. Một trong những tên Antifa mặc toàn đen vật tôi xuống đất ngay trước Pioneer Place Mall, đấm tới tấp lên đầu và vào mặt tôi, trong khi tôi van xin chúng đừng giết tôi. Bên tai tôi lúc nào cũng nghe những tiếng la hét giận giữ và tiếng chân của bọn côn đồ chạy rầm rập tới gần.”
Không rõ Ký giả Andy Ngo làm cách nào đã toàn mạng để thuật lại những sự việc kinh khiếp đã xảy ra giữa thanh thiên bạch nhật trên đường phố siêu cường dân chủ Hoa Kỳ văn minh tiến bộ bậc nhất thế giới!
Phải chăng nước Mỹ đang ở trong cuộc Nội Chiến thứ 2 như nhan đề cuốn sách của ông Jim Hanson? Nhưng, khác với những gì tác giả đã viết ở phần sau.
Cuộc Nội Chiến thứ 2 của nước Mỹ đang diễn ra hoàn toàn khác với Cuộc Nội Chiến thứ nhất. Nó phức tạp hơn và diễn ra dưới thiên hình vạn trạng. Nó nguy hiểm hơn, vì có bàn tay của kẻ thù thâm độc từ bên ngoài nhúng vào. Một năm qua, súng đã nổ, nhiều người vô tội đã chết.
Chiến thắng nào mà “không cần phải bắn một phát súng”?
Ký Thiệt
Leave a Reply