Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?

 

Thi muối kim chi tại Festival Kimchi, Seoul, Hàn Quốc, ngày 03/11/2017.
Thi muối kim chi tại Festival Kimchi, Seoul, Hàn Quốc, ngày 03/11/2017. AP – Ahn Young-joon

Cùng với những mâu thuẫn khác âm ỉ từ lâu, câu chuyện “nhận vơ” này đã dẫn đến hệ quả là dự án xây một khu phố Hoa mới tại Hàn Quốc đã bị hủy ngay sau đó.

Bibimbap (비빔밥“made in China” gây tranh cãi trên sóng truyền hình Hàn Quốc

Trong tập 8 của bộ phim truyền hình Vincenzo của đài tvN, cảnh nhân vật nữ chính Hong Cha Young (do Jeon Jeo Bin thủ vai) đưa cho nam chính Vincenzo (do Song Joong Ki thủ vai) món cơm trộn (bibimbap) đóng hộp do một thương hiệu Trung Quốc sản xuất đã gây lên làn sóng bất bình trên mạng xã hội. Cụ thể, trong phân cảnh phim, nhân vật nữ nói rằng đây là “món ăn ngon miệng” và camera đã chiếu thẳng vào dòng chữ bibimbap được viết bằng tiếng Trung Quốc.

Bibimbap vốn được biết đến là một món ăn truyền thống lâu đời của Hàn Quốc. Chính vì vậy khi món ăn này lên sóng dưới mác “made in China” trong một bộ phim với sự góp mặt của những tên tuổi nổi tiếng khắp châu Á này đã gây nên một sự phẫn nộ trong cộng đồng mạng Hàn Quốc. Sản phẩm quảng cáo trong phim là món cơm trộn được tiêu thụ ở Trung Quốc và do thương hiệu Zihaiguo của Trung Quốc hợp tác với Viện Vệ sinh Hàn Quốc sản xuất.

Sự việc kéo theo một làn sóng phản đối của người dân Hàn Quốc với các sản phẩm thực phẩm được sản xuất tại Trung Quốc. Một người xem phim trực tuyến bình luận : “Sao lại sử dụng bibimbap do Trung Quốc sản xuất ? Rồi người Trung sẽ nói rằng bibimbap là một món ăn của Trung Quốc cho xem”.

Một người xem khác viết : “Nếu chỉ vì muốn kiếm tiền mà nhận quảng cáo cho những công ty Trung Quốc, thì người nước ngoài khi xem phim không phải sẽ nghĩ rằng bibimbap là món ăn của Trung Quốc sao ? Đây là một vấn đề nghiêm trọng. Tôi biết tiền là quan trọng nhưng sự việc này đang đi quá xa rồi”.

Được RFI Tiếng Việt đặt câu hỏi, một phụ nữ Hàn Quốc (xin ẩn danh) cho biết cảm nhận :

“Tôi đã xem bộ phim Vincenzo và thấy bibimbap do Trung Quốc sản xuất được quảng cáo. Mặc dù họ đã bỏ đoạn quảng cáo đó đi, nhưng tôi nghĩ rằng họ không thực sự hiểu cảm giác khó chịu của người xem khi thấy người Trung Quốc thể hiện rằng những món ăn đó như là của họ vậy. Tôi nghĩ sau sự việc này họ cần phải xem xét kỹ lưỡng trước khi nhận quảng cáo các sản phẩm của Trung Quốc trên truyền hình”.

Đài tvN – đơn vị sản xuất phim – đã buộc phải hủy bỏ thỏa thuận cho những lần quảng cáo tiếp theo với phía công ty Trung Quốc sau khi nhận những chỉ trích nặng nề từ mọi phía. Diễn viên chính của bộ phim Song Joong Ki cũng đã phải lên tiếng xin lỗi ngay sau khi kết thúc bộ phim.

Tranh chấp kim chi (김치) và các di sản văn hóa khác giữa hai nước

Một lý do khác khiến sự việc này trở thành chủ đề được nhiều cộng đồng mạng quan tâm là vì trước đó đã nổ ra những tranh cãi khi Trung Quốc cho rằng có nhiều món ăn và văn hóa lâu đời của Hàn Quốc là di sản văn hóa của nước họ như món kim chi (김치) hay trang phục truyền thống Hanbok (한복).

Chính Global Times (Hoàn Cầu Thời Báo) đã khơi mào tranh chấp về kim chi khi tuyên bố rằng Trung Quốc mới là nước thiết lập tiêu chuẩn quốc tế cho nền công nghiệp “rau muối”. Cơ quan ngôn luận bằng tiếng Anh của đảng Cộng Sản Trung Quốc còn cho rằng tên gọi “quốc gia kim chi” của Hàn Quốc chỉ là trên danh nghĩa.

Trước đó, Youtuber nổi tiếng của Trung Quốc Lý Tử Thất (Li Ziqi) đăng video tự làm kim chi lên Youtube với hastag món kim chi là ẩm thực truyền thống của Trung Quốc. Việc này đã khiến cư dân mạng Hàn Quốc phẫn nộ, như lời bình của một người sử dụng mạng xã hội : “Tôi không có ý kiến gì về việc bạn làm món ăn này, nhưng ít nhất bạn nên viết kim chi là món ăn truyền thống của Hàn Quốc chứ ?”

Sau đó, truyền thông Hàn Quốc lập tức vào cuộc phản đối tuyên bố của Hoàn Cầu Thời Báo, đồng thời cáo buộc nước láng giềng đang cố gắng biến kim chi – một món ăn truyền thống làm từ cải thảo của Hàn Quốc – trở thành món pao cai xuất xứ Trung Quốc. Như đổ thêm dầu vào lửa, ông Trương Quân (Zhang Jun), đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc đăng video tự làm kim chi và gọi đó là món ăn của Trung Quốc. Ông cho rằng Hàn Quốc đang hoang tưởng và thiếu tự tin về vấn đề văn hóa.

Người Hàn Quốc kiến nghị hủy bỏ dự án làng văn hóa Trung Quốc

Vào năm 2019, tỉnh Gangwon của Hàn Quốc và Nhân Dân Nhật Báo (People’s Daily Online) của Trung Quốc đã thỏa thuận ký kết dự án xây làng văn hóa Trung Quốc tại tỉnh này. Theo thỏa thuận, “Làng Trung Quốc” sẽ có diện tích khoảng 1,2 triệu mét vuông – lớn gấp 10 lần so với khu phố Hoa lớn nhất hiện nay ở Hàn Quốc là khu phố Hoa tại Incheon.

Thống đốc tỉnh Gangwon, Choi Moon Soon, đã gọi dự án này là một phần của “Sáng kiến Một vành đai một con đường Văn hóa” tại lễ khởi công. Tuy nhiên, dự án đã làm dấy lên sự phẫn nộ mạnh mẽ trong cộng đồng người Hàn Quốc. Nhiều người Hàn Quốc tin rằng đảng Cộng Sản Trung Quốc đang thực hiện chủ nghĩa đế quốc văn hóa ở Hàn Quốc để mở rộng ảnh hưởng chính trị của Bắc Kinh.

Ngày 29/03/2021, một bản kiến nghị đã được đăng ký trên trang web của chính phủ Hàn Quốc yêu cầu tỉnh Gangwon hủy bỏ dự án “Làng Trung Quốc” với lời lẽ gay gắt : “Tại sao chúng tôi phải đồng ý xây dựng một Trung Quốc thu nhỏ ở Hàn Quốc ? Chúng tôi không hiểu tại sao chúng tôi lại phải trải nghiệm văn hóa Trung Quốc trên chính mảnh đất của chúng tôi ? Chúng tôi kiên quyết phản đối”.

Tính đến ngày 21/04/2021, bản kiến nghĩ đã nhận được 627.000 chữ ký. Đây là số chữ ký lớn nhất mà Nhà Xanh từng nhận được. Cuối cùng, vào ngày 29/04/2021, Kolon Global Corporation – công ty xây dựng chịu trách nhiệm cho dự án này – đã đưa ra một thông báo thông qua chính quyền Gangwon rằng họ sẽ đánh giá lại toàn diện dự án. Dự án ban đầu được lên kế hoạch hoàn thành vào năm 2022, sau đó đã bị tạm dừng.

Khi được hỏi về các vấn đề xoay quanh mối quan hệ Hàn – Trung gần đây, anh Eun-Ki – một công dân Hàn Quốc cho biết :

“Tôi không thích họ thực hiện các dự án hợp tác với Trung Quốc. Trên Youtube hay các phương tiện truyền thông khác, tôi nghe nói Trung Quốc khẳng định phần lớn văn hóa hoặc di sản của Hàn Quốc thực ra là của chính họ, như thể họ coi đó là điều hiển nhiên vậy. Những hành động đó chắc chắn là sai lầm và tôi hi vọng tất cả các sự kiện cần phải được truyền tải chính xác trên thế giới”.

Trung Quốc với tư tưởng bành trướng đã, đang và sẽ luôn muốn đồng hóa và thay đổi các quốc gia láng giềng. Với phương châm biến những gì chưa có tranh chấp thành “tranh chấp”, những gì đang tranh chấp thành của mình, họ đã thay đổi văn hóa của các khu vực như Tây Tạng, Tân Cương và Nội Mông bằng tiền và quyền lực.

Hàn Quốc nói riêng và các nước xung quanh Trung Quốc nói chung cần có một quan điểm vững vàng và lập trường đúng đắn đủ để giữ lại những gì thuộc về đất nước mình.

Share.

Leave a Reply