Nhà văn Phạm Chí Thành (bút danh Phạm Thành), chủ trang blog Bà Đầm Xòe, tác giả cuốn sách chỉ trích ĐCS Việt Nam và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gây xôn xao dư luận, bị tuyên án 5 năm 6 tháng tù giam và 5 năm quản chế.
Phiên sơ thẩm xử ông Thành diễn ra ngày 9/7/2021 tại Tòa án Nhân dân TP Hà Nội trong hai tiếng rưỡi, từ 8:30 tới 11:00.
Ông Phạm Thành bị kết tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 117, khoản 1-Bộ luật Hình sự năm 2015.
Ông Thành bị công an Việt Nam bắt tại nhà riêng hôm 21/5/2020 trong bối cảnh ĐCS Việt Nam đang chuẩn bị cho Đại hội đảng toàn quốc lần thứ 13.
Cơ quan điều tra sau khi cho giám định tập thể cuốn “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” của ông Phạm Thành đã kết luận 4 điểm sau:
Cuốn sách có nội dung “tuyên truyền thông tin xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân”; “Tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”; “Vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân”; “Tuyên truyền thông tin gây chiến tranh tâm lý”.
Truyền thông Việt Nam cho hay ông Thành đã bán được 220 cuốn Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” cho độc giả trong và ngoài nước và bị cơ quan điều tra ‘thu giữ 14 quyển’ tại nhà riêng.
Trả lời BBC News Tiếng Việt thời gian mới xuất bản cuốn sách này rằng “ông có sợ không”, ông Phạm Thành trả lời rằng đó chỉ là nỗi sợ vô hình và cho rằng, điều 25 Hiến pháp Việt Nam cho phép quyền biểu đạt tư tưởng.
Luật sư nói gì?
Theo luật sư Hà Huy Sơn, người bào chữa cho ông Phạm Thành tại tòa, chứng cứ chống lại ông Thành không được làm rõ tại phiên tòa do người giám định không có mặt, và rằng ông Phạm Thành bị truy tố theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự là không đúng về yếu tố khách thể của tội phạm.
Ông Sơn giải thích trên Facebook cá nhân:
“Theo ngân hàng pháp luật: Nhà nước là tổ chức quyền lực, chính trị của xã hội có giai cấp, có lãnh thổ, dân cư và chính quyền độc lập, có khả năng đặt ra và thực thi pháp luật nhằm thiết lập trật tự xã hội nhất định trong phạm vi lãnh thổ của mình.
“Các tài liệu do bị cáo làm ra chỉ liên quan đến cá nhân Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Cáo trạng đã đánh đồng cá nhân với tổ chức (Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không đồng nhất với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”
Về bốn kết luận của cơ quan điều tra đối với cuốn “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo”, luật sư Sơn viết:
“Nội dung “vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm cá nhân” bao gồm 58 trích đoạn đã được cáo trạng sử dụng để truy tố ông Phạm thành là không có căn cứ do Điều 117 không có nội hàm này.
“Về “Nội dung tuyên truyền thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân”: Để xác định được có gây hoang mang trong nhân dân thì phải thu thập ý kiến từ những cá nhân, cộng đồng dân cư chứ không thể căn cứ vào các tài liệu giám trưng cầu giám định. Ngoài kết luận giám định, cơ quan điều tra không thu thập được bằng chứng nào chứng minh bị cáo “gây hoang mang trong nhân dân”.
“Về “Gây chiến tranh tâm lý”, Cơ quan điều tra phải khảo sát, thu thập trong thực tế hậu quả về trạng thái chính trị – tinh thần và tổ chức của nhân dân và lực lượng vũ trang do các tài liệu của bị cáo gây ra chứ không phải căn cứ vào các tài liệu trưng cầu giám định.”
Ông Phạm Thành là ai?
Ông Phạm Thành, sinh năm 1952 từng làm việc tại Đài Tiếng Nói Việt Nam.
Ông Thành có Huy Chương kháng chiến hạng Nhì của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tặng năm 1990, và Huy chương vì sự nghiệp phát thanh do Tổng Giám đốc đài tiếng nói Việt Nam tặng năm 1997 (tương đương Bộ trưởng).
Cuốn sách “Nguyễn Phú Trọng: Thế thiên hành đạo hay Đại nghịch bất đạo” do ông tự xuất bản năm 2019 đã gây xôn xao dư luận. Nội dung chính cuốn sách “ngoài luồng” này tập trung vào thái độ và hành động của ông Nguyễn Phú Trọng trước Trung Quốc.
“Ngay từ năm 2007, khi ông Trọng với tư cách Chủ tịch Quốc Hội sang Trung Quốc và trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh, ông khẳng định rằng, quan hệ Việt Nam – Trung Quốc chưa bao giờ tốt đẹp như bây giờ, trong khi trước đó, máu ngư dân Việt Nam đã đổ trên Biển Đông.”
“Từ lúc ấy, tôi đã đặt câu hỏi về con người này. Ông ta sẽ thực hiện các chính sách đối nội, đối ngoại như thế nào, và ông ta sẽ gắn với Trung Quốc như thế nào?,” ông Phạm Thành từng nói với BBC News Tiếng Việt về cuốn sách của ông hồi tháng 9/2019.
Trước đó, ông từng tự xuất bản một số cuốn sách khác như “Hậu Chí Phèo”, “Nền Kinh tế Thị trường Định hướng XHCN Xuống hố cả lũ”.
Trả lời BBC News Tiếng Việt thời gian mới ra sách, ông Phạm Thành nói:
“Quyền biểu đạt tư tưởng là gì nếu không phải là quyền được tự do nói, mình viết ra cái gì thì mình được quyền in. Trên thực tế, 10 năm nay, rất nhiều người đã thực hiện quyền đó rồi. Người ta có tác phẩm, người ta tự in ra, rồi tặng hay phát cho bạn bè.”
”Lần này, tuy tôi không thể in gần nhà vì các tiệm ở Hà Nội không dám in nhưng tôi tìm nơi xa để in, rồi mang sách về nhà mà không ai làm gì tôi. Còn những người cứ nói sợ và không in sách thì theo tôi đó là nỗi sợ vô hình. Theo tôi, ở Việt Nam đang có tự do này, vấn đề là người ta có gì để in không, có dám vượt qua nỗi sợ hay không.“(BBC)
Leave a Reply