Làm giầu nhờ Chiến tranh
(20 hãng xưởng kiếm được nhiều tiền nhất nhờ sản xuất Vũ khí Chiến tranh)
Lời giới thiệu: Kính thưa Quý độc giả, BKT xin hân hạnh giới thiệu đến Quý vị một bài tường thuật về Danh sách 20 nhà thầu Quốc phòng lớn nhất thế giới làm giầu nhờ chiến tranh. Có nghĩa là 20 đại công ty này sống nhờ chiến tranh. Danh sách này do Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế tại Stockholm [tên Anh ngữ là: The Stockholm International Peace Research Institute (SIPRI)], soạn thảo và được ký giả Sam Stebbins giới thiệu trên trang 24/7 Wall St.
Làm giầu nhờ chiến tranh bằng cách nào? Bằng 2 cách: Chế tạo vũ khí bán cho Bộ quốc phòng các quốc gia trên thế giới và cung cấp các dịch vụ Quốc phòng. Dựa trên bảng nghiên cứu của SIPRI, có 3 khối trong danh sách này: tư bản Bắc Mỹ do Hoa Kỳ lãnh đạo, tư bản Âu châu do Liên hiệp Âu châu cầm đầu, và Nga-sô (nguyên là thành trì cộng sản kiên cố đệ nhất thế giới năm xưa) cầm đầu. Trong khối tư bản tây phương thì Mỹ là quốc gia sản xuất vũ khí chiến tranh nhiều nhất cho thế giới, từ những viên đạn súng trường nhỏ bằng ngón tay út cho đến những vũ khí có thể tàn phá ở cấp quy mô rộng lớn, như thiêu hủy cả một thành phố với nhiều triệu sinh linh đang sinh hoạt hàng ngày trên thành phố đó trong nháy mắt.
Danh sách này được sắp xếp từ công ty lớn tới nhỏ nhất. Kính mời Quý vị theo dõi bản tường trình sau đây. Trân trọng. –bkt
Một thực tế ác liệt của các cuộc nội chiến tại vùng Trung Đông đang tạo nhiều căng thẳng giữa các cường quốc trên thế giới, sự ám ảnh của chủ nghĩa khủng bố quốc tế, và những cuộc tấn công liên mạng gia tăng là những vấn đề rất đáng quan ngại cho cả công dân lẫn các nhà lãnh đạo thế giới — và nồi cơm của một số các công ty.
Trong phạm vi của một thế giới có vẻ như càng lúc càng nguy hiểm hơn, theo nguồn tin của Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế tại Stockholm (SIPRI) cho biết thì tiền thu về được từ các dịch vụ quân đội và buôn bán vũ khí của 100 hãng thầu quốc phòng lớn nhất thế giới tổng cộng là ba trăm bảy mươi bốn tỷ tám Mỹ kim ($374.8 tỷ MK) trong năm 2016, tăng 1 cách khiêm nhượng 1.9% so với năm trước đó.
Duy trì một kho vũ khí tối tân đệ nhất thiên hạ có thể làm nhụt chí các tay hiếu chiến và làm thay đổi kết quả của một cuộc xung đột — cũng như buộc các chính quyền khắp thế giới phải đầu tư cho phù hợp với tình hình hiện tại. Trong năm 2017, một mình nhà thầu quốc phòng Hoa kỳ Lockheed Martin thôi, đã bán cho chính phủ Mỹ với tổng số vũ khí trị giá là $35.2 tỷ Mỹ kim, số tiền vượt trội hơn cả ngân sách hàng năm của nhiều cơ quan chính phủ liên bang Mỹ — trong đó bao gồm Bộ Nội vụ và Cơ quan Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ.
Hãng Wall St. 24/7 kiểm điểm lại 20 công ty với tiền thu cao nhất trong năm 2016 nhờ buôn bán vũ khí, tài liệu lấy từ bản tường trình của SIPRI dựa trên 100 Hãng thầu đứng đầu sổ chuyên về các dịch vụ quân đội và sản xuất vũ khí. Trong lúc danh sách các công ty này trải dài từ Nga đến Tây Âu, thì Hoa Kỳ là cái ổ của đại đa số các nhà thầu quốc phòng lớn nhất thế giới.
Sau đây là danh sách 20 công ty làm giầu nhờ buôn bán vũ khí chiến tranh và những dịch vụ liên quan đến quốc phòng:
1. Công ty Lockheed Martin
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $40.8 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $47.2 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $5.3 tỷ Mỹ kim
> Công nhân viên: 97,000 người
Với số tiền bán vũ khí trong năm 2016 trị giá hơn $40 tỷ MK, Công ty Lockheed Martin là hãng thầu quốc phòng lớn bậc nhất thế giới. Phần lớn lợi tức của hãng này đến trực tiếp từ chính phủ Hoa Kỳ. Đặc biệt Chương trình Tân tiến hóa Toàn diện chiến đấu cơ F-35 (JSF) là nguồn lợi lớn của Hãng Lockheed. Một hợp đồng 60 năm để chế tạo phản lực cơ tàng hình trị giá ước lượng một ngàn tỷ Mỹ kim — đây là hợp đồng chế tạo vũ khí đắt tiền nhất trong lịch sử Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ. Nhà thầu Lockheed đã bán được 66 chiếc phản lực F-35 cho Hoa Kỳ và đồng minh của Hoa Kỳ trong năm 2017 và sẽ có kế hoạch bán thêm 90 chiếc nữa trong năm nay. Chiến đấu cơ phản lực F-35 là một trong nhiều món hàng mới được đem vào giàn sản phẩm của hãng này, trong đó có các chiếc chiến đấu cơ F-22 Săn mồi Sống (Raptor) và F-16, chiếc Phi cơ vận tải C-130 Hẹc-quin (Hercules), và sau rốt là chiếc trực thăng hiệu Black Hawk do công ty con Sikorsky chế tạo, công ty Sikorsky đã được Lockheed Martin mua đứt vào năm 2015.
Ngoài sản phẩm phi cơ ra, Lockheed Martin còn có những sản phẩm khác như Hỏa Tiễn phòng không, ra-đa, những sản phẩm tối tân về lãnh vực Hải chiến, và những hệ thống hỏa tiễn liên-lục địa.
2. Hãng chế tạo máy bay Boeing
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $29.5 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $94.6 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $4.9 tỷ Mỹ kim
> Công nhân viên: 150,500 người
Công ty Hàng không Boeing tại tiểu bang Chicago-Hoa Kỳ cho biết đã bán được số vũ khí trị giá $29.5 tỷ Mỹ kim trong năm 2016, đứng thứ nhì sau hãng Lockheed Martin. Các lực lượng Hải Quân, Không Quân và Thủy Quân Lục Chiến Mỹ — cộng thêm các đồng minh Mỹ ở hải ngoại đều cần đến những loại đạn bắn tầm xa do Hệ thống Vũ khí Harpoon của Boeing chế tạo. Boeing cũng sản xuất và bán các loại hàng như trực thăng xung kích Apache, trực thăng vận tải Chinook, pháo đài bay B-52, và chiến đấu cơ hiệu F-15 Đại bàng, các chiến đấu cơ hiệu F/A-18 Super Hornet.
Mặc dù Boeing xếp hạng hai những nhà thầu quốc phòng lớn trên thế giới, tiền buôn bán vũ khí chiến tranh gom lại chỉ là một phần tương đối nhỏ trong toàn bộ lợi tức của công ty này — chỉ có 31.2% tiền kiếm được từ những hợp đồng quốc phòng trong năm 2016. Trong khi máy bay hàng không dân sự do Boeing chế tạo tổng cộng hơn 10,000 (mười ngàn) chiếc và bao gồm gần một nửa số phi cơ này đang bay khắp thế giới.
3. Hãng Raytheon
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $22.9 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $24.1 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $2.2 tỷ Mỹ kim
> Công nhân viên: 63,000 người
Nhà thầu Raytheon bắt đầu sự nghiệp vào đầu thập niên 1920 của thế kỷ 20 chuyên chế tạo những dụng cụ tiêu thụ điện tử cho quảng đại quần chúng. Vào lúc thế chiến thứ hai bắt đầu, Raytheon cũng bắt đầu sản xuất những bộ phận quan trọng cho các loại ra-đa do quân đội Anh và Mỹ sử dụng ngoài việc cung cấp ngòi nổ gần cho những quả đạn cao-xạ chống máy bay. Ngày nay, Nhà thầu Raytheon có tổng hành dinh tại tiểu bang Massachusetts-Hoa Kỳ chuyên về quốc phòng và an ninh máy móc điện tử, và công ty này được xếp hàng thứ ba lớn nhất thế giới buôn bán vũ khí chiến tranh.
Nhà thầu Raytheon cũng còn vẽ và sản xuất các loại hỏa tiễn dùng tia laser và hỏa tiễn do vệ tinh điều khiển, các loại ngư lôi, và đạn dược đủ loại — cũng như những hệ thống hỏa tiễn phòng thủ. Có hơn 12 quốc gia bao gồm Hoa Kỳ, Đức, Nhật, và Xo-đi-ả-rập (Saudi Arabia), đang sử dụng những hệ thống hỏa tiễn phòng không Hoàn cầu Patriot do hãng thầu Raytheon chế tạo. Hoa Kỳ cũng đang sử dụng Hệ thống phòng không tối tân ở cao độ trên không trung do công ty này chế tạo, đây là loại vũ khí có thể ngăn chận và hủy diệt những đầu đạn xuất hiện từ không gian xuyên trở lại bầu khí quyển địa cầu. Đầu năm nay, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ đã ký kết với nhà thầu Raytheon một hợp đồng trị giá $650 triệu Mỹ kim để bán 280 chiếc Hỏa tiễn hiệu SM-2 cho các quốc gia Hòa Lan, Nam Hàn, Nhật Bản, và Úc — vũ khí này sẽ được dùng để bảo vệ các tầu bè Hải Quân từ những cuộc tấn công bằng phi cơ trên không trung.
4. BAE Systems
> Quốc gia: Vương quốc Anh
> Tiền bán vũ khí: $22.8 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $24 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $2.4 tỷ Mỹ kim
> Công nhân viên: 83,000 người
Công ty BAE Systems là nhà thầu quốc phòng lớn nhất nước Anh, và đứng hàng thứ tư trên thế giới. Mặc dầu hãng xưởng này đặt tại Vương Quốc Anh, nhưng 83,000 công nhân viên của công ty này lại được tuyển mộ từ mọi nẻo đường trên thế giới, trong đó phải kể đa số công nhân được thuê sống tại Mỹ, kế là Xo-đi-ả-rập, và sau rốt là Úc châu. Công ty này vẽ mẫu và chế tạo máy bay chiến đấu, các loại cơ giới chiến đấu trên đất, vũ khí Pháo binh, dụng cụ điện tử quân đội, và cung cấp những dịch vụ an ninh mạng.
Trong khi nhiều công ty khác liệt kê trong danh sách này có sản phẩm bán cho giới thương mại, nhưng riêng hãng BAE lại không nằm trong khoản này. 95% tiền kiếm được từ $24.0 tỷ Mỹ kim thu được trong năm 2016 đến từ các dịch vụ quốc phòng và buôn bán vũ khí chiến tranh.
5. Công ty Northrop Grumman
> Quốc gia: Mỹ
> Tiền bán vũ khí: $21.4 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $24.5 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $2.2 tỷ Mỹ kim
> Công nhân viên: 67,000 người
Tổng hành dinh Nhà thầu quốc phòng Northrop Grumman đặt tại thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia-Hoa Kỳ, thuê khoảng 67,000 nhân công. Những nhân công này là tinh hoa của 25 quốc gia trên khắp thế giới kể cả 50 tiểu bang Mỹ. Đây là một trong nhiều nhà thầu quốc phòng lớn nhất hoàn cầu tính theo lợi tức, Northrop Grumman là tác giả của chiếc máy bay duy nhất, có thể nói là biểu tượng của kho vũ khí của quân đội Hoa Kỳ hiện nay. Đấy là chiếc pháo đài bay B-2 Quỷ khốc-Thần sầu Tàng hình có thể bay một lèo [liên tục] 6,000 hải lý, tức khoảng 11,112km vẫn chưa hết xăng và nó có thể chở một lượng bom đạn lên đến 20 tấn — bao gồm cả đạn nguyên tử lẫn đạn quy ước. Quân đội Hoa Kỳ đã điều động Pháo đài bay B-2 trong 2 cuộc chiến tranh ở Iraq và A-phú-hãn, và cuộc chiến mới đây ở Libya. Một chiếc B-2 này trị giá 2 tỷ Mỹ kim sau khi đã trừ đi khoản lạm phát, hiện nay Không Lực Hoa Kỳ đang có trong tay 20 pháo đài bay B-2 sẵn sàng tham chiến bất cứ nơi nào trên thế giới.
Những sản phẩm khác do Công ty Northrop Grumman chế tạo gồm những phi cơ không người lái, an ninh mạng, và ngành hậu cần. Buôn bán vũ khí chiến tranh và những dịch vụ quân đội chiếm khoảng 87.3% của số tiền $24.5 tỷ Mỹ kim thu được trong năm 2016.
6. General Dynamics
> Quốc gia: Mỹ
> Tiền bán vũ khí: $19.2 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $31.4 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $3.0 tỷ Mỹ kim
> Công nhân viên: 98,800 người
Tổng hành dinh Nhà thầu quốc phòng General Dynamics đặt tại thành phố Falls Church, tiểu bang Virginia-Hoa Kỳ, hãng này có đại diện trên 46 quốc gia. Từ ngày thành lập vào thập niên 1950 cho đến những năm đầu của thập niên 1990, công ty này chuyên sản xuất các loại xe thiết giáp, các loại hỏa tiễn, chiến thuyền và tầu ngầm cho các quân binh chủng quân đội Hoa Kỳ. Vì ngân sách quốc phòng Mỹ bị cắt giảm vào đầu thập niên 1990, Nhà thầu General Dynamics đã phải bán phần lớn số chi nhánh cho các hãng khác, chỉ giữ lại các cơ xưởng chế tạo thuyền bè nhỏ bằng điện tử và một số hệ thống hoạt động trên đất liền.
Ngày nay, ngoài việc sản xuất các loại tầu ngầm chạy bằng nguyên tử năng và các loại tầu thủy trên mặt nước, hãng này còn sản xuất những loại xe thiết giáp và xe tăng cho bộ binh. Trong vài thập niên gần đây hãng này cũng đã mua một số các cơ sở đáng kể như xưởng Bath Iron Works vào năm 1995 và xưởng Gulfstream Aerospace năm 1999. Bath Iron Works là nơi General Dynamics đóng các chiến thuyền Khu trục hạm loại Zumwalt cho Hải Quân Mỹ.
7. Airbus Group
> Quốc gia: Liên Hiệp Âu châu
> Tiền bán vũ khí: $12.5 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $73.7 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $1.1 tỷ Mỹ kim
> Công nhân viên: 133,780 người
Hãng Airbus là nhà thầu quốc phòng lớn thứ hai ở Châu Âu và được xếp hạng 7 lớn nhất thế giới chiếu theo số vũ khí bán được. Những hợp đồng về quốc phòng đem về cho hãng là $12.5 tỷ Mỹ kim của tổng số lợi tức $73.7 tỷ Mỹ kim trong năm 2016. Công ty này có những sản phẩm cũng như những dịch vụ cho quân đội bao gồm ngành an ninh mạng đến các loại phản lực cơ chiến đấu, các loại trực thăng xung kích, và những loại máy bay không người lái. Hiện nay, có 526 chiếc phản lực cơ chiến đấu hiệu Eurofighter Typhoon do hãng này chế tạo đang hoạt động tại 8 quốc gia — 4 trong 8 quốc gia này không nằm trong địa bàn thị trường Âu châu.
Ngoài việc sản xuất và buôn bán vũ khí chiến tranh và cung cấp những dịch vụ quân đội, nhóm nhà thầu Airbus còn hái ra tiền bằng cách chế tạo các loại máy bay hàng không dân sự và phi thuyền không gian.
8. L-3 Communications
> Quốc gia: Mỹ
> Tiền bán vũ khí: $8.9 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $10.5 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $647 triệu Mỹ kim
> Công nhân viên: 38,000 người
Nhà thầu quốc phòng L-3 Communications đặt tại thành phố Nữu ước. Hãng này có 4 bộ phận sản xuất chính, tất cả đều có các hợp đồng ký kết làm ăn với Bộ quốc phòng Hoa Kỳ, 4 bộ phận sản xuất đó là: Điện tử, Không gian, Truyền tin, và Kiểm thính. Những sản phẩm của L-3 và những dịch vụ bao gồm những bộ phận điều khiển máy bay không người lái, những bộ phận đẩy trên các tiềm thủy đỉnh/hay tầu ngầm, và những chương trình huấn luyện Hoa tiêu. Thị trường của hãng L-3 không chỉ giới hạn ở nước Mỹ, mà nó còn có văn phòng đại diện ở 29 quốc gia khác trên thế giới với những hợp đồng béo bở ký kết với hàng loạt các chính phủ ngoại quốc như Úc, Gia-nã-đại, Nhật Bản, và Xo-đi-ả-rập.
Ngoài những hợp đồng với quốc phòng, L-3 cũng còn chế tạo các hệ thống kiểm thính thông dụng mà người ta thường trông thấy ở những chốt an ninh đặt tại các phi trường dân sự. Nhưng, buôn bán vũ khí và cung cấp dịch vụ cho quân đội vẫn là nguồn lợi tức chính yếu chiếm 85% của tổng số $10.5 tỷ Mỹ kim thu vào trong năm 2016.
9. Leonardo
> Quốc gia: Ý-đại-lợi
> Tiền bán vũ khí: $8.5 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $13.3 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $561 triệu Mỹ kim
> Công nhân viên: 45,630 người
Hãng Leonardo ngày xưa có tên là Finmeccanica, là nhà thầu quốc phòng lớn nhất trong 2 nhà thầu quốc phòng của nước Ý có tên trong trong danh sách 100 hãng sản xuất vũ khí chiến tranh và cung cấp dịch vụ quân đội lớn nhất thế giới. Cũng như các công ty đứng trong danh sách này, hoạt động của Leonardo bao gồm nhiều lãnh vực quốc phòng như máy bay, dụng cụ điện tử, thảo chương và pháo binh. Chi nhánh chế tạo phi cơ sản xuất nhiều loại cơ giới cho quân đội, bao gồm chiến đấu cơ phản lực, trực thăng và những chiếc máy bay không người lái. Hãng này cũng sản xuất nhiều sản phẩm khác cho Hải Quân như các loại đạn dược trên mặt biển và trên không bao gồm hỏa tiễn và Ngư lôi.
Dù Leonardo cũng chế tạo các sản phẩm cho những chương trình không gian dân sự, những hợp đồng quốc phòng chiếm 64% của tổng lợi tức trong năm 2016 của hãng này.
10. Thales
> Quốc gia: Pháp Quốc
> Tiền bán vũ khí: $8.2 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $16.5 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $1.1 tỷ Mỹ kim
> Công nhân viên: 64,100 người
Nhà thầu quốc phòng Thales của Pháp chuyên phát triển và sản xuất những hệ thống điện tử và vũ khí chiến tranh cho những hoạt động trên đất, trên biển, và trên không. Những sản phẩm của công ty này gồm viễn vọng kính, xe hơi bọc thép, hỏa tiễn phòng không, và những dụng cụ hàng không dùng trên máy bay trực thăng. Hãng này cũng sản xuất vũ khí cao xạ cho Hải Quân, máy phát hiện tầu ngầm, tầu bay không người lái, và những dụng cụ điện tử gắn trên máy bay quân sự.
Thales là một trong những nhà thầu quốc phòng lớn nhất Âu châu, tiền bán vũ khí chiến tranh và những dịch vụ cung cấp cho quân đội của Thales chiếm khoảng phân nửa của số lợi tức trong năm 2016. Các ngành khác của hãng Thales gồm Thám hiểm Không gian, vận tải công cộng ở cấp quy mô, và dịch vụ an ninh.
11. United Technologies
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $6.9 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $57.2 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $5.4 tỷ Mỹ kim
> Công nhân viên: không rõ
Hợp doanh công ty United Technologies là công ty lớn nhất thứ 3 trong danh sách với hơn $57 tỷ Mỹ kim thu vào trong năm 2016. Tiền bán vũ khí và những dịch vụ quân đội chiếm một cách tương đối là 12% của tổng số tiền hãng này thu được trong năm đó. Nhưng $6.9 tỷ Mỹ kim kiếm được nhờ vào các hợp đồng quốc phòng trong năm 2016 cao hơn mọi nơi khác trừ 10 hãng khắp thế giới.
Một phần lợi tức đem về đáng kể là do công của công ty con Pratt & Whitney, hãng này chuyên môn chế tạo động cơ máy bay quân sự. Tiền thu được của nhà thầu quốc phòng Pratt & Whitney, hãng này cũng làm việc với 34 lực lượng quân sự khắp thế giới và sản xuất những động cơ cho các loại phản lực cơ chiến đấu F-22, F-15, và F-16, tổng số lợi tức là $4.5 tỷ Mỹ kim trong năm 2016. Những hãng con của United Technologies không dính líu đến quân đội gồm có hãng Otis elevator và hãng Carrier climate control.
12. Huntington Ingalls Industries
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $6.7 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $7.1 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $573 triệu Mỹ kim
> Công nhân viên: 37,000
Hãng Huntington Ingalls Industries xưa thuộc nhà thầu Northrop Grumman, đã bị tách khỏi (bán) công ty mẹ vào năm 2011. Đây là Nhà thầu quốc phòng tương đối trẻ so với các nhà thầu quốc phòng cỡ gạo cội. Nhưng hãng Huntington Ingalls Industries, tọa lạc tại tiểu bang Virginia, lại là nhà thầu quốc phòng lớn nhất chuyên đóng tầu thủy cho Hải quân Hoa Kỳ. Xưởng đóng tầu của hãng này đặt tại hải cảng Newport News, là công ty độc nhất-vô nhị sản xuất các Hàng Không Mẫu Hạm cho Hải Quân Mỹ — là những chiến thuyền khổng lồ trên thế giới — và là một trong hai nhà thầu duy nhất chuyên đóng tầu ngầm chạy bằng nguyên tử năng. Hãng này còn có một xưởng đóng tầu thủy ở thành phố Pascagoula, tiểu bang Mississippi-Hoa Kỳ, là xưởng chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 70% lượng tầu chiến cho Hải Quân Hoa Kỳ.
Là cơ sở thương mại tư nhân, lợi tức chiếm một phần đáng kể của các hãng lớn liệt kê trong danh sách này. Tuy nhiên, Hãng Huntington Ingalls là trường hợp ngoại lệ, tiền buôn bán vũ khí thu được chiếm khoảng 95% lợi tức hàng năm của hãng.
13. United Aircraft
> Quốc gia: Nga-sô
> Tiền bán vũ khí: $5.2 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $6.2 tỷ Mỹ kim
> Tiền lỗ: -$67 triệu Mỹ
> Công nhân viên: không rõ
Công ty United Aircraft Corp. được thành lập do một sắc lệnh của chính phủ Nga vào năm 2006. Đây là Nhà thầu quốc phòng lớn nhất ở Nga (Russia) và xếp hàng thứ 13 trên thế giới kiếm tiền bằng việc buôn bán vũ khí chiến tranh. Hãng này được thành hình từ nhiều hãng chế tạo máy bay và một số hãng phụ thuộc khác ở Nga nhập lại thành một. Cho dù hãng này có sản xuất máy bay thương mại, nhưng lợi tức kiếm được phần lớn là từ tiền bán máy bay quân sự. Trong lúc hãng này có một số khách hàng quốc tế và thuộc Liên hiệp thương mại giữa Ấn-Ý, chính Bộ ngoại giao quốc phòng Nga đã giúp hãng này ký kết nhiều hợp đồng thương mại bán máy bay quân sự Nga từ năm 2013. Trong nhiều loại máy bay hãng này sản xuất, thì chiếc chiến đấu cơ phản lực hiệu Mikoyan MiG là sáng giá nhất.
Mặc dù lợi tức đem về lên hàng tỷ Mỹ kim, United Aircraft là công ty duy nhất trong danh sách này khai lỗ trong năm 2016. Năm đó (2016), tiền chi phí vượt lợi tức thu $67 triệu Mỹ kim. Hãng này dự tính tối thiểu phải kiếm được 10% tiền lời vào năm 2025.
14. Bechtel
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $4.9 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: Không rõ
> Tiền lời: Không rõ
> Công nhân viên: 53,000
Công ty này đặt tại thành phố San Francisco-Mỹ, Bechtel chuyên về ngành xây cất và công chánh hoạt động dưới nhiều cơ sở kinh doanh bao gồm hạ tầng cơ sở, hầm mỏ, dầu hỏa và khí đốt, và quốc phòng. Công ty Bechtel là nhà thầu quốc phòng hơn 50 năm nay, cung cấp những dịch vụ Hỏa tiễn phòng không, khai thác và bảo trì những căn cứ và nhiều hạ tầng cơ sở khác quan trọng cho những hoạt động quân sự của Hoa Kỳ. Những dự án hiện nay của công ty này bao gồm Hỏa tiễn phòng không và chương trình giám sát không gian đặt tại thí điểm Ronald Reagan Ballistic Missile tại quần đảo Marshall. Ngoài ra, Bechtel mới đây thắng hợp đồng Quản trị Kế hoạch với Bộ quốc phòng Vương quốc Anh để cải tiến về hai mặt hiệu quả và tránh lãng phí.
Công ty Bechtel là một trong những công ty tư nhân lớn nhất ở Hoa Kỳ. Chỉ tiền bán vũ khí và các dịch vụ quốc phòng thôi tổng cộng là $4.9 tỷ Mỹ kim trong năm 2016.
15. Textron
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $4.8 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $13.8 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $843.0 triệu Mỹ kim
> Công nhân viên: 36,000
Tổng hành dinh của Textron đặt tại tiểu bang Rhode Island-Hoa Kỳ, chuyên về ngành không gian và quốc phòng. Hãng Bell Helicopter là hãng con của Textron, chuyên sản xuất các loại phi cơ trực thăng quân sự như Osprey, Valor, và hiệu Zulu. Ngoài ra, Textron còn khai thác và chế tạo các cơ giới không người lái cả trên không lẫn trên đất, các loại xe thiết giáp, các loại hỏa tiễn và hệ thống hỏa tiễn phòng không. Hãng Textron còn vẽ kiểu hay sản xuất những phương tiện trở lại quả đất cho toàn bộ hệ thống Hỏa tiễn Liên-lục địa của Không lực Hoa Kỳ hiện nay.
Cho dù kích thước và phạm vi về ngành quốc phòng của công ty này có vẻ bề thế, phần lớn những kinh doanh của hãng Textron lại không mảy may liên hệ đến việc buôn bán vũ khí và những dịch vụ quân đội. Công ty này có một bộ phận hái ra tiền đó là Văn phòng lo về những dịch vụ tài chánh cũng như thương mại và một bộ phận chuyên về các hệ thống nhiên liệu kỹ nghệ. Những sản phẩm và dịch vụ quốc phòng chiếm 34.5% lợi tức của công ty Textron trong năm 2016.
16. Rolls-Royce
> Quốc gia: Vương Quốc Anh
> Tiền bán vũ khí: $4.5 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $18.6 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: Không rõ
> Công nhân viên: 49,900
Rolls-Royce là một trong hai hãng thầu quốc phòng tọa lại tại Vương quốc Anh, được xếp trong danh sách 20 nhà thầu buôn bán vũ khí và các dịch vụ quốc phòng lớn nhất thế giới. Sản phẩm chính của hãng này đúng ra là các loại xe hơi sang trọng, việc buôn bán vũ khí và các dịch vụ quốc phòng của hãng này chỉ chiếm 24% tổng số lợi tức trong năm 2016 thôi.
Rolls-Royce hiện nay là công ty duy nhất trên thế giới chế tạo động cơ cho phép máy bay có thể cất cánh thẳng đứng giống như phi cơ trực thăng mà không cần phi đạo. Binh chủng Thủy Quân Lục Chiến Mỹ hiện nay là khách hàng chính của loại kỹ thuật cất cánh theo chiều tung độ của công ty này. Những sản phẩm về quân sự khác do Rolls-Royce sản xuất bao gồm những động cơ chong chóng dùng cho các loại máy bay hạng trung và vận tải hạng nặng, những động cơ dùng cho các loại phi cơ tuần tiễn với đường bay dài, và một động cơ xài cho những máy bay không người lái.
17. Leidos
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $4.3 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $7 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $246 triệu Mỹ kim
> Công nhân viên: 32,000
Công ty Leidos là nhà thầu quốc phòng đặt tại thành phố Reston, tiểu bang Virginia. Trước đây có tên là SAIC cho đến thời điểm một phần của SAIC được bán cho chủ khác vào năm 2013, công ty này đã thắng cú thầu dài hạn đầu tiên của chính phủ Hoa Kỳ vào năm 1970 do Cơ quan Phòng vệ Nguyên Tử ký kết, cơ quan này hiện nay không còn hoạt động nữa. Ngay sau đó, công ty đã cung cấp những dịch vụ giúp những dự án phát triển vũ khí của Không Lực Hoa Kỳ và những kế hoạch phát triển Hỏa tiễn hành trình của bộ quốc phòng Hoa Kỳ. Ngày nay công ty này hiện đang chú tâm vào cuộc chạy đua buôn bán những lọai vũ khí hoạt động ngầm dưới mặt nước, phát triển các loại tầu ngầm không người lái để làm lu mờ đi những chiếc tầu ngầm khó phát hiện được của Nga, Ba tư, và Venezuela có thể đe dọa quyền lợi của Hoa Kỳ.
Lợi tức kiếm được của hãng thầu Leidos từ các hợp đồng quốc phòng lên đến $4.3 tỷ Mỹ kim trong năm 2016, một tỷ lệ lợi tức tăng 29.1% so với năm trước đó.
18. Harris
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $4.2 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $5.9 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $553 triệu Mỹ kim
> Công nhân viên: 17,000
Tổng hành dinh của nhà thầu quốc phòng Harris đặt tại tiểu bang Florida-Hoa Kỳ khai lợi tức thu được trong năm 2016 là $5.9 tỷ Mỹ kim — nhờ bán vũ khí và cung cấp các dịch vụ quốc phòng. Những bộ phận sản xuất của hãng này gồm những hệ thống điện tử cung cấp những sản phẩm và dịch dụ có liên quan đến chiến tranh điện tử, những dụng cụ điện tử gắn trên phi cơ, những hệ thống ngầm dưới nước, và những sản phẩm kiểm soát không lưu, cũng như những hệ thống truyền tin trách nhiệm sản xuất những dụng cụ quan sát về đêm [Hồng ngoại tuyến] và những sản phẩm phát tín hiệu bằng cách chỉ cần sờ vào nó… Khách hàng của hãng này có ở 100 quốc gia khác nhau. Những hợp đồng hãng này đang có bao gồm những ký kết rất béo bở với Lục quân Hoa Kỳ, Không Lực Hoa Kỳ, và những Lực lượng Đặc biệt.
Nhà thầu Harris có một lịch sử lâu dài với chính phủ Mỹ từ thời Đệ nhị Thế chiến, khi ấy các pháo đài bay oanh tạc của Hoa Kỳ đã sử dụng những bộ phận điện tử chấm tọa độ thả bom mới được phát triển lúc đó, dụng cụ này cho phép các phi công đánh bom khá chính xác ở độ bay cao.
19. United Shipbuilding
> Quốc gia: Nga-sô
> Tiền bán vũ khí: $4 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $4.5 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $90 triệu Mỹ kim
> Công nhân viên: 89,650
Hợp doanh công ty United Shipbuilding là một trong hai nhà thầu quốc phòng Nga được xếp trong danh sách 20 công ty sản xuất vũ khí và cung cấp những dịch vụ quốc phòng lớn trên thế giới. Trong khi công ty này chuyên sản xuất tầu bè chở hàng thương mại, thì nó cũng kinh doanh phần lớn vào việc đóng những loại tầu bè quân sự. Công ty này hiện đang sản xuất hay phát triển 11 mẫu Tiềm Thủy Đỉnh và 16 kiểu Tầu chiến khác nhau, ngoài ra nó còn sản xuất đủ loại tầu vét mìn, tầu đổ quân và tầu tuần tiễu.
United Shipbuilding được thành lập năm 2007 do một sắc lệnh ban hành bởi tổng thống Nga Vladimir Putin và hiện nay là một xưởng đóng tầu lớn nhất của Nga và bao toàn vùng từ Biển Baltic đến Biển Thái Bình. Hầu như toàn Hàm đội Nga xài tầu bè do hãng United Shipbuilding đóng.
20. Booz Allen Hamilton
> Quốc gia: Hoa Kỳ
> Tiền bán vũ khí: $4 tỷ Mỹ kim
> Tổng số tiền bán: $5.8 tỷ Mỹ kim
> Tiền lời: $252 triệu Mỹ kim
> Công nhân viên: 23,300
Tổng hành dinh đặt tại tiểu bang Virginia-Hoa Kỳ, Booz Allen Hamilton chuyên cung cấp dịch vụ cố vấn cho khách hàng thuộc hai lãnh vực dân sự và quân sự. Có một dạo hãng này được mệnh danh là tổ chức gián điệp kiếm được lợi nhuận nhiều nhất, công ty này làm việc với nhiều cơ quan tình báo Hoa Kỳ, bao gồm Cơ quan An Ninh Quốc gia và Bộ Nội An, và những quân binh chủng quân đội Hoa Kỳ. Đa số những kinh doanh của hãng thuộc loại kín, hãng này cung cấp những phân tích về tình báo và dữ kiện, kỹ thuật, và những dịch vụ an ninh mạng cho hầu hết mọi khía cạnh quốc phòng. Những hợp đồng quốc phòng và ngành tình báo đem hơn hai phần ba lợi tức về cho nhà thầu này trong tài khóa 2017.
Công ty Booz Allen Hamilton đã làm ăn với chính phủ Mỹ từ năm 1940, vào lúc mà công ty này cố vấn cho Bộ trưởng Hải Quân Hoa Kỳ cách chuẩn bị để đưa Hoa Kỳ tham chiến Đệ II Thế Chiến. Sự gắn bó rất gần gũi với chính phủ Hoa Kỳ đã bắt đầu từ đó. Khoảng 30% nhân lực của hãng này là cựu chiến binh, và 70% được cấp quy chế an ninh.
BKT sưu tầm & phiên dịch
Leave a Reply