- Luật sư Ngô Ngọc Trai
- Gửi tới BBC News Tiếng Việt từ Hà Nội
Gần 20 năm trước, khi tôi còn là sinh viên trường luật, trong một buổi giảng thầy giáo đặt câu hỏi cho cả lớp xem có ai đã từng nghe nói đến tác phẩm Tinh Thần Pháp Luật hay chưa.
Hơn một trăm sinh viên đều im lặng không có câu trả lời, bản thân tôi lúc đó trong đầu nghĩ đến một cuốn sách Á Đông của Việt Nam hay Trung Quốc nào đấy mà mình chưa đọc.
Sau rốt ông thầy giải thích cho biết đó là tác phẩm của triết gia người Pháp sinh thời ở Thời Khai sáng là Montesquieu, người khởi xướng cho lý thuyết về mô hình tam quyền phân lập.
Thiếu tri thức
Cho đến khi tốt nghiệp đi làm, trong một dịp tôi đã đi tìm mua bộ đôi cuốn sách Tinh thần pháp luật và Khế ước xã hội của Jean Jacque Rouseau cũng là một triết gia khai sáng với luận thuyết về hiến pháp và chủ quyền nhân dân.
Nhưng tìm hỏi ở nhiều hiệu sách lớn tại Hà Nội mà không có, cuối cùng tôi liên hệ với nhà xuất bản hỏi xem trong hệ thống phát hành của họ có còn nơi nào còn sách hay không.
Sau khi kiểm tra phía nhà xuất bản báo lại cho biết một hiệu sách ở khu vực Công viên Nghĩa Tân thuộc quận Cầu Giấy, Hà Nội còn sách.
Tôi đến đó thì thấy một hiệu sách rất nhỏ nhưng may mắn còn lại một cuốn Tinh thần pháp luật, còn cuốn Khế ước xã hội thì không có.
Đó là một trải nghiệm tìm mua sách ở thời điểm năm 2008.
Sự khan hiếm đầu sách như thế phần nào lý giải cho cái hệ quả thực trạng lúc bấy giờ là một lớp đại học với hơn trăm sinh viên đã không một ai nghe biết gì về cuốn sách quan trọng bậc nhất về tư tưởng pháp luật.
Bởi nếu không có sách bày ở các hiệu sách thì làm sao tác phẩm lọt vào mắt của khách mua vãng lai.
Hoặc nếu có người chủ đích đi kiếm tìm sách như tôi mà hỏi không có thì có lẽ nhiều người đã bỏ cuộc rồi, và theo đó sau rốt vẫn sẽ rất ít người biết đến những tác phẩm kinh điển của tri thức nhân loại.
Khan hiếm sách
Một dịp khác vào khoảng chục năm về trước, trong một dịp tôi đã đi tìm mua cuốn sách “Của cải của các dân tộc” (The Wealth of Nations, 1776) của nhà kinh tế học Adam Smith.
Cuốn sách được cho là đã luận giải các nguyên lý nền tảng của nền kinh tế hàng hóa thị trường, tạo lập triết lý là nền móng cho sự phát triển của chủ nghĩa tư bản phương Tây.
Tác phẩm lớn quan trọng nhưng tìm khắp các hiệu sách lớn tại Hà Nội cũng không có, cuối cùng tôi tìm đến khu phố Láng ở quận Đống Đa nơi có nhiều hiệu sách cũ.
Tại đó tôi mua được một cuốn Của cải của các dân tộc bìa màu đỏ của nhà xuất bản giáo dục, nhưng xem thấy rõ là sách in lậu với chất lượng giấy thấp, kỹ thuật in ấn kém với nhiều trang chữ in nghiêng xô lệch không được ngay ngắn.
Thông tin trên sách cho biết việc in và phát hành bản chính thức cuốn sách này là kết quả của sự phối hợp giữa trường Đại học kinh tế Quốc dân tại Hà Nội và một nước Bắc Âu đã hỗ trợ về bản quyền và kinh phí xuất bản.
Thời điểm in vào những năm 1990 khi đất nước mới có vài năm mở cửa phát triển kinh tế theo hướng thị trường.
Việc phát hành cuốn sách có lẽ là do nhu cầu của giới trí thức đại học, muốn tìm hiểu kiến thức về kinh tế hàng hóa thị trường cho nên tác phẩm kinh điển của Adam Smith đã là một lựa chọn ưu tiên.
Nhưng sự khó khăn trong việc tìm mua cuốn sách như tôi gặp phải lại cho thấy một sự mâu thuẫn ngược lại, dường như người ta lại không muốn phổ biến rộng rãi kiến thức từ cuốn sách.
Sự khó mua cho thấy số lượng xuất bản ít ỏi dường như chỉ phục vụ cho việc nghiên cứu hàn lâm thay vì phổ biến tri thức tới công chúng và sau bản in đầu thì không được tái bản trở lại.
Tôi đã tặng luôn cuốn sách cũ đó và mong sách mới sớm được phát hành để tôi sẵn sàng mua ủng hộ.
Vậy nhưng mới đây một lần nữa tôi tìm mua cuốn sách này và cho nhân viên đi tìm cũng vẫn không có, một đơn vị bán sách đã gửi tới công ty tôi một cuốn bản tiếng Anh trong khi tôi muốn mua bản tiếng Việt.
Điều đó cho chính sách kiểm duyệt đã kéo dài nhiều năm đối với một tác phẩm quan trọng bậc nhất về lý thuyết kinh tế của nhân loại.
Kiểm duyệt lạc hậu
Một dịp khác khoảng dăm bảy năm về trước tôi tìm mua cuốn sách Hồi ký của Winston Churchill, Thủ tướng Anh trong Thế chiến II.
Thông tin tìm hiểu được biết từ năm 2004 một nhà xuất bản đã được cấp phép cho phát hành cuốn sách này.
Nhưng tôi tìm hỏi mua khắp nơi mà không được, cuối cùng đã đăng trên trang Facebook cá nhân với hơn chục nghìn người theo dõi, hỏi xem có ai biết cuốn sách đó ở đâu có, dù mới hay cũ, dù tặng cho hay bán lại tôi cũng xin mua.
Bạn của tôi nhiều người cũng ham mê đọc sách, nhiều người làm ở lĩnh vực in ấn xuất bản, nhiều người sưu tầm và bán sách cũ, vậy nhưng không một ai có thông tin về cuốn sách dù tôi đã đăng lại vài lần hỏi về cuốn sách này.
Điều đó cho thấy rõ ràng sự khan hiếm vắng bóng tuyệt tích của một tác phẩm lớn rất có ý nghĩa lịch sử, từng được xuất bản nhưng chỉ một lần cấp phép rồi sau đó không còn thấy gì nữa.
Trong khi tác giả là Thủ tướng nước Anh đã có công lớn góp phần cứu nhân loại khỏi thảm hoạt phát xít, đặc biệt Winston Churchill còn là Thủ tướng hiếm hoi trên thế giới được giải Nobel Văn chương khiến cho tác phẩm của ông càng trở lên hấp dẫn đáng đọc.
Những trải nghiệm trong việc tìm kiếm đọc sách giúp cho tôi thấy được phần nào về nền xuất bản hiện nay.
Đặc biệt hơn nữa năm ngoái chính tôi cũng là nạn nhân của chính sách kiểm duyệt lạc hậu, khi mà cuốn sách của bản thân cũng không xin được giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý.
Qua công việc hành nghề luật sư tôi thấy được điểm nghẽn của cơ chế tư pháp trong việc phân định các vụ án tranh chấp tài sản làm ảnh hưởng tới phát triển kinh tế.
Nhiều khối tài sản chậm được phân định rõ ràng về chủ quyền sở hữu, chậm được đưa vào lưu thông để tạo ra hiệu quả kinh tế.
Từ đó tôi thấy được vấn đề là nếu cơ chế tư pháp hiệu quả sẽ giúp giải phóng nguồn lực tài sản rất lớn có thể cung cấp cho nền kinh tế, trong khi trước nay nguồn vốn này đang bị gim giữ trong sự thiếu hiệu quả của cơ chế tư pháp.
Cuốn sách là sự tổng hợp lại các luận điểm đã được trình bày trong các bài báo bấy lâu, chỉ có khác là được trình bày lại một cách hàn lâm cho phù hợp với thể loại sách với những dẫn chứng vụ án thực tế sinh động rất thích hợp cho việc nghiên cứu nhằm sửa đổi thể chế chính sách.
Nhưng đáng tiếc một tác phẩm đầy tâm huyết xây dựng đã không vượt qua được cơ chế quản lý xuất bản lạc hậu.
Trong khi đó hàng ngày các lãnh đạo nhà nước đều bày tỏ mối bận tâm trăn trở tìm kiếm các gợi ý giải pháp cho các chính sách thúc đẩy cho tăng trưởng phát triển.
Vậy thì ở đây rõ ràng là tồn tại một sự mâu thuẫn giữa mong muốn thúc đẩy phát triển kinh tế của lãnh đạo nhà nước với cơ chế quản lý lạc hậu ngăn cản dòng chảy thông tin tri thức của ngành xuất bản.
Làm sao có thể mong muốn có được đường lối phát triển kinh tế chất lượng khi mà tri thức về nền kinh tế hàng hóa không được lưu thông?
Làm sao có thể mong muốn các lãnh đạo doanh nghiệp có được trình độ năng lực để đưa doanh nghiệp phát triển đi lên khi mà tri thức đến với họ bị ngăn cản?
Ích lợi nào đem đến cho quốc gia dân tộc trong những chính sách kiểm duyệt tri thức như vậy?
Cho nên khi nhìn lại vấn đề của sự phát triển hiện nay, tôi tin rằng nếu con đập ngăn dòng tri thức được đó gỡ bỏ chắc chắn sẽ đưa đất nước phát triển cất cánh.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của LS Ngô Ngọc Trai từ văn phòng luật Công Chính tại Hà Nội.
Leave a Reply