CVA65 Lương Phúc Thọ chuyển
Con sông Illinois bốc khói mịt mù như có đám cháy lớn trong mấy ngày liên tiếp, rồi đá cục nổi lều bều, lổn nhổn trông rất hỗn độn. Sau đó thì mặt sông băng thành đá cứng phẳng lì, yên lặng, và phủ đầy tuyết màu trắng.
Mùa đông năm 1981 đó, sở khí tượng tiểu bang Illinois ghi nhận mức độ lạnh kỷ lục trong vòng năm mươi năm. Hàn thử biểu tụt xuống đến trừ tám mươi độ F khi có tác dụng của gió. Tuyết bay mịt mù trời đất. Tuyết được dồn thành những đống cao ngút bên hai lề đường. Sở Công Chánh của thành phố vất vả đêm ngày, gởi xe cào tuyết xúc dọn những con đường chính của thành phố, để xe cộ có thể lưu thông. Những con đường phụ, thì tuyết ngập cao, không biết đâu là lòng đường, lề đường, bằng phẳng như một góc của thảo nguyên miền địa cực.
Thở ra mịt mù như đang thổi khói thuốc lá, tôi thử khạc một bãi nước bọt, nhổ lên tường nhà xem có tạo thành tiếng kêu “cong” như người ta thường nói dóc hay không. Ông bạn tôi nói: “Lạnh như thế nầy, thì có lẽ khi tiểu tiện ngoài trời, nước đóng thành một cái cây đá cong cứng, nối từ dưới đất lên bụng”. Tôi nói đùa: “Thôi thôi, áo quần bảy tám lớp, làm sao mà tiểu tiện ngoài trời được. Có kéo ra được, thì e gió lạnh thổi, nó đóng thành băng và gãy mất thôi.”
Tay tôi, mang vớ len dày, bên ngoài trùm thêm vớ da. Thế mà hai bàn tay cũng tê buốt, mấy ngón tay cóng lại, khó cử động. Chân tôi mang hai lớp vớ bông, đi giày tuyết, thế mà cũng nhức nhối cả bàn chân khi đi ra đường. Bên trong nhà, hơi thở ẩm làm tuyết đóng dày, trắng xóa, làm thành cái gờ to bao quanh thành cửa sổ. Chúng tôi tưởng cái lạnh nầy là bình thường ở các xứ tuyết, nên khi nghe các ông bà Mỹ than lạnh quá, thì tôi cũng ngạc nhiên.
Vợ tôi nói, còn một tuần nữa là Tết Nguyên Ðán. Tôi không trả lời nhưng trong lòng cũng thấy xao xuyến. Chỉ có trơ trọi hai gia đình Việt Nam trong cái thành phố Morris nhỏ bé với dân số bảy ngàn người nầy. Thành phố nằm về phía Tây Nam của thành phố Chicago, khoảng cách gần hai giờ lái xe. Chỉ hai gia đình thôi, thì ăn Tết với ai đây. Vui gì mà Tết nhất. Tôi nói với vợ:
“Hay là em thử kêu điện thoại cho anh chị Hy xem, họ có tính chuyện Tết nhất gì không. Họp nhau lại ăn Tết cho đỡ buồn.”
Vợ tôi kêu điện thoại, chị Hy bên kia giây nói:
“Sắp Tết rồi mà chúng tôi đâu biết, nếu anh chị không nhắc, thì có lẽ nó qua đi lúc nào chẳng hay. Tết rồi sao? Ðây là cái Tết đầu tiên của tôi trên đất Mỹ. Anh chị có tính gì không, cho chúng tôi theo với.”
Với chúng tôi, tuy không là Tết đầu tiên, nhưng trong lòng cũng không yên, nghe đâu đó có chút gì xôn xao, chờ đợi. Mấy cái Tết đầu, khi chúng tôi còn ở miền Tây nước Mỹ, vợ tôi chờ cho đến giao thừa, bốc điện thoại kêu chúc mừng năm mới bà con, bạn bè. Kêu điện thoại đường dài. Ðánh thức bà con bạn bè dậy lúc nửa đêm. Nhiều người đang ngái ngủ, bực mình, nói chuyện lạt lẽo qua loa rồi gác máy. Cái hớn hở của vợ chồng tôi bị cụt hứng nhiều lần. Ông anh vợ tôi, đi du học và ở lại Mỹ làm việc đã nhiều năm, ở tận miền đông, cách chúng tôi ba múi giờ, ông hỏi rằng:
“Có việc gì khẩn cấp không? Sao mà dựng cổ anh dậy lúc ba giờ sáng để chúc Tết. Có khùng chưa? Sao không đợi đến sáng mai rồi kêu?” Vợ tôi ngần ngừ đáp:
“Bây giờ là giao thừa!”
“Giao thừa. Hừ, giao thừa. Ở Mỹ cũng có giao thừa sao? Ha ha ha. Thôi, cô đừng kêu điện thoại cho ai khác nữa mà làm phiền họ.”
Nhờ anh, mà vợ chồng tôi dè dặt hơn, và sau nầy biết mình làm cái việc chúc mừng năm mới hơi lố.
Thế nhưng trong lòng chúng tôi chưa nguội lạnh được với cái tục lệ Tết đã ăn sâu vào trong tiềm thức từ thuở nào. Chúng tôi nhất định năm nay phải ăn Tết cùng gia đình anh Hy. Tôi nói:
“Tết mà không có bánh chưng, mứt, hạt dưa thì chẳng có mùi vị Tết. Có khác chi họp mặt ăn bình thường. Nhưng thôi, có họp nhau ăn Tết, còn hơn là quanh năm không có ngày nào Tết cả. Mình không có đạo, nên ngày Chúa giáng sinh cũng không đèn đóm, không cây thông, không bánh trái. Giáng sinh Mỹ thì nhà nhà đóng cửa, như lén lút ăn với nhau, không cho thiên hạ biết. Ðường sá vắng hoe, không rần rần đi dạo phố nửa khuya quanh nhà thờ như bên mình. Không mời bạn bè, tiệc tùng đông đảo lúc nửa đêm. Mình không là Mỹ, thì Tết Tây cũng lạt phèo, không có chi vui, vợ chồng nằm nhà xem truyền hình.”
Chúng tôi bàn chuyện Tết với gia đình anh Hy. Vợ chồng anh mừng lắm, và hẹn sẽ cúng ông bà theo lối tập thể. Bày bàn thờ cúng chung. Anh Hy sẽ xin nghỉ việc một ngày , đưa chị Hy và vợ tôi về Chicago, xuống phố Tàu , mua nếp, hạt dưa và các thứ cần thiết để mừng xuân.
Sau khi đi Chicago về, anh Hy rối rít báo cho tôi biết là có gặp anh Sáu Nạc, anh nầy đang ở trong một tu viện tại thành phố La Salle, cách thành phố tôi chừng bốn mươi lăm phút lái xe. Sáu Nạc đề nghị tổ chức ăn Tết chung cho dân Việt Nam tị nạn trong vùng. Anh sẽ mượn hội trường của tu viện để tổ chức Tết. Anh liên lạc với những gia đình Việt Nam tị nạn rải rác trong các thành phố hẻo lánh của tiểu bang. Kêu điện thoại cho họ, và hẹn ngày giờ tụ họp làm một cái Tết nhớ quê hương. Qua niên giám điện thoại, anh đã liên lạc được mười mấy gia đình trong tám thành phố khác nhau. Chưa quen biết nhau, nhưng thấy có cái tên Việt Nam là kêu liền, và khi liên lạc được, họ rối rít đón mừng, cảm động. Anh bảo những người nầy tìm kiếm thêm đồng hương, và nhắn nhau về La Salle ăn Tết. Có gia đình ở dưới miền nam, tận tỉnh xa cũng hẹn về họp mặt.
Tôi nhớ rõ, nhờ cuốn niên giám điện thoại mà quen biết anh chị Hy. Khi công ty chuyển tôi từ California lên đây để gia nhập đoàn chuyên viên đang lo xây cất một nhà máy năng lượng hạt nhân trong vùng. Loại nhà máy nầy thường xây tại các nơi dân cư thưa thớt, để tránh sự chống đối của các nhóm bảo vệ môi sinh, và nếu lỡ có tai nạn, thì cũng bớt ảnh hưởng đến đông đảo dân chúng. Nằm trong khách sạn Holiday Inn, tôi dở cuốn điện thoại, tra tìm từ họ Nguyễn, họ Trần, họ Lê, họ Phan và qua các họ lớn khác, không thấy một ai tên Việt Nam. Lật lui lật tới mãi nhiều lần, tôi tìm được cái tên Dong Hy. Tôi thầm nghĩ, không chừng ông nầy người Tàu, là hậu duệ của ông Ðổng Trác. Thử gọi điện thoại xem sao, nếu không phải Việt Nam thì xin lỗi, có mất gì đâu. Qua phút đầu tiên bỡ ngỡ, khi anh Hy biết tôi đang ở trong thành phố nầy, anh vui mừng rối rít, dù là đã chín giờ đêm, anh đòi đến khách sạn gặp tôi ngay. Anh đem cả bà mẹ già, vợ và hai con còn ẵm trên tay đến thăm xã giao. Hai vợ chồng cười vui rối rít, mừng như anh em trong nhà lâu ngày mới gặp lại nhau. Bà mẹ anh nắm tay vợ tôi mà nước mắt rưng rưng vì mừng. Chị Hy cho biết, trong thành phố nầy chỉ có gia đình anh chị là người Việt Nam nên rất thèm gặp đồng hương. Mỗi khi đi Chicago qua phố Tàu, thấy những cái đầu đen, thì lòng chợt ấm lại và nghe hân hoan. Gia đình anh chị Hy được nhà thờ bảo lãnh đến đây. Nhà thờ rất tử tế. Buổi đầu họ cung cấp nhà ở, trả luôn tiền điện nước. Mỗi tuần đưa đi chợ hai lần, và trả luôn tiền chợ. Sau mấy tuần, họ kiếm việc cho anh Hy làm trong một cơ xưởng tu bổ tàu thuyền. Phần việc của anh là cạo sét vỏ tàu. Treo mình tòn ten bên ngoài thành tàu mà gõ sét. Mùa hạ thì nắng nóng đốt cháy da thịt, khát nước liên tục, mùa đông thì gió tuyết quật, rét cắt da, gió hú ào ào. Nhưng anh Hy rất sung sướng và thỏa mãn với công việc đang làm. Lương đủ nuôi vợ, hai con nhỏ và một bà mẹ già. Chị Hy thì thỉnh thoảng đi lau chùi nhà cửa cho các ông bà già trong thành phố kiếm thêm tiền. Bà mẹ anh Hy là người Tàu chính gốc. Bà lưu lạc đến Việt Nam lúc mới mười lăm tuổi, và xem Việt Nam như quê hương. Mỗi lần nói chuyện, bà thường nói “bên mình” để chỉ cái quê hương Việt Nam của bà. Anh chị Hy khẩn khoản yêu cầu chúng tôi ở lại thành phố nầy, dù cái nhà máy chúng tôi đang xây nằm bên thành phố La Salle. Chúng tôi cũng mừng vì có đồng hương, chị Hy cùng vợ tôi chạy quanh tìm nhà thuê mà không có, phải nhờ bà bảo trợ của gia đình chị hỏi giúp. Bà vào nhà thờ, rao báo lên. Cuối cùng tìm được cho chúng tôi thuê nhà ông John. Ông ở từng dưới, và từng trên có cầu thang riêng, đầy đủ bếp núc, phòng khách, phòng ngủ, phòng tắm để cho thuê. Mỗi chủ nhật, chúng tôi ra nhà anh Hy chơi, có khi cùng ăn cháo trắng buổi sáng với cà na. Bà cụ thường lén rưng rưng nước mắt với vợ tôi, bảo là chị Hy không tốt, vì có lúc chị đánh thằng cháu nội của bà, và chị biết bà đau nhức xương cốt mà bắt ăn cà na, nhức xương thêm. Vợ tôi làm cho bà một hộp thịt chà bông lớn. Bà cảm động lắm. Thấy bà cô đơn, chúng tôi thường chở bà đi chơi, đưa bà vào quán Mỹ, mời bà ăn vài món lạ, cho bà uống sữa quậy nước dâu. Bà vui mừng và nói líu lo như đứa bé. Vợ chồng tôi cũng vui lây.
Anh Sáu Nạc dặn mỗi người đem một món đến ăn Tết. Tôi lãnh phần nấu bánh chưng theo lối cấp tốc. Cứ nấu riêng nhân đậu, thịt heo, và ba nồi xôi lớn có trộn phẩm ăn màu xanh lá chuối. Xôi phải nấu thật khô. Tôi dùng cái hộp sắt hình vuông làm khuôn. Cắt đáy hộp, lấy giấy nhôm bỏ xôi vào chừng nữa hộp, sau đó nhận đậu xanh và thịt heo vào, phủ thêm một lớp xôi nữa. Gói lại, dùng tấm gỗ mà nén thật chặt. Dùng cái búa nện cho chắc hơn. Vợ tôi bảo đừng nện chặt quá, cơm nếp nát ra thành bánh dầy, khi mở ra thấy kỳ lắm. Cột thêm dây bên ngoài. Tôi đặt tên là “ bánh chưng mạo hóa”. Trong một buổi tối, tôi làm được tám cái bánh chưng lớn. Vợ tôi lo ngại sẽ không tiêu thụ hết mấy cái bánh nầy, rồi đem bỏ đi thì tội của trời. Những năm nầy, chúng tôi không bao giờ dám phí phạm thức ăn. Vì chúng tôi đã từng đói ăn trong thời đất nước đang “tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa”. Chúng tôi đã gần chết đói khi thuyền chết máy trôi dạt trên biển khơi. Mấy cái bánh chưng tôi làm vuông vắn, cứng và đẹp hơn cả bánh chưng thật. Ðồ giả thường đẹp hơn đồ thật. Vợ chồng anh Hy xuýt xoa khen mấy cái bánh chưng của chúng tôi. Tôi dấu không cho họ biết cách nấu bánh chưng giả nầy.
Ngày họp mặt ăn Tết được chọn vào thứ bảy, vì chủ nhật nhà thờ làm lễ. Tuyết bay ngập trời, đan dày kín, thu ngắn tầm nhìn trước mặt. Quạt nước quay liên tục gạt tuyết. Tôi lái xe chạy trước, xe anh Hy bám theo sau. Phải chạy cách nhau một quãng dài, để kịp thắng khi cần. Gió hú ào ào như ma quỷ kêu gào dọa dẫm . Hai bên đường tuyết đóng thành những cánh đồng trắng xóa ngút ngàn. Có khi tuyết ngưng rơi, nhìn xuống cuối chân trời, trước mặt và hai bên, không thấy bóng cây, nhà cửa, nông trại. Tuyết mênh mông, trời đất trắng mênh mông, không có đường chân trời, hai chiếc xe lầm lũi đi tìm hơi ấm đồng hương, chở những con người còn nặng lòng thương nhớ nước non. Con đường liên tỉnh, mỗi chiều có một dòng xe, vắng hoe, như một con rạch chạy dài uốn khúc, hai bên tuyết đóng ụ cao. Những bầy chim nhỏ màu đen đói khát, đậu trên mặt đường tìm chút hơi ấm của khói xe còn vương đọng lại, chúng bay vù lên khi tránh xe đi qua, rồi đáp xuống lại trên đường. Vợ tôi thắc mắc không biết tuyết mênh mông trời đất như thế, thì lũ chim nầy ăn cái gì mà có thể sống qua suốt mấy tháng mùa đông. Trời lạnh cần nhiệt lượng, bụng mau đói, mà chỉ có tuyết trắng bao phủ dày đặc, đâu có ăn tuyết mà sống được. Từ tỉnh lộ, chúng tôi bắt qua xa lộ, xe cộ đông đảo hơn. Hai ven đường, năm bảy chiếc xe vận tải hàng, lớn như những căn nhà, bị trượt bánh, lật nằm ngả nghiêng. Những ông tài xế đường dài kia, chạy xe bất kể ngày đêm, đi băng qua lục địa Mỹ, đi từ bờ Thái Bình Dương qua đến bờ Ðại Tây Dương và ngược lại. Chuyên chở hàng hóa, thực phẩm, và phải giao hàng đúng hạn kỳ vì sợ bị hư thối, hoặc chậm trễ công việc thương mại. Các ông sống với sương gió nắng mưa dọc theo xa lộ nhiều hơn sống trong nhà, họ thiếu ngủ thường trực. Xe thì lớn cồng kềnh, dài lòng thòng, chỉ cần một sơ xuất nhỏ là gây tai nạn dính chùm. Tôi nhìn những chiếc xe ngổn ngang chỏng gọng nằm giữa tuyết ở hai ven đường mà cảm thương cho người, và sung sướng cho mình, không phải cực nhọc vất vả như cuộc đời của những người tài xế kia.
Ði qua khỏi cánh đồng tuyết mênh mông, thì thấy cái tháp chuông nhà thờ nhọn, nhú lên lờ mờ ở chân trời. Cứ nhắm hướng đó mà đi tới. Tuyết lại đổ mịt mù, che mất không gian trước mặt. Từng vờ tuyết lớn úp chụp vào kiếng xe. Con đường trơn trợt, tôi chạy chậm lại chờ xe anh Hy. Thấy xe anh Hy dừng, tôi lái xe thụt lùi lại hỏi. Anh Hy quay kiếng xuống nói vọng qua:
“Tuyết đổ dày quá, không thấy đường mà lái. Dừng lại chờ cho bớt cơn bão tuyết rồi đi.” Tôi nói lớn trong gió gào:
“Không được. Dừng lại thì tuyết nó phủ dày, ngập bánh xe, không lái ra khỏi ụ tuyết đâu. Vả lại, dừng xe mà nổ máy, khói xe độc lắm, có thể chết người.”
Chúng tôi chạy xe thật chậm, cẩn thận trên con đường vắng hoe. Cuối cùng, cũng đến nơi. Tu viện lớn như tòa lâu đài cổ, nhiều căn nhà ngang dọc. Sân tu viện trắng xóa mênh mông. Trong bãi đậu xe đã có gần chục chiếc, đa số là xe cũ, kềnh càng, móp méo. Ðúng là xe của những người tị nạn, thừa hưởng được từ lòng nhân ái của các hội nhà thờ đem tặng. Tôi và anh Hy xốc nách dìu bà cụ của anh, đi qua cái sân đầy tuyết. Bà cụ không đi, mà xìa chân ra trượt trên tuyết và cười hăng hắc vui vẻ.
Trong hội trường đã xôn xao tiếng người. Ða số đến trước giờ hẹn. Họ nôn nao quá, phải đi cho sớm để gặp đồng hương. Hai dãy bàn dài có trải khăn trắng, đã bày sẵn nhiều loại thức ăn khác nhau. Phía cuối tường có kê một cái bàn, làm bàn thờ tổ quốc, bên sau treo lá cờ lớn. Anh Sáu Nạc chạy lui chạy tới, tíu tít bận bịu. Mọi người đều góp tay vào việc sửa soạn. Không có ai là chủ, ai là khách.
Thế mà có gần đủ các món Tết của Việt Nam. Hạt dưa, mứt, dưa món, củ kiệu, bánh dầy, bánh chưng, bánh da lợn, bánh đúc, bánh bò, thịt kho nước dừa, có cả một nồi bún bò, và một thùng phở. Mọi người hớn hở vui cười nói chuyện hàn huyên. Tất cả có mười lăm gia đình, được bốn mươi sáu người. Gia đình anh Hy đông nhất, có bà cụ, hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ. Có nhiều gia đình chỉ độc nhất một người như anh Sáu Nạc, Chị Nha, bà Trang, ông Phú và mấy người thanh niên khác nữa. Họ đến từ nhiều thành phố khác nhau trong các vùng phụ cận : Rochelle, Morris, Peru, Kewanee, Streator, Chillicothe, Pontiac, Peoria. Mười lăm gia đình ở chín thành phố khác nhau. Tất cả đều độn áo quần năm bảy lớp, làm cho thân thể sưng phồng lên tròn vo, trong lúc mặt mày còn xương xẩu, gầy còm, khắc khổ. Chứng tích của những ngày thiếu thốn trong trại tị nạn, và đậm nét hơn của những năm hòa bình, bữa khoai sắn, bữa bo bo, bữa cháo, bữa cơm.
Họ cười cười, nói nói hân hoan, nhưng trong ánh mắt họ chan chứa sâu thẳm nỗi buồn, không ai dấu được ai. Một anh lớn tuổi nhận xét:
“Trong một đám đông Á Châu, thì người ta có thể nhận ra ai là Việt Nam ngay, vì trên mặt họ không che dấu được nỗi buồn sâu kín.”
Có người hỏi lại:
“Tại sao mà buồn? Ðã tìm được tự do, đã sống trên miền đất mơ ước còn buồn cái gì?”
“Anh nói lạ chưa. Nước mất, nhà tan, gia đình ly tán khắp năm châu, kẻ tội tù, người bị đày đọa. Bạn bè, anh em, kẻ chết chìm đáy biển, người chết khô trên rừng, và người ở lại thì không thấy bóng tương lai. Họa là sắt đá mới không biết buồn. Ngay cả những nụ cười khi lòng hân hoan, cũng có cái buồn phảng phất đâu đó trên môi, trong ánh mắt.”
Tôi nhìn sâu vào ánh mắt từng người đồng hương và thở dài. Có lẽ cũng phải mười năm, mười lăm năm nữa, may ra họ mới quên lãng và hết buồn. Gặp gỡ, họ xoắn lấy nhau chuyện trò, như những người bạn thân thiết lâu ngày. Ðủ thứ chuyện trời đất mưa nắng. Nhưng nhắc nhở nhiều nhất là chuyện quê nhà ngày xưa, những êm đềm hạnh phúc trong quá khứ, và những gian nan cay cực đã qua trong xã hội mới, những hiểm nguy khi đi tìm tự do.
Sáu Nạc nói với tôi rằng quê anh ở Rạch Giá. Trước năm 1975, anh mơ ước hòa bình bằng mọi giá. Quốc gia hay cộng sản anh không cần, chỉ cần được sống yên bình, không còn chiến tranh, chết chóc. Anh đã né tránh tham gia vào cuộc tương tàn bằng cách trốn đi lính. Trốn chui nhủi như một con thú. Khi nào cũng sợ bị bắt. Hòa bình đến, mừng như cất được gánh nặng ngàn cân. Nhưng nỗi vui mừng tắt ngay và nhận ra, thà có chiến tranh mãi mãi, để còn chút không khí tự do, còn hơn là thứ hòa bình khủng khiếp lạ kỳ nầy. Anh vượt biển với hai đứa em, một trai một gái. Hai đứa đã bỏ mạng trên biển, chỉ còn mình anh đến được bến bờ tự do. Anh được tu viện bảo trợ đến đây. Cho một căn phòng để ở, cơm nước có các Bà Chị nữ tu nấu nướng cho toàn viện. Áo quần cũng được các chị giặt giúp. Công việc hàng ngày của anh là ngồi trên xe cắt cỏ, cắt từ đầu nầy đến đầu kia khu vườn của tu viện rộng mênh mông nầy . Khi cắt đến cuối vườn, thì đầu kia cỏ cũng đã mọc vừa cao, quay trở lại cắt nữa. Cứ thế mà ngồi trên xe suốt cả mùa xuân mùa hạ. Ðến mùa thu thì vừa cắt cỏ vừa thổi và hốt lá vàng, liên tục từ sáng cho đến chiều. Mùa tuyết đổ, thì suốt ngày ngồi trên xe xúc tuyết, ủi sạch tuyết cho xe lưu thông trong khuôn viên tu viện. Trong tu viện, ai cũng làm việc, không việc nầy thì việc kia, chẳng ai ngồi không. Nhà thờ rất công bằng và tử tế, trả lương cho anh theo số giờ làm việc. Bởi vậy nên anh hăng hái hơn và thấy vui hơn trong khi làm. Ở đây rất tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm, không ai bó buộc. Miễn sao công việc hoàn tất thôi. Mỗi thứ bảy, chủ nhật anh chạy xe về Chicago chơi, thăm viếng bạn bè, vào khu phố Tàu ăn uống, mua các thức cần dùng, rồi lang thang trong các phố Tàu để có cảm giác như gần gũi với quê nhà hơn. Anh thấy được yên ổn sống trong tu viện nầy là quá hạnh phúc, quá sung sướng. Anh nghĩ rằng, ngày xưa, ông Ngô Ðình Diệm khi qua Mỹ lánh nạn, sách viết rằng, ông cũng được sống trong một tu viện, có lẽ cái tu viện đó tương tự như tu viện nầy. Và có lẽ, ông cũng được nhà thờ cho công việc làm để có chút tiền tiêu và quên ngày tháng buồn bã nơi đất khách quê người. Trong thành phố La Salle nầy, chỉ có anh Sáu Nạc là người Việt Nam thôi. Gia đình Việt Nam ở gần anh nhất, là anh chị Trương, ở một thành phố phía Bắc, cách nhau chừng bốn mươi dặm. Anh Trương trước là quan tòa, ngồi xử án thiên hạ. Sau năm 1975 thì đi tù. Nhờ có thân nhân làm lớn trong ngành công an, móc nối với chỉ huy trưởng trại cải tạo, đút lót tiền bạc, được về sớm hơn bạn bè. Anh đóng tiền đi vượt biên bán chính thức theo người Tàu. Anh Trương trắng trẻo như một thư sinh. Anh cho biết đang làm nghề hái nấm cho một nông trại trong tỉnh. Nấm trồng trong nhà lồng lớn, có giàn kệ cao, nhiều lớp chồng lên nhau. Suốt ngày anh đứng chàng hảng, đạp chân lên hai cái giàn kế cận, lùa tay vào bên trong nhặt nấm. Theo anh, thì công việc cũng nhẹ nhàng. Ai chăm có thể làm một ngày mười hai tiếng, và nếu muốn, thì làm luôn cả thứ bảy, chủ nhật. Vợ chồng anh đều làm cho nông trại trồng nấm nầy. Ðứa con được xe trường đưa rước tận nhà mỗi ngày. Anh cho rằng, đây là thiên đường tìm thấy, không cần đi tìm đâu xa xôi. Tiền lương tiêu không hết, đời sống an bình hạnh phúc. Căn nhà ba phòng, có vườn rộng mênh mông, thuê rất rẻ. Chị Trương thả gà, trồng hoa quả, rau ráng trong mùa nắng ấm. Mùa đông thì họ rút vào phòng, đốt lò sưởi, xem truyền hình, nghe nhạc. Mỗi tháng, họ lái xe về Chicago một lần mua các thức ăn khô Á Ðông. Tôi gợi ý cho anh Trương tìm cách ghi danh vào các đại học, kiếm một nghề chuyên môn, để đời sống khá hơn. Anh Trương cười và nói với giọng vui vẻ:
“Mình đi tìm tự do. Có được tự do là quý rồi. Lại được thêm ấm no hạnh phúc nữa. Ðòi hỏi thêm làm gì. Tôi đang có sự an bình, thanh thản, sung sướng. Bỏ cái đang có, đi tìm cái chưa có, e thêm khổ thân mà thôi. Trong trại nấm nầy, tôi thấy công việc dễ dàng, tốt đẹp, thế mà rất nhiều người đến đây, làm vài tuần, vài tháng, rồi bỏ đi, uổng quá.
Họ không thấy được cái hạnh phúc của đời sống an bình, thì đi đâu họ cũng không tìm được cả.” Tôi ngần ngại nói thêm:
“Ở đây cô quạnh. Anh chị không thấy buồn? Vả lại, anh chị lại có trình độ sẵn, đi học cũng mau” Anh Trương cười ha hả:
“Học! Chính vì cái học mà bị đi tù ba năm. Khi tôi đi tù, thì bố tôi thường than rằng, nếu tôi chịu ở nhà làm ruộng như mấy ông anh, đừng đi học, thì đâu đến nỗi tù tội cho khổ cái thân. Còn cô quạnh, thì cũng có chút chút. Nhưng tôi nhớ khi còn ở trong nước, tôi và bạn bè thường mơ ước được ra sống ngoài hoang đảo, để khỏi bị phiền nhiễu, lo âu trong chế độ mới. Bây giờ, ở đây, một xứ văn minh, có thành phố, có con người, thì cái cô quạnh nầy có đáng gì.”
Nói xong, anh Trương quay qua hỏi một ông đứng bên cạnh:
“Tôi nghĩ như thế có đúng không anh Dương?”
“Ðúng hoàn toàn. Ở đâu tìm được an bình hạnh phúc, thì nơi đó là thiên đàng hạ giới.”
Anh Dương trả lời, y hệt giọng điệu anh Trương. Anh Dương chừng trên dưới bốn mươi tuổi. Khi ở Việt Nam, anh hành nghề bác sĩ, vợ anh là dược sĩ. Hai vợ chồng đang làm công nhân cho một chợ tạp hóa Mỹ. Ngày ngày sắp xếp rau cải, trái cây lên quầy, phun tưới nước, dọn dẹp bên trong, bên ngoài. Anh chị có hai đứa con đang học trung học. Nhiều bạn bè rủ anh chị về California để học thi, trở lại nghề cũ, nhưng anh cảm thấy tạm bằng lòng với đời sống hiện tại, và tìm được an bình trong đời sống đơn giản nơi đây, không muốn đi đâu cả. Vả lại, anh chị không muốn làm xáo trộn việc học hành của con cái. Anh cũng từng đi tù. Cũng từng trở lại nghề cũ, nhưng chán ngấy với những gò bó, ép buộc. Anh đã bỏ nghề, theo vợ chạy ngược xuôi chợ trời buôn bán thuốc tây, áo quần cũ, đồng hồ, máy móc. Vắt giò lén lút chạy quanh chợ trời, mà anh thấy vui và thoải mái hơn là đến nhà thương nghe chỉ thị, học tập, đường lối, chính sách. Anh đi vượt biển không tốn tiền, vì được mời làm bác sĩ cho chuyến tàu hơn hai trăm người, trên tàu có những gia đình giàu có, họ cần bác sĩ để phòng khi bất trắc. Nhưng ra biển, anh say sóng nằm dài. Cả thuyền cũng không ai chăm sóc được ai. Gia đình anh được một họ đạo bảo trợ về thành phố nhỏ hiu quạnh nầy. Anh có ý định, viết một tập hồi ký, gọi là lịch sử dân gian. Anh sẽ không viết về những trận đánh, những hiệp ước, những chính quyền. Mà chỉ viết lại trung thực về đời sống trong dân gian của một giai đoạn khổ đau trong lịch sử. Viết với sự bình tĩnh, khách quan, không để tình cảm thương ghét, căm giận xen vào sự kiện. Anh sợ người đời sau quên, con cháu quên, rồi lại dẫm lên vết xe đổ cũ. Anh sợ những bóp méo lịch sử làm sai lạc sự thực, đời sau không ai còn biết đến những điều kỳ lạ đã xẩy ra trong xã hội của thời đại qua. Và nếu không ai viết, thì đời sau làm sao còn có những tài liệu để truy tìm sự thực.
Trong đám đồng hương, người rầu rĩ ít nói nhất là ông Nguyên. Vợ và bảy đứa con nhỏ của ông đã chết trên biển. Ông cười mà cái miệng méo xệch như đang khóc, và tiếng cười nghẹn trong cổ họng càng giống tiếng khóc hơn. Ông may mắn sống trong thành phố có đến ba gia đình Việt Nam. Thỉnh thoảng họ ghé thăm nhau cũng đỡ buồn. Có người nói, ông đang dự tính dời nhà về vùng Hoa Thịnh Ðốn, nhưng nghe nói mãi mà chưa thấy ông ra đi. Thỉnh thoảng, ông được chị Hòa cho mượn mấy tờ báo Việt Nam đọc, ông quý và trân trọng giữ gìn cẩn thận. Chị Hòa tốt nghiệp kỹ sư hóa học, qua Mỹ từ hồi 1975, được hãng Du Pont thuê, và đang làm việc cho một nhà máy biến chế hóa học trong vùng. Chị là một trong ba gia đình Việt Nam của thành phố mà ông Dương đang ở. Bố mẹ chị thỉnh thoảng gởi sách báo Việt nam cho chị đọc, như một món ăn tinh thần. Chị thường than, là nếu làm việc mãi nơi đây, thì làm sao mà có chồng được. Tuổi tác chị cũng đã trên dưới ba mươi rồi.
Ðúng mười một giờ, cụ Trần, người lớn tuổi và chững chạc nhất, dâng hương lên bàn thờ tổ quốc. Cụ thắp hương và vái ba lạy về hướng Tây Nam, nơi mà cụ nghĩ là quê hương Việt Nam nằm về phía đó. Anh Sáu Nạc bắt nhịp, cùng tất cả đồng hương hát quốc ca Việt Nam. Lần đầu tiên nghe lại bản quốc ca sau nhiều năm dài, trái tim tôi nhói lại, lòng xúc cảm dạt dào. Nhiều người không cầm được lòng, để nước mắt chảy xuống hai dòng tràn trề trên má. Nhiều bà thút thít khóc, vừa khóc vừa hát. Khi hát xong, bà cụ anh Hy hỏi nho nhỏ:
“Sao không ca cải lương cho vui, mà ca cái bài gì lạ hoắc, làm nhiều người buồn khóc?”
“Ðây là bài quốc ca” Vợ anh Hy nói nhỏ.
Bà cụ nói lại với giọng miền Nam run run:
“Uất ca! Uất chết được đi chớ. Ðang sống yên lành, họ từ ngoài Bắc vô, cấm đủ điều, cấm buôn bán, cấm làm ăn, ngăn sông cấm chợ, xô người ta ra biển, bỏ cả mồ mả cha ông mà chạy. Phải rồi, hát ‘uất ca’ là đúng”
Sau bản quốc ca, là một phút mặc niệm cho những đồng bào đã bỏ mình trên biển khơi khi đi tìm tự do. Vừa nghe xong, thì ông Nguyên, người có vợ con chết biển, úp hai tay vào mặt và chạy mau ra khỏi hội trường. Anh Sáu Nạc vội vã đuổi theo ông Nguyên.
Sau nghi thức, mọi người nhập tiệc. Tôi hơi ngượng khi nghe có bà nào đó nói:
“Bánh chưng ngon tuyệt. Ai nấu bánh chưng đây? Ngồi canh lửa nấu bánh ngày tết thiệt là vui. Ở đây mình mất cái thú đó rồi”
“Bánh nầy hơi cứng. Hay là vì trời lạnh làm bánh khô, ăn như ăn cơm nếp.”
Vợ tôi nói:
“Bánh nầy do ông xã em nấu đó. Ông nấu một..”
Tôi vội vã đá vào chân vợ tôi dưới gầm bàn, và nói mau, nho nhỏ:
“Thôi, em đừng nói thật làm bà con mất vui. Cứ để họ thưởng thức cái hương vị bánh chưng của họ trong quá khứ. Bật mí ra làm chi.”
Mấy người mang tô nhựa đến nồi phở, đứng chờ thành hàng dài. Chị chủ nhân nồi phở hớn hở trụng lại bánh phở, múc nước lèo, gắp thịt thái sẵn, bỏ hành ngò, mùi phở thơm tho bốc lên trong cái hội trường đóng kín.
“Ngon không thua gì phở Pasteur. Cho em thêm cái hành trần đi. Trời lạnh, ăn phở nóng là lên thấu thiên đàng.”
Mấy người khác, đưa tô cho chị người Huế múc bún bò. Trên mặt nồi bún bò, nước ớt màu đỏ lòm đọng váng. Một anh nói:
“Bún bò có cả giò heo nữa, thiệt là đúng điệu. Chị cho thật nhiều nước cay vào. Không cay, thì bún bò mất đi một phần ngon. Bún bò mà không cay, thì cũng như đàn bà con gái không trang điểm nhan sắc. Vừa ăn vừa khóc cũng không sao.”
Dù cho bánh phở và bún được biến chế từ các loại mì dẹp và mì sợi của Ý, thứ mà người Mỹ gọi là pasta và spaghetti, nhưng mọi người đều tận tình thưởng thức, hết lời khen các chị nấu ngon, có tài xoay xở trong hoàn cảnh khó khăn.
Lúc quá trưa, thì có hai xe của các gia đình Mỹ bảo trợ đến chung vui. Trời bão tuyết, mà họ cũng lặn lội đến ủng hộ tinh thần, mới thấy tấm lòng tử tế của họ. Hai ông bà Mỹ già trên dưới sáu mươi, và hai vợ chồng trẻ khác.
Tôi hỏi chị Hoa:
“Bà bảo trợ của chị phải không? Thật là quý hóa. Bà tên gì để tôi ra chào?”
Chị Hoa đỏ mặt nói lí nhí:
“Tên kỳ lắm, khó nghe, nói ra mắc cở cái miệng. Bà A-Ðịch đó (Adith). Lần đầu tiên nghe tên bà, em cười đến đau cả ruột.”
Tôi cười và nhớ đến câu “Ăn thịch dịch, ngứa đích, địch thơm mùi mích” của mấy ông bạn ngày xưa hay trêu ghẹo nhau.
Hai cặp vợ chồng người Mỹ bảo trợ, được bà con tiếp đãi ân cần. Họ là đại diện cho những ân nhân, cho nhà thờ, đã mở rộng vòng tay nhân ái, vòng tay tình thương, tiếp đón những con người trôi sông lạc chợ, gạt nước mắt lìa bỏ quê hương ra đi đến phương trời vô định, tương lai vô định. Các ông bà bảo trợ ăn thử từng món, món nào cũng khen ngon, cũng hít hà rối rít. Không biết họ có khen thiệt tình, hay chỉ khen vì tội nghiệp cho cái đám người tị nạn nhếch nhác lôi thôi ngơ ngáo đó. Khi ăn một miếng bánh da lợn, bà Mỹ già hỏi:
“Bánh gì đây?”
Vì vốn liếng Anh ngữ còn loạng quạng, một anh trả lời bằng cách dịch từng chữ của bánh da lợn ra tiếng Anh: “Pig skin cake” (Bánh da heo) Bà Mỹ già quát lên:
“Cái gì ? Da heo?”
“Ðúng”
Bà Mỹ già như nghẹn trong họng với miếng bánh đang ăn. Bà ngậm miệng lại, với vẻ mặt bối rối, như muốn nhổ ra, mà vì lịch sự không dám nhổ ngay. Bà Mỹ trẻ thì rùn hai vai lại, há miệng thè lưỡi ra sợ hãi. Hai ông chồng thì cười hóm hỉnh. Sau đó mấy ông bà Mỹ được mời ăn món phở, mỗi người một tô nhỏ. Các ông bà khen ngon, và hỏi cách nấu phở ra làm sao. Tội nghiệp chị Hương, mệt phờ, đổ mồ hôi hột, dùng tay chân, và cái vốn Anh ngữ đơn sơ của chị để dạy mấy bà Mỹ nấu phở. Có lẽ hai bà Mỹ không hiểu chị muốn nói gì, nhưng cũng gật đầu vui vẻ như sẽ nấu được phở ngay. Chị người Huế ngồi bên nồi bún bò thấy phở được khen rối rít, chị kêu tôi mời mấy ông bà Mỹ ăn bún bò. Tôi chào và kéo mấy ông bà qua nồi bún bò, nói:
“Món nầy cũng ngon đặc biệt, phát xuất từ cố đô Huế của chúng tôi, nơi vua chúa ngự trị mấy trăm năm.”
Chị nấu bún bò vui cười, sung sướng, tôi dặn chị cho ít ít nước cay mà thôi. Chị nói rằng, trời lạnh mà ăn bún bò giò heo nầy, thì phải nhớ một đời. Chị lựa mấy cái giò heo vừa dài, vừa lớn bỏ vào từng tô. Tôi đưa ra mời, mấy ông bà Mỹ vui cười, mỗi người cầm một tô. Chưa ăn thì bà Mỹ trẻ chỉ vào cái chân giò, có lông lún phún hỏi:
“Cái gì đây?”
Tôi chưa kịp đáp, thì anh Sáu Nạc đã nói lớn, dịch chữ móng giò heo ra là “pig leg nail”. Hai bà Mỹ trợn tròn mắt cùng thét lên:
“Móng chân heo?“
“Vâng, ngon lắm, ăn đi.”
“Không không, chúng tôi no lắm rồi, không ăn thêm được đâu.”
Ông Mỹ già lịch sự nói. Cả bốn người đều đặt những tô bún bò xuống bàn. Mặt mày họ lộ vẻ khiếp đảm. Sau đó , họ không dám ăn thêm một món nào nữa. Chị nấu bún bò người Huế ngơ ngác mở to mắt hỏi tôi. Tôi giải thích cho chị rằng, có lẽ họ chưa quen ăn móng giò heo nên sợ. Chị chíp miệng, tiếc mấy người khách kia chưa kịp nếm thử bún bò mà đã từ chối không ăn.
Mấy chị tụ họp kể chuyện xưa bên nhà, những kỷ niệm vui, những ngày Tết, những loại cây trái, bánh mứt. Rồi kể đến một thời khó khăn trong xã hội mới, những cay cực phải chịu, những gian nan khi liều thân ra biển. Một chị rưng rưng nước mắt khóc, nói rằng không biết giờ nầy cha mẹ bên Việt Nam đang làm gì. Nước mắt của chị như làm mồi cho những chị khác. Mấy chị cũng méo miệng khóc thút thít, rồi khóc to thành tiếng, nhiều chị khác không cầm được lòng, khóc theo. Tiếng khóc vang như có đám ma. Mấy người đàn ông cũng đỏ hoe con mắt. Anh Sáu Nạc run run nói : “ Lạ chưa? Việc chi mà khóc! Có tự do, có cơm áo hạnh phúc rồi, sao còn khóc?”. Nói mạnh thế, nhưng tròng mắt anh cũng nhạt nhòa ướt. Anh lấy khăn giấy lau mắt, và cắn môi lại cho khỏi khóc thành tiếng.
Mấy ông bà Mỹ bảo trợ, ngạc nhiên băn khoăn hỏi tôi có chuyện gì xẩy ra? Tôi đáp gọn: “Họ khóc vì thương nhớ quê hương”. Bà A-Ðịch nói nhỏ: “Hình như các người trăm cay ngàn đắng mới trốn thoát ra khỏi quê hương. Sao còn thương nhớ mà khóc lóc đến thế?”. Tôi muốn trả lời với bà rằng, bà không là người mất quê hương, làm sao hiểu được tấm lòng chúng tôi, nhưng tôi sợ mất lòng không dám nói ra. /.
Tràm Cà Mau
Leave a Reply