Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đâm đơn kiện nhắm vào những gã khổng lồ công nghệ Google, Twitter và Facebook, cho rằng ông là nạn nhân của việc kiểm duyệt.
Vụ kiện tập thể này cũng nhắm tới CEO của ba công ty.
Ông Trump đã bị Google, Twitter và Facebook đình chỉ các tài khoản xã hội từ hồi tháng Giêng vì lo ngại về an toàn công cộng sau vụ bạo động ở Điện Capitol, do những người ủng hộ ông cầm đầu.
Hôm thứ Tư, ông Trump gọi vụ kiện là “một bước tiến triển đẹp đẽ cho quyền tự do ngôn luận của chúng ta”.
Trong một cuộc họp báo từ khu chơi gôn của mình ở Bedminster, New Jersey, ông Trump đã xỉ vả các công ty truyền thông xã hội và các đảng viên Dân chủ, những người mà ông cáo buộc đã cổ súy cho thông tin sai lệch.
Ông nói: “Chúng ta đang yêu cầu chấm dứt những lệnh cấm, chấm dứt việc bịt miệng và việc ghi tên vào sổ đen, việc trục xuất và xóa bỏ mà bạn biết tỏng.”
Đơn kiện yêu cầu tòa án phải có lệnh chấm dứt việc kiểm duyệt mà ông cáo buộc. Ông Trump nói thêm nếu họ có thể cấm một tổng thống, “họ có thể làm điều đó với bất kỳ ai”.
Hiện không có công ty công nghệ nào được nêu tên phản hồi về vụ kiện cáo đã được đệ trình lên một tòa án liên bang ở Florida.
Các cựu quan chức dưới thời Trump, những người đã thành lập Viện Chính sách Nước Mỹ trên hết, cũng ủng hộ ông.
Cựu tổng thống gọi bài đăng khiến ông bị cấm trên Twitter là “những câu viết đáng yêu nhất”.
Theo Twitter, các dòng tweet dẫn đến việc các công ty công nghệ nói trên cấm ông Trump là vào ngày 8/1, hai ngày sau vụ bạo động xảy ra, bởi vì chúng “ca ngợi bạo lực”. Cuộc bạo động diễn ra sau những tuyên bố lặp đi lặp lại của ông mà không hề có bằng chứng, nói rằng cuộc bầu cử đã được dàn dựng có lợi cho Joe Biden.
Ông Trump viết rằng “những người ái quốc vĩ đại” đã bỏ phiếu cho ông sẽ có “tiếng nói to lớn” và “sẽ không bị thiếu tôn trọng hoặc đối xử bất công dưới bất kỳ hình thức nào”, và trong một bài đăng khác nói rằng ông sẽ không tham dự lễ nhậm chức của Tổng thống Joe Biden .
Cùng thời điểm đó vào thứ Tư, các đồng minh Đảng Cộng hòa của ông Trump tại Quốc hội đã công bố một bản ghi nhớ mô tả kế hoạch của họ “để chống lại các gã khổng lồ công nghệ”.
Chương trình nghị sự kêu gọi các biện pháp chống độc quyền để “phá vỡ” các công ty và sửa đổi luật được gọi là Mục 230.
Mục 230, mà ông Trump đã cố gắng hủy bỏ khi còn trên cương vị tổng thống, về cơ bản là ngăn các công ty như Facebook và Twitter chịu trách nhiệm về những thứ mà người dùng đăng. Nó cho công ty quyền pháp nhân là một “nền tảng” hơn là “nhà xuất bản”.
Ông Trump nói, chỉ trích đạo luật hôm thứ Tư: “Đó là một biện pháp bảo vệ về mặt trách nhiệm pháp lý mà chưa ai trong lịch sử đất nước chúng ta từng được hưởng”.
Ông nói thêm rằng luật này làm mất hiệu lực của các công ty với tư cách là công ty tư nhân.
Vụ kiện đã bị các chuyên gia pháp lý chỉ trích, những người chỉ ra rằng ông Trump có thói kiện để thu hút sự chú ý của giới truyền thông nhưng không ráo riết bảo vệ các yêu cầu đó trước tòa. Lập luận của ông về vi phạm quyền tự do ngôn luận cũng đã bị các nhà phân tích chất vấn, vì các công ty mà ông cáo buộc đều có các biện pháp bảo vệ giống như Tu chính án thứ nhất trong việc xác định nội dung trên trang web của họ.
Trump vật lộn để được lắng nghe
Donald Trump từng sử dụng phương tiện truyền thông xã hội một cách vô cùng hiệu quả.
Khi chiếc loa phát thanh của ông bị tước bỏ, Trump hải vật lộn để được mọi người lắng nghe.
Các kế hoạch của ông cho kênh truyền thông xã hội của riêng mình cho đến nay vẫn chưa có kết quả gì.
Vụ kiện này cho thấy, khi cần, các công ty truyền thông xã hội lớn đóng vai trò quan trọng như thế nào đối với ông ta.
Một chiến lược quan trọng của Chủ nghĩa Trump là có thể trực tiếp nói chuyện với cử tri – bỏ qua các phương tiện truyền thông truyền thống.
Facebook chứng minh rằng nó đặc biệt quan trọng thế nào đối với Trump – cho ông được tiếp cận với hàng triệu người Mỹ chỉ bằng một cú bấm nút.
Các chuyên gia tin rằng các vụ kiện khó có thể thành công.
Ông Trump sẽ lập luận rằng các quyền trong Tu chính án thứ Nhất của ông đã bị vi phạm. Nhưng các công ty công nghệ sẽ nói rằng, với tư cách là các công ty tư nhân, họ có quyền quyết định ai sử dụng nền tảng của họ – một lập luận có khả năng thành công.
Đảng Cộng hòa tại Hạ viện cũng muốn đề xuất dự luật có thể “phá vỡ” Big Tech. Tuy nhiên, nếu không chiếm đa số ở cả hai viện, họ sẽ rất khó để làm điều này.
Trump rất muốn quay trở lại trên newfeed của bạn, nhưng điều đó sẽ không sớm xảy ra.(BBC)
Leave a Reply