Saturday, April 27 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Phạm Văn Tuấn
Anatole France là nhà văn, nhà  thơ, nhà phê bình văn học, một trong các nhân vật thuộc Nền Văn Chương Pháp vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Anatole France cũng là một nhà viết tiểu thuyết thành công với nhiều tác phẩm thuộc loại bán chạy nhất. Là một nhân vật châm biếm và bi quan, Anatole France được coi là một văn nhân lý tưởng vào thời đại của ông.
Anatole France được bầu vào Hàn Lâm Viện Pháp Quốc (L’Académie francaise) và được trao tặng Giải Thưởng Nobel Văn Chương năm 1921 vì “các thành quả văn chương sáng lạn, với các đặc tính là thể văn quý phái, niềm thông cảm sâu xa với nhân loại, lời văn duyên dáng và cá tính Pháp” (in recognition of his brilliant literary achievements, characterized as they are by a nobility of style, a profound human sympathy, grace, and a true Gallic temperament).
Trong các tác phẩm ban đầu, Anatole France đã bộc lộ đường hướng bi quan rồi về sau, ông tỏ ra bất bình với các giá trị tư sản, điều này đã khiến ông chế  giễu giới tu sĩ và các chủ thuyết tôn giáo trong các tác phẩm. Vào năm 1922, các tác phẩm của ông đã ở trong danh sách các sách truyện bị Nhà Thờ Cơ Đốc La Mã cấm đọc (the Index of Forbidden Books of the Roman Catholic Church).

1/ Thời Thơ Ấu Và Đời Tư.

Anatole France sinh tại thành phố Paris vào ngày 16 tháng 4 năm 1844. Tên thật của ông là Jacques Anatole Francois Thibault. Cha của ông tên là Francois Noël Thibault, là một nhà bán sách, đã đặt tên hiệu sách của mình là “Thư Viện của Nước Pháp” (Librairie de France) vì vậy, ông đã dùng chữ “France” này trong bút hiệu “Anatole France”. Hiệu sách này chuyên bán các sách và tài liệu liên quan tới cuộc Cách Mạng Pháp, thường được các nhà văn danh tiếng và các học giả lui tới, như anh em Goncourt.
Ngay từ thuở nhỏ, Anatole France đã ưa thích sách và ham đọc sách. Cậu Anatole theo học tại trường trung học Stanislas, một trường tư thục Cơ Đốc (a private Catholic school) tại nơi đây, cậu chỉ là một học sinh trung bình và chính vào giai đoạn này, Anatole France đã mang các quan niệm chống quyền lực chính trị của giới giáo sĩ (anti-clericalism), để rồi về sau trong các tác phẩm, ông thường chế giễu nhà thờ và các giáo điều.
Trong tác phẩm “Cuốn Sách của Bạn Tôi” (Le Livre de Mon Ami = My Friend’s Book, 1885), một tiểu thuyết tự thuật, Anatole France đã mô tả các năm thiếu thời của mình là sung sướng.
Sau khi thi trượt văn bằng Tú Tài (baccalaureate) nhiều lần, Anatole France cuối cùng đã tốt nghiệp vào năm 20 tuổi, rồi trong thập niên 1860, ông đã là người giúp việc cho cha, làm thư mục sách (cataloguer) và phụ việc cho nhà xuất bản Bacheline-Deflorenne và nhà xuất bản Lemerre. Cũng có khi ông dạy học. Trong cuộc Chiến Tranh Pháp-Phổ, Anatole France đã phục vụ Quân Đội Pháp trong một thời gian ngắn và đã chứng kiến cảnh tàn sát của Công Xã Paris vào năm 1871.
Vào năm 1877, Anatole France kết hôn với cô Valérie Guerin de Sauville, cháu gái của Jean Urbain Guerin, họa sĩ đã vẽ hình Vua Louis 16, họ có một con gái tên là Suzanne, sinh năm 1881. Sự liên lạc của nhà văn Anatole France với các phụ nữ thì rất huyên náo. Vào năm 1888, ông bắt đầu luyến ái với bà Arman de Caillavet, là người bảo trợ nghệ thuật và điều hành một phòng văn chương nổi tiếng của Nền Cộng Hòa Thứ Ba (the Third Republic). Cuộc liên hệ tình cảm chấm dứt trước khi bà này qua đời vào năm 1910. Sau khi ly dị bà vợ chính thức vào năm 1893, Anatole France còn có nhiều luyến ái khác, đặc biệt với bà Gagey, rồi bà này tự tử vào năm 1911. Năm 1920, nhà văn Anatole France lại cưới bà Emma Laprévotte.
Nhà văn Anatole France qua đời tại Saint-Cyr-sur-Loire vào ngày 12 tháng 10 năm 1924, được chôn cất trong nghĩa trang cộng đồng Neuilly-sur-Seine (the Neuilly-sur-Seine community cemetery), gần thành phố Paris. Rất nhiều nhân vật cao cấp trong chính quyền của nước Pháp đã tham dự tang lễ của Anatole France và nhà thơ Paul Valery đã thay thế Anatole France trong Hàn Lâm Viện Pháp.

2/ Theo Nghiệp Văn Chương.

Là một nhà thơ và một nhà báo, Anatole France bắt đầu bước vào con đường văn chương với văn phong chịu ảnh hưởng của Voltaire và Fénélon. Khi cha của ông hồi hưu, Anatole France là người phụ tá biên tập (editorial assistant) và tham gia vào nhóm các nhà thơ Parnassian gồm có Gautier, Catulle, Mendes và vài nhà thơ khác. Từ năm 1867, Anatole France là một nhà báo, đã viết nhiều bài tường thuật và bình luận, phổ biến từ năm 1889 tới năm 1892, rồi các bài báo này được in thành 4 tập sách với tên là “Đời Sống Văn Chương” (La Vie Litteraire).
Vào năm 1869, Tờ Parnasse Thời Báo (Le Parnasse Contemporain) đã xuất bản một trong các tập thơ của ông với tên là “Phần của Madeleine” (La Part de Madeleine). Vào năm 1875, Anatole France ở trong ủy ban biên tập của tờ Thời Báo kể trên.

Vào năm 1876, do sự giới thiệu của nhà thơ Parnassian hàng đầu là Leconte de Lisle (1818-1894), Anatole France được mời làm phụ tá quản thủ thư viện (an assistant librairian) cho Thượng Viện Pháp (the French Senate) và ông đã giữ chức vụ này trong 14 năm. Leconte de Lisle cũng khuyến khích Anatole France phổ biến tuyển tập thơ đầu tiên “Các Bài Thơ Vàng” (Les Poemes Dorés, 1873) rồi sau đó là tuyển tập các truyện ngắn xuất bản vào năm 1879. Ông trở nên nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết “Tội Ác của Sylvestre Bonnard” (Le Crime de Sylvestre Bonnard, 1881), cuốn truyện này được ca ngợi vì lời văn lịch sự và nhờ vậy, ông đã giành được một giải thưởng của Hàn Lâm Viện Pháp.

Trong cuốn tiểu thuyết “Hàng Thịt Quay của Nữ Hoàng Pedauque” (La Rotisserie de la Reine Paudauque, 1893), Anatole France đã chế nhạo niềm tin vào thờ phượng, còn trong cuốn truyện “Các Ý Kiến của Jerome Coignard” (Les Opinions de Jerome Coignard, 1893), ông đã ghi nhận được khung cảnh xã hội của cuối Thế Kỷ. Ông được bầu làm hội viên của Hàn Lâm Viện Pháp năm 1896.
Anatole France đã giữ một phần quan trọng trong Vụ Án Dreyfus (the Dreyfus Affair). Ông đã ký tên vào Bản Tuyên Ngôn của Emile Zola để ủng hộ Alfred Dreyfus, một sĩ quan Do Thái bị kết án nhầm là gián điệp, và ông đã viết về vụ án này trong cuốn tiểu thuyết năm 1901 có tên là “Ông Bergeret” (Monsieur Bergeret, 1901).
Năm 1908, Anatole France cho xuất bản cuốn truyện “Hòn Đảo của các con chim cánh cụt” (L’Ile des Pinguoins, 1908), qua đó ông chế riễu bản chất của con người bằng cách mô tả sự biến đổi của các con chim cánh cụt thành các con người sau khi các con chim này được rửa tội một cách nhầm lẫn bởi Cha bề trên Mael.
Cuốn tiểu thuyết “Các Thiên Thần khát nước” (Les dieux ont soif, 1912) mô tả về thành phố Paris trong cuộc Cách Mạng Pháp, nói về một kẻ theo Robespierre cuồng nhiệt và các việc làm của anh ta trong các biến cố đẫm máu của Thời Kỳ Khủng Bố (the Reign of Terror, 1793-94). Đây là cách ôn lại để chống đối sự cuồng tín về chính trị và ý thức hệ và khai thác các cách giải quyết triết học khác nhau đối với các biến cố của thời đại.
Cuốn “Cuộc Nổi Loạn của các Thiên Thần” (La Revolte des Anges, 1914) được coi là tiểu thuyết sâu xa nhất của tác giả. Cuốn này kể lại chuyện của Arcade, thiên thần bảo vệ của Maurice d’Esparvieu. Arcade mắc vào tình yêu, tham gia vào phong trào cách mạng của các thiên thần rồi vào lúc cuối, đã nhận ra rằng công việc lật đổ Thượng Đế thì vô nghĩa trừ khi “chúng ta tấn công chính chúng ta”. Tác phẩm này đã chống đối sự bạo lực (violence) và chế độ chuyên chế (tyranny) và Anatole France đã dùng đề tài quen thuộc về xung đột tôn giáo từ cuốn sách “Thiên Đàng Đã Mất” (Paradise Lost) của John Milton. Nhân sinh quan của ông, hay cách nhìn đời, đã được mô tả qua các tác phẩm và được biểu lộ qua tuyển tập các lời ngụ ngôn (aphorisms) trong tập sách “Khu Vườn của Epicure” (Le Jardin d’Épicure = The Garden of Epicurus, 1895).
Vào ngày 31 tháng 5 năm 1922, tất cả các tác phẩm của nhà văn Anatole France bị liệt vào trong Danh Sách các Sách bị cấm đọc (the Index Librorum Prohibitorum = the Prohibited Books Index) của Nhà Thờ Cơ Đốc La Mã (the Roman Catholic Church) bởi vì tác giả đã chế giễu Thiên Chúa giáo. Danh sách cấm đoán này bị hủy bỏ vào năm 1966.

3/ Các Nhận Xét Về Các Tác Phẩm Của Văn Hào Anatole France.

Trong cuốn truyện “Tội Ác của Sylvestre Bonnard” (Le Crime de Sylvestre Bonnard, 1881), Anatole France mô tả Sylvestre Bonnard là nhà sử học kiêm nhà ngữ văn có tài với sự học vấn uyên bác và là nhân viên của Viện Pháp Quốc (Institute). Ông Sylvestre này sinh sống với các sách vở rồi đi tới đảo Sicily và thành phố Paris để tìm kiếm bản thảo quý báu của cuốn sách Truyện Truyền Thuyết Vàng (the Golden Legend) và cuối cùng ông ta đã tìm được bản thảo đó. Do tình cờ, ông Sylvestre đã gặp một cô gái trẻ tên là Jeanne, cô gái này lại là con của một phụ nữ mà ông ta đã có một thời yêu thương. Để che chở cho cô Jeanne khỏi sự lạm dụng của người bảo trợ tên là Mouche, ông Sylvestre đã mang cô gái ra đi rồi cuối cùng, cô Jeanne này đã kết hôn với cậu Henri Gelis, một trong các học trò của ông Sylvestre Bonnard.
Truyện “Hòn Đảo của các con chim cánh cụt” (The Penguin Island, 1908) nói về một hòn đảo hư cấu, ở phía bắc của châu  u, nơi đây cư ngụ là các con chim cánh cụt. Câu chuyện bắt đầu khi Cha Mael, một nhà truyền giáo Thiên Chúa, có tính tình bất thường trôi dạt tới hòn đảo này và đã tin tưởng rằng các con chim đứng thẳng là một loại người ngoại đạo, thuộc về một xã hội chưa theo Thiên Chúa giáo. Vì bị gần như mù và hoàn toàn điếc, nhà truyền giáo Mael đã nhầm lẫn các con chim là các con người, nên rửa tội chúng, điều này gây ra một vấn đề với Thiên Chúa bởi vì chỉ với con người mới được rửa tội. Từ nay bắt đầu lịch sử của Xứ Penguinia và lịch sử này phản ánh lịch sử của nước Pháp và vùng Tây  u, với cả nước Đức và hải đảo Anh Cát Lợi. Câu chuyện trải dài từ thời đại “đen tối” (Dark Ages) khi các bộ lạc Đức đánh phá lẫn nhau để tranh giành đất đai, tới thời đại Charlemagne và thời đại Phục Hưng, rồi tới cả thời kỳ văn minh kỹ thuật cao. Cuốn truyện đã châm biếm vụ án Dreyfus, lịch sử của châu  u… Qua tác phẩm này, Anatole France đã đả kích và châm biếm xã hội và bản chất con người, chế giễu cả các đạo đức, tập quán và nguồn gốc của tôn giáo cũng như luật pháp.
Truyện “Các Thiên Thần khát nước” (Les Dieux ont soif = The Gods are Thirsty) là cuốn tiểu thuyết xuất bản năm 1912 của Anatole France. Đây là một truyện hư cấu nói về cuộc Cách Mạng Pháp. Évariste Gamelin là một họa sĩ trẻ của thành phố Paris, sinh sống trong vùng Pont-Neuf. Cuốn truyện mô tả các năm đen tối của thời kỳ khủng bố (the Reign of Terror) tại thành phố Paris, từ năm thứ hai tới năm thứ ba. Là người trung thành với Robespierre, Évariste Gamelin trở nên quan tòa của tòa án cách mạng. Các vụ xét xử mù quáng của loại tòa án này đã khiến cho quan tòa trở nên điên khùng, ông ta đã lên án chặt đầu cả những người thân thiết nhất của ông ta. Gamelin khao khát công lý nhưng đã dùng quyền lực để trả thù những người đã không suy nghĩ giống như ông ta. Gamelin đã chết vì cùng một thứ dụng cụ công lý là máy chém, đây là thứ đã làm thỏa mãn sự khát máu và khủng bố của những con người tàn bạo.
Các nhà phê bình cho rằng khuyết điểm của Anatole France là do các cốt truyện thiếu sâu sắc, thiếu sự tưởng tượng sáng tạo nhưng các tác phẩm của ông thì rất đặc sắc vì tầm hiểu biết rộng lớn, vì sự khôn ngoan và đặc tính châm biếm, vì sự đam mê đối với sự công bằng xã hội. Đặc tính trong sáng cổ điển của các tác phẩm của Anatole France khiến cho ông được coi là nhân vật kế thừa của Denis Diderot và Voltaire.
Vào thập niên 1860, Anatole France đã tiếp xúc với các nhà thơ của Nhóm Parnasse và ông đã cho xuất bản tập thơ đầu tiên, rồi sau đó chuyển sang văn xuôi, ông đã nổi tiếng với cuốn tiểu thuyết “Tội Ác của Sylvestre Bonnard” (Le Crime de Sylvestre Bonnard). Trước kia, Anatole France thường mô tả cuộc sống và con người của thời kỳ Trung Cổ hay của thời kỳ suy vong của chế độ phong kiến thì qua đầu thế kỷ 20, ông lại viết về các sự kiện lịch sử hay sự kiện xã hội đương thời và phổ biến chủ nghĩa nhân văn của Rabelais và Voltaire, phê bình nền Cộng Hòa thứ ba của nước Pháp, chế giễu các kẻ gây ra chiến tranh. Anatole France đã nói ra một câu châm ngôn châm biếm: “Người ta tưởng rằng sẽ chết cho Tổ Quốc, người ta đã chết cho các nhà kỹ nghệ” (On croit mourir pour la patrie, on meurt pour les industriels).
Anatole France không ưa thích trường phái hiện thực (réalisme) của Emile Zola mà ông coi là có tính cách tàn bạo, và ông cũng không đồng ý với Charles Dickens và George Sand về tinh thần khoa học trong văn chương, bởi vì ông đã từng nói: “Người nghệ sĩ chỉ nhìn thấy các sự vật là xấu, sẽ không biết nhìn ra sự hài hòa của các sự vật”. Vì vậy trong các tác phẩm của Anatole France có nhiều yếu tố thần tiên (elements féeriques), đưa tới sự kỳ ảo (fantastique).
Anatole France cũng dùng tới nhiều loại hài hước, châm biếm, chẳng hạn trong trong cuốn truyện “Hòn Đảo của các con chim cánh cụt” (L’Ile des Pingouins) hay trong tập truyện “Crainquebille”, đây là lịch sử của một vụ bất công xã hội.

4/ Các Tác Phẩm Văn Thơ Của Văn Hào Anatole France.

A/ Thơ.
  •  Các Đoàn Quân Varus (Les Légions de Varus), phổ biến năm 1867 trong tạp chí Thơ Gazette .
  • Các Lời Thơ Vàng (Poemes dorés, 1873).
  •  Đám Cưới của Corinth (Les Noces corinthiennes = The Bride of Corinth, 1876).
B/ Văn.
  •  Jocaste và con Mèo gầy (Jocaste et Le Chat maigre = Jocaste and the Famished Cat, 1879), truyện.
  •  Tội Ác của Sylvestre Bonnard (Le Crime de Sylvestre Bonnard = The Crime of Sylvestre Bonnard, 1881), tiểu thuyết.
  •  Tham Vọng của Jean Servien (Les Désirs de Jean Servien = The Aspirations of Jean Servien, 1882), tiểu thuyết.
  • Con Ong (Abeille = Honey-Bee, 1883).
  • Balthasar (1889), truyện ngắn.
  • Thaïs (1890), tiểu thuyết.
  •  Cái Túi sà cừ (L’Etui de nacre = Mother of Pearl, 1892), tập truyện.
  •  Hàng thịt quay của Nữ Hoàng Pédauque (La Rotisserie de la Reine Pédauque = At the Sign of the Reine Pédauque, 1892), tiểu thuyết.
  •  Các Ý Kiến của Jérome Coignard (Les Opinions de Jérome Coignard = The Opinions of Jerome Coignard, 1893), tiểu thuyết.
  • Bông Huệ Đỏ (Le Lys rouge = The Red Lily, 1894), tiểu thuyết.
  •  Cái Giếng của Nữ Thánh Claire (Le Puits de Sainte Claire = The Well of Saint Clare, 1895), tập truyện.
  •  Lịch Sử Hiện Đại (L’Histoire contemporaine = A Chronicle of Our Own Times, 1897-1901).
  • Lịch Sử Kịch Câm (Histoire comique = A Mummer’s Tale, 1903).
  •  Trên Tảng Đá Trắng (Sur la pierre blanche = The White Stone, 1905), tiểu thuyết.
  •  Vấn đề Crainquebille (L’Affaire Crainquebille, 1901), truyện ngắn sau chuyển thành kịch.
  •  Hòn Đảo của các con chim cánh cụt (L’Ile des Pingouins = Penguin Island, 1908), tiểu thuyết.
  •  Các chuyện kể của Jacques Tournebroche (Les Contes de Jacques Tournebroche = The Merrie Tales of Jacques Tournebroche, 1908).
  •  Bẩy người vợ của con Yêu Râu Xanh (Les Sept Femmes de Barbe bleue et autres contes merveilleux = The Seven Wives of Bluebeard and Other Marvellous Tales, 1909).
  •  Các Thiên Thần khát nước (Les dieux ont soif = The Gods are Athirst. 1912), tiểu thuyết.
  •  Cuộc Nổi Loạn của các Thiên Thần (La Révolte des anges = The Revolt of the Angels, 1914), tiểu thuyết.

C/ Các Hồi Ức (Memoirs).

  •  Cuốn Sách của Bạn Tôi (Le Livre de mon ami = My Friend’s Book, 1885).
  • Pierre Nozierre (1899).
  • Pierre Bé Nhỏ (Le Petit Pierre = Little Pierre, 1918).
  • Đời Nở Hoa (La Vie en fleur = The Bloom of Life, 1922).
  • D/ Các Vở Kịch (Plays).
  • Hạnh Phúc nhỏ nhoi (Au petit Bonheur, 1898).
  • Crainquebille (1903).
  •  Hài kịch về người đàn ông cưới bà vợ câm (La Comédie de celui qui époussa une femme muette = The Man Who Married A Dumb Wife, 1908).
  • Cô Người Mẫu Giả (Le Mannequin d’osier = The Wicker Woman, 1928).
E/ Truyện Lịch Sử.
  •  Cuộc Đời của Jeanne d’Arc (Vie de Jeanne d’Arc = The Life of Joan of Arc, 1908).
F/ Phê Bình Văn Học (Literary criticism).
  • Alfred de Vigny (1869).
  • Lâu Đài Vaux-le-Vicomte (Le Chateau de Vaux-le-Vicomte, 1888).
  • Thần Latin (Le Génie Latin, 1909).
G/ Phê Bình Xã Hội (Social criticism).
  •  Khu Vườn Epicure (Le Jardin d’Épicure = The Garden of Epicurus, 1895), tập cách ngôn.
  • Các Ý Kiến Xã Hội (Opinions sociales, 1902).
  • Phe phái đen (Le Parti noir, 1904).
  • Hướng về các thời kỳ tốt hơn (Vers les temps meilleurs, 1906).
  • Trên con đường vinh quang (Sur la voie glorieuse, 1915).
  •  Ba mươi năm của đời sống xã hội (Trente ans de vie sociale, 4 volumes, 1949, 1953, 1964, 1973).
Phạm Văn Tuấn
Share.

Leave a Reply