Việc tiêm vaccine đã và đang được đẩy mạnh trong những ngày qua tại hai đô thị lớn nhất nước, với mục tiêu chậm nhất là ngày 15/9, toàn bộ người dân TP Hồ Chí Minh và Hà Nội từ 18 tuổi trở lên được chủng ngừa ít nhất là một mũi.
TP Hồ Chí Minh kéo dài lệnh phong tỏa
Tuy nhiên, giới chức TP Hồ Chí Minh nói cần tiếp tục áp dụng lệnh hạn chế cho tới cuối tháng Chín nhằm cô lập các ổ dịch, đẩy nhanh việc tiêm mũi hai và hạn chế tình trạng quá tải cho các bệnh viện, hệ thống y tế thành phố.
Số liệu cập nhật đến cuối ngày 11/9 cho thấy mới chỉ 18% dân số ở thành phố thương mại lớn nhất nước đã tiêm đủ hai mũi.
Tính đến nay, Việt Nam ghi nhận hơn 610 ngàn ca nhiễm Covid-19 và hơn 15 ngàn ca tử vong.
TP Hồ Chí Minh là địa điểm bị nặng nhất, chiếm hơn nửa số ca lây nhiễm, và 80% các ca tử vong.
Lệnh ‘ai ở đâu ở yên đó’ khiến nhiều người lao động nhập cư mắc kẹt tại thành phố, không thể về quê nhưng cũng không có cách nào trang trải cuộc sống trong cảnh không công ăn việc làm và thậm chí trong một số trường hợp là không cả chỗ trú thân.
Đã xảy ra hàng loạt các đợt rời TP Hồ Chí Minh ồ ạt bằng xe máy, xe đạp, thậm chí bằng đi bộ sau mỗi lần thành phố tuyên bố gia hạn ‘giãn cách toàn xã hội’.
Đã xảy ra vụ người đàn ông chở vợ và đứa con mới sinh được vài ngày tuổi trên chiếc xe máy cà tàng quyết tâm vượt quãng đường cả ngàn km.
Rời miền Nam trên chiếc xe tải mang biển kiểm soát của TP Hồ Chí Minh, họ, 15 người dân miền Trung từ Quảng Trị, Huế, Hà Tĩnh, Nghệ An, đều mang bên mình giấy xét nghiệm âm tính còn hiệu lực. Tình trạng của khi bị phát hiện trong thùng xe, là “vã mồ hôi, một số người có biểu hiện khó thở”, theo tường thuật của VTC.
Hà Nội muốn nới lỏng từng bước
Đây là đợt bùng phát Covid-19 thứ tư tại Việt Nam, bắt đầu từ cuối tháng 4/2021.
Trước đó, Việt Nam là một trong số các quốc gia được đánh giá là đã duy trì được mức lây nhiễm, tử vong thấp trên thế giới.
Tuy nhiên, sức tàn phá dữ dội và nhanh chóng khủng khiếp của đợt bùng phát mới nhất này so với những lần trước đã khiến Việt Nam rơi vào nhóm các nước đang chật vật nhất.
Chỉ số Phục hồi Kinh tế Covid-19 của Nikkei Asia, tính đến ngày 31/8/2021, xếp Việt Nam ở vị trí cuối bảng, 121/121 quốc gia.
Tình trạng phong tỏa kéo dài tại khiến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào hoạt động sản xuất bị ảnh hưởng nặng, với sản lượng công nghiệp, xuất khẩu và doanh số bán lẻ đều giảm mạnh trong tháng Tám.
Thủ đô Hà Nội, tỉnh Bình Dương và một số tỉnh thành khác ở miền Nam đang muốn dần nới lỏng lệnh ‘giãn cách toàn xã hội’, trong lúc Thủ tướng Phạm Minh Chính trước đó cảnh báo việc phòng chống Covid-19 sẽ còn kéo dài, và việc phong tỏa cùng các biện pháp cách ly khó có thể được áp dụng vô thời hạn.
Giới chức Hà Nội trong cuộc họp ngày 12/9 đã bàn tới khả năng mở cửa từng phần đối với các khu vực được đánh giá là an toàn của thành phố.
Phó chủ tịch UBND, ông Nguyễn Mạnh Quyền, được truyền thông trong nước dẫn lời nói đã yêu cầu các địa phương “tính toán, nghiên cứu, sớm có định hướng cho giai đoạn chống dịch sau ngày 21/9”, trang VietnamNet tường thuật.
Cùng lúc, Cục Hàng không Dân dụng đang đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho phép nối lại các đường bay nội địa sau nhiều tháng tạm ngưng.
Ngành hàng không đề xuất nối lại chuyến bay
Được biết phương án của Cục Hàng không Dân dụng đệ trình ba giai đoạn phục hồi hoạt động bay trong nước, với hai giai đoạn đầu sẽ được triển khai thử nghiệm mỗi giai đoạn 2 tuần.
Trong giai đoạn 1 và giai đoạn 2, đối tượng phục vụ chủ yếu là những người cần bay do nhu cầu thiết yếu, như người đi công vụ, thành viên lực lượng phòng chống dịch Covid-19, những người được các địa phương nơi đi/đến cho di chuyển / đón nhận, những người đã hoàn thành việc cách ly phòng dịch hoặc đã tiêm đủ vaccine, đã khỏi bệnh Covid-19, hoặc người không có mặt trong vùng đang kiểm soát dịch theo Chỉ thị 16 trước khi bay.
Số lượng các chuyến bay trong hai giai đoạn đầu cũng bị hạn chế, và hành khách, ngoài việc đáp ứng các yêu cầu trên, còn cần có kết quả xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ trước khi bay.
Việc mở cửa trở lại không hạn chế đối tượng hành khách khác chỉ được thực hiện từ giai đoạn 3, phù hợp với tình hình gỡ bỏ hạn chế phòng chống dịch tại các địa phương, theo nội dung đề xuất của Cục Hàng không Dân dụng.
Như vậy, thời gian sớm nhất người dân từ TP Hồ Chí Minh có thể bay trở lại là vào đầu tháng 11, còn với những người đang ở Hà Nội là tuần cuối tháng Mười, nếu như lịch trình phong tỏa không bị tiếp tục gia hạn so với kế hoạch hiện thời.
Phương án nối lại các hoạt động vận tải đường bộ hiện vẫn chưa được nêu.
Các tuyến xe khách nối Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với nhiều địa phương khác đã bị tạm dừng kể từ bắt đầu áp lệnh phong tỏa.(BBC)
Leave a Reply