Saturday, November 23 Bitcoin là gì? Có nên đầu tư vào bitcoin hay không?
Hiếu Chân/Người Việt

Những ngày Tháng Bảy này, người xa quê không khỏi đau đớn khi nhìn về thảm cảnh dịch giã ở quê nhà. Sài Gòn, Sài Gòn thân yêu đã thực sự “vỡ trận.”

Cảnh sát giao thông kiểm tra người dân ra đường tại giao lộ Bạch Đằng-Xô Viết Nghệ Tĩnh, Sài Gòn. (Hình: Minh Hòa/Tuổi Trẻ)

Những hình ảnh tưởng không bao giờ thấy trên báo chí nhưng nay lại hiển hiện: Hàng ngàn người gồng gánh trên xe gắn máy, xe đạp tìm cách rời khỏi thành phố – nơi từng là đất lành dung dưỡng họ; những hàng xe cứu thương dài dằng dặc chở tử thi từ các bệnh viện, khu cách ly đến trung tâm hỏa thiêu ở nghĩa trang Bình Hưng Hòa; những gương mặt thất thần trên đôi bàn tay chìa ra nhận hộp cơm cứu trợ sau nhiều ngày đói lả… Nhiều hình ảnh nhìn mà mắt cứ nhòa đi.

Không có từ ngữ nào có thể mô tả được nỗi đau thương, tuyệt vọng và phẫn uất của người Sài Gòn những ngày này trong vòng vây của giới nghiêm, phong tỏa, cách ly giữa lúc dịch bệnh và bạo quyền.

Một tháng trước, ngày 29 Tháng Sáu, trên trang báo này, chúng tôi đã có bài “Việt Nam chống dịch COVID-19: Tham lam và độc ác!” vạch trần những thủ đoạn tàn bạo của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam với nhận định: “một chính quyền vừa bất tài vừa tham lam và ngu dốt trong cuộc chống dịch, mà những chính sách tàn bạo của họ đang đẩy cả đất nước vào thảm trạng khó cứu vãn nổi.”

Bây giờ thì thảm trạng đó đang hiển hiện, ngày càng bức bối và thê thảm. Theo truyền thông trong nước, Sài Gòn, tính đến sáng 30 Tháng Bảy đã có 85,288 trường hợp nhiễm COVID-19, có 1,057 bệnh nhân tử vong vì COVID-19. Đây mới chỉ là con số thống kê của nhà cầm quyền, con số thực tế có thể cao hơn vài lần; và từ con số đó ta có thể hình dung ra nỗi tang thương của nhiều gia đình ở thành phố hiện nay.

Trong một tháng qua, đã có nhiều tiếng nói của các y bác sĩ, trí thức trong nước yêu cầu nhà cầm quyền thay đổi biện pháp chống dịch, nhưng những tiếng nói đó hầu như rơi vào những cái lỗ tai điếc. Ông Đỗ Duy Ngọc, một nhà báo tự do, viết: “Nhà nước nên tìm ra giải pháp tốt hơn là ra lệnh cấm đoán và giới nghiêm. Càng siết mạnh càng gây hoang mang và âu lo. Bữa cơm càng lúc càng vơi dần đi vì không còn phương sinh kế, ức chế vì bị tù túng và bế tắc vì không kiếm ra tiền mua rau gạo. Những thứ ấy khiến cho người dân dễ sinh ra bất mãn và có những hành vi thiếu kiểm soát.” Nhưng có nhà nước nào nghe!

Cho đến nay nhà cầm quyền vẫn chỉ chống dịch bằng biện pháp đàn áp: cách ly, phong tỏa, cấm đoán và giới nghiêm. Chuyện đó không lạ vì bản chất của chính quyền Việt Nam là công an trị. Ông Phạm Minh Chính, thủ tướng, và ông Nguyễn Văn Nên, bí thư Thành Ủy, chẳng phải đều là tướng công an chuyển nghề đó sao. Với những kẻ cầm quyền như vậy, biện pháp ưu tiên hàng đầu là “chuyên chính,” là giới nghiêm và trấn áp nặng tay để không ai còn dám ra đường tụ tập biểu tình đòi quyền sống, quyền tự do – như chuyện vừa xảy ra ở nước Cuba Cộng Sản “đồng chí canh giữ hòa bình” của họ hôm Chủ Nhật, 11 Tháng Bảy.

Dù họ luôn miệng gào thét “chống dịch như chống giặc” nhưng thực tế cho thấy họ không sợ dịch mà chỉ sợ người dân vùng dậy lật đổ cái guồng máy kìm kẹp tàn bạo. Người dân vốn đã khốn khổ vì dịch bệnh, vì sinh kế đình đốn, lại phải đối đầu thường trực với những biện pháp hà khắc của nhà cầm quyền nên càng thêm bế tắc, đã đến mức không chịu đựng nổi. “Cùng tắc biến” là chuyện hoàn toàn có thể xảy ra.

Nhà cầm quyền Cộng Sản một mặt ra sức trấn áp bằng các chỉ thị gia tăng phong tỏa và cưỡng bức, mặt khác gia tăng bóc lột. Chưa bao giờ công an, dân phòng lúc nhúc ở các trạm gác mọc lên đầy dẫy để phong tỏa các khu dân cư lại nhiệt tình “phạt vạ” như hiện nay: Ra đường không có lý do chính đáng – phạt 2 triệu đồng ($87); đi giao hàng ngoài địa bàn quận cư trú – phạt 2 triệu đồng; đi mua hàng hóa “không thiết yếu” – phạt 2 triệu đồng… Người dân như chim trong lồng, cá trên thớt, lúc nào cũng phập phồng lo sợ bị nhiễm virus và bị những khoản phạt vạ quái gở mà nhà cầm quyền sẵn sàng trút lên đầu họ.

Để hình dung được người dân đã bị bóc lột đến mức nào chỉ cần biết trong bảy tháng đầu năm nay, nhà cầm quyền đã thu vào ngân sách 819.4 ngàn tỷ đồng ($36 tỷ), bằng 61% dự toán cả năm; trong đó thu từ các nguồn nội địa đạt 661.9 ngàn tỷ đồng ($28.5 tỷ), bằng 58.4% dự toán cả năm; bội thu gần 62,000 tỷ đồng ($2.7 tỷ).

Bảy tháng qua là thời kỳ dịch COVID-19 hoành hành, cao điểm là từ đầu Tháng Năm đến nay; hàng chục ngàn công ty, doanh nghiệp phải đóng cửa; hàng triệu người lao động bị mất việc; ngay cả các công ty nước ngoài lớn như Samsung, Intel cũng phải tạm ngừng sản xuất vì không thể thực hiện “ba cùng” (công nhân phải ở lại nhà máy, cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc) theo yêu cầu của nhà cầm quyền. Vậy thì lấy đâu ra số “bội thu” khổng lồ, câu hỏi không quá khó trả lời. Đã không xuất ngân khố ra hỗ trợ người dân lúc thiên tai địch họa mà còn ra sức vơ vét, vắt kiệt sức dân thì họa may chỉ có chính thể cộng sản độc tài đảng trị mới làm được!

Ông Đỗ Ngà, một người dùng Facebook ở Việt Nam, nhận xét: “Con số đã nói lên tất cả. Chính quyền này nó xem núi tiền trong ngân khố của nó quan trọng hơn số phận toàn dân. Đảng chỉ biết bóc lột toàn dân chứ chưa bao giờ biết hỗ trợ toàn dân. Người Việt kỳ vọng gì ở cái chính quyền ích kỷ này chứ? Đừng mơ!”

Mới đây, ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch thành phố, quyết định thành lập “Tổ tư vấn về chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế” với tám thành viên do Tiến Sĩ Vũ Thành Tự Anh, trường Chính Sách Công và Quản Lý Fulbright, Đại Học Fulbright Việt Nam, làm tổ trưởng. Danh nghĩa là tư vấn chính sách phòng chống dịch nhưng trong tám ông cố vấn chỉ có một ông là bác sĩ từ trường Đại Học Y Dược có thể có hiểu biết về chống dịch, ba ông giảng viên trường Fulbright chuyên về quản trị kinh tế, hai ông chuyên về nhu liệu điện toán (software) từ “khu công nghệ phần mềm” và hai ông từ trường luật. Nhìn vào thành phần cố vấn đủ thấy tổ tư vấn này không nhằm giúp chống dịch mà tìm cách phục hồi kinh tế – một chuyện nói cho vui thì được mà làm thì không khi đại dịch vẫn hoành hành, người dân chưa được chích ngừa đầy đủ để các cơ sở kinh doanh có thể yên tâm mở cửa hoạt động. Xem ra nhà cầm quyền vẫn không coi trọng việc chống dịch và bảo vệ sức khỏe, sinh mạng người dân, không thấu hiểu nỗi thống khổ mà người dân đang chịu đựng.

Nhà báo Phan Thị Châu, cựu phóng viên báo Phụ Nữ TP.HCM, chủ nhân chuỗi quán cơm từ thiện Nụ Cười ở Sài Gòn, viết: “Tôi đưa những tấm hình và clip mà nhân viên trong quán quay được để các ông, các bà ở trên cao xem đi. Xem, nếu không thấy lòng mình chùng lại, thương dân đói nghèo, để sửa đổi những quy định chưa hợp lý trong giai đoạn chống dịch lúc này đây thì quả… hết thuốc chữa!”

Quả thật là đã hết thuốc chữa; không phải chữa COVID-19 vì đã có vaccine viện trợ từ Mỹ, Nhật, Úc mà chữa cái bệnh vô tri vô cảm, cái bệnh tham lam và độc ác của chính quyền Cộng Sản ở Việt Nam. [qd]

Share.

Leave a Reply